Giới thiệu khái quát thành phố Quảng Ngãi
Thành phố Quảng Ngãi là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi, được đặt làm tỉnh lỵ. Thành phố Quảng Ngãi nằm ở phía đông tỉnh, hữu ngạn sông Trà Khúc, tại tọa độ địa lí 180o48’Đ và 15o08’B. Ba phía đông, tây, nam đều giáp huyện Tư Nghĩa, phía bắc giáp huyện Sơn Tịnh (qua sông Trà Khúc); có Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua. Diện tích: 37,12km². Dân số: 122.567 người (năm 2005). Mật độ dân số: 3.302 người/km²(1). Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 2 xã (Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng); 8 phường (Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Chánh Lộ, Quảng Phú, Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh), với 166 thôn, tổ dân phố; trong đó:
Phường Nguyễn Nghiêm có 13 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 13;
Phường Trần Hưng Đạo có 18 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 18;
Phường Lê Hồng Phong có 14 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 14;
Phường Trần Phú có 24 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 24;
Phường Chánh Lộ có 20 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 20;
Phường Quảng Phú có 26 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 26;
Phường Nghĩa Lộ có 22 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 22;
Phường Nghĩa Chánh có 19 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 19;
Xã Nghĩa Dũng có 6 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 6;
Xã Nghĩa Dõng có 4 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 4.
Địa hạt thành phố Quảng Ngãi có dân cư, hình thành làng mạc từ lâu đời. Nơi đây được đặt làm tỉnh lỵ từ năm 1807, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, vị trí địa lý, thành phố Quảng Ngãi vẫn là một đô thị phát triển muộn so với nhiều đô thị khác trong nước. Sự phát triển muộn xét về mặt nào đó có một số thuận lợi nhất định, nhưng bao trùm vẫn là một khó khăn lớn trên đường phát triển.
Về hành chính, thành phố Quảng Ngãi trải qua nhiều thay đổi qua các thời kỳ lịch sử.
Toàn bộ địa hạt thành phố Quảng Ngãi xưa kia đều thuộc huyện Chương Nghĩa.
Tỉnh thành Quảng Ngãi
Vùng trung tâm nội thị của thành phố Quảng Ngãi vốn là xã Chánh Mông (sau đổi là Chánh Lộ), tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa. Từ năm Gia Long thứ 6 (1807), tỉnh thành Quảng Ngãi được dời về đây. Năm Gia Long thứ 14 (1815), thành được xây bằng đá ong. Thành có 3 cửa: Tây, Đông, Bắc (chưa rõ vốn có cửa Nam hay không); tỉnh thành do các kiến trúc sư Pháp theo giúp Gia Long thiết kế được xây dựng theo kiểu vôbăng (vauban) của Pháp, bình đồ vuông, chu vi 500 trượng hai thước (2000m); cao một trượng (4m), bốn phía có hào thành áp sát bờ thành rộng 5 trượng (20m). Thành có một trục dọc xẻ đôi thành từ cửa Tây đến cửa Đông (nay là đường Lê Trung Đình), chia thành ra hai phần nam, bắc, trong đó phần phía nam nhỏ bằng 1/2 của phần phía bắc. Từ ngoài vào thành có cầu bắc qua hào, có cổng thành. Các cơ quan đầu não của tỉnh nằm gọn trong thành. Theo trục đường từ phía tây đi xuống phía đông, phía tay trái (phần phía bắc) ở giữa có dinh Tuần vũ, phía tây là dinh Án sát, phía đông có dinh Lãnh binh, nhà lao, nhà thương ở phía sau; từ khi thực dân Pháp đô hộ, có thêm Nhà Dây thép (Bưu điện), Sở Lục lộ… Phía tay phải (phần phía nam đường) có Hành cung (nơi vua ngự trên đường công cán), đối diện với dinh Tuần vũ; về sau, ở phía đông có tòa Công sứ, phía tây có đồn Khố Xanh. Theo tài liệu Quảng Ngãi tỉnh chí do Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác chủ trương, biên soạn năm 1933, tại nội thành Quảng Ngãi có số nhà tư là 87 nóc với số người là 584 người, nhà tranh làm liền kề bên nhau của các công chức làm việc trong thành. Thời Nhật chiếm đóng, quân Nhật đóng quân cố thủ trong thành khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, sau phải rút đi. Năm 1947, thành được san bằng để thực hiện tiêu thổ kháng chiến.
Về tỉnh thành Quảng Ngãi trước khi dời về xã Chánh Mông, sách Đại Nam nhất thống chí cũng như các sách cổ khác đều ghi là ở xã Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay thuộc huyện Sơn Tịnh), đầu niên hiệu Gia Long (1802) dời đến xã Phú Đăng huyện Chương Nghĩa. Xã Phú Nhơn nay thuộc thị trấn huyện lị Sơn Tịnh, nằm ở bắc sông Trà Khúc, gần sát với tỉnh lỵ Quảng Ngãi ngày nay. Tuy vậy, ở đây không còn dấu vết gì vì có lẽ tỉnh thành hồi ấy chỉ xây dựng tạm bợ. Còn Phú Đăng có thể là một địa điểm cách thành phố Quảng Ngãi 10km về phía đông, nằm bên sông Phú Thọ. Sách bản đồ cổ Lê Hoàng triều kỷ có ghi rõ bên dòng sông này có nhà kho Phú Đăng (Phú Đăng khố). Nơi đây xưa là được coi là cảng biển chính của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy vậy, cho đến nay chưa thấy dấu vết nào của tỉnh thành, có lẽ vì tỉnh thành được đặt ở đây trong một thời gian quá ngắn ngủi (1802 – 1807) nên chưa kịp xây dựng gì.
Hiện nay, dù không còn, nhưng dấu vết xưa của thành Quảng Ngãi ở Chánh Lộ vẫn còn rõ. Đó là các hào thành, các địa điểm Cửa Tây, Cửa Đông, Cửa Bắc. Khuôn viên nội thành nay là một số cơ quan của tỉnh và khu dân cư.
Tỉnh lỵ Quảng Ngãi dời về xã Chánh Mông tính đến năm 2007 là tròn 200 năm, tính từ năm 1807. Nhưng tỉnh thành Quảng Ngãi chỉ là một phần nhỏ của xã Chánh Mông, địa bàn thành phố Quảng Ngãi ngày nay rộng lớn hơn nhiều.
Địa bàn thành phố Quảng Ngãi
Địa bàn thành phố Quảng Ngãi ngày nay khá rộng, gồm các thôn xã xưa: xã Ba La, thôn Ngọc Án, xã Chánh Mông, châu Vạn Tượng, xã Thu Phố, xã Đại Nham, châu Phù Khế thuộc các tổng Nghĩa Hạ, Nghĩa Châu của huyện Chương Nghĩa. Xã Chánh Mông nguyên có tên là xã Cù Mông, đời Gia Long thuộc tổng Trung, sau thuộc về tổng Nghĩa Điền huyện Chương Nghĩa, có 815 mẫu ruộng đất. Đời Minh Mạng, Cù Mông đổi là Chánh Mông. Đời vua Đồng Khánh (1885 – 1888) để tránh tên húy, xã Chánh Mông đổi tên là xã Chánh Lộ. Xã Ba La đời vua Gia Long thuộc về tổng Trung, sau thuộc tổng Nghĩa Hạ, huyện Chương Nghĩa, có 698 mẫu ruộng đất. Châu Vạn Tượng cũng thuộc tổng Trung, sau về tổng Nghĩa Hạ, đời Gia Long có gần 123 mẫu ruộng đất. Xã Thu Phố đời Gia Long thuộc tổng Thượng, sau thuộc về tổng Nghĩa Trung, có 216 mẫu ruộng đất. Đến trước năm 1945, diện tích xã Thu Phố có đến 1.532 mẫu Trung Bộ với số dân 3.036 người. Xã Đại Nham và châu Phù Khế nhỏ hẹp, nằm sát bãi sông Trà Khúc. Đô thị Quảng Ngãi manh nha hình thành ở phía tây thành, gọi là Chánh Lộ phố. Cho đến năm 1933, các tác giả Quảng Ngãi tỉnh chí chép rằng “Thành phố Quảng Ngãi số nhà đếm được là 331 cái và số người là 1.378 người, vừa lớn, nhỏ, đàn ông, đàn bà”. Ngày 14.5 Âm lịch năm Bảo Đại thứ 9 (25.6.1934) có dụ số 23 của vua Bảo Đại quyết định thiết lập một đô thị trung tâm cùng tên, thay cho tỉnh thành Quảng Ngãi “bị tước danh tịch”. Đô thị này mở rộng lên hướng tây, rộng 133ha 2.462m2, thuộc xã Chánh Mông và xã Thu Phố, phía tây đến ga và đường sắt Quảng Ngãi (vừa mới xây dựng). Đến trước năm 1945, ở xã Chánh Lộ, bên ngoài tỉnh thành có Chánh Lộ phố gồm các phường: Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ, sau đó có thêm phường Thu Lộ.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chánh Lộ phố được quyết định thành lập đơn vị thị xã Quảng Ngãi trực thuộc tỉnh. Các làng xã khác (như đã kể trên) vẫn thuộc huyện Tư Nghĩa. Sau kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12.1946), thực hiện tiêu thổ kháng chiến, các cơ quan tỉnh sơ tán về các vùng quê xa, đơn vị thị xã Quảng Ngãi nhập chung với xã Nghĩa Lộ huyện Tư Nghĩa..
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, chính quyền Sài Gòn thành lập xã Cẩm Thành với 4 ấp: Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ, Thu Lộ. Theo Nghị định số 314-BNV/HC/NĐ ngày 12.6.1958 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) thì Cẩm Thành vẫn thuộc quận (huyện) Tư Nghĩa, có ghi chú thêm: “xã này có thể đặt trực thuộc tòa tỉnh trưởng”. Nhưng theo các văn bản hành chính, cho đến tháng 3.1975 các vùng ven vẫn thuộc quận (huyện) Tư Nghĩa.
Tháng 5.1965 (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), phía kháng chiến thành lập đơn vị thị xã Quảng Ngãi để đẩy mạnh phong trào cách mạng trong đô thị. Từ năm 1968, ở phía kháng chiến, địa bàn thị xã Quảng Ngãi ngoài 4 ấp nội thị được tính gồm cả xã Nghĩa Lộ, xã Nghĩa Điền, xã Nghĩa Dõng (huyện Tư Nghĩa) và thôn Đông Dương của xã Tịnh Ấn (huyện Sơn Tịnh).
Sau ngày thị xã Quảng Ngãi được giải phóng (24.3.1975), đơn vị hành chính được điều chỉnh, gồm 4 phường, 3 xã như sau: ấp Bắc Môn đổi thành phường Lê Hồng Phong; ấp Bắc Lộ đổi thành phường Trần Hưng Đạo; ấp Nam Lộ đổi thành phường Nguyễn Nghiêm; ấp Thu Lộ đổi thành phường Trần Phú; xã Nghĩa Lộ (xã Tư Chánh thời chính quyền Sài Gòn); xã Nghĩa Điền (xã Tư Quang thời chính quyền Sài Gòn); xã Nghĩa Dõng (xã Tư Bình thời chính quyền Sài Gòn). Riêng thôn Đông Dương trả về cho xã Tịnh Ấn.
Ngày 12.2.1976, thị xã Quảng Ngãi hợp nhất với huyện Tư Nghĩa thành thị xã Quảng Nghĩa với số xã phường kể trên và 11 xã của huyện Tư Nghĩa. Tháng 3.1979, xã Nghĩa Lộ tách lập thành 2 xã Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh.
Cuối năm 1981, thị xã Quảng Nghĩa tái lập thành 2 đơn vị: thị xã Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa và có sự điều chỉnh địa giới hành chính so với trước. Thị xã Quảng Ngãi có 4 phường (Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Trần Phú) và 5 xã (Quảng Phú, Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng). Trong đó, xã Quảng Phú mới thành lập gồm 3 thôn của xã Nghĩa Điền (một phần xã Nghĩa Điền giao về cho huyện Tư Nghĩa) là Thu Phổ Đông, Thu Phổ Tây, Thạch Phổ (các thôn này trước năm 1945 thuộc xã Thu Phố); xã Nghĩa Dũng được tách từ xã Nghĩa Dõng cũ, xã Nghĩa Dõng tương đương với xã Ba La xưa, xã Nghĩa Dũng tương đương với châu Vạn Tượng và một phần xã Ba La, các làng Đại Nham, Phù Khế.
Tháng 7.1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập. Thị xã Quảng Ngãi trở thành tỉnh lỵ như trước. Tháng 7.1991, xã Nghĩa Lộ được tách lập làm phường Chánh Lộ và xã Nghĩa Lộ. Năm 1994, xã Nghĩa Lộ đổi thành phường Nghĩa Lộ. Xã Quảng Phú cũng được đổi là phường Quảng Phú.
Cho đến cuối năm 2004, thị xã Quảng Ngãi có 8 phường, 2 xã (như đã kể trên). Các khối phố đổi ra nhiều tổ dân phố. Năm 2002, thị xã Quảng Ngãi được công nhận đô thị loại 3 và đến ngày 26.8.2005 có Nghị định của Chính phủ thành lập thành phố trực thuộc tỉnh.
Về tự nhiên,(2). Phía đông – đông nam núi Bút có hòn Nghiên, quen gọi là hòn Mu Rùa, hiện có một đơn vị điện lực đóng. Phía nam – tây nam có một gò đồi, xưa gọi là núi Sơn Xuyên (vì có đàn Sơn Xuyên thờ sông núi), sau gọi là Quy Sơn, vì có Quy Sơn Tự do Nguyễn Hữu Mưu lập từ đời Nguyễn. Núi Trấn Công, tục gọi là núi Ông hay núi Ông Trấn, trước kia gọi là núi Phước hay Phước Lãnh, hay Ngũ Phước, tương truyền có nhiều dơi, là loài vật được xem gắn với phúc. Núi nằm ở phía tây thành phố thuộc phường Quảng Phú, chân ngâm vào sông Trà Khúc. Núi Trấn Công xưa có lăng thờ Trấn Quận công Bùi Tá Hán, danh tướng đời Lê Trung hưng. Về sau, do xây dựng Nhà máy Đường Quảng Ngãi nên đền thờ phải dời về Rừng Lăng. Đại bộ phận đất đai của thành phố Quảng Ngãi là đồng bằng, có độ cao từ 4 – 9m so với mặt biển, trong đó vùng phía tây (phường Quảng Phú) cao hơn cả.
Khí hậu thành phố Quảng Ngãi mang đặc trưng chung của vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Về dân cư: Tính đến năm 2005, cư dân thành phố Quảng Ngãi có 122.567 người. Diện tích tự nhiên, dân số, mật độ dân số cụ thể của từng xã, phường như sau(3):
TT
Xã, phường
Diện tích tự nhiên (km2)
Dân số
(người)
Mật độ dân số (người/km2)
1
Phường Lê Hồng Phong
3,38
8.234
2.436
2
Phường Trần Phú
2,179
14.281
6.551
3
Phường Trần Hưng Đạo
0,52
10.309
19.810
4
Phường Nguyễn Nghiêm
0,525
10.094
19.194
5
Phường Nghĩa Lộ
4,01
14.461
3.607
6
Phường Chánh Lộ
2,57
13.462
5.368
7
Phường Quảng Phú
7,27
17.648
2.426
8
Phường Nghĩa Chánh
4,03
12.682
3.143
9
Xã Nghĩa Dõng
6,06
10.537
1.736
10
Xã Nghĩa Dũng
6,62
10.860
1.640
Tổng số
37,12
122.567
3.302
Trong số 122.567 người dân ở thành phố Quảng Ngãi thời điểm năm 2005, chỉ có 425 người Hrê, 110 người Cor, 1 người Ca Dong (từ các huyện miền núi trong tỉnh) mà phần nhiều trong số này là lớp trẻ đang theo học trường dân tộc nội trú tỉnh (nằm trên địa bàn phường Quảng Phú) và 28 người thuộc các dân tộc khác theo vợ, chồng về thành phố sinh sống.
Tuyệt đại đa số dân cư ở thành phố Quảng Ngãi là người Việt. Xưa kia, trên địa bàn này có lớp dân cư cổ sinh tụ là người Chăm. Về sau, thị xã Quảng Ngãi có thêm một ít người Việt gốc Hoa, Ấn kiều. Thời thuộc Pháp có thêm một số quan chức Pháp, thời chính quyền Sài Gòn kiểm soát có một số viên chức dân sự và quân sự Mỹ; từ sau 1975, có thêm một số đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong tỉnh và từ các tỉnh khác về cư ngụ, nhưng đều không nhiều(4).
Thời chính quyền Sài Gòn, vào khoảng giữa năm 1962, vùng nội thành Quảng Ngãi gồm 4 ấp có số dân 8.816 người với 1.737 gia đình. Cụ thể: ấp Bắc Môn có 1.128 người với 225 gia đình; ấp Bắc Lộ có 2.432 người với 535 gia đình; ấp Nam Lộ có 3.793 người với 666 gia đình; ấp Thu Lộ có 1.363 người với 311 gia đình.
Vùng ngoại thành có tổng cộng 23.314 người với 4.503 gia đình. Cụ thể: xã Tư Quang (chỉ tính hai ấp Thu Phổ Đông, Thu Phổ Tây, sau này là phường Quảng Phú) có 5.671 người với 824 gia đình; xã Tư Bình (sau này là hai xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng) có 7.055 người với 1.673 gia đình; xã Tư Chánh (sau này là các phường Nghĩa Chánh, Nghĩa Lộ, Chánh Lộ) có 10.588 người với 2.206 gia đình.
Tổng cộng cả vùng nội và ngoại thành (tính theo địa bàn thành phố Quảng Ngãi ngày nay) có 32.130 người với 6.240 gia đình.
Vào thời điểm chiến tranh nổ ra ác liệt, dân cư các huyện trong tỉnh tập trung ở địa hạt thành phố rất đông. Vào thời điểm tháng 5.1972, ở xã Cẩm Thành (nội thị) có đến 46.714 người, xã Tư Chánh có 36.615 người, xã Tư Quang có 17.834 người, xã Tư Bình có 9.881 người, tổng cộng cả nội thị và ngoại vi có đến 111.044 người. Đến năm 1975, giải phóng toàn tỉnh, số dân tạm trú lần lượt trở về quê cũ(5).
Cư dân thành phố Quảng Ngãi xưa có người Chăm qua các dấu tích còn sót lại. Cư dân Việt làm nông và dấu ấn nông nghiệp cho đến nay vẫn còn rất rõ. Thành phố Quảng Ngãi được đô thị hóa khá muộn, nên các ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng chỉ mới hình thành và phát triển vào cuối thế kỷ XX về sau và đang có xu hướng tăng nhanh. Dân cư Việt ở thành phố Quảng Ngãi xưa vốn giỏi về nghề nông, đặc biệt giỏi về việc làm bờ xe nước dọc sông Trà Khúc. Người dân ở đây cũng rất hiếu học, với nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao, trong đó nổi bật có các “danh tộc”, như tộc Bùi (của Bùi Tá Hán), tộc Tạ (của Tạ Tương ở Nghĩa Lộ), tộc Nguyễn ở Vạn Tượng, Nghĩa Dũng (của Nguyễn Duy Cung), tộc Nguyễn ở Ba La (Nghĩa Dõng)… Một đặc điểm quan trọng của cư dân thành phố Quảng Ngãi ngày nay là tỉ lệ cư dân chuyển từ các huyện về khá cao, do tốc độ đô thị hóa đang diễn ra tương đối nhanh. Sự biến đổi dân số ở thành phố Quảng Ngãi là số dân di chuyển cơ học nhiều, do vậy bên cạnh việc xem xét mức độ tăng giảm dân số tự nhiên, sự tăng giảm (cả chuyển đi và chuyển đến) dân số cơ học là không thể bỏ qua.
*
* *
Về truyền thống yêu nước của cư dân thành phố Quảng Ngãi, người ta thấy có những dấu hiệu có thể là dấu vết của phong trào Tây Sơn thế kỷ XVIII qua các địa danh như Tàu Tượng, bãi Ông Bành, Bàu Voi, khu Mả Voi, có thể là những dấu tích về tượng binh thời Tây Sơn. Trong phong trào Cần vương (1885 – 1896), các thủ lĩnh Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, Thái Thú, Trần Du… đều lấy tỉnh thành Quảng Ngãi làm mục tiêu tấn công và đều được sự ủng hộ của dân cư ở quanh vùng. Ông Bùi Phụ Cát người xã Thu Phố vận động hương binh ở xã, ông Nguyễn Viện người xã Chánh Mông nằm trong phiên chế triều đình đều hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân tháng 7.1885 và bị chém, bị giam cầm đến chết. Trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, địa bàn thành phố Quảng Ngãi là một trọng tâm hoạt động và có cơ sở của phong trào, như hoạt động của Tú tài Trần Kỳ Phong (người Châu Me, Bình Sơn), Cử nhân Lê Tựu Khiết (người An Ba, Nghĩa Hành)… Năm 1908, dân cư ở các huyện trong tỉnh Quảng Ngãi rầm rộ kéo về tỉnh thành để “cự sưu khất thuế” (chống sưu thuế) thành biển người vây bọc lấy tỉnh thành, với sự tham gia ủng hộ và giúp đỡ của rất đông người dân sở tại. Trong phong trào Việt Nam Quang phục Hội, các chí sĩ lãnh đạo phong trào ở Quảng Ngãi cũng xác định mục tiêu tấn công thành Quảng Ngãi, nhưng cuộc khởi nghĩa chiếm thành năm 1916 bại lộ và hàng loạt chí sĩ đã hy sinh vì nước ngay tại đây. Tỉnh thành Quảng Ngãi cũng là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cộng sản, trong đó có nhiều người là cán bộ lãnh đạo, kể từ 1930, trong số đó có đồng chí Nguyễn Nghiêm – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh và nhiều người đã hy sinh tại đây. Trong kháng chiến chống Pháp, thành Quảng Ngãi được san phẳng để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn thành phố Quảng Ngãi là nơi có trung tâm đầu não của địch ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng phong trào yêu nước và cách mạng vẫn phát triển: phong trào bí mật hoạt động ngay trong nội thị, vùng ven, các phong trào đấu tranh công khai chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuộc biểu tình lớn năm 1974.
Thành phố Quảng Ngãi là quê hương, nơi hoạt động của các nhân vật lưu danh trong lịch sử như Bùi Tá Hán, Nguyễn Duy Cung… Đơn vị thị xã Quảng Ngãi đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 29.4.2000; hai xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng được phong tặng danh hiệu cao quý này ngày 22.8.1998. Thành phố Quảng Ngãi có 40 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
*
* *
Về kinh tế, thành phố Quảng Ngãi là nơi tập trung các hoạt động kinh tế, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi xưa và nay. Tuy vậy, do hoàn cảnh là một đô thị phát triển muộn, nông nghiệp ở địa bàn thành phố Quảng Ngãi trước đây còn chiếm một tỷ trọng đáng kể. Hiện nay, cơ cấu kinh tế chuyển đổi dần và các lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại – dịch vụ đã chiếm một tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở thành phố Quảng Ngãi trong giai đoạn 2000 – 2004 là 14,67%. Cơ cấu kinh tế ở thành phố Quảng Ngãi hiện nay được xác định là: công – thương – nông nghiệp.
Nghề nông
Nghề nông tuy không còn chiếm tỉ trọng cao trong kinh tế, nhưng là ngành kinh tế lâu đời nhất và vẫn là nguồn sống quan trọng của một bộ phận dân cư ở thành phố Quảng Ngãi ngày nay. Nếu xét ở quá khứ chưa xa, thì nghề nông càng có vai trò quan trọng và có nhiều điều đáng chú ý. Đất đai ở địa bàn thành phố được phù sa sông Trà Khúc bồi đắp hằng năm, khá màu mỡ. Ngoài việc trồng lúa, mía, nhiều cây trồng vật nuôi khác cũng rất đáng kể. Thời Pháp thuộc, ở gần cầu Trà Khúc có bãi đất trồng thí nghiệm giống lúa mới, có trại thí nghiệm nuôi tằm, có Sở Thú y để chọn giống, phòng chữa bệnh trâu, bò, heo.
Người nông dân ở các làng quê xưa chủ yếu trồng lúa, mía, ngô, rau, đậu (ở ven sông) để sinh sống. Người dân các làng ở thành phố xưa vốn tự hào về những đồng lúa rộng, đất đai màu mỡ, như về cánh đồng Ba La:
Ba La chạy tới Cù Mông
Chạy quanh chạy quéo cũng về đồng Ba La.
Lúa là cây lương thực chính. Sản lượng lúa cả năm 2005 đạt 8.175,10 tấn, tổng sản lượng lương thực có hạt là 11.953 tấn. Do là nơi tập trung lao động phi nông nghiệp rất lớn nên bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 97kg, đất nông nghiệp chỉ có 1.714,9ha. Trong sản lượng lương thực, ngô 3.549,4 tấn (chiếm gần 1/3). Cây mía vẫn được duy trì ở mức thấp với chỉ 100ha. Cây lạc có 130ha với sản lượng 305,10 tấn, rau 24.850,10 tấn (trong đó xã Nghĩa Dũng 13.060 tấn, Nghĩa Dõng 6.252,20 tấn). Trong điều kiện một thành phố đang đô thị hóa, thì diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thời điểm năm 2005, diện tích đất nông nghiệp còn 1.662,78ha, trừ 570,58ha đất trồng cây lâu năm, chỉ còn gần 1.100ha đất trồng cây hàng năm. Trong số ấy, các phường ở khu vực trung tâm là Lê Hồng Phong, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm có diện tích không đáng kể, mỗi xã, phường còn lại có từ 150 – 400ha.
Các vật nuôi chính là trâu, bò, heo, gà. Tuy vậy, với điều kiện đất canh tác chật hẹp, chăn nuôi cũng khó phát triển. Tính ở thời điểm năm 2005, thành phố chỉ có 212 con trâu, 6.910 con bò, 27.015 con lợn. Về gia cầm có số lượng tương đối nhiều, gà 61.600 con, vịt 10.400 con. Trong nông nghiệp, việc làm thuỷ lợi từ xưa đã khá nổi bật với các bờ xe nước ở dọc hữu ngạn sông Trà Khúc, với việc đào kênh Tư Nghĩa (nối sông Trà Khúc với sông Bàu Giang) ở phía tây thành phố trong kháng chiến chống Pháp, với việc đào đắp kênh mương Thạch Nham sau năm 1975. Về bờ xe nước, năm 1939 ở Thu Phố từng có bờ xe nước 9 bánh, tưới được 150 mẫu ruộng, số hoa lợi thu được 20.184 ang lúa, tiền làm xe, số lợi nhuận đều cao nhất trong tỉnh Quảng Ngãi(6). Ở Ba La xưa từng có bờ xe đôi. Năm 1888, ông Võ Văn Giu quê làng Ba La xin dựng xe nước ở Chánh Lộ, cũng là bờ xe đôi, để tưới cho đồng lúa Bàu Lân, Thông Viên, Cổ Đồng. Xe nước tiếp tục được dựng đặt hằng năm cho tới sau năm 1975 mới chấm dứt. Xưa kia, địa hạt thành phố Quảng Ngãi còn khá nhiều rừng như rừng Lăng, rừng trên núi Thiên Bút, có cả thú rừng (ở Thu Phổ vẫn còn lưu dấu chân hổ trên khu mộ cụ Bùi Tá Triều, đời vua Minh Mạng). Hiện nay, ở núi Ông, núi Bút đã và đang hình thành các lâm viên rừng trồng. Ngoài việc làm nông, người nông dân trên địa bàn xưa kia còn tiến hành đánh bắt cá trên sông Trà như một nguồn thu nhập đáng kể. Cho đến nay, quá trình đô thị hóa khiến đất đai canh tác bị dần thu hẹp. Nông nghiệp chủ yếu duy trì ở các phường xã vùng ven như phường Quảng Phú phía tây, xã Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Dõng ở phía đông, phường Nghĩa Lộ, Chánh Lộ ở phía nam. Ở các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, bên cạnh việc duy trì nghề nông với canh tác còn mang đậm dấu ấn cổ truyền (có cải tiến), người ta còn chú ý đến phát triển công thương nghiệp, dịch vụ, kinh tế vườn, thâm canh trồng rau xanh, trồng hoa, cây cảnh… cung cấp cho vùng nội thị một lượng nông sản hàng hóa rất đáng kể.
Tính đến năm 2005, trong tổng số 47.561 lao động ở thành phố Quảng Ngãi, lao động nông nghiệp chiếm 5.100 người, tuy tỷ lệ chỉ trên 10%, nhưng về số lượng vẫn khá lớn.
Tiểu thủ công nghiệp
Trong hoạt động kinh tế xưa kia, ở địa bàn thành phố Quảng Ngãi hoạt động kinh tế tiểu thủ công nghiệp cũng khá đáng kể. Tập Địa dư tỉnh Quảng Ngãi của Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn viết năm 1939 ghi nhận nghề làm đường cát, đường phèn ở Vạn Tượng, Chánh Lộ, nghề dệt ở Chánh Lộ, nghề mộc ở tỉnh lỵ “Tại tỉnh lỵ có vài ba cửa hàng đóng bàn ghế theo kiểu tân thời, đánh xia bóng nhoáng trông rất đẹp” (trang 20). Nhưng nổi tiếng nhất là các nghề làm đường muỗng và các nghề phổ biến khác, sản xuất các loại đường kẹo đặc sản như đường phèn, đường phổi ở Ba La, Vạn Tượng, các món ăn đặc sắc như cá bống sông Trà, don Vạn Tượng.
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu.
(ca dao)
Con gái còn son không bằng tô don Vạn Tượng.
(ngạn ngữ)
Trải qua thời gian, các nghề thủ công truyền thống ở thành phố Quảng Ngãi vẫn được duy trì, đồng thời các nghề mới hình thành, thịnh hành như các nghề may mặc, nhôm sắt, đồ gỗ… phổ biến trong phạm vi gia đình, nhưng cũng đã có nhiều cơ sở trở thành doanh nghiệp. Đặc biệt, nghề chế biến món bò khô Quảng Ngãi đã nổi tiếng không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà sản phẩm của nó còn lan ra nhiều vùng trong nước.
Điều đáng lưu ý là các ngành nghề thủ công cổ truyền chế biến đường kẹo đặc sản như kẹo gương, đường phèn, đường phổi, mạch nha… từ vùng ven và các vùng quê trong tỉnh Quảng Ngãi có xu hướng hội tụ về thành phố Quảng Ngãi, trong khi ở quê gốc chỉ hoạt động cầm chừng hoặc gần như không còn. Môi trường thành phố Quảng Ngãi có thể là mảnh đất tốt để các nghề này duy trì và phát triển trong điều kiện mới. Hiện trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có nhiều cơ sở chế biến và nhiều cửa hàng bán các món đặc sản như bánh nổ, bánh in, bò khô, các loại đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha, cá bống sông Trà khá thịnh đạt. Đây cũng chính là một điều kiện để thành phố đa dạng hóa các ngành nghề.
Công nghiệp
Mặc dù là ngành sản xuất hình thành muộn nhưng công nghiệp ở thành phố Quảng Ngãi có sự phát triển nhanh và rõ nét nhất. Trước kia, cơ sở công nghiệp ở thành phố Quảng Ngãi hầu như không có. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, cơ sở công nghiệp đáng kể duy nhất xuất hiện là Nhà máy đường Thu Phổ, Công ty Đường Quảng Ngãi, xây dựng ở chân núi Ông. Từ năm 1975, các ngành nghề công nhiệp mới dần hình thành và khu công nghiệp Quảng Phú ở phía tây thành phố được thành lập. Đây là một trong ba khu công nghiệp tập trung do tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng. Tính đến năm 2005, khu công nghiệp này có 8 doanh nghiệp nhà nước với số lao động trên 6.000 người. Khu công nghiệp Quảng Phú chủ yếu là công nghiệp chế biến thực phẩm như đường, kẹo, sữa, nước uống, hải sản đông lạnh… Thành phố Quảng Ngãi cũng xúc tiến để hình thành hai cụm công nghiệp tập trung là cụm công nghiệp Thiên Bút với diện tích 50ha và cụm công nghiệp Yên Phú diện tích 30ha. Thống kê cho thấy đến hết năm 2005, thành phố Quảng Ngãi có 1.704 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý, 4 doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, 1.649 doanh nghiệp cá thể, 46 doanh nghiệp tư nhân, tổng số cơ sở tăng 2.000 so với năm 2000. Lao động sản xuất công nghiệp cá thể là 6.300 người. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố theo giá hiện hành năm 2005 là 2.250.270 triệu đồng, chiếm trên 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và tăng khoảng 3/5 so với chính thành phố năm 2000 (934.850 triệu đồng)(7).
Thương mại, dịch vụ, du lịch
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch ngày càng chiếm vị trí nổi bật ở thành phố Quảng Ngãi. Xưa ở địa bàn các làng quê nơi đây đều có chợ: chợ Ông Bố (phía tây), chợ Ba La (phía đông), chợ Gò Quán (phía nam), chợ Phú Mỹ Hạ… và lớn nhất là chợ Chánh Lộ, sau trở thành chợ tỉnh, nơi hội tụ việc mua bán của toàn tỉnh. Sách L’ Annam en 1906 chép “Chợ tỉnh (Chánh Lộ xã) cung cấp được khá tốt và có tầm quan trọng đến các vùng lân cận của thành”. Đến năm 1933, các tác giả Quảng Ngãi tỉnh chí có ghi chép về số thuế của chợ tỉnh là 1.353,6 đồng (tiền Đông Dương), cao vượt trội so với các chợ khác trong tỉnh. Sách Địa dư tỉnh Quảng Ngãi của Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn xuất bản năm 1939 mô tả về không khí buôn bán ở đây: “Thành phố Quảng Ngãi cũng là nơi hội hiệp các công sở lớn như Tòa sứ, dinh Quan Tuần, đồn Khố xanh… dân cư trù mật khoảng trên 3.000 người. Con đường cửa Tây phố xá đông đúc, buôn bán đồ tạp hóa, quang cảnh ngày đêm có vẻ náo nhiệt”. Các nhà buôn ở thành phố hồi này phần lớn là Hoa kiều, Ấn kiều. Trong số các hiệu buôn của người Việt nổi tiếng có các hiệu Quảng Đông An, Quảng Hòa Tế, Mỹ Đông An, Lợi An, Phạm Hoè… Phía bắc tỉnh thành có bến Tam Thương, có sông Đào để ghe thuyền vào ra buôn bán (sông Đào được đào từ năm 1938). Chợ tỉnh xưa xây dựng ở phía tây tỉnh thành, giữa vùng sầm uất nhất ở nội thị, sau này mở rộng ra đến phố Nguyễn Nghiêm ở phía nam. Ngoài chợ, việc buôn bán, làm dịch vụ rải rác ở khắp các phố phường. Xưa trong thời Pháp thuộc ở đô thị Quảng Ngãi, dịch vụ mới manh nha phát triển như dịch vụ xe kéo, xe ngựa, cắt tóc, may mặc. Cho đến nay, các dịch vụ trở nên đa dạng hơn nhiều và ngày càng tiếp cận với nhu cầu nhiều mặt của cuộc sống hiện đại. Đặc biệt sự phát triển của ngành dịch vụ ăn uống, giải trí, nhà nghỉ, khách sạn. Thành phố Quảng Ngãi vẫn là điểm đầu mối dẫn đến các điểm tham quan – du lịch trong tỉnh: đi Sa Cần – Dung Quất, đi dầu mối Thạch Nham, đi Thiên Ấn – Sơn Mỹ – Mỹ Khê – Ba Làng An, đi Phú Thọ – Cổ Luỹ, đi Nhà lưu niệm Phạm Văn Đồng, đi Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ… đều trong khoảng vài ba mươi đến 60km. Năm 2005, có 7.214 cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ với 12.146 lao động.
Thành phố Quảng Ngãi có Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc – Nam chạy qua. Ga Quảng Ngãi là ga chính trong tỉnh, phục vụ hành khách đi ra Bắc, vào Nam. Đường sắt được xây dựng từ thời Pháp thuộc, ga Quảng Ngãi hoàn thành từ năm 1935, bấy giờ quen gọi là ga Ông Bố (gần chợ Ông Bố). Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Quảng Ngãi có tên là đường Quang Trung, sau này xây đường cao tốc ở phía đông gọi là đường tránh đông, có cầu Trà Khúc II xây dựng từ năm 2004. Từ thành phố Quảng Ngãi theo Quốc lộ 1 có thể vào Nam ra Bắc rất thuận tiện. Thời đường bộ chưa phát triển, đường thuỷ vẫn đóng vai trò quan trọng ở thành phố Quảng Ngãi, với đò ngang Trà Khúc nối đường Thiên Lý, đò dọc từ bến Tam Thương lên nguồn xuống biển. Về đường không, thời Pháp thuộc (năm 1920), có một chiếc máy bay đáp thử xuống xã Thu Phố (nay thuộc xã Quảng Phú), nơi mà sau này, trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng sân bay. Sân bay Quảng Ngãi thời kỳ này khá nhộn nhịp, nhưng kể từ sau năm 1975 đã ngưng hoạt động. Hoạt động giao thông – vận tải ở thành phố Quảng Ngãi ngày nay chủ yếu dựa vào hệ thống đường sắt và đường bộ.
Các dịch vụ, cơ sở hạ tầng khác
Thời phong kiến, đường Thiên Lý Bắc – Nam đi qua thành phố Quảng Ngãi, nhưng ở đây không có dịch trạm. Thời Pháp thuộc, thực dân thiết lập “Nhà dây thép” trong nội thành Quảng Ngãi. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, Nhà Bưu điện tỉnh được xây dựng ở vị trí ngày nay (đường Phan Đình Phùng), Bưu điện thành phố (nằm ở đường Quang Trung), có hệ thống phục vụ thông tin khá tốt trên địa hạt thành phố và trong toàn tỉnh. Số điện thoại thuê bao trên địa bàn thành phố đạt 18.588 máy vào năm 2005.
Nhà máy điện trước kia, sau này là Điện lực Quảng Ngãi có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo. Nguồn điện mới manh nha từ trước 1945, đến sau 1954 mới có sự phát triển nhất định nhưng còn rất hạn chế. Đến thời kỳ đất nước thống nhất, khi có điện lưới quốc gia, mới hoàn toàn phủ điện trên toàn thành phố. Mạng lưới điện ở thành phố Quảng Ngãi dần dần được cải tạo, nâng cấp để đảm bảo về kỹ thuật, an toàn, tiết kiệm.
Lĩnh vực tài chính, từ thời Pháp thuộc ở địa hạt thành phố Quảng Ngãi cũng đã có ngân hàng cho vay nhưng còn nhỏ nhoi, không đáng kể. Hệ thống tài chính, ngân hàng của tỉnh đặt ở thành phố Quảng Ngãi trải qua thời gian, đến nay đã phát triển mạnh, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước nằm trên đường Nguyễn Thuỵ; Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Kho bạc Nhà nước đều nằm trên đường Hùng Vương – trục chính của thành phố; Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Phục vụ người nghèo nằm trên đường Trần Hưng Đạo – gần sát Ngã Năm cũ. Sự kinh doanh tài chính đã phát triển khá tốt.
Thành phố Quảng Ngãi là nơi tập trung các hoạt động kinh tế của toàn tỉnh, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong toàn tỉnh Quảng Ngãi. Thành phố đang trong quá trình “lột xác”, đô thị hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển chung.
*
* *
Về văn hóa, thành phố Quảng Ngãi là trung tâm văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa nay, còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền quý báu.
Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh (đường Hùng Vương) vốn là nền tháp Chánh Lộ, một tháp có tầm quan trọng trong hệ thống đền tháp Chăm, với phong cách độc đáo, gọi là phong cách Chánh Lộ. Từ thời Pháp thuộc, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở đây nhiều tượng đá độc đáo, phần lớn đưa về lưu giữ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm (thành phố Đà Nẵng) và sau này trong khi đào móng, các hiện vật khác cũng xuất lộ, như các sư tử đá, tấm lanhtô đá có khắc văn bia bằng tiếng Chăm được đưa về Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi.
Trải năm, sáu thế kỷ trên mảnh đất này, văn hóa Việt cũng lưu lại nhiều di tích quý giá. Đền Bùi Tá Hán nguyên xây dựng năm 1909 ở núi Phước Lãnh (từ ngày có đền gọi là núi Ông hay núi Trấn Công), rộng rãi bề thế. Sau năm 1962, chính quyền Sài Gòn xây dựng Nhà máy Đường Quảng Ngãi ở đây, đền phải dời về Rừng Lăng, cách nửa cây số về hướng tây. Tại đây vốn có mộ Bùi Tá Hán, có bia mộ do 4 nhà nho nổi tiếng ở Quảng Ngãi đứng ra xây dựng từ năm 1849. Đền thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như tượng Bùi Tá Hán và tượng Xích Y hầu, 23 bản sắc phong của các triều vua phong cho Bùi Tá Hán và con trai là Bùi Tá Thế(8). Thuở xưa, ở các làng xã đều có đình làng, nổi tiếng nhất là đình Chánh Lộ và đình Ba La. Đình Chánh Lộ được xây dựng rất quy mô, bề thế, nằm ở góc đông bắc của ngã tư chính. Năm 1936, sau dụ của vua Bảo Đại về việc thiết lập đô thị trung tâm Quảng Ngãi, một số kẻ buôn bán câu kết với viên Công sứ Pháp đương nhiệm định xóa sổ đình, nhập vào đô thị Quảng Ngãi. Nhưng dân làng Chánh Lộ đã đấu tranh quyết liệt để bảo vệ đình. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đình Chánh Lộ là nơi triển lãm tranh ảnh của tỉnh Lê Trung Đình. Đình Ba La làm bằng gỗ mít, rất rộng (Rộng thình thình như cái đình Ba La – ngạn ngữ), sau Cách mạng tháng Tám cũng được tận dụng cho việc công. Đến năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, cả hai đình này cùng với nhiều đình khác bị dỡ bỏ. Ngoài ra, còn có thể kể về đình làng Thu Phố, ở phía tây đường sắt hiện nay. Đình này có thể được dựng khá muộn, khoảng năm Canh Ngọ (1810 hoặc 1870), quanh có la thành, có bình phong, bên trái là nhà hội, bên phải là hưởng ẩm, toàn nhà tranh. Đình gần chợ ông Bố, mặt quay hướng tây, được tu bổ vào năm Khải Định thứ nhất (1916), nay không còn.
Di tích thành quách thì có thành Quảng Ngãi, nay chỉ còn lại một ít dấu vết như bờ thành, hào thành. Ở khoảng giữa phường Chánh Lộ tại xóm Tư Văn có văn miếu huyện Chương Nghĩa. Văn miếu được xây dựng từ năm Tự Đức thứ 8 (1855), do văn thân trong huyện quyên tiền cất dựng. Văn miếu có bình đồ vuông, mỗi cạnh khoảng 10m, có xây thành bao quanh, trước cổng miếu có ghi 4 chữ “Văn kỳ tại tư” (文 其 在 斯) lấy từ sách Luận ngữ – có nghĩa là đây có thể là đất văn vậy. Bên trong có xây nhà bia, có tấm bia đá non nước, mặt trước cũng ghi bốn chữ “Văn kỳ tại tư”, mặt sau ghi niên đại dựng bia là năm Thành Thái thứ 9 (1898).
Thành phố Quảng Ngãi vốn bao gồm nhiều làng quê trù phú, ở đây cũng còn lưu lại nhiều kiến trúc nhà rường, rất tiêu biểu cho nền kiến trúc của người Việt ở Quảng Ngãi. Xét về di sản kiến trúc thì ở thành phố di sản kiến trúc Pháp không đáng kể, di sản kiến trúc đình không còn, nên di sản kiến trúc nhà rường còn tồn tại thật sự là di sản quý, rất đáng để bảo tồn. Văn hóa làng xã vẫn còn dấu ấn đậm nét, nhất là vùng ven, gồm các xã phía đông và các thôn ở phía tây thành phố như Nghĩa Dũng, Quảng Phú. Các tập tục, lễ hội, tín ngưỡng của cư dân nơi đây không khác mấy với các làng quê khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Trong di sản văn hóa phi vật thể trên địa hạt thành phố Quảng Ngãi ngày nay, đáng chú ý có các tri thức, kinh nghiệm của các làng nghề đường kẹo đặc sản, các món ăn đặc sản: đường phèn, đường phổi, kẹo gương, cá bống sông Trà kho tiêu, cá thài bai, lịch…
Trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, địa bàn thành phố Quảng Ngãi cũng để lại nhiều di tích quý báu như di tích Nhà lao Quảng Ngãi thời Pháp thuộc, di tích 4 dũng sĩ Nghĩa Dũng, di tích 68 liệt sĩ Xuân Mậu Thân…
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nền văn hóa cách mạng đã từng bước hình thành ở thành phố Quảng Ngãi, với các hoạt động xây dựng đời sống mới, bãi bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ. Văn hóa đô thị bắt đầu manh nha, trong khi yếu tố văn hóa làng xã vẫn tiếp tục duy trì. Cũng từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, thành phố Quảng Ngãi là một trong những nơi sản sinh các văn nghệ sĩ có tên tuổi trong nước như họa sĩ Đường Ngọc Cảnh, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, Nghệ sĩ ưu tú Văn Khánh, Giáo sư Tiến sĩ Lâm Tô Lộc, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm(9). Dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, thị xã Quảng Ngãi còn tiếp thu văn hóa du nhập từ các nước tư bản, trong đó không ít các sản phẩm độc hại, lai căng. Từ sau 1975, thị xã Quảng Ngãi lại tiếp tục xây dựng văn hóa mới theo hướng dân tộc, hiện đại. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường là một vấn đề nổi cộm trong thời kỳ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Bên cạnh các thiết chế văn hóa của tỉnh, thành phố Quảng Ngãi có thư viện, có đài truyền thanh, nằm ở đường Quang Trung, các xã, phường có khu sinh hoạt văn hóa. Các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh lần lượt được lập hồ sơ xếp hạng, tôn tạo. Phong trào văn nghệ, phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở thị xã Quảng Ngãi được duy trì và phát triển. Phòng Văn hóa – Thông tin – Thể dục thể thao (trụ sở ở đường Phan Chu Trinh) là cơ quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Cơ sở hạ tầng đô thị từng bước được cải thiện. Các công viên, quảng trường, nơi vui chơi giải trí đã được xây dựng như Công viên Ba Tơ phía nam cầu Trà Khúc, đê bao sông Trà, Quảng trường tỉnh, Khu thể thao Diên Hồng.
Về giáo dục, vùng tỉnh lỵ xưa là địa bàn mà dân cư có tinh thần hiếu học, đã được ghi nhận là nơi có nhiều người đỗ đạt cao thời Nho học. Riêng làng Chánh Mông (Chánh Lộ) có đến 12 người thi đỗ Cử nhân trở lên trong thời nhà Nguyễn, là làng có số lượng khoa bảng cao nhất trong tỉnh Quảng Ngãi; làng Ba La có 5 người thi đỗ, làng Vạn Tượng có 2 người thi đỗ, làng Thu Phổ có 3 người thi đỗ. Trong số 22 người đỗ Cử nhân trở lên, có 1 Tiến sĩ (Tạ Tương), 1 Phó bảng (Lê Văn Vịnh), 3 Giải nguyên (Bùi Phụ Truyền, Tạ Hàm, Phạm Trinh), 3 Á nguyên (Nguyễn Duy Cung, Phạm Viết Duy, Đồng Cát Phủ). Trong số các nhà khoa bảng có Nguyễn Duy Cung là một chí sĩ Cần vương nổi tiếng về khí tiết, thể hiện trong bài Huyết lệ tâm thư(10). Thời thuộc Pháp, thị xã Quảng Ngãi có các trường Nam Tiểu học, Cẩm Bàn, Mai Xưa. Thời kháng chiến chống Pháp, thị xã có Trường Trung học Lê Khiết thời kỳ mới thành lập. Thời chính quyền Sài Gòn quản lí, trên địa bàn thị xã tập trung nhiều trường Trung học của tỉnh, như các trường Trung học Trần Quốc Tuấn, Nữ Trung học, Hùng Vương, Bồ Đề, Kim Thông, Chấn Hưng, trường Nông Lâm Súc. Sau 1975, thị xã Quảng Ngãi có các trường: Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Y tế, Cao đẳng Cộng đồng thuộc hệ chuyên nghiệp; các trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn, Lê Khiết, Lê Trung Đình, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trung học nội trú dân tộc… và là nơi đang xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Mỗi xã phường đều có trường phổ thông cơ sở. Học sinh trên địa bàn thị xã học giỏi, nhiều người thành đạt.
Đây cũng là quê hương của những nhà nghiên cứu tên tuổi như các Giáo sư Tiến sĩ Lâm Tô Lộc, Nguyễn Tấn Đắc, Tiến sĩ Phan Thị Phi Phi…
Về y tế, thành phố Quảng Ngãi là nơi đóng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (trên đường Hùng Vương), có Trung tâm y tế thành phố và các đơn vị chăm sóc sức khỏe của tỉnh, của thành phố. Để chăm sóc sức khoẻ, từ xưa người dân thị xã chủ yếu dùng Đông y, đến thời Pháp thuộc du nhập thêm Tây y. Các cơ sở Đông, Tây y song song tồn tại đến nay. Việc thực hiện công tác dân số, gia đình khá tốt.
Về vấn đề nhân lực, thị xã Quảng Ngãi là nơi tập trung cao nhân lực của toàn tỉnh và có xu hướng ngày càng phát triển mạnh lao động trí tuệ. Tuy vậy, một bộ phận quan trọng trong cư dân lao động chân tay, trong đó số lao động nông nghiệp vẫn chiếm một phần không nhỏ. Trong các vấn đề xã hội ở thành phố Quảng Ngãi, vấn đề công ăn việc làm đặc biệt nổi cộm, vì có số người thiếu việc làm khá đông. Tình trạng nghèo đói, các tệ nạn xã hội cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm. Số hộ nghèo ở thành phố còn khoảng 4,85% (theo chuẩn cũ), tuy nhiên, việc vượt lên cuộc sống cao hơn còn là một trở lực lớn. Thành phố Quảng Ngãi là nơi tập trung nhiều thành phần dân cư trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi, các dịch vụ phát triển đồng thời kéo theo một số tệ nạn xã hội như trộm cắp, mại dâm, cờ bạc… đòi hỏi phải được chú ý và tìm ra biện pháp quản lý, giải quyết.
(1) Số liệu của Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ngãi 2005.
(2) Xem chương XXV : Di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử – văn hoá, danh thắng.
(3) Nguồn: Niên giám thống kê thành phố Quảng Ngãi.
(4) Theo Nguyễn Đóa – Nguyễn Đạt Nhơn trong tập Địa dư tỉnh Quảng Ngãi (sđd) thì vào thời điểm 1938, trong tổng số 447.994 người của tỉnh Quảng Ngãi có 482 người Tàu, 157 người Pháp, 5 người Ấn Độ; trong đó “người Pháp hầu hết là những quan văn, võ trú tại tỉnh lỵ hoặc tại các cửa, các đồn”, người Tàu chủ yếu trú ở tỉnh lỵ và Thu Xà.
(5) Cao Chư: Từ tỉnh thành đến thành phố Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr. 80, 81, 82.
(6) Nguyễn Đóa – Nguyễn Đạt Nhơn: Địa dư tỉnh Quảng Ngãi, Imprimerie Marade (Vien-de) Huế, 1939.
(7) Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2005 (so với Niên giám thống kê thành phố Quảng Ngãi có sự chênh lệch chút ít). Riêng số liệu về lao động sản xuất công nghiệp cá thể, chúng tôi theo số liệu trong Niên giám thống kê thành phố Quảng Ngãi.
(8) Xem Chương XXV: Di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử – văn hoá, danh thắng.
(10) Xem Chương XI: Các nhân vật lịch sử tiêu biểu và Chương XXVI : Văn học.