Hôm nay, 05/6/2021, là Ngày Môi trường thế giới 2021. Đây là một ngày kỷ niệm quan trọng của Liên Hợp quốc nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động vì môi trường của người dân trên toàn thế giới.
Phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1972, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện thường niên toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 150 quốc gia hưởng ứng tham gia. Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 2021 được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Phục hồi hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration) nhằm đưa ra thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, kêu gọi hành động khẩn cấp giúp phục hồi các hệ sinh thái đang bị tổn hại.
Theo số liệu công bố của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), chỉ tính riêng trong một thập kỷ qua, hơn 43 triệu ha rừng (lớn hơn diện tích nước Đức) đã biến mất. Trong khi đó, theo Ủy ban Liên Hợp quốc, 75% tổng diện tích đất trên toàn cầu đã bị suy thoái nghiêm trọng do hoạt động của con người. Nghiên cứu do Công ước về các vùng Đất ngập nước thực hiện thì cảnh báo các vùng đất ngập nước trên thế giới đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng. Từ năm 1970 đến năm 2015, gần 35% diện tích đất ngập nước trên toàn thế giới đã biến mất.
Những điều này đang tạo ra các tổn thất không thể bù đắp đối với hệ sinh thái, đồng thời tước đi các “bể chứa carbon” trên thế giới, trong khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu những năm qua ngày càng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế…
(Ảnh internet)
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp” của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5/2021). Bên cạnh đó, năm 2021 cũng đánh dấu sự khởi động của Thập kỷ Liên Hợp quốc về Phục hồi hệ sinh thái (2021 – 2030). Từ đó có thể thấy rõ sự thống nhất của các Chương trình toàn cầu với thông điệp: Đây chính là thời điểm để mỗi quốc gia, mỗi người dân cần chung tay đoàn kết và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và Trái đất.
Những hành động cụ thể
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều thông điệp như Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu; Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường; Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học… đồng thời khuyến khích các các cơ quan chức năng, địa phương, tổ chức, cá nhân cùng đưa ra sáng kiến và quyết tâm hành động thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Bên cạnh các giải pháp ở cấp độ vĩ mô như liên quan đến quá trình quy hoạch để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế – xã hội đến các hệ sinh thái, sự chung tay của các doanh nghiệp và mỗi cá nhân với những hành động thiết thực cụ thể sẽ góp phần quan trọng giúp bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường xanh.
Với các doanh nghiệp, xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng bền vững và tối ưu hóa tài nguyên thiên nhiên như các nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững… là những giải pháp mang lại “lợi ích kép” cho cả kinh tế – xã hội và môi trường.
Sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới sản xuất xanh là giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện
Mỗi cá nhân có thể làm giảm gánh nặng cho thiên nhiên bằng cách sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt; xây dựng thói quen tái sử dụng, hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã; giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ… Sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong mỗi hộ gia đình cũng là một hình thức góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng tương lai xanh.
Khi không ai đứng ngoài cuộc trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, những hành động nhỏ sẽ cộng hưởng để mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều lần!
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt… không chỉ là giải pháp cho bài toán về tình trạng ngày càng cạn kiệt các nguồn năng lượng hóa thạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái.
Tính theo hệ số phát thải mới nhất ban hành bởi Monre 2021, cứ 1 MWp điện mặt trời (tương đương tạo ra khoảng 1.500.000 kWh điện mỗi năm), sẽ giúp giảm phát thải 1268,7 tấn CO2/năm. Tính theo chỉ số Tree Plant Factor, số cây xanh được trồng từ hệ thống sẽ là 1.500.000 x 0,0117 = 17550 cây.
Trong khi đó, 1 MWp điện gió sẽ giúp giảm phát thải khoảng 1.800 tấn CO2, 9 tấn SOx và 4 tấn Nox mỗi năm.
Vũ Phong Energy Group
5/5 – (1 bình chọn)