Hiệu quả luân canh tôm thẻ chân trắng – cá rô phi – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Mùa vụ chính thả tôm từ tháng 4 cho tới tháng 10 hàng năm. Theo cách nuôi truyền thống của hầu hết người nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL sau mỗi vụ nuôi tôm, ao sẽ bỏ trống không tiếp tục đưa vào sản xuất trong một khoảng thời gian khá dài trước khi vào mùa chính của năm kế tiếp. Trước thực tế đó, bộ phận kỹ thuật ứng dụng của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long đã tìm hiểu và lựa chọn cá rô phi là đối tượng được nuôi luân canh cùng với con tôm nhằm giải quyết tình trạng trên.

Đối với nuôi tôm

Cải tạo ao: Tiến hành sên vét đáy ao, loại bỏ tối đa lượng chất bùn thải hữu cơ có trong ao. Sau đó, phơi đáy ao khoảng 7 – 10 ngày tới khi ao có các vết rạn nứt. Xử lý diệt khuẩn bằng Chlorine với nồng độ 20 ppm. Tiếp tục gây màu bằng thức ăn lên men với liều lượng 2 kg/1.000 m3 sử dụng liên tiếp 2 – 4 ngày vào thời điểm 6 – 7 giờ sáng.

Mật độ thả: Dao động trong khoảng 60 – 100 con/m2, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng hộ nuôi, sao cho phù hợp với kinh tế và kỹ thuật. Nên chọn tôm giống của những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng trên thị trường.

Quản lý, cho ăn: Giai đoạn tôm dưới 30 ngày tuổi, nên sử dụng thức ăn lên men cho lần ăn đầu tiên buổi sáng. Sau khi thả 15 – 20 ngày tuổi, cần bổ sung thêm một số men vi sinh, vitamin, khoáng chất vào trong thức ăn để hỗ trợ chức năng tiêu hóa và sức đề kháng của vật nuôi.

Thu hoạch: Sau 60 – 90 ngày nuôi, tôm sẽ đạt cỡ 40 – 90 con/kg. Tùy theo mật độ và kế hoạch mùa vụ mà người nuôi có thể tiến hành thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa.

Đối với nuôi cá


Chuẩn bị ao nuôi: Sau khi thu hoạch vụ tôm nên duy trì mực nước trong ao nuôi ở mức trên 1 m. Độ mặn nước ao nuôi tốt nhất đảm bảo ổn định lúc mới thả < 5 ppt (tối đa có thể lên tới 15 ppt). Nếu độ mặn trong ao nuôi cao hơn 10 ppt, con giống trước khi thả nên được thuần độ mặn. Ao nuôi không cần diệt khuẩn. Trong trường hợp nước quá bẩn, trước khi thả 3 ngày cần diệt khuẩn bằng BKC 2 – 3 ppm hoặc Iodine 1 ppm.

Chọn giống: Chọn cá bơi lội khỏe mạnh. Không bị dị hình, xây xát, thân hình cân đối. Màu sắc cơ thể tươi sáng tự nhiên. Cơ thể không bị mất nhớt. Cá giống có trọng lượng khoảng 0,3 – 2 g/con (size 3.000 – 500 con/kg).

Mật độ: Tùy vào các điều kiện như nguồn nước, cơ sở vật chất, độ mặn… của từng vùng, mà người nuôi cân đối mật độ thả phù hợp. Thông thường, thả với mật độ 5 – 12 con/m2.

Quản lý cho ăn: Từ khi thả đến lúc cá đạt trọng lượng 100 g/con thì cho ăn 3 lần/ngày. Lượng cho ăn bằng 12 – 8% trọng lượng cá.

Cá đạt trọng lượng 100 – 500 g/con, khẩu phần ăn dao động 7 – 4% và khẩu phần ăn giảm còn 4 – 2% khi cá có trọng lượng lớn hơn 500 g/con. Giai đoạn này cho ăn 2 lần/ngày. Cứ 10 ngày thì dừng cho cá ăn 1 ngày.

Cá cỡ < 1 g (size cá 3.000 – 1.500 con): Cho ăn dạng mảnh nhỏ.

Cá cỡ > 1 g (bắt đầu từ thức ăn dạng viên có kích cỡ Q = 1 – 1,3 mm).

Khi cho ăn, lưu ý rải thức ăn càng rộng càng tốt để cá ăn được đều, tránh tình trạng làm trầy xước. Nên kết thúc lần cho ăn cuối cùng trong ngày trước 17 giờ. Bên cạnh đó, cần dựa vào khả năng bắt mồi và thông tin sản phẩm để quyết định sử dụng kích cỡ hạt cho phù hợp.

Khi thả nuôi ở mật độ cao trên 5 con/m2 đến khoảng giai đoạn 1,5 tháng tuổi, chất thải sẽ nhiều hơn, môi trường bẩn hơn. Vì vậy, cần định kỳ 3 – 5 ngày/lần thay nước, lượng thay khoảng 20 – 30%/lần.

Trong quá trình nuôi, cần bổ sung vitamin tổng hợp với lượng 1 – 2 g/kg thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho cá và vi sinh hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Định kỳ 2 – 3 lần/tuần.

Ngoài ra, người nuôi cũng nên định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học giúp làm sạch môi trường nước ao nuôi, đặc biệt trong trường hợp hạn chế nguồn nước thay.

Thu hoạch: Để lựa chọn thời điểm thu hoạch phù hợp, cần căn cứ vào tình hình size cá, giá cả, tình hình nguồn nước thay thế… Trước khi thu hoạch 2 ngày phải ngưng không cho cá ăn.

Rate this post

Viết một bình luận