Giới thiệu về Trường Đại học An ninh nhân dân

Giới thiệu về Trường Đại học An ninh nhân dân

TỪ MÁI LÁ TRUNG QUÂN

ĐẾN NHÀ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI

Câu chuyện về lịch sử một ngôi trường anh hùng từ những lán lá trung quân vẫn hiên ngang dưới mưa bom, bão đạn của quân thù đến hôm nay là nhà trường hiện đại, khang trang, xanh đẹp đã thấm sâu vào lòng người qua nhiều thế hệ. Giờ đây, ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, hòa nhịp với sự phát triển chung của ngành Công an, ngành giáo dục, của đất nước, thầy và trò Trường Đại học An ninh nhân dân – tiền thân là Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam đang cùng ôn lại những ký ức thật đẹp về hành trình 57 năm lịch sử anh hùng, chứa đựng những gian nan, vất vả nhưng với lòng kiên tâm, bền trí, họ đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trở lại lịch sử cách mạng Việt Nam những năm tháng chống Mỹ cứu nước, sau phong trào Đồng Khởi, nhất là sau khi thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng miền Nam có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đẩy Mỹ – Ngụy vào thế bị động. Song, chúng vẫn điên cuồng ra sức phá hoại, gây nhiều tổn thất cho cách mạng Việt Nam. Trước tình thế cấp bách, Trung ương Đảng chủ trương củng cố, xây dựng lại đội ngũ cán bộ an ninh miền Nam, nhằm bảo đảm an ninh, phá thế kìm kẹp của địch. Để thực hiện chủ trương này, vấn đề trước mắt phải tổ chức các lớp học để kịp thời thời bồi dưỡng, huấn luyện cho số cán bộ an ninh chủ chốt ở miền Nam. Trước yêu cầu đó, ngày 09/10/1963, lịch sử ngành Công an ghi dấu một sự kiện đặc biệt: Sự ra đời của Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam theo Chỉ thị 69/CT của Thường vụ Trung ương Cục. Trụ sở đóng quân của Nhà trường ban đầu đặt tại khu rừng Đồi Thơ, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Dưới những tán rừng rậm che phủ, ngôi trường gần con sông Vàm Cỏ Đông êm đềm đã tổ chức lớp học đầu tiên với nhiệm vụ giảng dạy chính trị, huấn luyện nghiệp vụ an ninh cho 51 học viên ưu tú đến từ lực lượng An ninh Sài Gòn – Chợ Lớn và các địa bàn lân cận. Đội ngũ giảng viên là lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, như: Đồng chí Cao Đăng Chiếm, Huỳnh Việt Thắng, Ngô Quang Nghĩa, Cao Đức Hoàn, Từ Đức Lưu, Bùi Thiện Ngộ và giáo viên Trường Công an Trung ương chi viện, như: Đồng chí Lê Minh Đốc (Sáu Học), Phan Minh Điện (Mười Quang), Nguyễn Hóa (Ba Dân)…

Trong 14 năm kháng chiến, để vượt qua bom đạn và sự tấn công dã man của Mỹ – Ngụy, Trường đã phải di dời đến 8 địa điểm khác nhau, trong đó có 03 lần di dời sang đất bạn Campuchia. Cơ sở vật chất của Trường là những lán trại dã chiến được làm từ lá trung quân đơn sơ, bàn ghế được làm từ những nhánh cây rừng ghép lại; lương thực là những củ khoai mì, những đọt rau rừng, nhiều khi phải vượt hàng chục cây số, cán bộ, giáo viên Nhà trường mới mót kiếm được.

Từ khi thành lập, những bài học đầu tiên về trấn áp bọn phản cách mạng, gián điệp, bảo vệ an ninh vùng giải phóng, nghiệp vụ điều tra… được giảng dạy là những tài liệu chép tay thô mộc hay những “giáo án sống” là trí nhớ của chính những người thầy.

Trải qua nhiều giai đoạn với các tên gọi khác nhau, như: Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam (1963-1976); Trường Bổ túc Sĩ quan Công an nhân dân (1976-1984); Trường Cao đẳng An ninh nhân dân II (1984-1989); Trường Đại học An ninh nhân dân cơ sở phía Nam (1989-1995); Phân hiệu Đại học An ninh nhân dân (1995-2001); Phân hiệu Học viện An ninh nhân dân (2001-2003).

Một sự kiện đặc biệt trong lịch sử của Nhà trường vào ngày 30/7/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 154/2003/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học An ninh nhân dân trên cơ sở Phân hiệu Học viện An ninh nhân dân. Từ đây, Nhà trường trở thành trường đại học độc lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và của ngành Công an, với đầy đủ những chứng tích về cội nguồn và dấu ấn của một cơ sở đào tạo hình thành từ trong chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ.

Ngay từ khi trở thành trường đại học độc lập, Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và các loại hình đào tạo. Trong đào tạo cử nhân, Nhà trường đã đa dạng hóa các hệ đại học để đảm bảo nhu cầu nâng chất lượng cán bộ An ninh các tỉnh, thành phía Nam. Với xu thế đẩy mạnh đổi mới giáo dục – đào tạo, Nhà trường cũng đã áp dụng đào tạo theo tín chỉ, mở rộng mã ngành đào tạo, hướng tới xây dựng trường đại học đa ngành. Năm 2005, Nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ Điều tra tội phạm xâm phạm ANQG, Thạc sĩ Quản lý nhà nước về ANQG và đến năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Nhà trường đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Điều tra tội phạm xâm phạm ANQG.

Ngày 23/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 2061/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Đại học An ninh nhân dân, tiếp tục giao nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh và xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học của ngành Công an. Trong đó, Trường Đại học An ninh nhân có 22 đơn vị đầu mối (12 Khoa, 07 Phòng tham mưu và quản lý giáo dục, 03 Trung tâm) và 03 tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Công Đoàn.

Trường Đại học An ninh nhân dân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận thành tích và tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu như: Huân chương Quân công hạng Ba (năm 1985); Huân chương Độc lập hạng Nhất (1998); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước (2003); Huân chương Hồ Chí Minh (2008); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2018) và Huân chương Hữu nghị Sahametrei hạng Sena do Chính phủ Vương quốc Campuchia tặng./. 

Rate this post

Viết một bình luận