Bị chấn thương, nên chườm nóng hay lạnh?
Đâu là những dấu hiệu giúp người tiêu dùng an tâm chữa bệnh bằng thảo dược?
Theo chia sẻ của bác sĩ Võ Nhật Linh và Đỗ Tân Khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, phương pháp dùng muối hột và thảo dược nóng chườm chỗ đau đã có từ lâu. Muối vốn là một dược liệu quý, trong đó chứa nhiều khoáng chất như: canxi, magiê, phốt pho, i-ốt, natri, kali…Muối có vị mặn có tính kháng viêm, sát trùng, có tác dụng tốt với các bệnh về xương khớp, ra mồ hôi tay chân đặt biệt là khi muối được làm nóng.
Muối hột rang nóng: có tác dụng chính là trừ phong thấp. Sức nóng của muối sẽ giúp làm giảm cơn đau nhanh chóng. Thích hợp cho những người bị căng cứng cơ, đau nhức xương khớp do lạnh, do sang chấn, hay bệnh khớp mạn tính…
Sử dụng muối chườm nóng kết hợp thêm các nguyên liệu như lá lốt, ngải cứu, tía tô, hương nhu…. là những thảo dược có nhiều tinh dầu giúp thông kinh lạc, có tác dụng chống viêm và giảm đau.
Lá lốt: thành phần chính là tinh dầu và alkaloid, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm theo tây y. Trong đông y lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm có tác dụng chỉ thống, trừ phong thấp, giảm đau, cầm nôn ói…
Ngải cứu: thành phần chính là tinh dầu và flavonoid, tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn, kích thích gây hưng phấn, giảm đau…. Trong đông y, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, giảm đau, sát trùng…
Hương nhu: thành phần chính là tinh dầu, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, hạ sốt… Trong đông y, hương nhu có vị cay, mùi thơm, tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi (phát hãn), thanh nhiệt, trừ thấp, giảm đau…
Tùy từng vùng miền mà thành phần thảo dược có thể thay đổi như: lá sả, lá bưởi, bạc hà, tía tô,… Liều dùng trung bình 20 – 30 gram lá tươi mỗi loại. Trường hợp không có lò vi sóng có thể rang muối hột nóng đến khi hạt muối nóng nổ lách tách, rồi trộn với dược liệu và cho vào túi vải, cột chặt rồi chườm vô vùng đau.
Các bước thực hiện:
– Cho muối hột vào tô.
– Lá lốt, ngải cứu, hương nhu cắt nhỏ để trên bề mặt muối hột, đậy lại bằng dĩa.
– Đưa tô muối hột và thảo dược đã đậy lại bằng dĩa vào lò vi sóng. Để chế độ lò vi sóng ở mức trung bình – cao, thời gian 4 – 5 phút.
– Lấy tô muối hột ra bỏ đĩa đậy, lấy khăn vải 80x80cm úp ngược tô muối hột, buộc chặt lại.
– Đặt một tấm vải lót 30x30cm ở vị trí cần chườm: cổ, vai, lưng, gối, bụng… đặt tô muối hột lên tấm vải lót.
– Di chuyển tô muối xung quanh chỗ chườm nếu quá nóng, chườm đến khi hết nóng.
– Chườm 1 – 2 lần/ngày.
Qua kinh nghiệm điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, phương pháp chườm bằng túi chườm thảo dược có hiệu quả cao trong các nhóm bệnh sau:
Nhóm bệnh đau cấp: Do nhiễm lạnh (cảm cúm, đau bụng do lạnh…), đau cổ gáy, đau lưng cấp, đau do viêm gân cơ…
Nhóm bệnh mạn tính: Đau khớp, cứng khớp do viêm thoái hóa khớp, đau lưng – đau cổ gáy mạn; Hội chứng dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng mạn tính; Đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, bế kinh; Hội chứng suy nhược mạn: mệt mỏi, sợ gió lạnh, dễ bị cảm lạnh, lạnh tay chân.
Một số trường hợp đặc biệt có thể dùng: Phụ nữ sau khi sinh (trị lạnh tay chân, đau tê các khớp, giúp thon gọn bụng…; Hỗ trợ điều trị giảm cân, giảm béo bụng…
Phương pháp trên chống chỉ định với những người đang bị sốt, dấu hiệu mất nước, các khớp bị viêm nóng đỏ; Người bệnh quá suy nhược, đang bệnh nặng (suy tim, suy gan, suy thận, đái tháo đường có biến chứng viêm thần kinh…); Người bệnh có khiếm khuyết về cảm giác, về nhận thức ( như giảm mất cảm giác do viêm thần kinh ngoại biên…)
Đối với các trường hợp bệnh lý khác, trước khi sử dụng cần sự tư vấn của bác sĩ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!