Giấm là nguyên liệu phổ biến trong không gian nhà bếp, nó vừa giúp tăng thêm hương vị cho món ăn vừa có tác dụng để khử mùi hôi thịt cá và một số đồ dùng bếp núc khác . Vậy giấm ăn là gì? Nhận biết các loại giấm thông dụng, phổ biến trong gian bếp ra sao? Cùng chuyên mục Mẹo vào bếp tìm hiểu ngay nào.
1. Giấm là gì?
Giấm là một loại chất lỏng, được lên men từ nhiều loại thực phẩm và thành phần chính của giấm được tìm thấy là dung dịch axit axetic (CH3COOH) có nồng độ dao động từ 2% – 5%.
Con người đã biết làm và sử dụng giấm từ hàng ngàn năm trước. Chẳng hạn, khoảng 5000 năm TCN, người Babylon đã dùng quả trà là để làm rượu và giấm. Hơn nữa, các vết tích của giấm đã được người ta tìm thấy từ 3000 năm TCN tại Ai Cập cổ đại.
Thậm chí, khoảng 500 TCN, ở Hy Lạp, vị cha đẻ của ngành y học hiện đại là Hippocrates đã sử dụng giấm táo hòa chung với mật ong để trị bệnh cảm lạnh và ho.
2. Các loại giấm thông dụng
Dưới đây là một số loại giấm thông dụng với những đặc điểm mà bạn có thể tham khảo trước khi sử dụng:
Giấm trắng
Đặc điểm
Lúc trước, giấm trắng được lên men từ thực phẩm quen thuộc như khoai tây, củ cải đường, mật ong đường hoặc váng sữa. Tuy nhiên, ngày nay giấm trắng được lên men từ rượu ngũ cốc (ethanol) và được bổ sung thêm một số thành phần dinh dưỡng khác như phốt phát hoặc men.
Giấm trắng có nồng độ axit axetic từ 4 – 7% và nước từ 93 – 96%, thậm chí một số loại giấm trắng có đến 20% axit axetic thường dùng cho mục đích công nghiệp (như làm sạch đồ dùng). Giấm trắng có màu trắng trong suốt, mùi hương mạnh và vị hơi chua cho đến chua gắt.
Công dụng của giấm trắng trong nấu ăn
- Giảm bớt độ mặn cho món ăn cùng với đường.
- Ướp thịt để tăng độ mềm cho thịt khi chế biến.
- Khử mùi tanh của cá bằng cách ngâm cá vào giấm trắng rồi rửa lại với nước sạch.
- Kéo dài thời gian bảo quản cá, giúp ca không bị ươn bằng cách phun một ít giấm trắng lên mình cá.
- Thêm giấm trắng vào nồi cá kho, giúp cá không bị nát, bở.
Giấm táo
Đặc điểm
Giấm táo được lên men từ quả táo tươi và có nồng độ axit axetic dao động từ 4 – 8%. Bạn có thể tìm thấy 2 loại giấm táo được phổ biến trên thị trường với đặc điểm sau:
- Giấm táo dạng nước: được sử dụng trong thời gian ngắn vì khó bảo quản.
- Giấm táo dạng bột: được tách nước từ giấm táo dạng nước bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại, đồng thời có thời gian sử dụng lâu hơn.
Nhìn chung, giấm táo có màu vàng nhạt, vị chua thanh dịu và thoảng mùi táo.
Xem thêm: Giấm táo là gì? 6 Công dụng của giấm táo và các món ăn hấp dẫn.
Công dụng của giấm táo trong nấu ăn
- Làm món thịt nướng tăng thêm hương vị đậm đà.
- Tăng thêm độ giòn xốp và hương thơm cho bánh nướng.
- Rửa trái cây bằng giấm táo, để loại bỏ bớt hóa chất.
- Dùng giấm táo để luộc trứng để rút ngắn thời gian luộc và giúp vỏ trứng không bị nứt.
- Tăng hương vị cho bánh kẹo.
Giấm gạo
Đặc điểm
Giấm gạo được lên men từ gạo và có nồng độ axit axetic cao hơn các loại giấm khác, vị chua dịu và không quá gắt. Đặc biệt, giấm gạo có màu trong suốt cho đến màu vàng nhạt, màu đen hoặc màu đỏ nhờ sử dụng loại gạo khác nhau như:
- Giấm gạo màu đen: được làm từ gạo nếp đen, thậm chí có thể dùng cao lương hoặc hạt kê. Nó có màu sẫm và hương vị đậm như mùi khói.
- Giấm gạo màu đỏ: được làm từ gạo đỏ bằng cách lên men từ việc nuối cấy từ Monascus purpureus nên cũng có hương vị đặc trưng.
Công dụng của giấm gạo trong nấu ăn
- Sử dụng trong món gỏi, một số loại sốt chua ngọt và ngâm rau củ quả.
- Giúp bảo quản thịt lâu hơn bằng cách phun giấm gạo lên bề mặt thịt sau khi cắt thái hoặc thấm giấy với một ít giấm gạo để gói thịt lại trước khi đặt vào tủ lạnh để bảo quản.
- Đối với giấm gạo đỏ có vị ngọt nhưng hơi chát nên chỉ thường sử dụng trong món mì, món súp hoặc món hầm.
Giấm rượu
Đặc điểm
Giấm rượu được lên men từ rượu, như rượu vang đỏ, rượu cherry, sâm banh hoặc bất kì loại rượu nào nhưng chỉ cần rượu ngon thì sẽ làm cho giấm rượu càng ngon hơn. Vì thế, màu sắc của giấm rượu và hương vị cũng khác nhau nhưng thường có vị chua ngọt dịu và nồng độ axit thấp hơn giấm trắng.
Công dụng của giấm rượu trong nấu ăn
- Khử thực phẩm có mùi tanh như cá.
- Thêm vào món ăn để có được hương vị thơm ngon hơn.
- Giúp cân bằng vị mặn của món ăn.
- Sử dụng cho một số loại sốt như sốt bơ, sốt mayonnaise,…
Giấm Balsamic
Đặc điểm
Giấm Balsamic được lên men từ rượu nho và được ủ trong thùng gỗ đến 50 năm nên có giá thành khá cao bởi hương vị rất đặc biệt. Vị chua của giấm len lỏi với vị ngọt, có màu đen và rất thơm.
Công dụng của Giấm Balsamic trong nấu ăn
- Làm nước sốt trộn salad hoặc rưới lên những món khai vị.
- Ướp sườn nướng để tăng thêm hương vị.
- Thêm vào nước luộc rau để giúp rau củ có màu xanh tươi ngon.
Hy vọng, bạn đã biết giấm ăn là gì? Nhận biết các loại giấm thông dụng, phổ biến trong gian bếp nhà mình ra sao rồi đấy. Chúc bạn có thêm nhiều món ăn ngon khi sử dụng giấm ăn phù hợp nhé!
*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nguồn Wikipedia.
Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 30/03/2021