Medusa có lẽ đã quá nổi tiếng với tất cả mọi người, đó là một con quái vật hùng mạnh trong thân xác nữ nhi.
Nhưng đó tuyệt nhiên không phải một người con gái xinh đẹp với làn da thấm đẫm nắng gió của vùng Địa Trung Hải hay đôi mắt xanh trong veo như nước biển, làn tóc bồng bềnh mà Medusa được miêu tả giống một ác phụ có đôi mắt đỏ ngầu cùng mái tóc là nhung nhúc những con rắn độc đang rít gào.
Perseus chặt đầu Medusa. Ảnh minh họa.
Theo thần thoại Hy Lạp, con quái vật đáng sợ đó có sức mạnh để biến mọi sinh vật thành đá nếu dám nhìn thẳng vào đôi mắt rực đỏ màu máu đó. Tuy nhiên, đến cuối cùng, ác thần Medusa đã bị người anh hùng Perseus chặt đầu và chết bởi chính sức mạnh của mình.
Bất cứ ai từng đọc qua những áng văn hào hùng của thần thoại Hy Lạp sẽ đều đồng tình rằng Medusa chết là quá xứng đáng bởi cái thiện luôn thắng và cái ác buộc phải bị diệt vong. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Medusa liệu có đáng chết đến thế? Cô sinh ra đã mang hình hài quái vật hay còn uẩn khúc nào khác?
Được mô tả rất kỹ trong tác phẩm Thần Phả (Theogony) của Hesiod, Medusa là một trong ba cô con gái của Phorcys và Ceto – hai vị thần nguyên thủy của đại dương. Cô và hai chị gái Sthenno và Euryale sinh ra đã đều mang sức mạnh vượt trội, nhưng khác biệt ở chỗ trong khi hai chị em mình bất tử thì Medusa lại chỉ giống một phàm nhân.
Thực tế, trong các truyền thuyết trước đây, người ta cho rằng Medusa sinh ra đã là một con quái vật xấu xí với cái đầu nhung nhúc rắn độc tuy nhiên quan điểm này dần thay đổi mạnh mẽ theo thời gian.
Khoảng năm thứ 8 sau Công nguyên, Ovid, một nhà thơ La Mã nổi tiếng kể lại những câu chuyện thần thoại Hy Lạp, trong đó có cả truyền thuyết về Perseus và chiến công giết chết Medusa. Trong tác phẩm này, Ovid đã đem tới một câu chuyện hoàn toàn khác về sinh vật đáng sợ này.
Theo Ovid, Medusa được sinh ra là con người, có thể sống, có thể chết chứ không bất tử như hai chị em của mình.
Dần dần, theo thời gian, cô bé Medusa lớn lên như một thiếu nữ xinh đẹp. Nàng mang trong mình vẻ đẹp cổ điển của vùng đất đầy nắng gió. Không một người nào có thể cưỡng lại nét đẹp đó với khuôn mặt thanh tú, làn da mịn màng, đôi mắt trong veo và cả mái tóc bồng bềnh luôn đầy ắp hương trong gió.
Đâu chỉ dừng lại ở đó, vẻ đẹp của Medusa khiến mọi cô gái đứng trước mặt nàng đều trở nên mặc cảm, tự ti. Và cả những vị thần dường như cũng trở nên si ngốc trong giây lát nếu đối diện với nụ cười tỏa nắng của thiếu nữ xinh đẹp ấy. Và Poseidon – nam thần thống trị biển cả cũng không biết từ bao giờ trở thành người hâm mộ vẻ đẹp ấy.
Quay lại với Medusa, khi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc nàng phải tự quyết định tương lai cho mình và thiếu nữ này đã chọn trở thành tư tế của Athena – nữ thần trí tuệ. Được phụng sự Athena không khác gì đặc ân và vạn cô gái khác đều mong muốn, nhưng câu chuyện bất hạnh cũng bắt đầu từ đây.
Trở thành tư tế của nữ thần Trí Tuệ Athena đồng nghĩa với việc các thiếu nữ phải dâng hiến sự trong trắng cũng như cả cuộc đời của họ với nữ thần. Medusa không phải là ngoại lệ và nàng cũng hy sinh hết những gì có thể để được làm công việc này.
Tuy nhiên, với sắc đẹp tột đỉnh như vậy, thật khó để Medusa không làm người khác xốn xang. Và một trong những người đó là vị thần biển cả hùng mạnh Poseidon.
Theo mô tả từ trong thần thoại Hy Lạp, các vị thần đôi khi không thể hiện tình yêu một cách nhẹ nhàng, lãng mạn mà thường có hành vi “làm nhục” chính đối tượng của mình. Đối với Medusa, thần biển Poseidon cũng tiến tới một cách đầy vũ lực như vậy.
Poseidon đã cướp đi sự trong trắng của nàng Medusa xinh đẹp ngay trong điện thờ thiêng liêng của nữ thần Athena. Và khi xong việc, nam thần này chỉ đơn giản rời đi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Athena, với tư cách là một nữ thần đồng trinh, vô cùng tức giận vì sự bẩn thỉu này diễn ra trong đền thờ của mình và nàng chọn cách trừng phạt thật nặng nữ tư tế của mình vì đã làm ô uế nơi linh thiêng này. Và cái đầu tiên bị Athena tước đi chính là sắc đẹp của Medusa.
Theo phiên bản thần thoại, mái tóc đẹp của Medusa đã trở thành một tổ rắn nhung nhúc, đôi mắt trong veo bỗng hóa đỏ ngầu như máu, đáng sợ hơn, nó mang theo sức mạnh vô song, có thể biến bất cứ ai nhìn vào đều trở thành đá.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là Medusa không kiểm soát được khả năng này. Bất cứ ai nhìn vào khuôn mặt của nàng đều sẽ hóa đá ngay lập tức. Thực chất, Athena làm tất cả những điều này không phải ban phát sức mạnh mà đơn giản chỉ là khiến Medusa buộc phải sống một cuộc sống cô đơn suốt đời.
Trên danh nghĩa, sau khi phát sinh chuyện ở trong đền thờ, Medusa đã trở thành vợ của Poseidon nhưng vĩnh viễn, nàng không bao giờ có thể nhìn mặt chồng mình.
Mà thậm chí sự cô quạnh còn lên đến đỉnh điểm khi ngay cả bản thân Medusa cũng không thể chấp nhận nổi ngoại hình xấu xí bây giờ. Đối với nàng, có lẽ việc nhìn vào gương thôi cũng là cả một sự đả kích lớn đối với thiếu nữ từng được coi là biểu trưng cho sắc đẹp (tất nhiên là không tính đến khả năng hóa đá bản thân khi nhìn vào gương).
Điều nàng tự hào nhất, vẻ đẹp thánh thiện của mình, giờ đây hóa thành một con quái vật với làn da nứt nẻ, hơi thở phì phò cùng cái đầu mà ai nhìn thấy cũng phát khiếp.
Và những gì tiếp theo có lẽ mọi người cũng đã biết, Medusa dần trở nên ác độc và biến mọi chiến binh muốn giết mình trở thành tượng đá cho đến một ngày định mệnh gọi tên Perseus – á thần mang trọng trách chặt đầu quái vật tóc rắn.
Thực tế, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều dị bản về nguồn gốc của Medusa nhưng hầu hết sự sai khác chỉ nằm ở nguyên nhân còn quyết định của Athena khi biến thiếu nữ xinh đẹp trở thành một con quái vật xấu xí, tàn ác sở hữu năng lực hóa đá mọi người là không hề thay đổi.
Suy cho cùng, trong phiên bản này, chúng ta có thế thấy Medusa không phải sinh ra đã là một con quái vật, không phải nàng lựa chọn đi vào cái ác, cũng không phải thiếu nữ này lựa chọn bị làm nhục ngay trong đền thờ của nữ thần Athena…
Nàng từng rất xinh đẹp, từng rất ngay thơ nhưng định mệnh bắt nàng phải vào vai ác để tôn vinh một nhân vật khác. Có lẽ cái Medusa xứng đáng được nhận không phải sự chán ghét mà là một chút cảm thông. Cũng giống như tựa đề bài viết của Nicole Saldarriaga: “Medusa: Sự cảm thông cho quái vật”.