Giờ hành chính là gì? Giờ làm việc bình thường tính thế nào?

Giờ hành chính là gì? Giờ làm việc bình thường tính thế nào?

Người lao động làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, đặc biệt là cơ quan nhà nước rất cần nắm rõ những quy định về thời giờ làm việc bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của những người đó. Hiểu được tâm lý này, công ty Luật Minh Gia chúng tôi xin đưa ra những căn cứ pháp luật liên quan đến giờ hành chính, giờ làm việc bình thường qua bài viết dưới đây. Hy vọng đây sẽ là những thông tin bổ ích, giúp đỡ cho quý bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu.

1. Giờ hành chính là gì?

Giờ hành chính là một khái niệm chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nhưng lại được đa số mọi người sử dụng trên thực tế. Thông thường, đây là cách gọi chung để chỉ thời gian làm việc của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thường là dân văn phòng.

Khi nhắc đến giờ hành chính, phần lớn người dân sẽ hiểu là khung giờ làm việc trong ngày với thời gian tối đa là 08 tiếng. Trong đó, cụ thể về thời gian làm việc không được quy định chung mà tùy thuộc vào tính chất công việc, địa bàn hoạt động của mỗi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ có quy định khác nhau. Hiện nay, khung giờ phổ biến mà rất nhiều tổ chức áp dụng như sau: 

  • Thời gian làm việc buổi sáng: Từ 8 giờ đến 12 giờ.
  • Thời gian làm việc buổi chiều: Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30.
  • Thời gian nghỉ trưa là 1 giờ 30 phút.  
  • Thời gian làm việc trong tuần thường từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật nghỉ.  

Mỗi cơ quan, đơn vị sẽ áp dụng giờ làm việc khác nhau căn cứ vào tính chất công việc, do vậy các mốc thời gian trên có thể chênh lệch nhau từ 30 phút đến 1 giờ. 

2. Giờ làm việc bình thường tính thế nào? 

Đối với giờ làm việc bình thường, pháp luật đã quy định cụ thể tại Bộ luật lao động 2019. Theo điều 105 thì thời giờ làm việc bình thường được tính như sau: 

“Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.”

Thời giờ lao động trên áp dụng với người lao động trong điều kiện bình thường dựa trên căn cứ về cơ sở hạ tầng, môi trường lao động, thời tiết, sự hao phí sức lao động… của người lao động ở mức độ trung bình. Người sử dụng lao động sẽ xem xét, cân nhắc cụ thể về tính chất công việc của đơn vị mình để quy định thời giờ làm việc phù hợp. 

Ngoài quy định đó, trong một số trường hợp đặc biệt, thời giờ làm việc có thể thay đổi, áp dụng với lao động đặc thù như người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai thì có thể được giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày nếu đã thông báo cho người sử dụng lao động biết (khoản 2 điều 137 Bộ luật lao động 2019); hoặc thời giờ làm việc đối với người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (khoản 1 điều 146 Bộ luật lao động 2019).   

3. Quyền lợi của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường  

Thứ nhất, về việc làm thêm giờ 

Người lao động khi làm việc vượt quá khoảng thời gian quy định đối với thời giờ làm việc bình thường thì được coi là làm thêm giờ. Vấn đề này được quy định cụ thể tại điều 107 và điều 108 Bộ luật lao động 2019, trong đó, việc làm thêm giờ cũng phải tuân thủ quy định về thời gian tối đa làm việc trong 1 ngày; 1 tháng và 1 năm; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Bên cạnh đó, khi làm thêm giờ, người lao động sẽ được hưởng tiền lương cao hơn so với tiền lương thực trả theo công việc trong thời giờ bình thường, theo quy định tại điều 98 Bộ luật lao động 2019. 

Thứ hai, về thời giờ nghỉ ngơi  

Bộ luật lao động 2019 đã quy định cụ thể về thời giờ nghỉ ngơi bao gồm: Nghỉ trong giờ làm việc (điều 109); nghỉ chuyển ca (điều 110); nghỉ hàng tuần (điều 111); nghỉ lễ, tết (điều 112); nghỉ hàng năm (điều 113); nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương (điều 115). Như vậy, người lao động có thể tham khảo số ngày nghỉ tương ứng với mỗi trường hợp theo quy định để nắm rõ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt theo quy định tại điều 116, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi có thể thay đổi và được quy định cụ thể bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tuy nhiên vẫn phải tuân thủ quy định tại Điều 109 của Bộ luật lao động 2019.

Rate this post

Viết một bình luận