GDVN- Hỗ trợ là tốt, nhưng hỗ trợ mà không có việc làm thì vô tình nhà nước lãng phí kinh phí đào tạo, người học cũng lãng phí thời gian học tập trong nhiều năm trời.
Câu chuyện hàng ngàn giáo viên hợp đồng ngay tại Thủ đô Hà Nội mấy năm nay cứ nhì nhằng mãi mà giải quyết không xong, nhiều giáo viên hợp đồng bế tắc, bất lực trước việc đi tìm “biên chế” cho mình.
Hàng chục ngàn sinh viên sư phạm ra trường trên cả nước thất nghiệp vì không xin được việc, phải dạy hợp đồng tính tiền theo số tiết, hoặc phải đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Nhìn cái cảnh những thầy cô giáo đã dạy hợp đồng hàng chục năm trời phải tập trung trước cổng Bộ Nội vụ trong cái nắng gay gắt của ngày 10/6 vừa qua sẽ không khỏi xót xa.
Dù không quá bi quan, nhưng cứ nhìn vào thực tế việc làm của các giáo sinh sau khi tốt nghiệp trường sư phạm thì sẽ mường tượng cảnh ngành giáo dục rất khó tuyển sinh được nhiều người giỏi, tuyển dụng được nhiều người tài để bổ sung vào đội ngũ giáo viên cho ngành trong tương lai.
Sinh viên sư phạm cần việc làm khi ra trường hơn là những đồng tiền hỗ trợ khi học tập
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm thực ra cũng rất cần thiết nhưng chưa phải là vấn đề căn cơ trong những năm tới đây.
Bởi, theo dự thảo thì nhà nước sẽ hỗ trợ như sau:
“1. Hỗ trợ tiền đóng học phí: Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.
2. Hỗ trợ chi phí sinh hoạt: Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.
3. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học”.
Nhìn vào mức hỗ trợ hàng tháng, chúng ta thấy đó là một mức tiền lý tưởng đối với những em có hoàn cảnh khó khăn khi được hỗ trợ học tập.
Việc này sẽ ý nghĩa nhiều hơn khi mà các em ra trường có việc ngay, không phải chờ đợi, không phải vất vả ngược xuôi và không phải thất nghiệp như những năm qua.
Nhưng, ai dám đảm bảo sau khi hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt như vậy thì sinh viên ra trường sẽ có việc làm ngay? Tuy nhiên, dự thảo Nghị định này đã quy định thời gian, mức bồi hoàn rất cụ thể như sau:
“Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định tại khoản 1 Điều này sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Thời gian phải hoàn trả tối đa bằng thời gian được đào tạo tại cơ sở đào tạo giáo viên”.
Vậy nếu sinh viên sư phạm không tìm được việc làm cũng phải trả phí đào tạo hay sao? Nếu trả, họ lấy đâu ra tiền khi bản thân đang thất nghiệp?
Thực tế cho thấy hiện nay kinh tế của đa phần người dân cũng không còn quá khó khăn như trước đây nên việc hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cũng không phải là gốc rễ của vấn đề.
Cái mà người học sư phạm cần sau khi ra trường đó là việc làm, nếu công việc không khó khăn thì ắt học sinh lớp 12 sẽ có nhiều em thi, xét tuyển vào sư phạm chứ không nhất thiết phải hỗ trợ tiền hàng tháng.
Hỗ trợ là tốt nhưng hỗ trợ mà không có việc làm thì vô tình nhà nước lãng phí kinh phí đào tạo, người học cũng lãng phí thời gian học tập trong suốt nhiều năm trời.
Nhiều học sinh lớp 12 đang thờ ơ với ngành sư phạm
Thực tế cho thấy, vẫn có những học sinh phổ thông thích theo đuổi nghề sư phạm, nhất là một số con em giáo viên.
Nhưng đồng thời, sự thờ ơ của học sinh phổ thông đối với nghề sư phạm cũng ngày càng lớn dần vì các em chứng kiến những năm qua sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm ngày mỗi nhiều, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng tiêu cực.
Lương bổng đã thấp, áp lực công việc nhiều (nhất là giáo viên mầm non, tiểu học) mà thêm tình trạng phải chạy chọt việc làm thành ra người ta ngán ngại.
Trong khi, mấy năm gần đây thì khối ngành sư phạm được quy định điểm chuẩn đầu vào, xét học bạ thì phải loại giỏi (chỉ một số ít ngành tuyển loại khá) mới tuyển.
Nhưng cứ nhìn hàng ngàn giáo viên hợp đồng đã có hàng chục năm công tác ở ngay Thủ đô Hà Nội, nhìn hình ảnh thủ khoa sư phạm ở nhà đi nuôi lợn mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua cũng đủ làm nản lòng người học.
Vì thế, vấn đề cốt lõi nhất để đào tạo, tuyến dụng nhân lực ngành sư phạm phải bắt đầu từ những nút thắt đầu tiên là sinh viên ra trường có việc làm trước đã, các tiêu chí hỗ trợ khác cũng chỉ là thứ yếu.
Bởi thực tế cho thấy, sinh viên ngành sư phạm nếu không xin đi dạy được thì tìm việc làm khác rất khó khăn nên việc học sinh không mặn mà với khối ngành sư phạm cũng là điều dễ hiểu.
Tài liệu tham khảo:
//thuvienphapluat.vn/van-ban/thue-phi-le-phi/Nghi-dinh-chinh-sach-ho-tro-tien-dong-hoc-phi-doi-voi-hoc-sinh-sinh-vien-su-pham-433178.aspx
THANH AN