Hành trình 14 ngày lên Everest Base Camp — Trại nền của nóc nhà thế giới – Sài·gòn·eer

Chúng tôi bắt đầu hành trình trekking Everest Base Camp (EBC) từ thị trấn Lukla trong những ngày đầu hạ. Hai tuần đầu tiên của tháng Năm, dòng người leo núi lũ lượt hội tụ về đây bất chấp cái lạnh khắc nghiệt để cùng rong ruổi đến trại nền của nóc nhà thế giới.

Everest Base Camp là một cung trek thử thách giới hạn qua những rặng núi tuyết hùng vĩ trên dãy Himalaya. Có nhiều con đường để đến trại nền này, nhưng lộ trình đáng gờm nhất phải kể đến cung đường đi qua hồ Gokyo và đèo Chola.

Chúng tôi chọn cung trek này không chỉ vì độ khó, mà còn vì cảnh sắc say lòng người với những ngôi làng của người Sherpa lâu đời, những gompa (tu viện) nổi bật giữa trời mây, những đàn bò Tây Tạng được chăn thả, những đàn ngựa thồ hàng. Đoàn đã vượt đèo trong mưa tuyết, băng qua sông băng Khumbu rộng lớn và những núi đá lổm ngổm để đặt chân đến trại nền. 

Những ngôi làng Sherpa — cửa ngõ chạm đến Everest

Người Sherpa là dân tộc dẫn đường cho những nhà leo núi đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ di cư từ miền đông Tây Tạng đến vùng Khumbu phía đông Nepal từ cách đây 500 năm. Trước khi có những chuyến thám hiểm lên Everest, người Sherpa sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, kéo sợi len và dệt. Đến những năm đầu của thế kỷ 20, khi người Anh thuê những người Sherpa đầu tiên dẫn đường, việc khuân vác và hoa tiêu dần trở thành một phần văn hóa của họ cho đến tận hôm nay.

Có hàng chục, hàng trăm ngôi làng lớn nhỏ của người Sherpa trải dọc khắp miền Đông Nepal. Thủ phủ của người Sherpa chính là Namche Bazaar. Thị trấn sầm uất này hầu như được xây dựng thủ công từ những nguyên vật liệu được khuân vác bằng sức người từ cách đó vài chục tiếng đi bộ. Đây là nơi giao thương chính của họ và cũng là cửa ngõ xuất phát của nhiều tuyến leo núi lên đến Everest. Nơi đây khiến người bộ hành bị mê hoặc với mấy ngôi nhà màu xanh chủ đạo, tu viện được phết sơn đỏ cùng những dải cờ lungta năm màu phấp phới. 






Gokyo, cụm hồ trên núi cao nhất thế giới

Thay vì men theo đường mòn lên Dingboche để đến Everest Base Camp, chúng tôi rẽ hướng qua hồ Gokyo, sang đèo Chola rồi mới vòng lên trại nền. Quãng đường vì thế mà dài và trắc trở hơn nhiều lần. Từ điểm xuất phát Lukla đến hồ Gokyo mất sáu ngày trek. Trung bình mỗi ngày đoàn trek 8km, vừa đi vừa nghỉ ngơi để cơ thể thích ứng với độ cao. Cụm hồ Gokyo có năm hồ lớn bé với độ cao khác nhau. Ở hồ thứ ba, cao 4.770m, có một làng định cư của người Sherpa, đây là một trong những ngôi làng cao nhất thế giới.

Ở đây vào những ngày tháng 5, cả bầu trời trong xanh và mặt nước lấp lánh những ánh nắng. Giữa trưa hè, từng đàn bò Tây Tạng tràn xuống ven hồ uống nước, gặm cỏ cũng khiến khiến cảnh tượng càng đậm nét du mục.



Mỗi bữa tối chúng tôi đều nghỉ ở các teahouse (điểm lưu trú có phục vụ ăn uống cho khách leo núi). Bữa tối từ độ cao 3.000 mét trở lên hầu như không có thịt, thay vào đó là súp khoai tây, cơm chiên và món dal bhat truyền thống của người Nepal.

Hôm thứ bảy, chúng tôi thức dậy thật sớm để leo lên đỉnh Gokyo Ri cao 5357m và ngắm bình minh ở hồ thứ tư. Trời lạnh cắt da cắt thịt kèm tuyết phủ đầy núi và màn sương dày đặc che lấp những tia nắng đầu ngày. Cả đám xúm lại chụp hình với đỉnh núi mà rét căm. Có người bị sốc độ cao hoặc đói lả. Chưa hết, đường xuống núi cũng lại dài lê thê.

Sông băng Ngozumpa — Sông băng lớn nhất Nepal

Từ Gokyo Ri, phòng tầm mắt về phía đối diện là sông băng Ngozumpa rộng lớn nom như một bồn địa lổm ngổm đất đá do băng tan. Mùa đông, con sông là bức tường băng tuyết khổng lồ phong tỏa mọi sự sống trên con đường. Mùa xuân, khi băng tan, mặt sông chỉ còn trơ trọi sỏi đá. Nếu muốn đến đỉnh đèo Chola, chúng tôi phải băng qua sông băng Ngozumpa tưởng khó… mà khó không tưởng.



Mỗi năm, người leo núi phải đi một đường khác do sông băng sẽ xóa hết những dấu tích cũ. Những người Sherpa phải lần mò mở một con đường mòn mới để đến đèo Chola. Sau ba tiếng hồi hộp, căng thẳng, cuối cùng đoàn cũng đi hết sông băng. Cả đoàn thở phào nhẹ nhõm, bởi có nhiều khúc sạt lở, đá rơi, ai cũng thót tim mà cắm đầu đi chứ không dám dừng lại.

Đèo Chola, nơi xung quanh chỉ có tuyết

Lúc này là 3 giờ sáng. Chúng tôi gói gém đồ di chuyển từ Thangnak băng đèo Chola để đến Dzongla. Sáng sớm trời chưa tỏ đã mò mẫm theo bước chân bác dẫn đoàn Gopal đi trong đêm tối.

Tới 9 giờ sáng, đoàn tới chân đèo. Mọi người đều choáng ngợp bởi dãy núi tuyết vĩnh cửu sừng sững trước mặt kia lại chỉ là “đèo.” Chúng tôi phải băng thẳng qua bởi không hề có một con đường vòng nào. Cảm giác cái rét phà thẳng vào mặt mới lạnh lẽo làm sao. Càng lên cao, tuyết lại rơi càng nặng hạt, dưới chân là lớp băng dày vĩnh cửu. Đôi giày dò dẫm bám nhít từng chút một lên đèo. Chị Thảo, người bạn trong đoàn, mệt nhoài, vừa đi vừa khóc, nằm cả lên tuyết vì mệt mỏi. Anh dẫn đoàn Pashan phải cõng chị một đoạn, cùng hai porter (người vận chuyển) dìu một quãng rất dài rồi mới lên được đỉnh đèo.

Cả đoàn chạm đỉnh lúc 12 giờ trưa, ba tiếng leo lên đỉnh đèo với vô vàn khó khăn, rồi cũng vỡ òa ôm chầm lấy nhau, dỗ dành chị Thảo khóc sướt mướt suốt cả chặng đường.

Dzongla đến Lobuche — Chạm ngõ thiên đường

Hành trình luôn có những thử thách cam go, nhưng không hẳn là suốt quãng đường. Ngày thứ 10 của hành trình, chúng tôi từ biệt Dzongla để lên Lobuche. Từ độ cao 4.600m lên 4.900m có một sự chuyển biến rõ rệt về cảnh quan, nhất là thời tiết. Từ độ cao này, trời sẽ không có mưa nhưng vẫn rất lạnh. Chúng tôi không cần băng qua sông băng, leo lên những con đèo cao hoặc thử thách thêm một giới hạn nào khác. Đường mòn đến Lochube nhẹ nhàng, thoải mái để ngắm nhìn ngôi làng nhỏ trên từ xa, thu vào tầm mắt ngọn núi Ama Dablam (6.170m) trước mặt giữa những rặng núi hùng vĩ, đẹp như thiên đường.

Từ đây, rẽ trái qua thung lũng Khumbu, bạn sẽ ngẩn ngơ bởi mật độ dày đặc của các núi tuyết vĩnh cửu chen chúc nhau kéo dài đến tận chân trời. Từ đây, sẽ nhanh thôi, tầm năm tiếng đi bộ dọc sông băng Khumbu, chúng tôi sẽ đến với trại nền của nóc nhà thế giới.

Everest Base Camp — Vượt qua thử thách

Chuyến hành trình 11 ngày dài đã đưa chúng tôi đến Everest Base Camp (5.364m). Sau ba giờ đồng hồ men sông băng Khumbu từ Gorak Shep, cuối cùng đoàn cũng đặt chân lên đến trại nền. Đây là điểm cắm trại của những nhà leo núi chuyên nghiệp, họ phải dành thời gian ở đây vài tháng, thậm chí vài năm để làm quen độ cao, tập luyện thể lực nếu muốn chinh phục đỉnh Everest.

Đường từ Dzongla lên Lobuche trập trùng những ngọn núi tuyến hùng vĩ.

Cả nhóm vỡ òa, không ai nói ai, chạy lại bắt tay nồng ấm, trao nhau những cái ôm, những cái vỗ về đầy hạnh phúc. Hành trình dài với vô vàn khó khăn, có một thành viên không hoàn thành được vì kiệt sức. Đứng trước con sông băng kia, nhìn lên là đỉnh Everest cao sừng sững, ở đó là giấc mơ của hàng triệu triệu người muốn chinh phục.

Đến với Everest Base Camp, không chỉ thử thách giới hạn của bản thân về sức khoẻ, làm quen độ cao, vượt sông băng, hay đi trong mưa tuyết. Ở đây còn ẩn chứa những giá trị văn hoá độc đáo của người Sherpa, phật giáo Tây Tạng, qua những tu viện, gompa đầy sắc màu trên những dãy cờ lungta bay trong gió. Một nền văn hoá mới, con người mới, trải nghiệm mới. Ngại gì không nhấc đôi chân còn chưa mỏi, gặt lấy những dấu ấn đáng có trong đời!

Đường từ Lobuche đến Everest Base Camp.

Rate this post

Viết một bình luận