Gửi về quan họ

Dù đêm nhạc tri ân nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi – người thầy giáo đầu tiên của dân ca quan họ, đã lùi xa 2 tháng nhưng trong tôi vẫn đầy xúc động về những đóng góp của ông, về những thế hệ nghệ nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ đã cống hiến không mệt mỏi cho sự trường tồn và lan tỏa của dân ca quan họ.

Nhớ vùng đất bên dòng sông Cầu, nhớ những câu quan họ đằm thắm, mượt mà, nhớ những nụ cười, ánh mắt và sự mến khách của những người quan họ mà tôi đã từng gặp trên đường đời, tôi chỉ còn biết trải lòng mình qua những câu chữ…

Lưu luyến tình người quan họ

Khi lạch cạch gõ những dòng chữ trên chiếc máy tính cá nhân, đôi tai tôi văng vẳng lên giai điệu quen thuộc: “Anh chưa đến làng quan họ trọn tình nghe canh hát trao duyên/ Anh chưa đến dòng sông Cầu ngàn đời vui sóng nước lơ thơ/ Anh cũng chẳng biết đến bao giờ ngồi tựa mạn thuyền buông câu hát đợi chờ/ Anh chưa đội chiếc nón và hỏi xem đây đã mấy hẹn mấy hò/ Mà sao người quan họ cứ giấu nụ cười thầm/ Trong vành nón ba tầm và trong tà áo tứ thân đi hội mùa xuân…”. 

Nghe và cảm nhận những câu hát ấy càng làm tôi thêm thán phục nhạc sĩ Đức Miêng. Tại sao người đàn ông với bề ngoài có vẻ lạnh lùng, khô khan ấy lại có thể viết ra được ca từ hay, ngọt ngào, trong trẻo đến độ mê đắm lòng người đến thế?

Hát quan họ đã trở thành một “đặc sản” của người Kinh Bắc. 

Lại nhớ lần ngồi với nhạc sĩ Đức Miêng tại tư gia của ông trên con phố sầm uất Tô Vĩnh Diện ngay giữa thành phố Bắc Ninh – trung tâm của vùng Kinh Bắc, tôi được ông kể về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này. Đó là khoảng thời gian cách đây chừng 40 năm, khi ông cùng các nghệ sĩ ở Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc (nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) lên biên giới phía Bắc biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào khi đang giành giật từng tấc đất với quân bành trướng. 

Ở nơi biên giới xa xôi, giữa mùa đông lạnh giá, với nỗi nhớ nhà da diết, ông đã “đóng giả” là người lính trên chốt chưa một lần đến quê hương quan họ nhưng đã yêu, đã mến mảnh đất này khi nghe liền chị hát quan họ. Và tình yêu quan họ cộng hưởng cùng tình yêu của một chàng trai cầm súng nơi biên cương với cô gái miền quan họ đã là sức mạnh, là điểm tựa tinh thần to lớn để người lính vững tin chiến đấu và tin vào ngày mai chiến thắng…

Miên man theo dòng ký ức về nhạc sĩ Đức Miêng, tôi lại cảm nhận một điều thật cao quý rằng, dù trọn một đời “rút ruột nhả tơ” cho những bài hát cải biên và sáng tác về quan họ nhưng ông lại là người con của quê lúa Thái Bình. 

Và không chỉ có ông mà mảnh đất này với những điều ẩn chứa lạ kỳ bên trong này đã thu hút và làm thổn thức biết bao trái tim của những “vị khách” phương xa. Nhạc sĩ xứ Thanh Lê Minh với “Khách đến chơi nhà” (thơ Đỗ Việt Dũng). Nhạc sĩ xứ nhãn Lê Mây với “Bắc Ninh – Kinh Bắc”. 

Nhạc sĩ quê lúa Vũ Thiết với “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” hay “Bắc Ninh ngày tôi về”. Nhạc sĩ Thành Nam Nguyễn Tiến với “Nhớ đêm giã bạn”. Nhạc sĩ xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tạo với “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách)… 

Đặc biệt nhạc sĩ vùng chiêm trũng Hà Nam Ngô Quốc Tính cũng chỉ vì mê đắm câu quan họ cũng như lối sống của người Kinh Bắc đã về vùng Phật Tích tậu đất làm nhà rồi “gieo” những “mầm hạt” âm nhạc mang đậm hồn cốt văn hóa, lịch sử của vùng quê cổ kính này, tiêu biểu thể hiện qua “Nàng Nhũ Hương”, “Phật Tích”… Có thể nói những người nhạc sĩ kể trên mỗi người một quê, một hoàn cảnh, một số phận nhưng họ đã gặp nhau ở một điểm là sự yêu mến từ chính con tim và khối óc của mình dành cho mảnh đất, văn hóa và con người Bắc Ninh.

Tác giả và NSND Thúy Cải tại quê nhà của bà.

Bên cạnh văn hóa quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nơi đây còn có một “di sản” khác, là con người mến khách, nghĩa tình, sống có trước, có sau. Câu hát “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình” trong bài quan họ cổ “Ngẫu hứng giao duyên” giờ đây đã vượt qua khuôn khổ một bài hát mà đi vào đời sống nhân dân, trở thành câu nói cửa miệng của người Bắc Ninh. Bản thân tôi đã từng cảm nhận được điều này khi về thăm Nghệ sĩ nhân dân Thúy Cải tại quê nhà Tiên Du của bà.

Làm sao tôi có thể quên được buổi gặp mặt thân tình, ấm cúng ấy, được nghe chất giọng “vang, rền, nền, nảy” của “người phụ nữ sinh ra là dành cho quan họ” như nhiều người đã từng nhận xét. Nghệ sĩ Thúy Cải kể cho tôi nghe, những hôm băm bèo, nấu cám, đánh dậm, đi cấy… với các nghệ nhân ở 49 làng quan họ cổ rồi tối về bà lại được các cụ nghệ nhân truyền dạy cho từng câu hát quan họ. 

Bà cũng khẳng định, hồi ấy bà không chỉ học các cụ những bài hát mà còn học cả lối sống nghĩa tình của họ, bởi “chúng ta không thể hát quan họ hay mà trong lòng vẫn đầy sân si, toan tính, ganh đua…”. “Thế giới công nhận quan họ là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ ở giai điệu, lời ca mà ẩn chứa bên trong là văn hóa, là cách đối nhân xử thế của người quan họ”, Nghệ sĩ nhân dân Thúy Cải trải lòng.

Quan họ trong sự bảo tồn và phát triển hôm nay

Nghĩ về câu hát quan họ trong sự bảo tồn và phát triển hôm nay, tôi lại càng trân trọng tấm lòng của nghệ sĩ Quý Thăng với trách nhiệm lớn lao dành cho quê hương. Mấy chục năm trước, người đàn ông gốc Mão Điền (huyện Thuận Thành) này đã làm một điều chưa ai từng làm, chưa ai dám làm là thành lập Câu lạc bộ quan họ tại thành phố mang tên Bác. 

Với sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, ông đã không chỉ xây dựng Câu lạc bộ Mười Nhớ vững mạnh như ngày nay mà còn nhân lên sức lan tỏa quan họ trên nhiều tỉnh, thành phía Nam, như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… 

Quan họ giờ đây đã không là loại hình nghệ thuật truyền thống quá xa vời với người dân phương Nam mà nó đã hòa vào dòng chảy cùng đờn ca tài tử, cải lương… tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của người dân phía Nam Tổ quốc.

Những người yêu quan họ cũng đầy tự hào khi nhắc về Mười Nhớ như một “người anh cả” quan họ phương Nam và đó cũng chính là “cánh tay nối dài” của dân ca quan họ. Nhưng chưa dừng ở đó, trong những ngày vừa qua khi đất nước phải “căng mình” chống dịch COVID-19, tôi vẫn thấy nghệ sĩ Quý Thăng đi đi về về để dạy quan họ cho người dân Mão Điền quê ông. 

Trò chuyện cùng ông qua điện thoại hay qua tin nhắn Facebook lúc nào cũng thấy ông say sưa nói về quan họ, nói về những dự định ấp ủ là xây một nhà chứa quan họ hay xa hơn là xây một nhà thờ Thủy tổ quan họ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông tin rằng, nếu những ý tưởng ấy thành hiện thực thì quan họ sẽ ngày càng lan tỏa trên vùng đất một thời được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.

Giờ đây nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, nhà nghiên cứu quan họ Nguyễn Hồng Thao hay nhạc sĩ Đức Miêng đều đã đi xa, họ có thể vẫn đang chơi quan họ ở một cõi khác. Nghĩ về những tấm gương lớn trong nghề ấy, tôi càng mong muốn những cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, những nghệ nhân, nghệ sĩ quan họ cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để bảo tồn vốn quý quan họ của ông cha. 

Song song với việc hát những bài quan họ cổ, các nhạc sĩ, soạn giả cũng cần tìm tòi, sáng tạo để có những sáng tác mới hay những bài đặt lời mới cho quan họ để phù hợp với nhịp sống hối hả hôm nay. Càng làm “giàu” thêm “kho” bài hát quan họ để phục vụ nhu cầu của người hát, chúng ta sẽ càng có cơ sở để vững tin rằng, quan họ sẽ trường tồn và lan tỏa như một bông hoa đẹp có hương sắc vĩnh cửu bền bỉ cùng thời gian.

Rate this post

Viết một bình luận