Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc được biểu thị bằng cảm giác vui sướng, thỏa mãn, bằng lòng, và mãn nguyện. Dù hạnh phúc có nhiều định nghĩa khác nhau, nó thường gắn liền với những cảm xúc tích cực và sự thỏa mãn trong cuộc sống.
Khi hầu hết mọi người nói về hạnh phúc, họ có thể đang đề cập đến một cảm nhận trong hiện tại, hoặc cũng có thể đang diễn tả một cảm giác bao quát về cuộc đời của họ.
Bởi vì hạnh phúc thường được diễn tả bằng nhiều tính từ phổ quát, các nhà tâm lý và các nhà khoa học xã hội sử dụng cụm từ ‘hạnh phúc chủ quan’ (subjective well-being) mỗi khi cần đề cập đến trạng thái này. Giống như tên gọi, hạnh phúc chủ quan chủ yếu tập trung vào cảm giác phổ quát của một cá nhân về cuộc sống hiện tại của họ.
Hai thành phần chính của hạnh phúc (hay hạnh phúc chủ quan) là:
- Sự cân bằng cảm xúc: Mỗi người đều trải qua những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực, nhiều cảm giác và tâm trạng (moods) khác nhau. Trạng thái hạnh phúc thường gắn với việc trải nghiệm những cảm giác tích cực nhiều hơn tiêu cực.
- Sự thỏa mãn trong cuộc sống: Điều này liên quan đến mức độ hài lòng của bạn đối với nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ, công việc, thành tựu và những thứ quan trọng khác của bạn.
Làm sao để biết được liệu bạn có đang hạnh phúc
Mặc dù nhận thức về hạnh phúc của mỗi người có thể khác nhau, nhưng có những dấu hiệu quan trọng mà các nhà tâm lý học chú ý đến mỗi khi cần xác định trạng thái hạnh phúc.
Trong số chúng bao gồm:
- Cảm thấy bạn đang sống cuộc sống mà mình mong muốn
- Cảm thấy rằng những điều kiện sống của mình tốt
- Cảm thấy rằng bạn đã đạt được (hoặc sẽ đạt được) những gì bạn muốn trong đời
- Cảm thấy hài lòng với cuộc sống
- Có những cảm xúc tích cực nhiều hơn tiêu cực
Có một vấn đề cần ghi nhớ đó là hạnh phúc không phải là trạng thái sung sướng triền miên. Trái lại, nó là một cảm giác bao quát diễn tả việc trải nghiệm nhiều cảm xúc tích cực hơn tiêu cực trong cuộc sống.
Những người hạnh phúc vẫn sẽ cảm nhận đủ những cung bậc cảm xúc của con người – giận dữ, bức bối, buồn chán, cô đơn, và thậm chí là buồn bã – tùy mỗi lúc. Nhưng ngay cả khi phải đối diện với những điều căng thẳng, họ vẫn luôn có một sự lạc quan ngầm, tin rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn, và rằng họ sẽ giải quyết được những chuyện đang xảy ra, sẽ tìm thấy hạnh phúc trở lại.
Các thể loại hạnh phúc
Có nhiều cách nghĩ về hạnh phúc. Chẳng hạn, nhà triết gia Hy lạp cổ đại Aristotle đã phân biệt ra hai thể loại hạnh phúc: hedonia và eudaimonia.
- Hedonia: Hạnh phúc đến từ khoái lạc. Nó thường gắn liền với việc làm những thứ khiến chúng ta cảm thấy sướng, tự chăm sóc bản thân, đáp ứng ham muốn, tận hưởng, và cảm nhận sự thỏa mãn.
- Eudaimonia: Loại hạnh phúc này xuất phát từ việc theo đuổi những điều ý nghĩa và cao quý. Những thành phần chính của nó bao gồm cảm giác rằng cuộc đời bạn có ý nghĩa, giá trị, và mục đích. Nó gắn liền với việc hoàn thành trách nhiệm, đầu tư vào mục tiêu lâu dài, chăm lo cho phúc lợi (welfare) của người khác, và sống đúng theo những chuẩn mực lý tưởng của cá nhân.
Hedonia và eudemonia ngày nay thường được biết đến trong ngành tâm lý học lần lượt là khoái lạc và ý nghĩa. Mới đây hơn nữa, các nhà tâm lý đã đưa ra thêm một thành phần thứ ba, sự dấn thân (engagement). Nó là những cảm giác có được từ việc tham gia vào và cam kết với nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Các nghiên cứu đã cho thấy những người hạnh phúc thường có mức độ thỏa mãn eudaimonia cao, và đối với hedonic thì cao hơn mức bình quân.
Cả ba loại trên đều có khả năng đóng vai trò thiết yếu trong trải nghiệm chung về hạnh phúc, mặc dù sự tương quan giữa chúng có thể rất chủ quan. Có những hành động vừa có thể mang đến khoái lạc, vừa mang đến ý nghĩa, trong khi những hành động khác thì nghiêng về một bên hơn.
Chẳng hạn, việc tham gia vào một hoạt động thiện nguyện sẽ khiến bạn thấy có ý nghĩa nhiều hơn là sung sướng. Còn việc xem chương trình truyền hình yêu thích, trái lại, sẽ có mức độ ý nghĩa thấp và mức độ khoái lạc cao hơn.
Ba thể loại hạnh phúc chính ấy có thể chứa những dạng sau đây:
- Vui sướng: Một cảm giác thường không kéo dài, được cảm nhận trong hiện tại.
- Phấn khích: Một cảm giác vui vẻ gắn liền với việc mong chờ một điều tích cực.
- Biết ơn: Một cảm xúc tích cực đến từ việc nhớ ơn và trân trọng một thứ gì đó.
- Tự hào: Cảm giác thỏa mãn về một thứ bạn đã đạt được.
- Lạc quan: Đây là một cách nhìn cuộc sống với ánh mắt tích cực và vui vẻ.
- Bằng lòng: Dạng hạnh phúc được tạo thành từ cảm giác mãn nguyện.
Làm sao để thực hành
Trong khi nhiều người chỉ đơn giản sống hạnh phúc một cách tự nhiên, có nhiều điều bạn có thể làm để nuôi dưỡng hạnh phúc của chính mình.
Theo đuổi những mục tiêu tự thân
Việc đạt được những mục tiêu mà bạn tự thân được thúc đẩy theo đuổi, đặc biệt là nếu chúng gắn với sự trưởng thành của bản thân và đến cộng đồng, có thể giúp nâng cao hạnh phúc. Nghiên cứu đã chỉ ra việc theo đuổi những mục tiêu tự-thân-thúc-đẩy (intrinsically-motivated goals) có thể mang lại mức độ hạnh phúc lớn hơn những mục tiêu bên ngoài như tiền bạc hoặc địa vị xã hội.
Tận hưởng từng khoảnh khắc
Các nhà khoa học đã tìm thấy rằng con người thường làm việc quá mức – họ quá tập trung vào việc tích lũy vật chất đến mức quên đi việc tận hưởng những gì họ đang làm.
Thế nên, thay vì rơi vào cái bẫy tích lũy một cách mù quáng mà đánh đổi hạnh phúc của mình, hãy tập trân trọng những thứ ta có và tận hưởng từng bước mà ta đã đi.
Chuyển hướng Suy nghĩ Tiêu cực
Khi bạn bị mắc kẹt trong những cách nhìn hoặc những trải nghiệm tiêu cực, hãy tìm những cách để giúp chuyển hướng suy nghĩ của mình theo một cách tích cực hơn.
Con người thường có thiên kiến tiêu cực tự nhiên (natural negativity bias), tức là xu hướng tập trung sự chú tâm cho những việc xấu nhiều hơn việc tốt. Việc này có thể ảnh hưởng đến nhiều thứ, từ những quyết định của bạn đến cách bạn định hình cảm nhận về người khác. Việc bỏ qua những điều tích cực – một tình trạng nhận thức bị bóp méo trong đó, người ta tập trung vào sự tiêu cực và phớt lờ sự tích cực – cũng có thể góp phần tạo ra những suy nghĩ tiêu cực.
Việc chuyển hướng nhận thức tiêu cực không có nghĩa là phớt lờ những việc không tốt. Trái lại, nó là một cách nhìn cân bằng, thực tế hơn đối với các sự kiện trong đời. Nó cho phép bạn nhận thức được lối suy nghĩ của mình và rồi thay đổi những phần tiêu cực trong đó.
Tác động của hạnh phúc
Người ta đã chứng minh hạnh phúc có thể mang lại hệ quả tích cực trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
- Cảm xúc tích cực nâng cao mức độ thỏa mãn trong đời sống.
- Hạnh phúc giúp con người xây dựng được khả năng chống chịu tốt hơn và vững vàng về cảm xúc hơn.
- Những cảm xúc tích cực có liên hệ với sức khỏe tốt và tuổi thọ kéo dài. Một nghiên cứu đã cho thấy những người trải nghiệm nhiều cảm giác tích cực hơn tiêu cực có khả năng sống sót cao hơn trong khoảng thời gian 13 năm.
- Cảm xúc tích cực cũng nâng cao sự bền bỉ. Bền bỉ giúp con người chống chịu căng thẳng tốt hơn và đứng dậy nhanh hơn mỗi khi thất bại. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã cho thấy những người hạnh phúc hơn thì có mức hormone căng thẳng cortisol thấp hơn và những lợi ích này thường kéo dài.
- Những người có trạng thái sống tích cực cũng có nhiều khả năng thực hiện các hành vi tốt cho sức khỏe như ăn trái cây, rau củ và tập thể dục thường xuyên.
- Việc trở nên hạnh phúc có thể khiến bạn ít khi mắc bệnh hơn. Trạng thái tinh thần tích cực cũng có mối liên hệ đến việc tăng cường hệ miễn dịch.
Nâng cao hạnh phúc của bạn
Nhiều người có vẻ như sở hữu sẵn mức độ hạnh phúc tự nhiên cao hơn người khác – dựa trên một nghiên cứu với quy mô 2000 cặp sinh đôi cho thấy trong những yếu tố quyết định hạnh phúc: 50% xuất phát từ gene, 10% từ các sự kiện bên ngoài, và 40% xuất phát từ các hành vi cá nhân.
Thế nên dù có lẽ bạn không thể quyết định được mức độ hạnh phúc “cơ bản” của mình, thì vẫn sẽ có nhiều điều bạn có thể làm để cuộc sống của mình hạnh phúc và trọn vẹn hơn. Ngay cả những người hạnh phúc nhất cũng có những lúc cảm thấy chán nản, và hạnh phúc là thứ mà tất cả đều phải chủ động theo đuổi.
Tập thể dục thường xuyên
Việc tập luyện thể dục có lợi cho cả cơ thể và trí óc của bạn. Các hoạt động cơ thể mang đến một chuỗi những lợi ích về thể chất lẫn tinh thần, giúp cải thiện tâm trạng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập luyện đều đặn đóng vai trò nhất định trong việc đẩy lùi những triệu chứng trầm cảm, và nhiều bằng chứng khác cũng cho thấy nó khiến mọi người hạnh phúc hơn.
Khi phân tích các nghiên cứu đã qua về mối liên hệ giữa hoạt động thể chất và hạnh phúc, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy giữa chúng một mối tương quan nhất quán.
Dù chỉ là một bài tập ngắn cũng có thể tăng cường cảm giác hạnh phúc – những người thường xuyên vận động ít nhất 10 phút mỗi ngày hoặc tập luyện một lần một tuần có mức độ hạnh phúc cao hơn những người không bao giờ tập luyện.
Bày tỏ lòng biết ơn
Trong một nghiên cứu, những người tham gia đã được yêu cầu thực hiện bài tập ghi chép trong 10 đến 20 phút mỗi tối trước khi đi ngủ. Một số thì chỉ ghi lại những điều phiền phức trong ngày, những người khác thì ghi những sự kiện trung tính, số còn lại thì ghi những điều khiến họ cảm thấy biết ơn. Kết quả đã chỉ ra những người ghi chép điều họ biết ơn có kết quả tăng cao những cảm xúc tích cực, tăng cao hạnh phúc chủ quan và cải thiện mức độ hài lòng trong cuộc sống.
Như các tác giả của nghiên cứu trên đã đề ra, việc duy trì một danh sách biết ơn là một cách thức tương đối dễ, ít tốn kém, đơn giản và thú vị để kích thích tâm trạng của bạn. Hãy thử dành ra một vài phút mỗi tối để viết ra hoặc nghĩ về những thứ trong cuộc đời khiến bạn cảm thấy biết ơn.
Tìm kiếm mục đích sống
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người cảm thấy họ có mục đích sống thường hạnh phúc và sống trọn vẹn hơn. Việc có mục đích có thể bao gồm sắp xếp cuộc sống của bạn theo những mục tiêu, định hướng hay ý nghĩa nhất định. Điều này có thể giúp nâng cao hạnh phúc thông qua những hành động tích cực.
Một số những điều bạn có thể làm để tìm mục đích bao gồm:
- Khám phá những sở thích và niềm đam mê của bản thân
- Tham gia vào những hoạt động vì cộng đồng và thiện nguyện
- Hành động để chống lại những điều bất công
- Tìm những điều mới mà bạn có thể muốn tìm hiểu
Nhận thức về mục đích sống này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng nó cũng là thứ mà bạn có thể nuôi dưỡng. Việc này bao gồm tìm một mục tiêu mà bạn quan tâm sâu sắc để từ đó dẫn dắt bạn thực hiện những hành động tích cực và thực tế.
Thách thức
Dù việc tìm kiếm hạnh phúc rất quan trọng, nhưng cũng có những lúc sự theo đuổi này gặp chướng ngại. Một số những thử thách mà ta cần dè chừng bao gồm:
Coi trọng những thứ không đúng
Tiền bạc có thể không mua được hạnh phúc, nhưng nghiên cứu cho thấy việc tiêu tiền vào nhiều thứ như trải nghiệm chẳng hạn có thể khiến bạn hạnh phúc hơn việc sở hữu tài sản vật chất.
Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêu pha vào những mục giúp tiết kiệm thời gian như các dịch vụ đẩy nhanh tiến độ chẳng hạn-có thể nâng cao hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống.
Thay vì coi trọng quá mức những thứ như tiền bạc, địa vị hay các tài sản vật chất, việc theo đuổi những mục tiêu mang lại nhiều thời gian rỗi và những trải nghiệm thú vị có thể giúp ta hạnh phúc hơn.
Không tìm kiếm những sự hỗ trợ từ xã hội
Sự hỗ trợ từ xã hội tức là những người bạn và người thân mà bạn có thể tìm đến để được hỗ trợ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cảm nhận được sự hỗ trợ từ các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc chủ quan. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã tìm thấy rằng nhận thức về sự hỗ trợ xã hội chịu trách nhiệm cho 43% mức độ hạnh phúc của một con người.
Có một điều quan trọng cần phải nhớ, khi nhắc đến sự hỗ trợ từ xã hội, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Số ít những người bạn rất thân và đáng tin cậy sẽ mang lại phần nhiều hạnh phúc cho bạn hơn là việc có nhiều người quen biết.
Nghĩ rằng Hạnh phúc là một Cái kết
Hạnh phúc không phải là một mục tiêu mà bạn chỉ đơn giản chạm đến là hết. Nó là một sự theo đuổi miệt mài, yêu cầu sự nuôi dưỡng và chăm bón liên tục.
Một nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người có xu hướng coi trọng hạnh phúc cũng là những người thường cảm thấy ít thỏa mãn nhất đối với cuộc sống của họ. Về cơ bản, hạnh phúc trở thành một mục tiêu quá to lớn đến mức không thể chạm tới.
“Việc coi trọng hạnh phúc đôi khi là tự làm khó mình, bởi vì càng coi trọng nó, người ta lại càng dễ thất vọng,” các tác giả của nghiên cứu trên chia sẻ.
Có lẽ bài học ở đây là không nên biến một thứ có ý nghĩa bao quát như “hạnh phúc” trở thành mục tiêu. Thay vào đó, ta nên tập trung vào việc xây dựng và nuôi dưỡng những kiểu sống và những mối quan hệ giúp mang lại sự trọn vẹn và thỏa mãn đến cho bản thân.
Ta cũng nên xem xét kỹ cách mình định nghĩa hạnh phúc. Hạnh phúc là một khái niệm bao quát mang nhiều ý nghĩa khác nhau với mỗi người. Thay vì theo đuổi một cái kết hạnh phúc, sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể nghĩ về ý nghĩa hạnh phúc thực sự đối với chính mình, và rồi thực hiện những bước nhỏ khiến ta dần trở nên hạnh phúc hơn. Điều này có thể giúp việc đạt được những mục tiêu kia trở nên dễ kiểm soát và ít gây quá tải.
Lịch sử của Hạnh phúc
Hạnh phúc từ lâu đã được coi như là một phần quan trọng của sức khỏe và sự thịnh vượng. “Mưu cầu hạnh phúc” thậm chí còn được đưa ra làm một quyền bất khả xâm phạm trong Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa kỳ. Tuy nhiên, nhận thức của chúng ta về những điều mang lại hạnh phúc thì liên tục thay đổi qua thời gian.
Các nhà tâm lý học cũng đã đề ra nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải cách con người trải nghiệm và theo đuổi hạnh phúc. Chúng bao gồm:
Tháp Nhu cầu của Maslow
Tháp nhu cầu này đưa ra lý thuyết rằng con người cố gắng thỏa mãn những nhu cầu từ đơn giản đến phức tạp. Khi các nhu cầu cơ bản được thỏa mãn, con người sau đó sẽ được thôi thúc bởi những nhu cầu thiên về tâm lý và cảm xúc hơn.
Ở trên đỉnh tháp ấy là nhu cầu được hiện thực hóa bản thân, hay nói cách khác là nhu cầu đạt tới tiềm năng toàn vẹn nhất của mình. Giả thiết này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những trải nghiệm tối thượng hay những khoảnh khắc phi thường mà khi đó, con người cảm nhận sự hiểu biết, hạnh phúc và niềm vui sâu sắc.
Tâm lý học Tích cực
Việc theo đuổi hạnh phúc là trọng tâm của phân ngành tâm lý học tích cực. Những tâm lý gia nghiên cứu ngành học này quan tâm đến cách để tăng cường sự tích cực, giúp con người sống một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện hơn.
Thay vì tập trung vào những bệnh lý tâm thần, phân ngành này nỗ lực để tìm ra những cách giúp con người, cộng đồng và xã hội nâng cao những cảm xúc tích cực và có được hạnh phúc lớn hơn.
Nguồn tham khảo
Cherry, K . (2020, Tháng Mười 26). What Is Happiness [bài báo]. Verywell Mind: https://www.verywellmind.com/what-is-happiness-4869755
Người thực hiện: Lê Mạnh Hòa
Người edit: Sushi
Người design: Thanh Thủy.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…