Là một doanh nhân thành danh với việc đưa loài cá sấu Xiêm từ miền Nam ra Bắc nhân giống, phát triển, ông Cao Văn Tuấn (60 tuổi, Giám đốc Công ty cá sấu Việt Nam, P.Hùng Vương, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) còn nổi tiếng với niềm đam mê văn hóa.
Từ 20 năm nay, ông Tuấn tạo mối liên hệ đặc biệt với giới văn nghệ sĩ. Nhiều tiền của làm ra từ hoạt động kinh doanh được ông Tuấn “đổ” vào đam mê văn hoá nghệ thuật của mình.
“Tôi có 3 đam mê lớn. Một là cá sấu, hai là đồ cổ và ba là tranh nghệ thuật. Tôi tìm đến cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật để học hỏi về văn hóa”, ông Tuấn thường hay chia sẻ với bạn bè như vậy.
Trong khuôn viên rộng hơn 10.000 m2 của Công ty cá sấu Việt Nam, ông Tuấn cho xây dựng 2 toà nhà lớn để chứa cổ vật, tranh ảnh sưu tập được. Theo thống kê, ông Tuấn đang sở hữu hơn 2.000 cổ vật và khoảng 300 tác phẩm nghệ thuật các loại.
“Mỗi tuần, thậm chí hàng ngày, đều có anh em, bạn bè, người quan tâm đến chơi với tôi. Họ muốn tham quan, chiêm ngưỡng những món đồ nghệ thuật tôi có. Điều đó khiến tôi nảy ra ý tưởng làm bảo tàng. Một bảo tàng nghệ thuật đầy sức hút, giá trị, với tên Đông Dương”, ông Tuấn vừa nói vừa mở cánh cửa căn phòng lớn đã được cải tạo thành bảo tàng.
Hướng mắt về tấm biển đề tên của bảo tàng, ông Tuấn giải thích: “Bảo tàng của tôi quay hướng đông. Tôi cũng thích bình minh. Chính vì vậy, tôi chọn tên Đông Dương, đó là ánh sáng mặt trời phía đông thôi”.
Trong ánh sáng huyền ảo của hệ thống đèn được bố trí cẩn thận, hàng nghìn cổ vật trong bảo tàng này được bố trí tinh tế, tỉ mỉ và trang trọng. Theo lý giải của ông Tuấn, bộ sưu tập đồ gốm từ thời đại Đông Sơn đến thế kỷ 20 được bài trí theo dòng thời gian. Trong khi đó, những món đồ thờ, tượng cổ, được bố trí theo không gian.
“Tôi chỉ là “tay mơ” khi làm bảo tàng. Chính vì vậy, tôi đã hỏi, nhờ rất nhiều người có chuyên môn để bài trí hiện vật sao cho hợp lý nhất. Bài trí theo dòng thời gian thì không khó, nhưng không gian lại khác. Những món đồ trong cùng không gian phải có sự liên kết với nhau”, ông Tuấn lý giải.
Mở cửa phục vụ miễn phí
Theo ông Tuấn, về cơ bản, mọi thứ ở bảo tàng đã xong, giấy phép hoạt động cũng đã được UBND TP.Hải Phòng cấp. Nếu không có gì cản trở, bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Hải Phòng này sẽ chính thức mở cửa vào mùa hè năm 2021.
“Trước mắt, tôi mở cửa miễn phí, phải lan tỏa giá trị của bảo tàng đã. Tôi hy vọng bảo tàng sẽ giúp mọi người yêu nghệ thuật, yêu cổ vật như tôi. Có thể, tôi sẽ nghèo đi về vật chất, thậm chí phá sản vì bảo tàng, nhưng tôi cứ làm vì tôi mê và yêu văn hóa”, ông Tuấn trả lời khi được hỏi có bán vé tham quan bảo tàng hay không.
Đánh giá về bảo tàng của ông Cao Văn Tuấn, ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó chủ tịch Hội cổ vật Hải Phòng, cho biết: “Đồ cổ trong bảo tàng của ông Tuấn có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, rất thích hợp trưng bày, giới thiệu trong bảo tàng”.
Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Hải Phòng, cũng đánh giá rất cao công sức mà ông Tuấn đã bỏ ra để sưu tầm cổ vật, rồi thành lập bảo tàng tư nhân.
“Không chỉ sưu tập cổ vật để thỏa mãn đam mê, ông Cao Văn Tuấn còn đưa giá trị của cổ vật đến với cộng đồng qua việc xây dựng bảo tàng, đó là điều đáng trân trọng”, ông Tú nhìn nhận và cho biết Sở VH-TT TP.Hải Phòng đã tạo mọi điều kiện để ông Tuấn hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép hoạt động cho bảo tàng, đồng thời có nhiều tư vấn về việc bài trí, xây dựng bảo tàng với ông Tuấn.