Hành trình tìm chỗ đứng của nghệ thuật đường phố tại Việt Nam – Sài·gòn·eer

Trước khi chuyển đến Việt Nam, cuộc sống của tôi tại Paris luôn gắn liền với graffiti, nghệ thuật đường phố, và mỹ thuật đô thị. Ở thủ đô nước Pháp, bạn có thể bắt gặp các phẩm graffiti ở bất kỳ ga tàu điện ngầm nào và nhìn thấy sự hiện diện phong phú và sinh động của nghệ thuật đường phố trên mọi góc đường.

Điện thoại của tôi chứa đầy ảnh chụp các bức tranh khảm bằng gốm của Invader, các bức chân dung đầy màu sắc của C215, và tranh vẽ bằng khuôn tô màu (stencil) đầy chất thơ của Miss Tic. Nơi tốt nhất để chiêm ngưỡng mỹ thuật đô thị ở Paris chính là ở quận XIII hay còn được gọi là “quận Châu Á,” nơi bạn sẽ phải trầm trồ trước những bức tranh tường khổng lồ của các nghệ sĩ như Obey và D-Face.

Năm 2015, khi ghé thăm Sài Gòn, tôi đã khá hụt hẫng khi có rất ít tranh tường hay graffiti trên đường phố và đã phải chạy đến Saigon Outcast và Nhà ga 3A để tìm lại được chút không gian quen thuộc. Đến tận bây giờ, ta có thể nhìn thấy các tag (một dạng grafitti cơ bản trong đó tác giả sẽ ký tên bằng sơn phun) ở nhiều nơi nhưng nhìn chung loại hình nghệ thuật này vẫn chưa thật sự được nhiều người biết đến. Nhân dịp sự kiện Vietnam Urban Art 2021 được tổ chức, hãy cùng nhìn qua về lịch sử của graffiti và nghệ thuật đường phố tại Việt Nam.

Nhà Ga 3A trước khi bị đóng cửa. Ảnh: Michael Tatarski.

Graffiti và nghệ thuật đường phố xuất hiện từ khi nào?

Để hiểu graffiti và nghệ thuật đường phố, chúng ta cần biết về nguồn gốc của các loại hình nghệ thuật này. Những tag đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào những năm 1920, đó là các nét vẽ do các băng nhóm ở New York tạo ra trên tường nhà và xe hơi. Rất lâu trước khi đến với bàn tay người nghệ sĩ, nghệ thuật đường phố chủ yếu phục vụ cho việc thể hiện thông điệp về quyền lực hay đánh dấu địa bàn. Chỉ đến những năm 1960, graffiti mới trở thành một loại hình nghệ thuật mà chúng ta thấy ngày nay, nổi lên cùng với phong trào hip-hop và sự ra đời của bình phun sơn.

Các tag như thế là hình thức đầu tiên của graffiti. Với ngôn ngữ thể hiện là câu chữ, nghệ thuật này ra đời trong các khu dân cư và là cách thể hiện bản thân của người trẻ nổi loạn. Graffiti vì thế bị xem là hành động phá hoại cảnh quan. Khi những nghệ sĩ tiếp cận loại hình này, cùng với sự ra đời của các kỹ thuật vẽ chữ, các cộng đồng nghệ thuật và báo giới đã dần dần công nhận graffiti là một loại hình nghệ thuật trong thập niên 80.

“Người anh em” của graffiti, nghệ thuật đường phố, lại chủ yếu dựa trên hình ảnh, nhưng vẫn mang mục đích truyền tải thông điệp xã hội hay lên tiếng thay cho những cộng đồng bị lãng quên. Dần dần, nghệ thuật đường phố đã bước vào các phòng trưng bày và các buổi đấu giá nghệ thuật. Kể từ những năm 2000, các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s đã bắt đầu đưa nghệ thuật đường phố vào chương trình nghệ thuật đương đại của họ.

Các nghệ sĩ đường phố sử dụng vô số kỹ thuật và hình khối vào tác phẩm: phun sơn, dùng khuôn tô màu, sắp đặt, vẽ 3D và phối cảnh biến dạng, dán sticker, áp phích, thiết kế hình ảnh bằng sợi đan móc (yarn bombing), tranh khảm (mosaic), chạm khắc trên các loại bề mặt, và cả urban hacking. Dù vẫn bị cho là bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng nghệ thuật đường phố đã trở thành một phong trào nghệ thuật đương đại nổi bật của thế kỷ 21.

Phong trào này luôn tồn tại nhiều tranh cãi giữa chính những người thực hành nghệ thuật. Một số nghệ sĩ cho rằng nghệ thuật đường phố thì phải thuộc về đường phố, thế nhưng cũng có những nghệ sĩ kiếm được thu nhập từ các tác phẩm của mình. Một số tác phẩm thậm chí còn bị trộm từ đường phố để đem bán; trong khi đó nghệ sĩ nổi tiếng Banksy lại tiêu hủy tác phẩm của mình ngay sau khi được trả giá 1,4 triệu USD và biến việc đấu giá nghệ thuật trở thành một trò cười. Ở nhiều thành phố, người ta vừa phản đối việc phá hoại cảnh quan bằng graffiti lại vừa tận dụng sức hút của loại hình nghệ thuật này trong không gian cho phép.

Khi nghệ thuật đường phố rời khỏi đường phố và đi vào phòng trưng bày, bảo tàng và những buổi triển lãm cá nhân, thuật ngữ “mỹ thuật đô thị” (urban art) cũng theo đó mà ra đời. Điểm khác biệt của loại hình này là thời gian tồn tại của tác phẩm sẽ lâu dài hơn graffiti và nghệ thuật đường phố. Ngoài việc làm đẹp không gian, mỹ thuật đô thị còn được coi là một trong những cách thức để phát triển các thành phố bền vững và thông minh.

Bức ảnh chụp lại tác phẩm graffiti đầu tay của LinkFish tại Thanh Hóa năm 2003. Ảnh do LinkFish cung cấp.

Sự trỗi dậy của graffiti và Nghệ thuật đường phố tại Việt Nam

Tại Việt Nam, graffiti và nghệ thuật đường phố vẫn còn là loại hình nghệ thuật non trẻ. Chỉ đến những năm 2000, graffiti mới xuất hiện trên những bức tường ở Hà Nội và Sài Gòn. Bộ phim tài liệu ngắn “Spray It, Don’t Say it” (tạm dịch: Sơn đi đừng nói), do nhóm nghệ sĩ của The Propeller Group thực hiện đã theo chân những người trẻ được gợi cảm hứng từ văn hóa graffiti của Mỹ, tiên phong mang loại hình nghệ thuật này tới phố phường Việt Nam. 

LinkFish, thành viên của nhóm graffiti Street Jockey tại Hà Nội, biết đến loại hình này vào năm 2003. Anh chia sẻ: “Nó nằm trên bìa album ‘Significant Other’ của Limp Bizkit, mình đã rất thích hình vẽ đó và muốn tìm hiểu thêm. Nhưng lúc ấy mình không biết dùng từ khóa nào để tra cứu trên internet cả!” Graffiti và nghệ thuật đường phố được giới trẻ Việt chào đón và ủng hộ bằng chính sự nồng nhiệt họ đã dành cho hip-hop, cùng những hoạt động mang tính “nổi loạn” khác như trượt ván hay nhạc rock.

Giống như nhiều nơi trên thế giới, graffiti và nghệ thuật đường phố ở Việt Nam xuất hiện và phát triển trong cộng đồng underground và online. Nhiều nhóm nghệ sĩ đã hoạt động tích cực trên Tumblr (The Saigon Projects lập tài khoản của mình vào năm 2009), tiếp đó là trên Facebook hay Instagram. Năm 2014, một festival dành riêng cho graffiti và nghệ thuật đường phố tổ chức tại Hanoi Creative City đã thu hút thêm sự chú ý của công chúng đối với các loại hình nghệ thuật mới mẻ này.

Năm 2016, Sài Gòn cũng tổ chức Street Art Festival tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory. Ở thời điểm đó, nghệ sĩ graffiti người Pháp gốc Việt Suby One cho rằng phong trào nghệ thuật này vẫn cần được đón nhận nhiều hơn nữa.

Các hạn chế về không gian thực hành, nguồn lực hỗ trợ, và cơ hội tiếp cận khán giả là những vấn đề mà những người theo đuổi nghệ thuật đường phố Việt Nam gặp phải. Với việc đóng cửa lần lượt của Zone 9 tại Hà Nội và Nhà ga 3A tại Sài Gòn, những người nghệ sĩ trở nên chơi vơi khi bị lấy đi không gian thể hiện ít ỏi dành riêng cho mình. Họ quay lại hoạt động ở những không gian riêng tư hơn, chỉ thi thoảng mời khán giả đến tham quan. Ở những nơi đó, các bạn trẻ nghiệp dư có cơ hội giao lưu với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Một số địa điểm, như Saigon Outcast hoặc Hanoi Creative City vẫn chào đón các nghệ sĩ đến thực hành nghệ thuật, thế nhưng cái không khí sôi nổi khi xưa đã vơi đi ít nhiều.

Nói về không gian trưng bày, nghệ sĩ thường được mời trưng bày tác phẩm trong các chương trình tại quán bar và quán cà phê mang phong cách nghệ thuật, mặc dù không được giám tuyển và có mức thù lao cố định. Cũng có một số ít phòng tranh lựa chọn giới thiệu tác phẩm nghệ thuật đường phố và graffiti như Vin Gallery đã làm với triễn lãm Trialogue năm 2016, GiantStep Urban Art Gallery của Suby One, hay gần đây có REI Artspace với chương trình triển lãm các tác phẩm của Daos501. Tính đến thời điểm hiện tại, Suby One là nghệ sĩ duy nhất có tác phẩm được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Không có nhiều nghệ sĩ đường phố và nghệ sĩ graffiti sống được bằng đam mê của mình; họ thường kiếm thu nhập bằng việc vẽ đặt hàng cho nhà hàng, quán bar, và các thương hiệu hơn là từ việc bán tác phẩm cá nhân. Năm ngoái, các hoạt động nghệ thuật đường phố đã sôi động trở lại với các sự kiện như House of Paint — chương trình mang đến cho các nghệ sĩ không gian của toàn bộ căn biệt thự ở Quận 2 để sáng tạo, và sự kiện mở cửa phòng trưng bày tại Hà Nội của nghệ sĩ graffiti người Pháp gốc Việt nổi tiếng thế giới Cyril Phan, hay được biết đến nhiều hơn với cái tên Cyril Kongo.

Nghệ thuật đường phố cùng với những tác động tích cực

Tiếc là ở Việt Nam, graffiti vẫn bị chính quyền địa phương và nhiều người dân xem là hành vi phá hoại cảnh quan. Các tác phẩm graffiti trên cây Cầu Long Biên ở Hà Nội đã dấy lên làn sóng chỉ trích vào năm 2019. Nhưng ở mặt khác, nghệ thuật đường phố đã có được thiện cảm từ người dân địa phương nhờ các hoạt động ý nghĩa đến từ các cá nhân và tổ chức, cũng như các dự án nghệ thuật cộng đồng. Khi nghệ thuật được dùng để làm đẹp cho không gian sống của cộng đồng thì sự phản đối đã chuyển thành lời tán dương.

Đối với Scott Matt, một nghệ sĩ từng tô điểm những chiếc hộp điện trong con hẻm nhà mình tại Hà Nội thì “từ bị ghét […], anh đã được người dân quanh đó mời sang nhà uống bia và tặng cam.” Ở Sài Gòn, một nhóm sinh viên mỹ thuật đã trang trí nắp cống trên đường bằng những hình vẽ phong cảnh thiên nhiên để nhắc nhở mọi người không nên xả rác bừa bãi. Khi COVID-19 bùng phát vào năm ngoái, một nghệ sĩ đã vẽ những hình ảnh tuyên truyền cho việc phòng chống dịch bệnh trên toàn bộ tường ngoài của nhà mình ở Hà Nội.

Tổ chức Phi chính phủ CHANGE Việt Nam cũng sử dụng nghệ thuật đường phố trong chiến dịch giáo dục về vấn đề môi trường. Năm 2017, những chú tê giác đầy màu sắc đã xuất hiện trên các bức tường của Sài Gòn để giúp người dân nâng cao nhận thức về các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

 

Một phần trong chiến dịch nghệ thuật đường phố của CHANGE nhằm nâng cao nhận thức về thực trạng của loài tê giác. Ảnh: Michael Tatarski.

Năm 2019, chương trình Chuyến xe Nghệ thuật Hoang dã đã đi đến những tuyến đường biên giới thường xuyên diễn ra việc buôn bán động vật để tuyên truyền về công tác bảo tồn động vật hoang dã. Một Tổ chức phi lợi nhuận khác là Tô Đậm đã mang nghệ thuật đến các trường vùng sâu vùng xa bằng cách cùng các em học sinh vẽ tranh tường trong khuôn viên nhà trường.

Gần đây, nghệ thuật đường phố Việt Nam cũng được mở rộng thành các dự án nghệ thuật cộng đồng do nhà nước hỗ trợ kinh phí. Từ những bức tranh tường ở xã Hải Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh) đến ngôi làng bích họa Tam Thanh, nghệ thuật đường phố đã trở thành một đặc điểm thu hút du khách, phục vụ cho phát triển du lịch và đồng thời hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Tại Hà Nội, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân chính thức khai mạc vào năm 2020. Tác phẩm nghệ thuật dài 200 mét là sự góp sức của 16 nghệ sĩ, với sự sự đồng ý của chính quyền địa phương, đã mang lại diện mạo mới cho khu ổ chuột và cổ động cho công tác dọn rác cho khu dân cư ven sông Hồng.

Làng bích họa Tam Thanh. Ảnh: Adrien Jean.

Dự án Saigon Urban Arts 2021

Thông qua chương trình, nghệ thuật đường phố trở thành mỹ thuật đô thị; những tác phẩm nghệ thuật công cộng tồn tại lâu dài và góp phần vào sự phát triển của thành  phố. Viện Pháp tại Việt Nam là đơn vị tổ chức Dự án Saigon Urban Arts 2021 với chủ đề “Thành phố Bền vững.” Dự án bắt đầu từ ngày 24-25 tháng 4 với sự kiện “JAM”: sáu nghệ sĩ đường phố được lựa chọn từ vòng sơ tuyển đã thực hiện các bức tranh tường khổ lớn trước sự chứng kiến của khán giả, đề tài vẽ tranh là các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp Quốc

“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là đưa mỹ thuật đô thị vào đời sống văn hóa [của TP.HCM] và từ đó tạo ra sức hút riêng cho thành phố,” bà Frédérique Horn, Giám đốc Viện Pháp tại TP.HCM chia sẻ. Bà ấn tượng trước “cơn sốt văn hóa đô thị của giới trẻ Việt Nam,” đây cũng là đối tượng chính của Vietnam Urban Arts 2021. “Với tư cách là người tiên phong, chúng tôi mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của nghệ thuật đường phố Pháp đến với Việt Nam.” Năm 2010 và 2016, Viện đã mời hai nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng Seth và Kanos đã đến giao lưu với các nghệ sĩ trong nước.

Bà Frédérique cho biết: “Thành phố không định hình đời sống của chúng ta mà là chúng ta tạo nên sức sống của thành phố.” Bà nói thêm rằng một thành phố thông minh cũng là một thành phố bền vững. Liên Hợp Quốc đã nêu ra bốn trụ cột của phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa. Sau này, các thành phố trong tương lai sẽ phải tính đến các yếu tố bền vững, văn hóa và xã hội để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Một số tác phẩm được trưng bày trong sự kiện “JAM.” Ảnh được cung cấp bởi Viện Pháp TP.HCM.

Các tác phẩm trong sự kiện “JAM” đã được trưng bày trên các bức tường của Tổng lãnh sự quán Pháp cho đến tháng 7 và hiện đang có mặt tại thành phố Huế, sau đó sẽ tiếp tục được triển lãm tại các thành phố khác của Việt Nam. Phần thứ hai của Vietnam Urban Arts 2021 với sự hợp tác của Viện Goethe và Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sĩ sẽ dự kiến diễn ra vào tháng 11. Các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ vẽ tranh tường khắp thành phố. Chương trình cũng sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về chủ đề mỹ thuật đô thị và thành phố bền vững.

Nhìn lại quá trình phát triển đầy thăng trầm của graffiti và nghệ thuật đường phố tại Việt Nam, ta có thể kỳ vọng gì về tương lai của loại hình nghệ thuật này? Trong bối cảnh Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 và cùng với đó là việc triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, liệu dự án Vietnam Urban Arts 2021 có giúp Việt Nam gia nhập phong trào mỹ thuật đô thị của các thành phố văn hóa trên thế giới? Chúng ta hãy cùng chờ đón. 

Rate this post

Viết một bình luận