Hạt nêm đang trở thành gia vị chính trong bữa ăn của nhiều gia đình Việt bởi có thể tạo cho món ăn vị ngọt như vị thịt lại được quảng cáo là tuyệt đối an toàn.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo thói quen đọc thành phần trên bao bì sản phẩm, nhiều người nội trợ không khỏi giật mình khi phát hiện, theo thông tin thể hiện trên mỗi bao bì của sản phẩm hạt nêm Knorr thì thành phần chiết xuất từ thịt và xương chỉ chiếm… 2%, còn lại là vô số nguyên liệu khác, trong đó chủ yếu là tinh bột sắn.
Nỗi băn khoăn về thành phần của hạt nêm Knorr càng lớn khi trước đó một xét nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho kết quả có đến 30% lượng bột ngọt trong hạt nêm.
Quảng cáo một đằng, thành phần một kiểu
Khoe vài gói hạt nêm Knorr vừa mua ở siêu thị về, chị Nguyễn Thị Diệu Thùy (Triều Khúc, Hà Nội) cho biết: vài năm trước, khi có tin đồn ăn mì chính có nguy cơ bị ung thư, gia đình chị chuyển hẳn sang dùng hạt nêm vì nghĩ hạt nêm chiết xuất từ thịt thăn, xương sẽ an toàn hơn mì chính.
Tuy nhiên, gần đây… trong một lần vô tình đọc các thành phần ghi trên bao bì sản phẩm, chị Thùy không khỏi bất ngờ khi thấy, thành phần “thịt thăn, xương ống” trong 1 gói hạt nêm chiếm không đến 2%.
NTD an tâm sử dụng vì nghĩ rằng sản phẩm chiết xuất từ thịt, xương, tủy
“Tôi cứ đinh ninh, thành phần chính trong hạt nêm là thịt thăn, xương ống thì mới có thể tạo độ ngọt cho cả nồi canh chỉ với 1 thìa hạt nêm. Nếu thịt, xương chỉ chiếm 2% thì thành phần khác là gì?”, chị Thùy không khỏi lo lắng cho sức khỏe gia đình mình.
Theo đó, thông in in trên sản phẩm gói hạt nêm Knorr thể hiện: trong thành phần của hạt nêm chỉ có 2.0% là bột thịt thăn + chiết xuất xương ống + chiết xuất tủy và thịt, hương thịt… còn lại chủ yếu là tinh bột sắn, bột bắp, muối, đường, chất điều vị, chất màu tổng hợp.
Trong khi clip quảng cáo phát trên truyền hình cho thấy, sản phẩm Knorr được chiết xuất từ thịt thăn, xương ống và tủy sẽ giúp món ăn tròn vị. “Chính từ nội dung quảng cáo này mà không ít bà nội trợ như tôi tin tưởng chuyển sang sử dụng sản phẩm hạt nêm thay thế gia vị truyền thống là mì chính”, chị Thùy thừa nhận.
Trước đó, một xét nghiệm của của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho kết quả: có đến 30% lượng bột ngọt trong hạt nêm.
Còn nếu tìm hiểu kỹ thành phần của hạt nêm Knorr, người tiêu dùng không khỏi bất ngờ khi bảng thành phần của hạt nêm có đến 3 thành phần chất điều vị khác nhau. Cụ thể như sau: chất điều vị sodium glutamate (E621), sodium guanylate (E627) và sodium inosinate (E631) còn thành phần được “giật” lên trong quảng cáo chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong sản phẩm này.
Khi được hỏi chất điều vị là gì? Không mấy người tiêu dùng trả lời được vì bản thân họ không bao giờ để ý đến thành phần của sản phẩm cũng như việc sử dụng những danh từ “chuyên ngành” thì chẳng khác gì đánh đố người tiêu dùng.
Hạt nêm không thể chiết xuất từ thịt và xương như quảng cáo
Đó là khẳng định của một cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Theo vị chuyên gia này, với thành phần từ nước thịt thăn, xương ống, tủy khó có thể cô thành sản phẩm hạt với hạn sử dụng một năm.
Gần đây các hãng sản xuất thực phẩm đều cố gắng tạo ra những kịch bản quảng cáo có nội dung “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” nhưng trên thực tế càng quảng cáo càng khiến người tiêu dùng nghi ngờ.
Thành phần hạt nêm Knorr ghi trên bao bì sản phẩm
Cùng ý kiến đó, PGS, TS Phan Thị Sửu – Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm – Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khẳng định: bột thịt có trong hạt nêm thường được nhà sản xuất nghiền ra từ thịt sấy khô chứ không phải chiết xuất nước hầm xương ống và thịt thăn. Trong nước hầm xương ống có rất nhiều chất béo do tủy tiết ra nên khi cô đặc lại sẽ dễ bị ôi thiu, kể cả trong môi trường chân không.
Từ những khẳng định trên, PGS Sửu cho rằng quảng cáo chiết xuất từ nước hầm thịt thăn, xương ống, tủy là không đúng, lập lờ để lấy lòng tin của người tiêu dùng. Trong khi người tiêu dùng không thể thành thạo về các chất phụ gia trong thực phẩm.
Mặt khác, các sản phẩm hạt nêm cũng sử dụng chất điều vị, một số thành phần chất điều vị như E621 là bột ngọt, còn 2 chất điều vị E627 và E631 không chỉ là bột ngọt mà còn là chất siêu ngọt.
Các hãng sản xuất đều không ghi rõ thành phần cũng như hàm lượng cụ thể. Họ coi đó là công thức riêng của mình và đã đăng ký với cơ quan chức năng. “Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng đã “tẩy chay” mì chính chuyển sang ăn hạt nêm là quan niệm sai vì mì chính có thương hiệu hàng trăm năm nay về thành phần cũng như mức độ an toàn đã được kiểm chứng, hạt nêm chỉ xuất hiện được một thời gian ngắn chưa kiểm chứng”, PGS Sửu nói.
Hải An