Hà Lan – đất nước nhỏ với nhiều thành tựu lớn

Tên chính thức của Hà Lan là Vương quốc Hà Lan (Kingdom of the Netherlands, Netherlands trong tiếng Hà Lan nghĩa là “vùng đất thấp”). Tên gọi này xuất phát từ thực tế phần lớn đất liền Hà Lan đều nằm ngang hoặc thấp hơn mực nước biển và hơn 25% diện tích của nước này ở dưới mực nước biển. Chính đặc điểm đó đã trở thành động lực thúc đẩy người Hà Lan không ngừng sáng tạo, trở thành chuyên gia hàng đầu thế giới về xây dựng công trình đê biển và thủy lợi hùng vĩ, chống chọi thiên tai khắc nghiệt.

Hà Lan có thủ đô là TP Amsterdam nhưng trung tâm hành chính được đặt ở TP Hague. Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu Hoàng gia Hà Lan, hiện nay là Nhà vua Willem-Alexander. Cơ cấu hành chính gồm chính quyền trung ương và 12 tỉnh. Người dân quốc gia Tây Âu này sử dụng tiếng Hà Lan làm ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh được phổ biến rộng rãi. Gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) và khu vực đi lại tự do Schengen, đất nước này sử dụng đồng EURO làm đơn vị tiền tệ chính thức.

Với diện tích hơn 41.500 km2 và dân số hơn 17,1 triệu người (tính đến năm 2018), Hà Lan thuộc “tốp” các quốc gia có mật độ dân số dày đặc nhất thế giới. Khoảng 50% dân số nước này tuyên bố theo tôn giáo, có thể kể đến các tôn giáo lớn nhất lần lượt là: Công giáo La Mã, Tin lành và Hồi giáo. Ngày nay, sinh sống tại “xứ sở muôn hoa” có dân tộc người Hà Lan (gần 78%), người Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Indonesia, người Kurd…

Được mệnh danh là “đất nước nhỏ với nhiều thành tựu lớn”, Hà Lan đã tận dụng thành công thế mạnh của quốc gia ven biển, cửa khẩu của ba con sông lớn ở Tây Âu để xây dựng cảng biển, phát triển giao thương và xây dựng hệ thống kênh đào; vị trí chiến lược nằm giữa các nước lớn về phát triển kinh tế Anh, Pháp, Đức; đất đai mầu mỡ, khí hậu ôn hòa cũng như khắc phục các khó khăn về điều kiện tự nhiên, đầu tư sâu rộng vào nghiên cứu và phát triển. Qua đó, nước này đã đẩy mạnh phát triển ngành nông sản và thực phẩm, ngành làm vườn, quản lý nước, vận tải logistics, cảng biển năng lượng, hóa chất, công nghệ cao… Đây là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn hàng đầu của Hà Lan, đưa quốc gia này trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới về phát triển.

Năm 2017, Hà Lan được xếp vào vị trí nền kinh tế lớn thứ sáu EU và đứng thứ 12 thế giới về thu nhập GDP bình quân đầu người. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Hà Lan trong năm 2018 đạt 53 nghìn USD. Hà Lan nằm trong số 10 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế có độ mở cao và ngoại thương phát triển.

Hiện nay, nền kinh tế Hà Lan đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh. Chính phủ xem tăng trưởng xanh là cần thiết để duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường và lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đang dần khan hiếm.

Không dừng lại ở hoa tuy-líp và cối xay gió, Hà Lan còn sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: đội tuyển bóng đá “cơn lốc mầu da cam”, bia Heineken, đồ điện tử Philips, hai liên doanh với Anh là công ty dầu mỏ Royal Dutch Shell và hãng sản xuất thực phẩm, đồ uống, chất tẩy rửa và chăm sóc cá nhân Unilever… Không những vậy, nhờ có phong cảnh đẹp như tranh vẽ, con người thân thiện và nền giáo dục chất lượng cao, Hà Lan đã trở thành một trong những điểm đến du lịch và du học được ưa chuộng nhất trên thế giới.

Vào Ngày Quốc tế hạnh phúc vừa qua (20-3), Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo xếp hạng các quốc gia hạnh phúc trên thế giới dựa vào những tiêu chí như: thu nhập, tuổi thọ trung bình, phúc lợi xã hội… Trong bảng xếp hạng năm nay, Hà Lan đứng ở vị trí thứ năm, tăng một bậc sau hai năm liên tiếp giữ vị trí thứ sáu.

* Thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hà Lan phát triển sâu rộng, hiệu quả

* Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ thăm chính thức nước ta

Rate this post

Viết một bình luận