GMAT là gì? Tổng hợp những điều cần biết về bài thi GMAT

Để chuẩn bị cho bậc học sau đại học (Graduate Program), các ứng viên thường chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và những bằng cấp có giá trị quốc tế. Một trong số những chìa khóa giúp ứng viên thành công ứng tuyển vào ngành học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của các trường là bài thi GMAT. Đạt được số điểm cao ở bài thi GMAT sẽ mở ra cánh cửa đến các trường top trên thế giới về ngành MBA như Harvard Business School, Northwestern University, UCLA,…

Bài viết sẽ giới thiệu tất tần tật về bài thi GMAT, cấu trúc bài thi và cách tính điểm của bài thi GMAT, giúp thi sinh hiểu rõ hơn về kỳ thi này.

Bài thi GMAT là gì?

GMAT /ˈdʒiːmæt/ viết tắt của Graduate Management Admission Test là một bài thi tiếng Anh dùng để đánh giá kĩ năng ngôn ngữ, kĩ năng toán, và kĩ năng phân tích của sinh viên nộp đơn vào các chương trình sau đại học, đặc biệt các ngành liên quan đến kinh doanh và quản trị ở các nước nói tiếng Anh trên toàn thế giới.

GMAT được sáng lập bởi tổ chức có tên gọi là GMAC viết tắt của Graduate Management Admission Council, sau đó được quản lý và phát triển bởi tổ chức Pearson VUE – tổ chức cung cấp các dịch vụ thi máy tính trên toàn cầu. Kỳ thi GMAT đầu tiên được tổ chức vào năm 1954 tại Mỹ. Đến nay, có hơn 7000 chương trình đào tạo kinh doanh tại hơn 2,500 trường đại học trên thế giới yêu cầu điểm GMAT là một trong những tiêu chuẩn đầu vào. Hiện nay, GMAT tổ chức 250,000 kì thi mỗi năm ở 110 quốc gia trên thế giới.

Điều kiện đăng ký dự thi GMAT:

  1. Về độ tuổi: người từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu thí sinh trong độ tuổi từ 13 – 17 cần có giấy xác nhận đồng ý của người thân hoặc người giám hộ.

  2. Về số lần dự thi: thí sinh chỉ được dự thi không quá 5 lần trong một năm kể từ bài thi đầu tiên. Đồng thời, thí sinh chỉ được dự thi sau 16 ngày kể từ lần thi trước đó.

  3. Thí sinh chỉ được dự thi sau 5 năm nếu đã đạt điểm tối đa của bài thi GMAT (800 điểm).

Tại sao nên thi GMAT?

GMAT không phải là 1 bài thi kiểm tra đơn thuần trình độ tiếng Anh thông thường như IELTS hay TOEIC. Có rất nhiều người bản xứ sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ vẫn tham gia cuộc thi này bởi GMAT tập trung vào cách tư duy logic cả trong ngôn ngữ và toán học để từ đó đánh giá trình độ, kĩ năng tư duy phân tích của người thi.

Ngành MBA (Master of Business Administration) là một trong những ngành học hàng đầu yêu cầu điểm GMAT trong quá trình xét tuyển. Ngoài ra, khối ngành quản trị ví dụ như MAM (Master of Art in Management) hoặc khối ngành tài chính ví dụ MAF (Master of Art in Finance) cũng yêu cầu thí sinh nộp điểm GMAT ngoài điểm GPA, và kinh nghiệm làm việc.

Những bạn có mong muốn nộp đơn cho các chương trình cao học về chuyên ngành kinh doanh hoặc ngành quản lý ở các trường quốc tế thì cần phải ôn luyện và thi GMAT bởi vì GMAT đóng vai trò quan trọng hơn điểm trung bình (GPA), và kinh nghiệm của thí sinh khi nộp hồ sơ ứng tuyển. Có rất nhiều lý do cho việc ưu tiên điểm GMAT cao hơn GPA hay các yếu tố khác. Đầu tiên, GMAT so sánh được tất cả các ứng viên trên cùng một bộ tiêu chí. Do các ứng viên phải thi chung bộ đề nên không có sự khác biệt nào cả. Ngược lại, GPA ở các nước khác nhau bởi có những nền giáo dục áp dụng thang điểm 4, nơi khác là 10 và việc chuyển đổi giữa các thang điểm với nhau cũng chưa thực sự chính xác.

GMAT ảnh hưởng đến thứ hạng của trường nhiều hơn GPA. Điều này được thể hiện qua các bảng xếp hạng về các trường trên toàn thế giới. Cụ thể như trong bảng xếp hạng của U.S. News, trọng số của điểm GMAT là 0.163 trong khi trọng số của GPA chỉ là 0.08.

Những tính chất đặc trưng của kỳ thi GMAT

Bài thi GMAT không còn sử dụng hình thức thi giấy mà chuyển sang thực hiện hoàn toàn trên máy tính kể từ năm 1998 để kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ có tên là CAT (Computer Adaptive Test). Thuật toán của CAT nhằm để điều chỉnh độ khó của câu hỏi phụ thuộc vào năng lực của người làm bài. Ví dụ, nếu câu trả lời của bạn sai nhiều và liên tiếp, thuật toán CAT sẽ chỉ hiện ra những hỏi với mức độ dễ hơn. Như vậy, điểm số sẽ bị ảnh hưởng bởi mức độ khó dễ của các câu hỏi trong bài thi.

Kết quả của kì kiểm tra GMAT có hiệu lực trong vòng 5 năm với điểm thấp nhất là 200 và cao nhất là 800. Trung bình với số điểm GMAT 500/ 800 là điều kiện đủ cho hầu hết các trường kinh doanh có tiếng trên thế giới. Điểm GMAT trên 700/ 800 là điều kiện đủ cho những trường nằm trong hàng dẫn đầu thế giới, hoặc là điều kiện đủ để dành học bổng cho các chương trình cao học kinh doanh và quản lý.

GMAT không yêu cầu người thi những kiến thức chuyên sâu về bất kì lĩnh vực nào. Tuy nhiên những kiến thức nền cơ bản như toán học, tư duy logic và khả năng đọc hiểu cần thiết trong kì thi GMAT.

Mỗi năm bạn có thể dự thi GMAT tối đa 5 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 31 ngày. Tuy nhiên mỗi người chỉ được thi GMAT tối đa 8 lần cả đời. Nếu đã đạt được điểm cao nhất là 800 điểm, bạn sẽ phải đợi sau 5 năm để đăng ký thi lần tiếp theo.

Cấu trúc bài thi GMAT

Bài thi GMAT bao gồm 4 phần: Analytical Writing Assessment (viết luận), Integrated Reasoning (IR), Quantitative Section (toán định lượng), và Verbal Section (ngôn ngữ). Bạn có 3 lựa chọn thứ tự thi các kĩ năng:

  1. Analytical Writing Assessment (viết luận), Integrated Reasoning (IR), Quantitative Section (toán định lượng), Verbal Section (ngôn ngữ)

  2. Verbal Section (ngôn ngữ), Quantitative Section (toán định lượng), Integrated Reasoning (IR), Analytical Writing Assessment (viết luận)

  3. Quantitative Section (toán định lượng), Verbal Section (ngôn ngữ), Integrated Reasoning (IR), Analytical Writing Assessment (viết luận)

Thời gian làm bài hơn 3 tiếng với 8 phút nghỉ giữa giờ.

Phần thi Viết luận sẽ được gửi kết quả về sau 20 ngày vì cần có thời gian để chấm bài. Đối với các phần thi còn lại như Integrated Reasoning (IR), Quantitative Section (toán định lượng), và Verbal Section (ngôn ngữ) thì bạn sẽ nhận được kết quả ngay sau khi thi.

Analytical Writing Assessment (AWA) – viết luận

Thí sinh được yêu cầu viết một bài luận không giới hạn số từ, trong vòng 30 phút với nội dung phân tích lập luận (Analysis of an argument). Điểm số cho phần này dao động từ 0 đến 6.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách làm bài phần Analytical Writing Assessment trong GMAT

Integrated Reasoning – lập luận tích hợp

Phần thi này bao gồm 12 câu hỏi trong vòng 30 phút. Thí sinh được yêu cầu kết hợp nhiều kĩ năng bao gồm phân tích các biểu đồ và đọc hiểu văn bản để trả lời các câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm và cả tự luận. Các câu hỏi trong phần thi này có 4 dạng chính như sau:

  1. Lý luận dựa trên nhiều nguồn (Multi-Source Reasoning),

  2. Phân tích bảng (Table Analysis),

  3. Đọc hiểu biểu đồ (Graphics Interpretation),

  4. Phân tích dựa trên hai phần (Two-Part Analysis).

Điểm số cho phần này dao động từ 1 đến 8.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách làm bài phần thi Integrated Reasoning trong GMAT

Quantitative Section (toán định lượng)

Phần thi bao gồm 31 câu hỏi trong vòng 62 phút. Toàn bộ câu hỏi ở dạng trắc nghiệm với 5 đáp án lựa chọn. Các câu hỏi có 2 dạng chính:

  1. Giải quyết vấn đề (Problem Solving) là những bài toán đi kèm với 5 đáp án để lựa chọn. Bài thi toán trong GMAT không phải lúc nào cũng yêu cầu người thi giải từ đề bài và chọn đáp án đúng. Đối với nhiều câu hỏi, người dự thi có thể suy luận ngược từ các đáp án và đối chiếu với bài toán trong đề để đưa ra câu trả lời.

  2. Dữ liệu (Data sufficiency) khá khác biệt khi kèm theo câu hỏi là hai mệnh đề dữ liệu yêu cầu bạn quyết định mệnh đề dữ liệu nào có thể dùng cho việc trả lời câu hỏi. Tức là, người dự thi không cần tìm con số chính xác cho bài toán trong đề mà chỉ cần xác định dữ liệu nào là đủ để trả lời câu hỏi. Các đáp án lựa chọn bao gồm: Dữ liệu 1 là đủ để trả lời câu hỏi; Dữ liệu 2 là đủ để trả lời câu hỏi; Cần cả 2 dữ liệu để trả lời câu hỏi; Mỗi dữ liệu đều có thể trả lời câu hỏi; Không có dữ liệu nào trả lời được câu hỏi dù kết hợp cả 2.

Bởi vì GMAT tập trung vào khả năng tư duy logic nên những phép tính toán trong đề thi GMAT không yêu cầu người thi học thuộc những công thức dài, hoặc những kĩ năng tính toán phức tạp. Tuy nhiên, bạn không được phép mang máy tính vào phòng thi, mà phải tính nhẩm và sử dụng nháp của trung tâm tổ chức thi cung cấp. Các kiến thức toán học trong GMAT thường tập trung vào kiến thức ở chương trình toán học cả về mặt đại số và hình học cấp 2 ở Việt Nam nhưng đòi hỏi sự đào sâu và cần phải hiểu ngôn ngữ toán học bằng tiếng Anh.

Điểm số cho phần này dao động từ 6 đến 51 điểm.

Verbal Section (ngôn ngữ)

Phần thi bao gồm 36 câu trong vòng 65 phút. Toàn bộ câu hỏi ở dạng trắc nghiệm với 5 đáp án lựa chọn. Các câu hỏi có 3 dạng chính:

  1. Đọc hiểu (Reading Comprehension): phần này có 4 chủ đề phổ biến Kinh doanh (Business), Nhân loại (Humanities), Khoa học xã hội (Social Science), và Khoa học tự nhiên (Natural Science). Số lượng câu hỏi chiếm khoảng 13 đến 14 câu tương ứng với 3 đến 4 bài đọc.

  2. Lập luận phản biện (Critical Reasoning): phần này có mục đích kiểm tra kỹ năng phân tích câu hỏi kết hợp với việc đọc hiểu, từ đó yêu cầu thí sinh đưa ra những lập luận quan điểm để đánh giá vấn đề. Số lượng câu hỏi chiếm khoảng 9 đến 10 câu.

  3. Sửa lỗi sai (Sentence Correction): phần này không chỉ đánh giá khả năng ngữ pháp trong việc sử dụng tiếng Anh mà còn kiểm tra cách dùng từ, và hiểu nghĩa câu của người thi. Số lượng câu hỏi chiếm khoảng 12 đến 14 câu.

Điểm số cho phần này dao động từ 6 đến 51 điểm.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách làm bài phần thi Verbal Reasoning trong GMAT

Cách tính điểm bài thi GMAT

Tổng điểm của bài thi GMAT(Total Score)

Tổng điểm của bài thi GMAT (Total Score) được tính theo thang điểm quy đổi đánh giá khả năng từ 2 phần thi Verbal Reasoning và Quantitative Reasoning. Tổng điểm của bài thi GMAT sẽ nằm trong thang điểm 200 – 800. Điểm của 2 phần thi Analytical Writing Assessment và Integrated Reasoning được tính độc lập và không ảnh hưởng đến tổng điểm của bài thi GMAT.

Cách tính điểm thành phần

Cách tính điểm thành phần của 2 phần thi Verbal Reasoning và Quantitative Reasoning dựa trên 3 yếu tố:

–      Số lượng câu hỏi trả lời được trong giới hạn thời gian của phần thi

–      Số câu trả lời đúng

–      Độ khó và những đặc tính khác của câu hỏi thí sinh trả lời đúng

Do đó, điểm của phần thi này sẽ càng cao nếu thí sinh trả lời đúng càng nhiều câu hỏi ở mức độ khó. Cả 2 phần thi này đều được tính trên thang điểm 6 -51, lấy đến 1.0.

Cách tính điểm phần thi Analytical Writing Assessment dựa trên điểm phân tích bài luận, được chấm bởi thuật toán máy tính và cả giám khảo, được tính trên thang điểm từ 0 – 6, lấy đến 0.5. Nếu số điểm của máy và của giám khảo chênh lệch lớn thì phần thi sẽ được chấm lại bởi một giám khảo khác. Phần Analytical Writing Assessment được sử dụng để cung cấp một xếp hạng độc lập về tư duy phản biện và khả năng giao tiếp rõ ràng khi viết bằng tiếng Anh.

Cách tính điểm phần thi Integrated Reasoning dựa trên các câu trả lời phân tích các dữ kiện để lý giải các vấn đề phức tạp, được tính trên thang điểm 1 – 8, lấy đến 1.0.

Kết quả của bài thi GMAT

Bảng điểm chính thức của bài thi (Official Score Report) sẽ thông báo đến thí sinh qua email sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.

Trong đó, kết quả bao gồm số điểm thành phần cho từng phần thi và số điểm tổng bài thi GMAT của thí sinh.

Thêm vào đó, bảng điểm GMAT cũng bao gồm Xếp hạng Phần trăm (Percentile Ranking). Con số này cho biết phần trăm người dự thi mà thí sinh đã thực hiện tốt hơn. Ví dụ xếp hạng ở mức 75% có nghĩa là 25% trên tổng số người dự thi có kết quả tương đương hoặc tốt hơn bạn và 75% trên tồng người dự thi có kết quả thấp hơn. Kết quả bài thi GMAT của thí sinh sẽ không thay đổi, nhưng Percentile Ranking có thể thay đổi sau mỗi năm vì thứ hạng được tính toán lại vào mỗi mùa hè bằng cách sử dụng dữ liệu kỳ thi từ ba năm gần nhất.

Bảng thể hiện mức điểm tương đương Xếp hạng phần trăm (Percentile Ranking) giai đoạn 01/2018 – 12/2020

(Theo mba.com)

The Official GMAT Score Report được gửi đến các trường thí sinh đăng ký bao gồm các điểm của tất cả bài thi GMAT thí sinh đã hoàn thành trong vòng 5 năm. Đồng thời bảng điểm cũng sẽ bao gồm đánh giá bài luận AWA gần nhất và thông tin cơ bản khác thí sinh đã cung cấp khi tạo hồ sơ GMAT.

Về phúc khảo kết quả bài thi GMAT, thí sinh chỉ có thể yêu cầu phúc khảo điểm đối với Phần thi Analytical Writing Assessment trong vòng 6 tháng kể từ ngày có kết quả với lệ phí 45$. Đối với điểm các phần thi còn lại Verbal Reasoning, Quantitative Reasoning và Integrated Reasoning, thí sinh không thể yêu cầu phúc khảo.

Địa điểm và ngày thi GMAT

Lệ phí thi là $250 (khoảng 5 triệu 500 đồng cho tới 6 triệu đồng – tùy vào tỉ giá tại thời điểm đăng kí) cho một lần và kết quả được gửi miễn phí đến 5 trường.

Phí yêu cầu phiếu điểm: $28/ trường cho khi bạn cần nộp cho trường thứ 6.

Phí đổi ngày thi và phí hủy lịch thi: $50/ lần với điều kiện bạn phải thông báo trước ngày thi đã đăng kí là 24h.

Bạn cần phải đăng ký thi trên trang mba.com để chọn ngày, giờ và địa điểm thi.

Hiện tại ở Việt Nam có hai nơi thi GMAT nằm ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội như sau:

  1. Trung tâm tin VNPRO, 149/1D đường Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

  2. Trung tâm khảo thí quốc tế IPMAC, Tầng 6, tòa nhà Kim Ánh, ngõ 78 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

Mặc dù theo quy chế thi mba.com yêu cầu người dự thi có thể “check-in” bằng chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, hoặc hộ chiếu (passport) hoặc bất kì giấy tờ tùy thân nào có đầy đủ họ tên và ảnh chính chủ được đóng mộc bởi chính phủ, nhưng theo kinh nghiệm đi thi GMAT ta chỉ nên sử dụng hộ chiếu (passport) để làm thủ tục “check-in” nhanh gọn và đạt yêu cầu.

Thí sinh có thể đăng ký dự thi trực tiếp tại các văn phòng uỷ quyền của hội đồng GMAC tại quốc gia sở tại, hoặc đăng ký trực tuyến bằng các tạp tài khoản trên trang của GMAT và yêu cầu đặt hẹn lịch thi. Thí sinh tham khảo thêm cách thức đăng ký cho kỳ thi GMAT tại đây.

 Trang Trịnh – Giảng viên tại ZIM

Rate this post

Viết một bình luận