Hạt dưa là gì?
Hạt dưa là một món ăn nhâm nhi trong ngày Tết của người Việt Nam, đây là món chủ nhà đãi khách trong dịp Tết. Nguyên liệu chính của món hạt dưa đơn giản là chỉ từ những hạt của các loại dưa nhưng chủ yếu là dưa gang. Hạt dưa gang được tách ra và nướng lên làm phần bên trong hạt chín. Khi thưởng thức, người ta sẽ dùng răng (thường là răng cửa) cắn mạnh vào đầu hạt dưa và tách làm đôi hạt dưa để ăn phần lõi màu vàng bên trong gọi là chíp hạt dưa hay cúp hạt dưa. Thực khách vừa nhâm nhi hạt dưa vừa uống trà, trò chuyện giúp không khí Tết thêm sinh động.
Nhân hạt dưa có vị béo, thơm khá đặc trưng. Ngoài hạt dưa hấu là chủ yếu còn có hạt bí, hạt hướng dương. Hạt dưa thường được tẩm màu đỏ hay màu đen bên ngoài, màu đỏ của hạt dưa tượng trưng cho sự may mắn.[1] Màu hồng đỏ của hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm thường đem lại sắc hồng tươi thắm cho đôi môi. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Không chỉ lễ Tết, ngày nào trong năm cũng có hạt dưa đỏ để ăn. Vào quán trà chén ven đường phố cũng có món hạt dưa, vào các nhà hàng cũng có món hạt dưa. Sinh nhật, cưới hỏi, người ta vẫn cúp hạt dưa.
Trong 100gr hạt dưa sấy khô, tách vỏ, không gia vị có chứa 557 calo cùng những thành phần dinh dưỡng như sau:
- Chất béo: 47gr
- Chất đạm: 29gr
- Chất xơ: 5gr
- Tinh bột: 10gr
Ngoài ra, hạt dưa còn là một nguồn cung cấp các loại khoáng chất phong phú như: magie, kẽm, sắt, canxi, photpho,…
Hạt dưa chứa ít nước, giàu tinh bột, năng lượng và chất béo không bão hoà. Tiêu thụ thực phẩm này thường xuyên sẽ khiến gan hoạt động quá sức, gây nóng trong người, dẫn đến tình trạng nổi mụn trên da mặt, cơ thể.
Hơn nữa, lớp vỏ lụa của hạt dưa còn chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn làm tổn thương niêm mạc họng. Việc dùng răng cắn vỏ hạt dưa thường xuyên sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào thanh quản, gây ra tình trạng đau rát cổ họng, ho, khàn giọng,…
Cách ăn hạt dưa không bị nóng và đau họng?
Uống thật nhiều nước
Nước có khả năng điều hoà thân nhiệt, làm dịu cổ họng, tăng cường chức năng hoạt động của thận. Vì thế, khi ăn hạt dưa, bạn cần uống thật nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng nóng trong người cũng như viêm họng.
Sử dụng mật ong
Từ bao đời nay, mật ong được xem là sự lựa chọn số 1 trong việc ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng viêm họng tại nhà.
Pha 1 ít mật ong với nước ấm và uống sau khi ăn hạt dưa sẽ giúp cổ họng của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn, phòng tránh tình trạng viêm họng hiệu quả.
Sử dụng gừng tươi
Bên cạnh mật ong, gừng tươi cũng được xem là khắc tinh của viêm họng. Uống trà gừng trong hoặc sau khi ăn hạt dưa không những giúp thanh nhiệt cơ thể mà còn làm giảm tình trạng ho, ngứa, viêm họng hiệu quả.
Không ăn quá nhiều hạt dưa
Cách tốt nhất để không bị nóng, đau họng là hạn chế ăn quá nhiều hạt dưa trong một ngày. Vào những dịp Lễ Tết, bạn chỉ nên tiêu thụ tối đa 100gr hạt dưa/ngày kết hợp với các phương pháp phía trên để giữ gìn sức khoẻ.
Lựa chọn hạt dưa an toàn, có nguồn gốc
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại hạt dưa không rõ nguồn gốc, không đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng.
Vì thế, để ngăn ngừa viêm họng, nóng trong người và các vấn đề khác, bạn nên lựa chọn kỹ sản phẩm có thương hiệu, hạn sử dụng, nguồn gốc rõ ràng và không bị nấm mốc.
Người đăng: chiu
Time: 2022-01-28 08:39:03