Giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công: Dàn ý & văn mẫu

✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công. Giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu tham khảo. Đây là một đề bài khá hay giúp các em học sinh có thêm động lực mỗi khi cố gắng cho một mục tiêu nào đó.

Dàn bài giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công

Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.

Dàn ý giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công – Mẫu 1

Mở bài

  • Giới thiệu sơ lược về câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công.

Thân bài

#1. Giải thích
  • Giải thích khái niệm thành công: Thành công là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được.

  • Khi thành công, con người ta sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc với chính bản thân mình. 

  • Giải thích thất bại:

     không đạt được kết quả, mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra hay mong muốn, khát vọng bản thân

  • Thành công: đối lập với thất bại, thành công là đạt được mục tiêu, kế hoạch, mong ước, kỳ vọng của bản thân.

  • Mẹ là phép ẩn dụ so sánh.

  • Chúng ta có thể nêu rõ thêm ý nghĩa của từ mẹ trong câu tục ngữ

→ Câu tục ngữ nói về ý nghĩa của sự thất bại đối với thành công: chính thất bại là một tiền đề, một nhân tố không thể thiếu để đạt đến thành công, thất bại và thành công có mối quan hệ bổ sung lẫn nhau.

#2. Bàn luận
  • Tại sao nói thất bại là con đường để đi đến thành công nhanh nhất.

  • Thất bại giúp chúng ta rút ra những bài học, kinh nghiệm thực tiễn, sâu sắc

  • Khắc phục điểm yếu, thiếu sót để thành công hơn.

  • Thất bại giúp con người ta rèn luyện sự bền bỉ, kiên trì, ý chí kiên định, bản lĩnh

#3. Dẫn chứng
  • Nhà bác học vĩ đại Ê-đi-xơn

  • Nhà sáng lập KFC

  • Chàng trai phụ bếp trải qua 3 lần thi đại học nuôi ước mơ đỗ vào trường Sĩ Quan chính trị tại Hà Nội.

#4. Mở rộng vấn đề

– Không phải câu tục ngữ luôn đúng trong mọi trường hợp

  • Không phải bất kì thất bại nào cũng có thể dẫn đến thành công, vì có thể mục tiêu được đặt ra quá xa vời hay không đủ thực tế để đạt được

  • Có những thất bại có thể khiến cho mọi thứ sụp đổ, dừng lại luôn ở lúc ấy, không còn cơ hội để làm lại, nên càng không thể tiến tới thành công

  • Người mẹ thực sự của thành công là sự nỗ lực, cố gắng, kiên trì… còn sự thất bại chỉ là một bước đệm nhỏ mà thôi.

–  Một số bộ phận có suy nghĩ sai lệch

  • Đề cao quá sức sự thất bại, đổ lỗi sự thất bại cho người khác mà không đối diện với thất bại để sửa sai và làm bài học kinh nghiệm cho mình.

  • Cho rằng thất bại trước khi thành công là hết sức bình thường, không nỗ lực hết mình ngay từ đầu…

→ Từ đó rút ra cho mình bài học cá nhân

Kết bài

  • Suy nghĩ, đánh giá của em về câu tục ngữ Thất bại là mẹ của thành công

  • Rút ra những bài học cho bản thân đặc biệt là học sinh, sinh viên ngày nay

Dàn ý giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công – Mẫu 2

Mở bài

  • Giới thiệu về câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công

Thân bài

#1. Giải thích về câu tục 

  • Nghĩa đen: Là mối quan hệ liên kết giữa mẹ và con. Mẹ là người quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.

  • Nghĩa bóng: Từ “mẹ” là phép ẩn dụ của sự thất bại, và muốn có thành công thì trước hết phải có thất bại. Thất bại là bài học sâu sắc, là kinh nghiệm xương máu giúp chúng ta nhận ra điểm thiếu sót của bản thân, và nhờ vào sự thất bại thì bước chân của chúng ta sẽ ngày càng vững chắc bước đến sự thành công.

#2. Ví dụ về biểu hiện

  • Bắt đầu tập chơi một môn thể thao nào đó, ban đầu thì tay chân lóng ngóng vụng về, nhưng sau này có tham gia một cuộc thi nhỏ hoặc lớn.

  • Nguồn gốc của bóng đèn mà ngày nay chúng ta đang sử dụng, tất cả đều nhờ vào nỗ lực của nhà phát minh Edison, mặc dù trước đó ông đã thất bại hơn 10000 lần.

#3. Phản đề

  • Phê phán những người không biết cố gắng, phó mặc cuộc đời cho số phận, cũng như gieo rắc suy nghĩ tiêu cực của mình lên mọi người xung quanh và làm họ nhụt chí.

#4. Bài học rút ra và ý nghĩa

  • Cuộc đời là của mình, nên chúng ta hãy biết chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình bằng cách học hỏi, rèn luyện ý chí, cố gắng phấn đấu, không bỏ cuộc, không nản lòng trước mọi thất bại.

  • Từ đó còn có thể lan truyền được mặt tích cực đối với sự thất bại này đến mọi người xung quanh, khiến xã hội ngày càng phát triển.

Kết bài

  • Tổng kết lại, nhấn mạnh sự tích cực của câu tục ngữ này và liên hệ đến bản thân.

Dàn ý giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công – Mẫu 3

Mở bài

  • Giới thiệu câu tục ngữ

    “Thất bại là mẹ thành công ”.

Thân bài

#1. Giải thích
  • Thành công là những ước mơ, lý tưởng, mục tiêu đã được thực hiện hoàn thành.

  • Thất bại là khi vấp ngã gặp khó khăn gian nan.

  • Thất bại là mẹ thành công phải biết biết cách vượt qua, khắc phục những kinh nghiệm từ thất bại, trở ngại thì mới có thể đạt được những kết quả tốt đẹp.

#2. Ý nghĩa của câu tục ngữ

  • Thất bại sẽ giúp học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá.

  • Là động lực tiếp tục trau dồi những gì còn thiếu sót, bù đắp, rèn luyện để hoàn thiện mình.

  • Giúp tôi luyện ý chí, hoàn thành đến cùng mọi công việc, lý tưởng đã đặt ra. 

  • Sống có trách nhiệm hơn và tự tin lạc quan trong cuộc sống.

  • Được mọi người yêu quý ngưỡng mộ, noi gươ

    ng, xã hội công nhận và dễ dàng có nhiều

    thành tựu trong cuộc sống.

#3. Dẫn chứng

  • Đoàn Nguyên Đức

  • Louis Paxton

  • Walt Disney…

#4. Biểu hiện
  • Người có ý chí đứng lên sau những lần vấp ngã rút ra được những bài học khi thất bại.

  • Dám nghĩ dám làm .

#5. Bình luận
  • Phê phán những người không cố gắng hết sức, nhanh chóng nản chí, bỏ cuộc chán nản, buông xuôi mọi thứ.

  • Những người mù quáng, liều lĩnh cố chấp mãi với những sai lầm của mình không tiếp thu sửa đổi.

#6. Bài học cá nhân về thất bại là mẹ thành công
  • Dũng cảm đối diện với những lỗi lầm, không đổ lỗi cũng không từ bỏ, biết cách sửa chữa.

  • Có lập trường, kiên định với những mục tiêu, giữ bình tĩnh kiên cường, không nản chí hay lung lay mà phải nỗ lực hết mình.

  • Tìm ra nguyên nhân thất bại để khắc phục, cố gắng làm lại đến khi nào thành công thì thôi.

  • Biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác dành cho mình.

  • Có tinh thần lạc quan, tự tin không tuyệt vọng bế tắc.

Kết bài

  • Khẳng định lại ý nghĩa câu tục ngữ.

  • Rút ra bài học cho bản thân.

Văn mẫu giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công

Giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công – Mẫu 1

Trong cuộc sống mỗi chúng ta được sinh ra trên đời đều có mục tiêu kế hoạch, ước mơ trong cuộc sống. Con đường để tới thành công và đạt những kỳ vọng, những ước mơ đó là điều không dễ dàng. Chúng ta phải trải qua nhiều gian nan, thử thách và không biết bao nhiêu lần vấp ngã, thất bại để có thể chạm tới cảnh cửa ước mơ. Những thành công của ngày hôm nay là chúng ta đã không ngừng nỗ lực, kiên trì, bản lĩnh để đứng lên từ những lần thất bại trước đó. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu nhắc đến nguồn gốc của sự thành công nhưng thấm thía và sâu sắc và được dân ta lưu truyền bao đời nay: “Thất bại là mẹ thành công”

Thành công là gì? Thế nào là thành công? Là những câu hỏi được nhiều người đặt ra. Đối với mỗi chúng ta có những quan điểm về sự thành công khác nhau, tùy vào mục tiêu ban đầu cũng như sự thỏa mãn của bản thân mà họ có sự cảm nhận về thành công khác nhau.

Có người cho rằng thành công là khi chạm tay đến vạch đích với những mục tiêu kế hoạch mà mình vạch ra để hướng đến, có người lại quan niệm thành công là việc đạt đến những ánh hào quang của danh vọng, vật chất, địa vị xã hội, và cũng không ít người cho rằng tiêu chí để đạt được thành công là trở thành một người thật giàu có. Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ, mang bức tranh đầy màu sắc phong phú và chứa đựng những mật ngọt sự thành công cũng song song đó là những thất bại vấp ngã, cay đắng của cuộc đời. Thành công, hạnh phúc là những điều tốt đẹp, ngọt ngào mà ai trong chúng ta cũng khao khát hướng tới.

Có thành công thì cũng có thất bại. Thất bại là gì? Thất bại là việc không đáp ứng được mục tiêu mong muốn hoặc dự định. Thế nhưng bạn có biết rằng thất bại hay không do cách bạn nhìn cuộc sống nữa. Đối với riêng bản thân tôi khi tôi chưa đạt được điều mình muốn thì tôi sẽ không cho mình bỏ cuộc. Chỉ thất bại là tôi cho phép bản thân mình bỏ cuộc, không cố gắng kiên trì thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Thất bại là khi chính mình cho phép dừng lại. Những điều thành bại trong cuộc sống này ai cũng từng trải qua một lần. Những thất bại là những điều vụn vặt, thành công mới là điều đáng nhắc tới. Khi bạn vượt qua được, khi nhìn lại bạn sẽ thấy mọi thứ mình trải qua thật dễ dàng. Nếu lúc đó mình cho là không thể thì vĩnh viễn bạn sẽ là kẻ thất bại mãi mãi.

Thành công và thất bại có nghĩa đối lập nhau, tuy nhiên giữa chúng lại chứa những hàm nghĩa và có những mối quan hệ bổ sung cho nhau. Theo kinh nghiệm của dân gian ta đúc kết lại từ những bài học xương máu của người đi trước để lại và chỉ ra rằng: Thất bại là mẹ thành công. Tại sao mà ông cha ta lại khẳng định chắc chắn về mối quan hệ thành bại, đó không phải tự nhiên mà được xem là câu khẳng định có căn cứ. Bởi lẽ giữa hai yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ và mật thiết, hay nói cách khác thất bại là bàn đạp cho sự thành công vượt trội, thất bại là nhân tố tạo ra thành công.

Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” được dân gian ta truyền từ đời này sang đời khác và không thay đổi giá trị và mang tầm ảnh hưởng lớn đến với mọi người trong mọi thời đại, mãi trường tồn với thời gian. Bằng phép so sánh khẳng định qua từ “là” là sự kết hợp nghệ thuật ẩn dụ xem thất bại là mẹ của thành công. “Mẹ” ở đây là người sinh thành, trách nhiệm dạy dỗ mong muốn con mình được thành công. Vậy tại sao dân ta lại ví thất bại là mẹ của thành công bởi vì lẽ tự nhiên là thất bại chính là điểm yếu, sự sai sót cần phải sửa chữa và cải thiện, thất bại bổ sung cho ta sự hoàn thiện hơn, tạo nên sức mạnh. Trải qua nhiều lần thất bại thì khi đó ta sẽ tự đúc kết kinh nghiệm riêng cho mình và có thể chinh phục thất bại và đạt đến thành công, vinh quang. Thất bại lớn hay nhỏ, nhiều hay ít nhưng chúng ta nên nhớ không bao giờ chấp nhận đầu hàng, buông bỏ mà phải kiên trì, có ý chí, quyết tâm, bản lĩnh thì chắc chắn sẽ thành công. Không ai từ khi sinh ra đã được trải sẵn cuộc sống đầy màu hồng, luôn gặp may mắn, làm gì cũng thành công. Nhưng quan trọng là hãy biết nhìn vào thất bại mà đứng dậy không nản chí, mà hãy tự rút kinh nghiệm, không ngừng học hỏi bổ sung tri thức cho mình đó là con đường ngắn nhất để tạo thành công cho chính mình. Thành công không ai cho, chỉ tự mình cố gắng và tự nắm bắt lấy mà thôi.

Đúng vậy, trong thực tế cuộc sống để đạt được thành công và ước muốn của bản thân thì có ai trong chúng ta có đủ tự tin nói rằng mình không bao giờ trải qua thất bại mà một bước đạt được thành công luôn hay không? Chắc chắn là không, ai cũng từng nếm trải sự thất bại, không ai đạt được thành công lớn ngay từ đầu. Thời học sinh của tôi cũng vậy, những bài kiểm tra trước sẽ điểm không cao bằng những bài kiểm tra sau, điểm 8 điểm 9 sẽ nhiều còn điểm 10 thì hiếm hơn bởi vì lẽ tự nhiên có những dạng bài khó mà chưa được rèn luyện, thực hành làm bài tập nhiều thì sẽ khó đạt điểm tuyệt đối. Từ những bài kiểm tra trước tôi tự rút ra những kinh nghiệm làm bài và cải thiện điểm số cho những kỳ kiểm tra tiếp theo để đạt được điểm tuyệt đối là 10 không còn lặp lại trường hợp khống chế bởi những bài toán khó nữa. 

Những bậc vĩ nhân vĩ đại cũng vậy. A. Nô-ben từng làm nổ phòng thí nghiệm vài lần trước khi chế tạo ra được loại thuốc nổ hoàn hảo của mình. Lu-I Patx-tơ cũng đã vài lần thất bại trước khi tìm ra loại vắc xin phòng bệnh dại. Hay nhà phát minh vĩ đại Ê-đi-xơn nhờ sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm ý chí không bao giờ bỏ cuộc ông đã sáng chế ra bóng đèn điện sau 10000 lần thất bại. 

Hình ảnh quen thuộc của gà rán KFC nổi tiếng toàn cầu là hình ảnh một ông già lịch lãm trong bộ vest trắng, chòm râu bạc và cà vạt đen. Đó chính là người lập nên KFC, “Đại tá bang Kentucky” Harland Sanders. Ngày nay, KFC đã có mặt trên 100 quốc gia, nhưng thuở ban đầu, Sanders đã không bán được món gà của mình. Hơn 1.000 nhà hàng đã từ chối ông. Nhưng với tất cả mọi người, dù là người thường hay bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào đó để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, nó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta thực hành thành công.

Ngày nay, cũng rất nhiều anh, chị học lớp 12 rất giỏi, khi đi thi đại học không đỗ đạt từ lần đầu. Mà phải mất một hoặc nhiều năm sau mới đỗ. Nhưng các anh, các chị cũng luôn luôn học tập với tinh thần “Thất bại là mẹ thành công” để quyết chí thành tài. Cụ thể, sau kỳ thi THPT năm 2021 chắc hẳn ai cũng biết được chàng trai phụ bếp 3 lần thi, 2 lần được điểm 10 địa lý quyết tâm chạm tay vào ước mơ trở thành sĩ quan. Dù Đức là thí sinh tự do và là 1 trong 2 thí sinh Quảng Trị đạt điểm 10 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Qua 2 lần thi THPT Đức đã không đủ điểm dù hai lần thi trước Đức thiếu 0.25 điểm nhưng Đức không nản chí, không buông bỏ và quyết tâm thi lại trong kỳ thi 2021. Mặc dù cả ngày đi học nghề đầu bếp, rồi đi làm phụ bếp ở các nhà hàng, cơ thể mệt lả. Thế nhưng, đến tối trở về phòng trọ, Đức không nghỉ ngơi mà khẩn trương ôn bài đến 1h, 2h sáng hôm sau mới chợp mắt. Giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, ngủ không đủ giấc, khiến nhiều lúc em bị căng thẳng. Kết quả không phụ lòng người, không phụ sự quyết tâm, ý chí nỗ lực không ngừng và Đức đạt điểm số khá cao 27.5 điểm.

Các bạn biết đó con đường học tập là con đường nhiều chông gai vất vả, nhiều thách thức rất khó tránh khỏi những lần ta vấp ngã và thất bại, ví dụ như ta không giải được bài toán khó, không viết được bài văn cho điểm cao, không có thể học đều các môn học, không được điểm cao trong bài kiểm tra, chẳng hạn không đạt danh hiệu học sinh giỏi do bị khống chế điểm văn. Khi thấu hiểu và hiểu rõ nghĩa câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” bản thân mỗi chúng ta không ngừng cố gắng, quyết tâm để vượt qua những thất bại tạm thời để nỗ lực hơn vì những thành công to lớn đang ở phía trước. Cho dù là người thường hay bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề mà ta bị thất bại là vì đâu, để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá cho bản thân. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, đó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta đạt kết quả như mong đợi.

Các bạn biết đó không phải lúc nào câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Không phải thất bại nào cũng là bài học kinh nghiệm, bổ sung cho ta hoàn thiện và đạt thành công. Bởi lẽ khi mục tiêu thành công của bạn đặt ra nó quá xa so với thực tế với năng lực và bạn không đủ khả năng để đạt được, hay nói cách khác là theo đuổi giấc mơ viển vông. Nhiều thất bại có thể khiến người ta suy sụp, bi quan, tuyệt vọng và không còn cơ hội để làm lại và tiếp tục theo con đường gọi là thành công ấy. Bên cạnh những người có ý chí, nỗ lực, cố gắng, kiên trì vượt qua mọi gian nan thử thách để đạt được kỳ vọng thì song song đó lại tồn tại không ít cá nhân có suy nghĩ sai lệch họ luôn đề cao sự thất bại. Họ luôn đổ lỗi cho những người xung quanh, họ sẽ đổ lỗi cho mọi thứ, thậm chí là cha mẹ họ vì đã không cho họ cơ hội để thành công trong cuộc sống. Họ cứ mải mê đổ lỗi mà không biết kiểm điểm lại chính bản thân mình nên thành công càng ngày càng xa họ. 

Qua đó, mỗi chúng ta thay vì đổ lỗi để liên tiếp nhận thất bại tự bản thân mỗi người phải luôn cố gắng, kiên trì, phấn đấu để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Tại sao? Bởi vì ta biết thành công phụ thuộc vào nỗ lực, sự kiên trì và mục tiêu của bản thân mình mà thôi. Thất bại chính là động lực giúp ta vươn tới thành công. Vì thế, trước khi muốn đổ lỗi cho ai, hãy nhớ câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Người đầu tiên phải chịu trách nhiệm cho những thất bại của bạn là chính bạn, cũng chỉ có bạn mới có thể giúp bạn thành công và có một tương lai sáng lạn, hạnh phúc hơn. Khi thất bại thì đừng nên nản lòng, nhụt chí vì chính nó sẽ cứu vớt cuộc đời bạn về sau. Khi chúng ta biết chấp nhận thất bại có nghĩa chúng ta đã nhận ra những sai lầm mình mắc phải, chắc chắn lần sau chúng ta sẽ không vướng phải những sai lầm đó nữa.

Khác nhau giữa thành công và thất bại. Người thành công biết đối đấu với thất bại không bao giờ chấp nhận đầu hàng mà họ biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Con người không có ý chí rất dễ bị xã hội đào thải và chìm mãi trong thất bại đó mà thôi. Ngược lại nếu ai có ý chí, bản lĩnh không vì thất bại mà nhụt chí, họ lấy thất bại làm kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân, rút ra những bài học kinh nghiệm riêng cho mình, để từ đó vững vàng, tiếp tục vươn lên để đạt kỳ vọng và thành công như mong đợi. Câu tục ngữ  “Thất bại là mẹ thành công” hay câu “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là bài học vô cùng quý giá mà cha ông ta đã lưu truyền cho tới hôm nay. Trên con đường khởi nghiệp phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng ta luôn có niềm tin vững vàng, ý chí, lòng quyết tâm và bản lĩnh để có thể biến thất bại làm động lực để thúc đẩy ta bước đến thành công nhanh hơn.

Tóm lại, câu tục ngữ khuyên răn mỗi người chúng ta đừng vì thất bại trước mắt mà bỏ cuộc, nhụt chí mà hãy kiên trì và theo đuổi thành công đến cùng. Mỗi cá nhân đặc biệt là thế hệ trẻ học sinh, sinh viên phải ý thức rèn luyện bản thân, nỗ lực, nâng cao tri thức của mình từng ngày để đạt được những kỳ vọng, mục tiêu trong cuộc sống. Hãy đừng ngại ngần xông pha, dù thất bại cũng ngẩng cao đầu để bắt đầu giấc mơ. Chúng ta học cách chiến thắng từ sự thất bại và không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân, vì những thất bại tạm thời là đòn bẩy cho những thành công lớn hơn ở phía trước.

Nguồn: VerbaLearn.com

Giải thích câu tục ngữ thất bại là mẹ thành công – Mẫu 2

Trong xã hội, có lẽ có rất nhiều người vẫn còn đang cảm thấy mông lung, hoang mang về cuộc sống, về tương lai của mình, vì họ không có định hướng cụ thể, không có mục tiêu rõ ràng hoặc là đã có những dự định được ấp ủ từ lâu nhưng vì một lý do nào đó mà không thể khởi động kế hoạch, không dám để bản thân bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường ước mơ, làm ăn hay là khởi nghiệp,… Và trong vô vàn những lý do của con người, thì sẽ luôn luôn có một lý do xuất phát từ nỗi sợ. Đó là sợ làm sai, sợ bị chê cười,… và những nỗi sợ vô hình đó cũng đã vô tình khiến cho họ nhìn thấy một sự sợ hãi lớn hơn, mang tên sợ thất bại, nhưng quan trọng là họ có thái độ như thế nào đối với sự thất bại đó. Và để cho mọi người có cái nhìn tích cực hơn sau mỗi lần thất bại thì hôm nay chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu câu tục ngữ thấm thía được ông bà ta đúc kết qua bao đời, nói về mối liên kết đặc biệt xoay quanh sự thành công. Đó là câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công”. Lúc đầu nghe thì có vẻ khá mâu thuẫn. Bởi vì, tại sao thất bại lại có cái “vai vế” lớn hơn cả thành công được cơ chứ? Nhưng nếu có thể áp dụng điều này vào cuộc sống thì nó sẽ là một “vũ khí” giúp bạn vượt qua được khó khăn, thử thách đấy. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem câu tục ngữ này có ý nghĩa gì nhé!

Trước hết thì “thất bại” có nghĩa là những lần vấp ngã, những mục tiêu đã đề ra, những dự định hay công việc mà bản thân bỏ công sức làm lại không thể đạt được kết quả như mong muốn. Còn “thành công” có nghĩa là trạng thái hoặc điều kiện đáp ứng một loạt các kỳ vọng xác định, dễ hiểu hơn chính là những thành tựu, thành tích hay giá trị được đánh giá cao sau khi đã nỗ lực phấn đấu để có được. Cách dùng từ của ông bà ta khi xưa khá là độc đáo cho nên câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” cũng rất là thâm thúy. Bởi vì câu tục ngữ này có hai nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng, cũng vừa hay nghĩa đen lại có thể củng cố thêm thông tin và làm cho nghĩa bóng càng dễ hiểu và càng có tính chính xác hơn. Nghĩa đen của câu tục ngữ có nghĩa là nói về mối quan hệ mật thiết giữa người mẹ và người con và ai ai cũng biết mẹ là người quan trọng trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Còn về nghĩa bóng thì thất bại chính là cội nguồn, là nguyên nhân dẫn đến sự thành công. Và để giải thích một cách vẹn toàn thì “mẹ” là phép ẩn dụ cho thất bại, là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trước khi muốn có được thành công. Thất bại không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời hay là cho kết quả học tập cũng như sự nghiệp. Mà thất bại ở đây chính là những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm xương máu giúp ta ngày càng vững bước hơn để có thể đi lên đến đỉnh cao của sự thành công. Và khi chúng ta có thể hiểu ra, có thái độ tốt đối với sự thất bại đó thì chúng ta không những có thể biến nó thành động lực để vươn lên, mà nó cũng có thể xây dựng được tính nhẫn nại, sự kiên trì và giúp cho tinh thần của chúng ta trở nên ổn định hơn, chắc chắn hơn về những dự định tiếp theo.

Bởi có ai có được một thành công chắc chắn, không mông lung mà không gặp phải những lần vấp ngã hãy nếm phải mùi vị của thất bại đâu chứ. Giống như khi còn bé tập tành đi những bước đầu tiên, có mấy ai mà không bị ngã, hay khi tập đạp xe đạp cũng sẽ bị ngã mới càng thành thạo được. Hay như “Phù thủy Edison”, người đã thất bại hơn 10000 lần trong việc phát minh ra bóng đèn, nhưng nhờ có sự quyết tâm và kiên trì nên cuối cùng cũng thành công và đem lại ánh sáng cho nhân loại ngày nay. Hoặc giống những nhà tỷ phú thời bấy giờ, để có thể tự xây dựng được cho mình một “đế chế” vững chắc thì họ cũng đã từng có một quá khứ khó khăn, tối tăm. Như tỷ phú Jack Ma, trước khi trở thành ông chủ của “đế chế Alibaba” thì ông đã từng có một cuộc sống thiếu thốn và khó khăn. Chính tuổi thơ cơ cực đã thôi thúc Jack Ma tôi luyện ý chí và kiên cường để thoát nghèo. Tuy thành tích thời đi học không mấy vượt trội và còn thi rớt đại học hai lần, ông khao khát học hỏi đến mức dù bị Harvard từ chối những mười lần nhưng vẫn đều đặn nộp hồ sơ xin nhập học vào trường Đại học danh giá hàng đầu thế giới. Ông vẫn luôn tâm niệm rằng nếu không bỏ cuộc thì vẫn sẽ có cơ hội, bởi đối với ông thì “bỏ cuộc chính là thất bại lớn nhất của cuộc đời”. Và ông còn có một câu nói rất hay nói về sự thất bại: “Tôi học được rất nhiều từ những sai lầm của mình, từ những thất bại của mình. Tôi không bao giờ sợ chúng vì tôi biết cuộc đời ai cũng vậy, có nhiều sai lầm và thất bại lắm”. Qua đó, chúng ta có thể thấy được thái độ tích cực và sự “ngoan cố” của ông sau mỗi lần thất bại, không đầu hàng, không thỏa hiệp và không chịu khuất phục trước “số mệnh”.

Nhưng đây là điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Bởi vì xã hội bây giờ vẫn còn nhiều người không thể tự vực dậy sau mỗi lần gục ngã hay thất bại và đối với họ, một lần thất bại chính là một dao mài mòn đi ý chí của họ, và họ cứ mãi sống với một lối suy nghĩ tiêu cực, bởi hai từ thất bại “to tướng” ấy đã vô hình che đi những mặt khác, những cái nhìn khác của sự thất bại. Từ đó, họ cũng sẽ sợ hãi khi phải đối mặt với thử thách mới hay cơ hội mới, và khi nào hai từ thất bại còn treo trên đầu thì họ cũng sẽ không dám nghĩ tới việc thực hiện hoài bão to lớn hay ước mơ gì nữa. Càng sợ sẽ càng không dám gắng sức, không có ý chí nữa, tới đó cũng không thể tìm ra được cách khắc phục những vấn đề gặp phải, từ đó cũng sẽ không biết thành công là gì. Hay tệ hơn cả là những người không biết vươn lên, kiểu như bản thân sinh ra đã là người như vậy rồi, vận mệnh đã an bài, có cố gắng cũng không thay đổi được gì hết. Hay là những người “mê tín”, thay vì học hỏi những thứ bổ ích thì lại đi nghe ngóng về những chuyện như có nốt ruồi ở đây chính là một sai lầm, phải có ở chỗ kia thì mới giàu sang lên được, lên mạng để nghe những nhà “tiên tri online” phán rằng tuổi này là đã muộn rồi, không làm ăn được gì nữa đâu, năm nay xui xẻo dữ lắm đừng có làm cái gì hết,… rồi dần dần cũng “trở thành nhà tiên tri” luôn, đi gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực, những quan điểm cá nhân, hay những trải nghiệm trong suy nghĩ rồi “khuyên nhủ” người khác không nên làm như thế này, không nên làm như thế kia, nếu không tới lúc thất bại ê chề thì đừng có mà khóc lóc hay than thở. Đây đều là những người đến ngay cả ý chí hay quyết tâm để đi những bước đầu tiên cũng không có. Họ không những không có ý chí mà còn làm cho mọi người xung quanh nhụt chí, nhất là những người còn đang ở độ tuổi đi học, sẽ vô tình bị những “kinh nghiệm” này làm cho rụt rè, sợ hãi, không dám nỗ lực hay rèn luyện gì nữa, nếu ai cũng như vậy thì làm sao đất nước có thể phát triển và vươn ra tầm thế giới được. Cho nên chúng ta hãy cứ mạnh mẽ phê phán những người có lối suy nghĩ tiêu cực đó và hãy cho họ thấy được mặt tích cực của chúng ta, biết đâu họ sẽ thử một lần bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân và thực hiện mong ước.

Chúng ta không nên có một lối sống và suy nghĩ tiêu cực như vậy, nhất là các bạn trẻ, tuổi trẻ thì hãy cứ vô tư thực hiện những lý tưởng đúng đắn, hợp lý của mình đi và đừng lo sợ sẽ phải thất bại. Có thất bại mới biết được bản thân mình đang còn thiếu sót ở điểm nào để mà khắc phục và sự thất bại giống như thời gian để nghỉ ngơi vậy, chúng ta dừng lại một chút để thả lỏng, giúp cho đầu óc và cơ thể trở nên thoải mái và linh hoạt hơn và tiếp tục đi, chứ đừng dừng lại để “nghỉ ngơi” mãi. Nếu sống mà cứ lo sợ, e ngại trước sau về những điều không đâu, thì sẽ vô tình tạo nên một áp lực vô hình cho bản thân, rồi từ đó làm gì cũng thấy không ổn, sợ thất bại, mà không biết rằng sau mỗi lần thất bại cũng là một bước tiến đến gần sự thành công hơn và thành công vẫn luôn ở ngay trước mắt. Không ai có thể thay thế chúng ta sống cuộc đời của mình được, cuộc đời là của mình, trải nghiệm cũng chính là bản thân mình trải nghiệm và cũng chỉ bản thân mình mới có thể tự vực dậy ý chí, hãy cho bản thân cơ hội để tiếp tục bước đi, lúc đó chúng ta mới có thể đột phá bản thân và khám phá giới hạn của bản thân nằm ở đâu, năng lực của bản thân lớn như thế nào. Cho nên chúng ta không cần phải nghe những người thất bại khuyên nên bỏ cuộc, ngăn cản mình bước đi. Họ không làm được nhưng chắc gì mình cũng không làm được, chúng ta nên biết chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình và chỉ có bản thân chúng ta mới có thể làm được điều này. Khi chúng ta mỉm cười đối mặt với thất bại, thì thất bại sẽ trở thành động lực để ta vươn lên và ngày càng vững chắc, khi đó chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Khi đó bản thân cũng sẽ hạnh phúc hơn và có khi mọi người xung quanh sẽ nhìn thái độ tích cực, sự nỗ lực của bạn để học tập và cố gắng với cuộc sống của họ hơn.

Tuy nhiên, câu tục ngữ này không phải lúc nào cũng đúng, bởi đối với một số phương diện khắc nghiệt, dễ rơi vào bước đường “đã đi một chân vào quỷ môn quan” mà nói, chưa kịp biết thất bại là gì thì đã “ngủm” rồi. Cho nên chúng ta hãy nhìn nhận và để cho bản thân có một lý tưởng hợp lý để có thể sử dụng câu tục ngữ này một cách trọn vẹn hơn nhé!

Qua đó có thể thấy, câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” của ông bà ta chính là muốn gửi gắm những nguồn động lực lớn lao, để chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau khiến cho đất nước ngày càng phát triển hơn. Và bây giờ có rất nhiều cuốn sách của những người thành đạt, họ cũng chính là muốn tiếp thêm ý chí cho chúng ta trong mỗi lần thất bại và tìm được lối thoát để có thể tiếp tục bước đi. Bởi họ chính là nhân chứng cho bao lần thất bại nhưng vẫn có thể thành công. Và hãy giữ vững niềm tin về bản thân cũng như những việc đang hoặc sẽ làm, dù cho có thất bại bao nhiêu lần thì cuối cùng vẫn sẽ gặt được thành công.

Nguồn: VerbaLearn.com

Giải thích câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” – Mẫu 3

Cuộc sống của mỗi người là một bức tranh muôn hình vạn trạng có những sắc màu khác nhau. Bạn chọn màu sắc nào cho những khó khăn trắc trở? Chắc hẳn đó là gam màu trầm lặng u tối, nhưng khi nghe được câu tục ngữ “ Thất bại là mẹ thành công”, tôi lại chọn lựa những màu sắc tươi sáng nhất để gọi tên những trở ngại, khó khăn trong cuộc đời mình.

“Ai chiến thắng mà không hề thất bại

Ai nên khôn mà chẳng dại một lần”

Câu tục ngữ tuy chỉ có sáu từ ngắn gọn nhưng trong đó đã chứa đựng hai hình ảnh mang tính đối lập trái ngược nhau. Thành công là những ước mơ, mục tiêu, lý tưởng hoài bão đã được thực hiện, hoàn thành, con người ta đã đạt được những kết quả tốt đẹp như mong muốn. Thất bại chính là những lần trượt ngã là khi công việc gặp nhiều khó khăn, rào cản, phải đối đầu với những gian nan, thử thách trong cuộc sống, không được thuận buồm xuôi gió như ý muốn. Còn khi nhắc đến mẹ, hẳn ai cũng nghĩ đến những công lao to lớn của đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người, giúp ta khôn lớn trưởng thành. Qua đó ông cha ta đã sử dụng những hình ảnh có vẻ mang tính trái ngược nhưng lại khẳng định, bổ sung qua lại cho nhau: Coi thất bại là người mẹ đẻ thành công, bất cứ người mẹ nào mà chẳng kỳ vọng, mong mỏi những điều tốt đẹp, thành đạt nhất sẽ đến với đứa con thân yêu của mình. Từ nghĩa thực của câu tục ngữ ta cũng có thể rút ra được ngụ ý ẩn đằng sau đó là: Đừng nản lòng trước thất bại mà phải học tập rút ra kinh nghiệm, biết cách khắc phục từ chính những lần thất bại ấy sẽ dạy cho ta cách để đạt được những kết quả tốt hơn. Đọc thoáng qua “ Thất bại là mẹ thành công ” ta thấy có vẻ mâu thuẫn và vô lý, những người thất bại thì sẽ công thành công và ngược lại. Tuy nhiên, nó còn mang đến những ý nghĩa nhân văn khác sâu xa hơn mặt về mặt chữ nghĩa. Để thực hiện được cuộc hành trình của đời người, ta luôn phải ấp ủ những ước mơ, hoài bão, khát vọng và không ngừng cố gắng phấn đấu để đạt được chúng. Những con đường để chạm đến được cánh cửa thành công không dễ dàng, đơn giản như bạn nghĩ, trên chặng đường ấy chắc hẳn là sẽ đầy rẫy những tảng đá của sự khó khăn thử thách, những bão táp phong ba của cám dỗ đời thường, những rào cản của thói hư tật xấu, lười biếng, ỷ lại. Đó là những trở ngại mà bắt buộc con người phải vượt qua được, chúng ta có thể sẽ thất bại, gục ngã, mất hết ý chí, nếm trải những cay đắng, đớn đau, buồn rầu, thất vọng nhưng đó vẫn chưa là kết quả cuối cùng. “Muốn thành công phải qua nhiều thất bại. Trên đường đời có dại mới có khôn”, nếu như bạn biết cách tự đứng dậy từ những chỗ vấp ngã đau đớn, biết cách vượt lên trên những cạm bẫy, biết cách học hỏi rút kinh nghiệm, mạnh mẽ dũng cảm đối mặt, sai thì sửa, không nên tìm cách trốn tránh hay đùn đẩy thì chắc chắn thành công sẽ không ở đâu xa. Thực tế đã chứng minh rằng những người biết khắc phục vươn lên sau thất bại sẽ có nghị lực và bản lĩnh kiên cường hơn. Họ sẽ không ngần ngại đánh đổi nhiều thứ như thời gian, công sức, tuổi trẻ, tiền bạc để dám trải nghiệm, dấn thân, dám ước mơ dám thực hiện, không ngần ngại vấp ngã, khó khăn, vẫn luôn hướng về những mục tiêu phía trước để nỗ lực, phấn đấu. Bạn có biết trước khi chế tạo ra loại vắc xin tốt nhất để phòng chống bệnh dại cho người Louis Pasteur cũng đã từng thất bại rất nhiều lần trong quá trình thử nghiệm, không những thế lúc còn nhỏ ông còn là một trong những học sinh chỉ ở mức trung bình, về môn hóa, nhà bác học đứng hạng 15 trong tổng số 20 người, những kết quả thất bại đó không hề làm ông nản lòng mà còn là động lực mạnh mẽ giúp ông vươn cao hơn trên con đường nghiên cứu khoa học của mình. Trước khi sáng lập được Disneyland nổi tiếng đình đám thế giới Walt Disney đã từng đã nhiều lần bị sa thải ở các nhà soạn báo vì thiếu ý tưởng. Ngoài ra không ở đâu xa ông Đoàn Đức Nguyên chủ tịch của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hiện là một người rất thành công bởi tài năng và tâm huyết dành cho lĩnh vực bóng đá. Thế nhưng ít ai biết, ông đã từng thi trượt đại học bốn lần, ngày trẻ không tiền không nhà cửa phải đi làm thuê sống qua ngày. Với hai bàn tay trắng và với không ít lần thất bại ê chề, ông đã đứng lên và viết tiếp cuộc đời mình bằng những tràng sách huy hoàng nhất.

Henry Ford đã nói rằng: “Thất bại là cơ hội để bạn khởi đầu một lần nữa một cách hoàn hảo hơn”. Hãy sẵn sàng tinh thần bởi khi thất bại đến với bạn lúc nào cũng không hay biết được đâu nó có thể đến bất chợt, thất bại sẽ cho ta được những bài học, kho tàng kinh nghiệm vô giá, đó là những kinh nghiệm xương máu về những sai lầm để chúng ta quyết tâm không để nó lặp lại nữa, là những bí quyết để thành công hơn. Không chỉ vậy, khi thất bại còn là động lực thúc đẩy chúng ta tiếp tục tìm tòi và học hỏi, biết mình còn thiếu sót, có những điểm yếu nào để biết mà còn trau dồi, bù đắp, hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày. Giúp ta tôi luyện ý chí không dễ dàng chịu đầu hàng bỏ cuộc, hãy hành động nhiều hơn nữa để thực hiện cho bằng được công việc của mình, theo đuổi đến cùng những ước mơ. Có ý thức đương đầu với vấp ngã, khó khăn còn giúp bạn rèn giũa, ý thức sống có trách nhiệm, tự tin lạc quan vào khả năng của mình, trưởng thành hơn. Vì vậy, những người này sẽ được mọi người ngưỡng mộ, khâm phục, noi gương được xã hội công nhận tôn vinh và dễ gặt hái được những thành tựu rực rỡ. Đường đời không phải lúc nào êm đềm trải hoa cho bạn bước đi cả, những may mắn thuận lợi không phải lúc nào cũng mỉm cười chào đón, cho nên thái độ kiên trì bền bỉ trước những khó khăn thất bại là rất quan trọng. Thất bại thì cũng có những giá trị của nó, nếu bạn sợ trắng tay, sợ đau thậm chí sợ mất hết tất cả và hèn nhát không chịu va vấp thì chẳng bao giờ làm được những điều mình muốn. Để thành công ta phải biết chấp nhận cái giá phải trả cho những thất bại, không có ai là hoàn hảo, làm đúng ngay từ đầu. Như Lê nin nói: “ Chỉ có ai không làm gì cả mới không mắc sai lầm”. Điều đáng trách là khi chúng ta bỏ lỡ đi những cơ hội quý giá chỉ vì những lý do hết sức đơn giản là vì đã chưa cố gắng hết mình và không dám trải nghiệm. Đó là những người mới thấy sóng cả mà đã tuyệt vọng, chán nản, từ bỏ hẳn những mục tiêu mà mình đã đặt ra trước đó. Họ không biết cách để vượt qua cái bóng của sự thất bại, không chiến thắng được nỗi sợ của bản thân, bi quan, tự ti và chọn cách bỏ cuộc, nhụt chí, buông xuôi tất cả. Thật đáng buồn thay, cũng có những người không biết đúc kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm của bản thân. Sau khi thất bại họ vẫn đi theo lối mòn cũ, cố chấp, mãi đâm đầu vào cái ngoc cụt ban đầu, liều lĩnh trong sự mù quáng, sai lầm cứ nối tiếp sai lầm vậy càng nghiêm trọng và thất bại nặng nề hơn. Đúng là chúng ta ai cúng được phép thử và không sợ sai lầm nhưng miễn là sai lầm đó đừng lập đi lập lại quá nhiều lần với cùng một lỗi duy nhất. “Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm”. Sống ở đời, ai rồi cũng phải nếm trải cảm giác thất bại vài lần, bạn sẽ lựa chọn từ bỏ hay là đứng lên để đi tiếp để đạt những thành công quý giá. Đầu tiên, bạn phải dũng cảm đối diện với những lỗi lầm của mình, thất bại sẽ là cơ hội để ta phát triển bản thân mình hoàn thiện hơn và biết cách sửa chữa. Những bài học từ sự thất bại này chúng ta chẳng được dạy ở trường lớp nhưng trường đời sẽ dạy bạn những bài học quý báu từ cái thất bại đó. Jack Ma – CEO của Alibaba đã từng khẳng định: “Nếu bạn không bỏ cuộc bạn vẫn còn cơ hội. Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất”. Kiên định với những mục tiêu của mình, giữ được thái độ bình tĩnh không lung lay, chỉ cần có nỗ lực thì mọi khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Biết tìm ra nguyên nhân, những lý do tại sao lại thất bại và không đổ lỗi với bất kỳ điều gì rồi tập trung cố gắng làm lại thêm lần nữa. Không kiêu ngạo ngủ quên trên chiến thắng, phải ghi nhớ khắc sâu những lần thất bại ấy để tránh đi vào vết xe đổ đã trải qua. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, cho nên dù giông bão có lớn đến mấy nhưng chỉ cần ta có cái nhìn tích cực thì sẽ nhận lại những điều bất ngờ, giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tin tưởng chính bản thân mình trước những lần thất bại đó là điều rất cần thiết. Bạn không thể thay đổi quá khứ nhưng bạn có thể thay đổi tương lai.

Câu tục ngữ đã chứng minh được một chân lý đúng đắn rằng thất bại chính là gốc rễ để dẫn đến thành công, chúng có mối quan hệ mật thiết đối với nhau. Vì vậy, đừng xem thất bại là kết thúc mà đó chỉ là bước dừng chân tạm thời ta nghỉ ngơi để lấy sức, lấy lại tinh thần để tiến lên phía trước. Phải biết dẫm lên những sai lầm, tìm ra một hướng đi mới khác để không lặp lại chúng. Từ những ý nghĩa sâu sắc mà “Thất bại là mẹ thành công” đem lại tôi cũng rút ra những bài học cho riêng mình: Cuộc đời không phải lúc nào cũng sóng yên biển lặng, bão tố vẫn bất ngờ ập tới hãy chuẩn bị một tâm lý vững vàng để đối diện với tất cả bằng một trái tim dũng cảm, một tâm hồn mạnh mẽ, không lùi bước để vươn đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nguồn: VerbaLearn.com

Rate this post

Viết một bình luận