Nhằm giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, huyện Vị Xuyên đã xây dựng và thực hiện phương án hỗ trợ, phát triển chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, giai đoạn 2019 – 2022.
Khai thác tối đa tiềm năng
Theo UBND huyện Vị Xuyên, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt khoảng 585ha, trong đó 132ha thuộc diện tích lòng hồ của 4 nhà máy thủy điện. Với sự phong phú của các giống loài thủy sản, môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của các giống cá nước ngọt, việc nuôi cá lồng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân và góp phần tích cực vào thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Nhờ nuôi cá lồng đặc sản, nhiều hộ dân ở Vị Xuyên có thu nhập ổn định. Ảnh: M.N
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Giang dành trên 15 tỷ đồng để nâng cáo giá trị sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện. Đối tượng hỗ trợ là các cá nhân, HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển từ nuôi trồng thủy sản thông thường, manh mún, nhỏ lẻ sang thâm canh quy mô lớn, tập trung, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP… Quy mô thực hiện 1.000 lồng, sản lượng 1.874 tấn.
Tuy nhiên, thời gian qua hầu hết các hộ dân nuôi cá mang tính tự phát, manh mún, chưa tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước.
Để khắc phục những tồn tại và phát huy những lợi thế về nuôi trồng thủy sản, UBND huyện Vị Xuyên đã xây dựng và thực hiện phương án “Phát triển chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện giai đoạn 2019 – 2022”.
Phương án cũng nhằm mục đích bảo tồn một số giống cá quý hiếm của địa phương, phát triển nuôi các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao, qua đó đáp ứng nhu cầu thực phẩm của thị trường cũng như giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định cho người dân sống xung quanh khu vực lòng hồ thủy điện, góp phần tích cực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Theo đó, UBND huyện hỗ trợ người dân thực hiện từ 30-45 lồng cá tại các xã Đạo Đức, Việt Lâm, Trung Thành và thị trấn Việt Lâm. Mỗi lồng có kích thước từ 20 – 30m3. Mỗi cụm lồng có từ 2 – 5 lồng nuôi cá.
Phương án được thực hiện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm lồng cá với định mức 800.000 đồng/m3; hỗ trợ kinh phí mua giống cá với định mức 300.000 đồng/m3. Sử dụng giống cá đặc sản và một số giống cá có năng suất, giá trị cao để làm giống; cá giống được tuyển chọn khỏe mạnh không bệnh dịch.
Việc lựa chọn khu vực nuôi trồng phải có đủ các điều kiện thuận lợi như: Nguồn nước, tốc độ dòng chảy, ánh sáng, lượng mưa ổn định; cùng với đó là thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống thiên tai; phối hợp chặt chẽ giữa các hộ nuôi cá với các cơ quan chuyên môn về hướng dẫn kỹ thuật và các công ty thủy điện để đảm bảo mực nước trong quá trình nuôi.
Năm 2019, anh Đỗ Văn Kỳ (thôn Độc Lập, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) đã có thu nhập gần 100 triệu đồng từ tiền bán cá trắm cỏ. Ảnh: M.N
Từ quy mô 27 lồng cá ban đầu thực hiện theo phương án, đến nay, toàn huyện đã nhân rộng được 115 lồng cá/7.650m3. Năng suất bình quân cá nuôi đạt 20kg/m3, sản lượng đạt trên 153 tấn/năm.
Người dân yên tâm đầu tư
Anh Đỗ Văn Kỳ (ở thôn Độc Lập, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) cho biết, gia đình anh được huyện hỗ trợ 150 triệu làm lồng nuôi cá. Hiện nay, anh Kỳ đã có tổng 5 lồng nuôi, trong đó có 3 lồng nuôi được hỗ trợ (50 triệu đồng/lồng).
Anh Kỳ cho biết, gia đình anh nuôi cá lồng từ năm 2017 và đã nhiều lần mất ăn, mất ngủ khi nhà máy thủy điện xả lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, lượng bùn kèm theo nước lũ đã làm hư hại nhiều lồng cá. Mỗi lần như vậy, gia đình anh thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng, tôi cũng yên tâm hơn. Lồng bè được đầu tư chắc chắn hơn, diện tích nuôi cá được mở rộng nên chắc chắn nguồn thu từ nuôi cá lồng sẽ tăng” – anh Kỳ kỳ vọng.
Hiện anh Kỳ thả nuôi 2.000 con trắm cỏ, 6.000 rô phi, 100 cá lăng và 300 con cá chiên. Cuối năm 2019, anh Kỳ xuất bán được 1,3 tấn cá trắm cỏ với giá 70.000 đồng/kg, chưa trừ chi phí anh Kỳ thu về gần 100 triệu đồng.
Cũng là người nuôi cá lồng trên sông Lô nhiều năm nay, anh Hồ Sỹ Đức (ở thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) được hỗ trợ 88 triệu đồng để làm lồng nuôi cá. Anh Đức cho biết, anh đang nuôi 4 lồng cá, chủ yếu là giống cá chiên đặc sản. Trong đợt mưa lũ vừa qua, 3 lồng cá của anh bị nước lũ làm hư hỏng nặng.
“Nước lũ tràn về lúc nửa đêm làm chúng tôi không kịp phản ứng, không chỉ riêng gia đình tôi mà một số hộ khác cũng bị nước lũ làm hư hại lồng bè. Rất may là chúng tôi được địa phương quan tâm hỗ trợ làm lồng nuôi chắc chắn, ngoài ra còn hướng dẫn kỹ thuật, giúp chúng tôi có điều kiện phát triển nghề nuôi cá lồng”.
Bà Phan Thị Thơm – Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) cho biết, việc các hộ dân trên địa bàn xã được hỗ trợ kinh phí để nuôi cá lồng đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng. Trước đây, người dân trên địa bàn xã thường nuôi cá tự phát, nhỏ lẻ nên rủi ro cao. Nhưng bây giờ, Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, con giống, khoa học kỹ thuật sẽ tạo động lực thúc đẩy nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Đạo Đức nói riêng và huyện Vị Xuyên nói chung.