Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng
có thể dùng thay thế cho nhau được không?
Ông cha ta vẫn thường nói: “Muốn cho xanh tóc đỏ da, rủ nhau lên núi tìm Hà thủ ô”. Cây Hà thủ ô được nhắc đến ở trên là Hà thủ ô đỏ, được dùng để làm đen râu tóc, dùng trong trường hơp máu xấu dẫn đến bạc tóc sớm. Hiện nay, ngoài Hà thủ ô đỏ còn có cây Hà thủ ô trắng. Vậy hai dược liệu này khác nhau thế nào và có thể dùng thay thế cho nhau không, chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!
1. Hà thủ ô đỏ
Danh pháp khoa học: Polygonum multiflorum thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).
Tên gọi khác: Giao đằng, dạ hợp.
Sở dĩ cây Hà thủ ô được gọi là Giao đằng bởi vì thân của cây khi mọc luôn quấn quít với nhau, ngay cả ban đêm cũng vậy nên gọi là dạ hợp.
Cây Hà thủ ô đỏ
Bộ phận dùng: Rễ củ.
Chế biến: thu hoạch Hà thủ ô đỏ vào mùa thu, khi lá khô úa, đào lấy củ, rửa sạch, cắt thành miếng, phơi hay sấy khô. Có thể đồ chín rồi phơi thì tốt hơn. Trước khi dùng thường nấu, đồ với đậu đen.
Bào chế: Trong Hà thủ ô có tannin nên trước khi sử dụng thường ngâm với nước vo gạo 1 ngày 1 đêm sau đó rửa lại. Nấu Hà thủ ô với đậu đen theo tỷ lệ 1 kg Hà thủ ô với 100 g đậu đen và 2 lit nước, nấu đến khi đậu đen nhừ nát. Khi gần cạn, đảo cho chín đều. Khi củ đã mềm, lấy ra bỏ lõi (nếu có), thái lát mỏng rồi phơi khô. Hà thủ ô đồ 9 lần với đậu đen rồi phơi 9 khô 9 lần (cửu chưng cửu sái) là tốt nhất.
Chú ý: Khi đun nên đặt vỉ ở đáy nồi cho khỏi cháy dược liệu
Theo YHCT Hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, bổ gan thận, nhuận tràng, thông tiện, làm đen râu tóc dùng để chữa các chứng thiếu máu, da xanh, gầy yếu, đau lưng, di tinh, tóc bạc sớm, táo bón.
2. Hà Thủ ô trắng
Hà thủ ô trắng là một loại dược liệu được phát hiện muộn hơn so với Hà thủ ô đỏ.
Danh pháp khoa học: Streptocaulon juventas (Lour.) Merr thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae)
Tên gọi khác: Dây sữa bò, củ vú bò, Mã liên an, Khâu nước, Dây mốc, cây sừng bò, Khău cần cà (Tày), Chừa ma sình (Thái), Sân rạ, xờ rạ (Kho), Pất (kdong), Xạ ú pẹ (Dao)
Cây Hà thủ ô trắng
Bộ phận dùng: rễ củ. Một số nơi dùng cả thân và lá.
Chế biến: Rễ đào về, rửa sạch, thái lát mỏng phơi hay sấy khô. Có thể ngâm rễ củ với nước vo gạo 12 giờ trước khi phơi hay sấy khô.
Theo YHCT Hà thủ ô trắng có tác dụng bổ máu, bổ gan thận dùng để điều trị chứng thiếu máu, da xanh gầy, tcos bạc sớm, yếu sinh lý, kinh nguyệt không đều, đau nhức gân xương.
3. Phân biệt Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng
Về đặc điểm thực vật
Hà thủ ô trắng là dạng dây leo, thân cành màu hơi đỏ hoặc nâu đỏ, có nhiều lông, khi về già thì nhẵn dần. Lá mọc đối, hình mác dài, đầu nhọn, có lông. Hoa có màu nâu nhạt hoặc vàng tía mọc thành xim có rất nhiều lông. Quả đại tách đôi ngang trông giống sừng bò, có nhiều lông. Hạt dẹt, có chùm lông mịn.
Hà thủ ô đỏ là dạng dây leo, thân mọc xoắn vào nhau, bên ngoài nhẵn có màu xanh tía. Lá mọc so le, cuống dài, hình tim. Cả hai mặt lá đều xanh, nhẵn. Hoa nhỏ, màu trắng mọc thành chùm, nhiều nhánh.
Về bộ phận dùng
Rễ củ Hà thủ ô đỏ có vỏ ngoài màu nâu đỏ, có nhiều nếp nhăn, thể chất cứng chắc và rất khó bẻ. Mặt cắt ngang có màu đỏ hồng, ở giữa có lõi gỗ cứng. Bột màu nâu hồng, không có mùi, vị đắng chát. Rễ củ Hà thủ ô đỏ to hơn Hà thủ ô trắng rất nhiều.
Rễ củ Hà thu ô trắng có đường kính dài từ 1- 3 cm, mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu xám, có nếp nhăn và rãnh dọc, có vết tích của rễ con còn sót lại. Bổ đôi củ thấy mặt cắt ngang màu trắng ngà đến màu vàng nâu nhạt. Vị hơi đắng, có nhiều bột.
Hà thủ ô đỏ
Hà thủ ô trắng
Ngoài ra, trong dân gian còn dùng thân lá của Hà thủ ô trắng để đun nước tắm, rửa chữa lở ngứa.
Về tác dụng, công dụng
Theo Đông y, rễ cây Hà thủ ô đỏ và rễ cây Hà thủ ô trắng đều có tác dụng bổ máu, bổ gan thận nên có thể dùng thay thế nhau được. Một điều cần chú ý là trong dân gian còn dùng thân và lá cây Hà thủ ô trắng, tuy nhiên thân và lá cây này có tác dụng hoàn toàn khác với rễ cây, không thể dùng thay thế rễ cây được.
ThS. DS. Bùi Thị Duyên – Bộ môn Dược liệu