Hê-minh-uê là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mĩ thế kỉ XX. Ông là một trong những người khai sinh lối viết kiệm lời, kiệm cảm xúc,… Năm 1952, sau gần 10 năm sống ở Cu Ba, Hê-minh-uê cho ra đời tác phẩm Ông già và biển cả. Bối cảnh của tác phẩm là ngôi làng yên ả bên làng La-ha-ba-na. Trước khi in thành sách, truyện đã được đăng trên tạp chí Đời sống. Đoạn trích nằm ở gần cuối truyện, thuật lại việc ông lão Xan-ti-a-gô rượt đuổi và khuất phục được con cá kiếm.
Hình ảnh con cá kiếm đã bị mắc câu được miêu tả với những vòng lượn được nhắc lại, gợi lên đặc điểm về cuộc đấu giữa ông lão và con cá kiếm. Đó là cuộc đấu kéo dài suốt hành trình chiếm được con cá, buộc con cá vào mạn thuyền và đưa con cá trở về. Con cá kiếm khổng lồ to khoẻ (đến hơn nửa tấn) cùng con người luôn luôn ở trong tư thế vờn miếng nhau, một bên để thoát thân, một bên để chiếm giữ, chinh phục. Cả hai lúc đầu dồi dào sức lực, sau đó rệu rã, mệt mỏi dần nhưng vẫn cố gắng hết sức phô diễn sự kiêu dũng của mình, không hề chịu lùi bước, ngã gục trước đối thủ.
Ông lão khi chưa nhìn thấy con cá đã có cảm nhận về sự to lớn đồ sộ của nó qua cảm giác, xúc giác, qua toàn bộ cơ thể mình khi kéo dây, giữ cho con cá lượn vòng quanh thuyền, cố giữ khoảng cách dây câu sao cho đừng quá căng hoặc đừng quá chùng. Cuộc chiến của Xan-ti-a-gô với con cá kiếm vô cùng gay cấn. Đầu tiên, lão thu dây để điều khiển con cá quay vòng và cầu con cá đừng nhảy bởi sợ mất nó. Lão phân tích tình hình: mình phải giữ cho nó đừng đau quá, lão nghĩ. Nỗi đau của ta thì không thành vấn đề. Ta có thể chế ngự. Nhưng nỗi đau của con cá thì có thể khiến nó cuồng lên. Đồng thời, lão đi chuyển được con cá và động viên bản thân mình: Kéo đi, tay ơi, lão thầm giục. Hãy đứng vững, đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao, đầu à. Cuối cùng lão tập trung hết sức lực và phóng lao giết chết con cá: Dồn hết mọi đau đớn và những gì còn lại của sức lực và lòng kiêu hãnh đã rời bỏ lão từ lâu, lão mang ra đương đầu với cơn hấp hối của con cá. Sau lúc bị mũi lao của ông lão đâm trúng tim, khi ấy con cá, mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực của nó.
Trong cuộc chiến đấu để chiếm được con cá, ông lão đã cố gắng hết cả về sức lực, trí tuệ của mình để khiến con cá khổng lồ có thể ngoan ngoãn theo sự điều khiển của lão. Ông có ý chí và niềm tin: hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người. Nghĩa là, dùng đầu óc để suy xét, đưa ra giải pháp hành động và phải biết chịu đựng, nhẫn nại để giành chiến thắng. Hơn nữa, qua đây, tác giả đã ngợi ca con người, tin tưởng vào con người, khẳng định trí tuệ và khả năng chịu đựng là hai nhân tố phân biệt con người với bất cứ sinh vật nào khác. Con cá kiếm kiêu hùng và nhanh đến bất ngờ, dường như không chấp nhận cái chết, phóng vút lên, phô hết tầm vóc khổng lồ và sức mạnh nhưng cuối cùng ông lão đã kéo được con cá vào sát mạn thuyền khi nó đã thấm mệt và đâm lao trúng tim nó. Cá kiếm là đối thủ ngang sức ngang tài với ông lão. Ngay đến khi sức kiệt con cá vẫn thể hiện phong cách cao thượng, uy dũng. Điều này cho thấy tác giả dành nhiều tình cảm trân trọng con cá kiếm. Sự kiêu hùng đó càng góp phần nâng cao hơn tầm vóc của ông lão.
Cuộc chiến đấu giữa người và cá được miêu tả như một cuộc đấu giữa hai đối thủ ngang tài, ngang sức. Người đi săn bắt cá lớn ngoài đại dương đã đương đầu, vật lộn với con cá săn được trong một thời gian dài. Cuộc đấu này gợi lên những liên tưởng sâu sắc, thú vị: đó là hành trình nhọc nhằn của người đàn ông hay cuộc khám phá, chinh phục những thế lực dũng mãnh của tự nhiên; hay là sự khám phá, chinh phục những đỉnh cao của chính khả năng của con người tiềm tàng trong bản thân con người hoặc là khát vọng hiện thực những hoài bão, ước mơ đời người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp, sáng tạo cái đẹp, …
Từ bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu giữa con người và con cá khổng lồ trên đại dương mênh mông với những nét trần trụi, rộng hơn của hình tượng: con cá kiếm không chỉ là con mồi, ông lão không chỉ là ngư phủ, đoạn văn không chỉ miêu tả một cuộc rượt đuổi, vẻ đẹp kiêu hùng của con cá khi chưa bị chiếm lĩnh là biểu tượng cho ước mơ, cho lí tưởng mà mỗi con người theo đuổi. Hình ảnh ông lão đánh cá trở nên cao cả, đẹp đẽ khi cuộc chiến đang trở nên không cân sức, con cá ở tầm cao khiến ông lão phải huy động mọi ý chí, nghị lực, mưu trí và lòng dũng cảm. Sự dũng cảm của ông lão về đối thủ không nhuốm màu hằn thù mà là sự cảm kích, ngưỡng mộ, đôi khi pha chút tiếc nuối, ân hận vì hành động của mình.