Hệ Mặt Trời là gì? Bí ẩn các hành tinh trong hệ mặt trời

Hệ Mặt Trời là một khái niệm không còn xa lạ trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên cụ thể hệ Mặt Trời là gì, hệ Mặt Trời có bao nhiêu hành tinh là một câu hỏi mà không phải ai cũng dễ dàng trả lời được. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của khodienmay.info để hiểu hơn về vấn đề này nhé.

Hệ Mặt Trời là gì?

he-mat-troi-la-gi

Thái Dương Hệ hay Hệ Mặt Trời bao gồm Mặt Trời nằm ở vị trí trung tâm và các thiên thể nằm trong lực hấp dẫn của Mặt Trời. Tất cả chúng được hình thành từ sự suy sụp một đám mây phân tử khổng lồ cách đây khoảng 4,6 tỷ năm.

Đa phần các thiên thể đó quay quanh Mặt Trời, và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh có quỹ đạo gần tròn, mặt phẳng quỹ đạo gần trùng khít với nhau. 4 hành tinh nhỏ vòng trong của hệ Mặt Trời gồm: Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa. Người ta cũng còn gọi chúng là các hành tinh đá do có thành phần chủ yếu từ đá và kim loại.

4 hành tinh khí khổng lồ ở vòng ngoài có khối lượng lớn hơn rất nhiều lần so với 4 hành tinh vòng trong. Hai hành tinh lớn nhất là Sao Mộc và Sao Thổ có thành phần chủ yếu từ heli và hidro. Hai hành tinh nằm ngoài cùng, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương có thành phần chính từ băng, amonia và methan. Đôi khi người ta lại phân loại chúng là các hành tinh băng khổng lồ.

Có 6 hành tinh và 3 hành tinh lùn có vệ tinh tự nhiên quay quanh. Các vệ tinh này được gọi là các “Mặt Trăng” theo tên gọi Mặt Trăng của Trái Đất. Mỗi hành tinh vòng ngoài còn có vành đai hành tinh chứa bụi, hạt và các vật thể nhỏ quay xung quanh.

Cấu trúc hệ Mặt Trời

cau-truc-he-mat-troi

Thiên thể chính trong hệ Mặt Trời là Mặt Trời, chứa 99,86% khối lượng của cả hệ và vượt trội về lực hấp dẫn. 4 hành tinh khí của hệ chiếm 99% khối lượng còn lại. Khối lượng Sao Mộc kết hợp với khối lượng Sao Thổ chiếm > 90% so với khối lượng tất cả các thiên thể khác.

Hầu hết các thiên thể lớn cũng có mặt phẳng quỹ đạo gần trùng với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất, gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Mọi hành tinh và phần lớn các thiên thể khác sẽ quay quanh Mặt Trời theo chiều tự quay của Mặt Trời (ngược chiều kim đồng hồ, nhìn từ cực Bắc của Mặt Trời). Nhưng cũng có một số ngoại lệ, như sao chổi Halley quay theo chiều ngược lại.

Cấu trúc tổng thể của những vùng trong hệ Mặt Trời gồm 4 hành tinh vòng trong được bao xung quanh bởi 1 vành đai tiểu hành tinh đá, 4 hành tinh khí khổng lồ được bao xung quanh bởi vành đai Kuiper chứa thiên thể băng đá. Khoảng cách thực tế giữa các hành tinh là vô cùng lớn, tuy nhiên nhiều minh họa về hệ Mặt Trời vẽ khoảng cách quỹ đạo của các hành tinh là đều nhau. Thực tế thì đối với các hành tinh hay vành đai nằm càng xa Mặt Trời, khoảng cách giữa quỹ đạo của chúng sẽ càng lớn.

Đa phần các hành tinh trong hệ Mặt Trời có các vệ tinh tự nhiên hoặc vành đai hành tinh quay quanh hành tinh. Các vệ tinh này cũng được gọi là Mặt Trăng. Các hành tinh khí khổng lồ như Sao Mộc, Sao Thổ, Thiên Vương và Hải Vương, thậm chí cả 1 vệ tinh của Sao Thổ còn có những vành đai hành tinh là nhiều dải mỏng chứa các hạt vật chất nhỏ quay quanh chúng. Hầu hết các vệ tinh tự nhiên lớn đều quay đồng bộ với một mặt bán cầu hướng về phía hành tinh.

Mặt Trời

Mặt Trời là ngôi sao ở vị trí trung tâm và nổi bật nhất trong Thái Dương Hệ. Khối lượng khổng lồ của nó gấp 332.900 lần khối lượng Trái Đất tạo ra nhiệt độ và mật độ đủ lớn tại lõi để xảy ra phản ứng tổng hợp hạt nhân, giải phóng 1 lượng năng lượng khổng lồ, phần lớn là phát xạ vào không gian dưới dạng bức xạ điện từ. Cực đại của bức xạ này trong dải quang phổ 400 – 700 nm chúng ta hay gọi là ánh sáng khả kiến.

Các hành tinh vòng trong

he-mat-troi-co-bao-nhieu-hanh-tinh

Các hành tinh vòng trong hệ Mặt Trời bao gồm các hành tinh đất đá và các vành đai tiểu hành tinh. Chúng có thành phần chủ yếu làm từ silicat và các kim loại. Các thiên thể thuộc vòng này nằm khá gần Mặt Trời..

4 hành tinh vòng trong có trọng lượng riêng khá cao, với thành phần từ đá, có ít hoặc không có Mặt Trăng, không có hệ vành đai quay quanh như các hành tinh vòng ngoài. Thành phần chính của chúng là khoáng vật khó nóng chảy, như silicat tạo nên lớp vỏ và lớp phủ cùng những kim loại như là sắt và niken tạo nên lõi của chúng.

3 trong 4 hành tinh gồm Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa có bầu khí quyển đủ dày để sinh ra các hiện tượng thời tiết; có những hố va chạm và sự kiến tạo bề mặt như thung lũng, núi lửa.

Sao Thủy

Sao Thủy là hành tinh gần Mặt Trời nhất và là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời (bằng 0,055 lần khối lượng Trái Đất). Sao Thủy không có vệ tinh. Nó chỉ có các đặc trưng địa chất bên cạnh các hố va chạm là các sườn và vách núi, được hình thành trong giai đoạn co lại đầu tiên trong lịch sử của nó.

Sao Thủy hầu như là không có khí quyển. Lý do là vì các nguyên tử trong bầu khí quyển của nó đã bị gió Mặt Trời thổi bay ra ngoài không gian. Hành tinh này có lõi sắt tương đối lớn và lớp phủ khá mỏng, đến nay vẫn chưa được các nhà thiên văn giải thích được một cách đầy đủ. Có giả thuyết cho rằng lớp phủ đã bị tước đi sau 1 vụ va chạm khổng lồ, sau đó quá trình bồi tụ vật chất của Sao Thủy bị ngăn chặn bởi năng lượng của Mặt Trời.

Sao Kim

Sao Kim có kích cỡ khá gần với kích thước Trái Đất (bằng 0,815 lần khối lượng Trái Đất). Đặc điểm cấu tạo của sao Kim khá giống Trái Đất, nó có 1 lớp phủ silicat dày bao quanh 1 lõi sắt. Hành tinh này có 1 bầu khí quyển dày và có những chứng cứ cho thấy còn sự hoạt động của địa chất bên trong nó.

Tuy nhiên, Sao Kim khô hơn Trái Đất rất nhiều, mật độ bầu khí quyển của nó gấp khoảng 90 lần mật độ bầu khí quyển của Trái Đất. Sao Kim không có bất kì vệ tinh tự nhiên nào. Nó là hành tinh nóng nhất trong hệ Mặt Trời, nhiệt độ của bầu khí quyển trên 400 °C. Không có dấu hiệu cụ thể nào về hoạt động địa chất gần đây được phát hiện ở Sao Kim.

Trái Đất

Trái Đất là hành tinh có mật độ lớn nhất trong số các hành tinh vòng trong và là nơi duy nhất trong vũ trụ được biết đến có sự sống tồn tại. Trái Đất cũng là hành tinh duy nhất nơi quá trình kiến tạo mảng đã được quan sát. Bầu khí quyển của Trái Đất khá là khác so với các hành tinh khác với thành phần phân tử oxy thiết yếu cho sự sống chiếm tới 21% trong bầu khí quyển. Trái Đất có 1 vệ tinh tự nhiên chính là Mặt Trăng, nó là vệ tinh tự nhiên lớn nhất trong số các vệ tinh của hành tinh đá trong hệ Mặt Trời.

Sao Hỏa

Sao Hỏa có kích thước nhỏ hơn Trái Đất và Sao Kim (khối lượng chỉ bằng 0,107 lần khối lượng Trái Đất). Nó có 1 bầu khí quyển chứa chủ yếu là CO2 với áp suất khí quyển tại bề mặt gần bằng 0,6% áp suất khí quyển tại bề mặt của Trái Đất. Trên bề mặt hành tinh đỏ có những ngọn núi khổng lồ và những rặng thung lũng, với những hoạt động địa chất có thể đã tồn tại đến cách đây 2 triệu năm về trước. Bề mặt của nó có màu đỏ do trong đất có nhiều sắt oxide. Sao Hỏa có 2 Mặt Trăng rất nhỏ được cho là các tiểu hành tinh bị Sao Hỏa bắt giữ. Sao Hỏa là hành tinh có cấu tạo gần giống Trái Đất nhất cho nên thời gian gần đây các nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm sự sống trên hành tinh này.

Hành tinh vòng ngoài

Vùng bên ngoài của hệ Mặt Trời gồm có các hành tinh khí khổng lồ và các vệ tinh tự nhiên của chúng. Nhiều sao chổi chu kỳ ngắn cũng nằm trong vùng này.

4 hành tinh vòng ngoài chiếm tới 99% tổng khối lượng của các thiên thể quay quanh Mặt Trời. Sao Mộc và Sao Thổ là 2 hành tinh lớn nhất chứa đại đa số hiđrô và heli; Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương có khối lượng nhỏ hơn, trong thành phần của chúng chứa nhiều băng hơn. 4 hành tinh khí khổng lồ đều có vành đai, mặc dù chỉ có vành đai của Sao Thổ là có khả năng quan sát được từ Trái Đất qua các kính thiên văn.

Sao Mộc

Sao Mộc có khối lượng bằng 318 lần khối lượng Trái Đất và bằng khoảng 2,5 lần tổng khối lượng của 7 hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời. Sao Mộc có thành phần chủ yếu là hiđrô và heli. Sao Mộc có 63 vệ tinh đã được khám phá. 4 vệ tinh lớn nhất, Ganymede, Callisto, Io và Europa có các đặc trưng tương tự các hành tinh đá, như núi lửa và nhiệt lượng từ bên trong. Ganymede, vệ tinh tự nhiên lớn nhất trong hệ Mặt Trời thậm chí có kích thước lớn hơn Sao Thủy.

Sao Thổ

he-mat-troi-co-bao-nhieu-hanh-tinh-2

Sao Thổ có đặc trưng rõ rệt đó là hệ vành đai kích thước lớn, và những đặc điểm giống với Sao Mộc, như là về thành phần bầu khí quyển và từ quyển. Mặc dù thể tích của Sao Thổ bằng khoảng 60% thể tích của Sao Mộc, nhưng khối lượng của nó chỉ bằng 1/3 so với Sao Mộc khiến nó trở thành hành tinh có mật độ nhỏ nhất trong hệ Mặt Trời. Vành đai Sao Thổ chứa bụi và các hạt băng và đá nhỏ.

Sao Thổ có tổng cộng 62 vệ tinh tự nhiên. 2 trong số đó là Titan và Enceladus, cho thấy có các dấu hiệu của hoạt động địa chất, mặc dù đó là các núi lửa băng. Titan, vệ tinh tự nhiên lớn thứ 2 trong hệ Mặt Trời, cũng lớn hơn Sao Thủy và là vệ tinh duy nhất có tồn tại 1 bầu khí quyển.

Sao Thiên Vương

Sao Thiên Vương là hành tinh vòng ngoài nhẹ nhất, có khối lượng bằng 14 lần khối lượng Trái Đất. Trục tự quay của nó có đặc trưng so với các hành tinh khác, đó là độ nghiêng trục quay > 900 so với mặt phẳng hoàng đạo. Sao Thiên Vương có lõi lạnh hơn nhiều so với các hành tinh khí khổng lồ khác và nhiệt lượng bức xạ vào không gian cũng nhỏ. Hành tinh này có 27 vệ tinh đã được công nhận.

Sao Hải Vương

Sao Hải Vương mặc dù kích cỡ nhỏ hơn Sao Thiên Vương nhưng khối lượng của nó lại lớn hơn (bằng khoảng 17 lần khối lượng của Trái Đất) và do vậy có khối lượng riêng lớn hơn. Nó cũng bức xạ nhiều nhiệt lượng hơn nhưng cũng không lớn bằng của Sao Mộc hay Sao Thổ. Sao Hải Vương có 13 vệ tinh tự nhiên đã biết.

Trên đây khodienmay.info đã chia sẻ đến bạn về hệ Mặt Trời là gì, hệ Mặt Trời có bao nhiêu hành tinh cùng những điều thú vị xung quanh nó. Hy vọng những thông tin trên sẽ mang lại những kiến thức bổ ích giúp bạn thấy được sự bí ẩn và hấp dẫn của thiên văn học. Nếu bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân cùng tham khảo nhé.

Rate this post

Viết một bình luận