Tàu hộ vệ
Tàu hộ vệ hay hộ vệ hạm là những tàu chiến có từ khoảng Thế chiến I, có nhiệm vụ đi theo (hộ tống) và bảo vệ (nhất là chống ngầm) cho những tàu chiến khác hay những đoàn tàu vận tải, tàu chở quân đổ bộ… Thời nay, tàu hộ là những tàu chiến có lượng giãn nước từ khoảng trên 1.000 tới 6.000 tấn. Thực chất, tàu hộ vệ là tên tiếng Việt của 2 lớp tàu gồm Frigate và Corvette trong tiếng Anh.
Ban đầu, Frigate được dùng để chỉ tất cả các loại tàu chiến. Frigate trên thực tế cũng có nghĩa là tàu chiến, với công dụng và kích cỡ khác nhau. Nhưng đến khoảng thế kỷ XVII thì Firgate là tên gọi những tàu chiến có khả năng chạy nhanh, sức cơ động cao, trang bị vũ khí nhẹ. Có lẽ tên gọi này xuất phát từ Frigate là tên một loại chiến thuyền nhẹ, cơ động cao, chạy nhanh ở vùng Địa Trung Hải vào khoảng thế kỷ thứ XV. Nhưng Frigate cũng là tên một loài chim họ Ó biển, gọi là “Frigate bird”. Không rõ có sự liên hệ gì không giữa một loài chim biển với một chiến thuyền, nhưng một lớp tàu chiến đông đảo nhất về số lượng trong hải quân nhiều nước lại được gọi là Frigate trong tiếng Anh.
Từ chỉ tàu Frigate trong tiếng Việt có tới 3 phiên bản dịch khác nhau là tuần phòng hạm, khinh hạm và hộ vệ hạm hay tàu hộ vệ. Tên gọi tuần phòng hạm hay gặp trong sách báo cổ, còn khinh hạm thì gần đây có thấy sử dụng trên báo chí, trong đó từ “khinh” có nghĩa là nhẹ. Nhưng cứ theo chức năng “hộ tống-bảo vệ” thì từ Frigate phải gọi là tàu hộ vệ mới hợp lý.
Ngày nay trong hải quân các nước, tàu hộ vệ (Frigate) là loại tàu đa năng, được trang bị nhiều loại vũ khí như tên lửa, pháo, ngư lôi… và các loại khí tài phát hiện, điều khiển khác nhau nên chúng có thể thực hiện được các nhiệm vụ chống tàu mặt nước, phòng không, chống ngầm… Do các tàu hộ vệ hiện đại đều có trang bị một hay nhiều loại tên lửa có điều khiển/dẫn đường nên chúng hay được ký hiệu là FFG trong đó FF là để chỉ tàu Frigate còn G là ký hiệu chỉ tên lửa dẫn đường (Guided missile).
Thuyền trưởng những tàu hộ vệ trước đây được gọi là Frigate Captain, ngày nay còn thấy được bảo lưu trong tên gọi cấp bậc quân hàm sĩ quan hải quân của một số nước. Chẳng hạn, cấp bậc trung tá hải quân trong tiếng Đức là Fregattenkapitan hoặc trong tiếng Pháp là Capitaine de Frégate. Trong đó, Fregat là phiên bản tiếng Đức và Frégate là phiên bản tiếng Pháp của Frigate, còn Kapitan và Capitaine là phiên bản của Captain (thuyền trưởng) trong các thứ tiếng tương ứng.
Tàu hộ vệ Smetlivyi (lượng giãn nước 4.400 tấn) của Hải quân Nga là lớp tàu hộ vệ đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ turbine. Nó còn được gọi vui là “tàu hộ vệ ca hát” (поющий фрегат) do tiếng réo của động cơ turbine khi di chuyển
Tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry (Mỹ) lượng giãn nước 4.200 tấn. Đây là loại tàu hộ vệ điển hình và được sử dụng làm cơ sở cho tàu hộ vệ của hải quân nhiều nước. Trong ảnh là tàu hộ vệ HMAS Darwin (FFG-4) của Hải quân Hoàng gia Australia
Loại thứ hai trong lớp tàu hộ vệ có tên tiếng Anh là Corvette. Đây là những con tàu nhỏ hơn Frigate về lượng giãn nước, thường là chỉ từ khoảng 1.000 tấn đến trên 2.000 tấn (Frigate từ trên 2.000 đến 6.000 tấn). Chức năng, nhiệm vụ của Corvette và Frigate là tương tự nhau, nhưng do nhỏ hơn nên khả năng của Corvette cũng hạn chế hơn Frigate.
Từ Corvette có gốc từ tiếng Pháp là Corvair có nghĩa là tàu hộ tống. Xuất phát từ Corvette mà có chức vụ sau là cấp bậc: Thuyền trưởng Corvette/Thiếu tá hải quân (Capitaine de Corvette trong tiếng Pháp hay Korvettenkapitan trong tiếng Đức…). Lớp tàu Corvette tiếng Việt có thể gọi chính xác là tàu hộ vệ nhẹ. Tàu hộ vệ nói chung, nhất là hộ vệ nhẹ đôi khi cũng được gọi là lớp tàu bảo vệ vùng nước, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế.
Cũng giống như trong tiếng Việt, tên hộ vệ dùng để chỉ cả Frigate và Corvette. Người Nga cũng dùng một cái tên chung để chỉ lớp tàu này đó là Сторожевой Корабль. Nhưng cũng họ cũng dùng phiên bản tiếng Nga của từ Frigate là Фрегат để chỉ tàu hộ vệ (Frigate) và phiên bản Корвет của Corvette là để chỉ lớp tàu hộ vệ nhẹ (Corvette). Nếu theo dõi báo chí, hay các trang mạng quân sự tiếng Nga thì thấy rất rõ điều này. Thường là họ đề cập chung đến con tàu đó bằng cái tên Сторожевой Корабль và sau đó thì chú thích đó là Фрегат hay Корвет để cung cấp thêm thông tin đó là tàu hộ vệ (Frigate) hay hộ vệ nhẹ (Corvette) cho người đọc được rõ hơn.
Tàu khu trục
Khu trục hạm hay tàu khu trục là tên một lớp tàu khác, lớn hơn Hộ vệ hạm (Frigate) về lượng giãn nước, được trang bị nhiều loại vũ khí với số lượng lớn hơn và cũng giải quyết được nhiều nhiệm vụ hơn. Trong đó, nó có thêm nhiệm vụ sử dụng tên lửa đánh mục tiêu trên đất liền, là nhiệm vụ mà trước đây thì Frigate thường không đảm nhiệm được. Tên khu trục gồm 2 từ Hán-Việt là “khu” và “trục” nhưng lại đều mang cùng ý nghĩa là xua đi, đuổi đi. Cụ thể, từ “khu” trong khu biệt nghĩa là khoanh nó lại, cô lập làm mất tác dụng của một cái gì đó còn từ “trục” trong trục xuất là đuổi ra khỏi một đất nước. Đây là những chữ Hán do người Nhật Bản thời trước sử dụng để dịch thuật ngữ quân sự từ tiếng nước ngoài sang tiếng Nhật viết bằng Hán tự (Kanji).
Tên khu trục là thuật ngữ dịch chính xác từ tên gọi (theo chức năng) thời trước của lớp tàu này trong tiếng Anh là Torpedo Boat Destroyer nghĩa là kẻ tiêu diệt/phá huỷ tàu phóng ngư lôi, tóm lại là xua đuổi tàu phóng lôi, vì không phải bao giờ cũng tiêu diệt được mục tiêu, nhưng xua đuổi thì được. Ban đầu các Torpedo Boat Destroyer hay được gọi tắt là TBD, nhưng rồi dần dần được rút gọn và chỉ gọi là Destroyer. Có lẽ là do trong tiếng Anh TBD có thể là chữ viết tắt của rất nhiều cụm từ hay được sử dụng trong văn bản quân sự, ví dụ TBD có thể là To Be Decided (sẽ được quyết định sau) rất dễ gây nhầm lẫn. Mà thực sự thì tàu khu trục (Torpedo Boat Destroyer) và “sẽ được quyết định sau” (To Be Decided) rõ ràng là chẳng liên quan gì với nhau.
Tàu khu trục USS Arleigh Burke (DDG-51) của Hải quân Mỹ
Thời trước, nhiệm vụ của khu trục hạm là dùng tốc độ cao chạy lên phía trước đoàn tàu, sử dụng pháo tàu và ngư lôi để đánh những tàu nhỏ mang ngư lôi của địch đang tiếp cận để tiến công đoàn tàu mà khu trục có nhiệm vụ bảo vệ. Do mang vũ khí chính là ngư lôi nên lớp tàu khu trục trong tiếng Nga được gọi là Эскадренный Миноносец, trong đó Миноносец có nghĩa là tàu mang ngư lôi, còn Эскадренный là một tính từ xuất phát từ danh từ Эскадра chỉ hải đoàn tàu.
Người Nga sử dụng thuật ngữ Эскадренный Миноносец và gọi tắt là Эсминец để chỉ tàu khu trục là vì họ dịch từ tiếng Pháp chức năng, nhiệm vụ của lớp tàu này, đi trong đội hình để bảo vệ các tàu trong hải đoàn tàu hành quân trên biển. Chính vì xuất phát điểm mang vũ khí chủ yếu là pháo và ngư lôi mà tàu khu trục (cùng với hộ vệ) ở một số nước trước đây thường được liệt vào lớp tàu pháo-ngư lôi.
Ngày nay, tàu khu trục là một loại tàu chiến đa năng, ngoài pháo và ngư lôi như truyền thống còn mang theo nhiều loại tên lửa dẫn đường, có thể độc lập thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Lượng giãn nước của tàu khu trục thường từ trên 6.000 đến 10.000 tấn. Khu trục hạm thường được ký hiệu là DDG trong đó DD là ký hiệu chỉ Destroyer (khu trục) còn G thì như đã biết, để chỉ tên lửa dẫn đường.
Hiện nay, trong Hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Aleirgh Burke là lớp tàu đông đảo nhất, có đến trên 50 chiếc, với lượng giãn nước trên 9.000 tấn. Hải quân Nga cũng đang vận hành một đội tàu khu trục đông đảo còn lại từ thời Liên Xô, chẳng hạn như khu trục hạm lớp Sovermenyi (Cовременный). Nga cũng đã bán cho Trung Quốc 4 khu trục hạm loại này. Ngoài ra, trong Hải quân Nga còn có lớp tàu chống ngầm lớn, tiếng Nga viết tắt là BPK (БПК – Большой Противолодочный Корабль), nhưng với lượng giãn nước trên 7.000 tấn và tính đa năng bên cạnh chức năng chính chống ngầm, nên bản thân chúng cũng chính là những tàu khu trục.
Tàu tuần dương
Tuần dương hạm hay tàu tuần dương (tiếng Anh là Cruiser, tiếng Nga là Крейсер), vốn không phải là một lớp tàu chiến riêng biệt. Ban đầu người ta sử dụng các loại tàu như Frigate hay Destroyer cho hoạt động độc lập nhằm đánh phá giao thông của đối phương trên biển. Thời trước, phát hiện được tàu thuyền trên biển cả là việc làm rất khó khăn, những con tàu tuần dương phải đi lại rất nhiều để tìm mục tiêu, có lẽ chính vì vậy mà cái tên Cruiser (đi quanh quẩn, du hành khắp nơi) được gắn cho những con tàu đó. Ngày nay, tuần dương hạm là những con tàu chiến lớn, lớn hơn khu trục, có thể độc lập hoặc dẫn đầu (làm tàu chỉ huy) cho một đoàn tàu chiến khác thực hiện nhiệm vụ trên biển và đại dương.
Nói chung, tàu tuần dương ngày nay thường có lượng giãn nước từ 10.000 tấn trở lên, nhưng đôi khi người ta xếp tàu nào là tuần dương hay loại khác còn vì nhiều lý do khác nhau (chính trị, tuyên truyền…). Chẳng hạn, tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô, chiếc Kiev, được gọi là tàu tuần dương mang máy bay (Авианесущий Крейсер), vì lý do Liên Xô yêu chuộng hoà bình, không cần tàu sân bay như Mỹ để đi gây chiến ở nước khác.
Tàu tuần dương Moskva (121) lớp Slava của Hải quân Nga
Tàu tuần dương USS Lake Erie (CG-70) lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ
Tàu tuần dương thường được ký hiệu là CG trong đó C là để chỉ Cruiser (tàu tuần dương) còn G thì như đã biết. Hiện nay trên thế giới chỉ còn Hải quân Mỹ và Nga là đang sử dụng tàu tuần dương. Tuần dương của Mỹ chủ yếu là lớp Ticonderoga (CG52 – CG73) có lượng giãn nước trên 10.000 tấn, riêng tên lửa đã mang tới 122 quả các loại. Hải quân Nga thì có 1 tàu tuần dương lớn nhất thế giới là Piotr Đại Đế (Пётр Великий) có lượng giãn nước lên tới 24.300 tấn, hiện đang là kỳ hạm của Hạm đội Biển Bắc. Ngoài ra, Nga còn 4 tuần dương hạm lớp Slava nhỏ hơn, lượng giãn nước 11.490 tấn và cũng có một kho 80 tên lửa các loại.
Tàu tuần dương Piotr Đại Đế (099) lớp Kirov của Hải quân Nga là tàu tuần dương lớn nhất thế giới hiện nay
Như vậy, tên gọi các lớp tàu chiến hiện đại xuất phát chủ yếu từ chức năng ban đầu của những lớp tàu đó. Mặc dù là một quân chủng mang tính “quốc tế” nhiều nhất trong lực lượng vũ trang các nước, nhưng cũng không thấy hải quân các nước thống nhất được với nhau về một quy định chung nào đó để phân cấp tàu chiến đấu của họ.
Những tên gọi như hộ vệ, khu trục, tuần dương (Frigate, Destroyer, Cruiser) thường được dùng theo thói quen và hay bắt gặp trên các ấn phẩm truyền thông. Cách phân lớp tàu thành Frigate/Corvette, Destroyer, Cruiser…có lẽ đã trở thành một tập quán chung có vẻ hơi “hoài cổ” của hải quân các nước, tức là có xu hướng bảo tồn những gì đã xuất hiện từ trước đó, trong đó có tên gọi của những lớp tàu bè thời trước.
Tính bảo tồn tên gọi lịch sử cũng thấy trong cách người Nga gọi tên tàu khu trục của họ. Khu trục hạm (Миноносец) chính ra phải dịch là tàu mang thuỷ lôi (Мина) mới đúng chứ không phải ngư lôi (Торпеда), nhưng có lẽ do ngư lôi là sự phát triển tiếp theo, theo hướng tự hành của thuỷ lôi nên cái tên đó vẫn giữ nguyên, mặc dù con tàu có vũ khí chính là ngư lôi. Mãi đến khi không quân hải quân ra đời, nhất là giai đoạn Thế chiến II, những máy bay cường kích phóng ngư lôi mới được người Nga gọi đúng tên là Штурмовик – Торпедоносец (Штурмовик – Cường kích, Торпедоносец – Mang ngư lôi).
Mặc dù cũng vẫn dùng những thuật ngữ Frigate/Corvette, Destroyer, Cruiser, nhưng ở mỗi nước cũng vì nhiều lý do, người ta gọi những con tàu của họ hơi khác so với những cách hiểu chung. Ví dụ, Hải quân Phòng vệ Nhật Bản gọi tất cả những con tàu có thể phân loại thành Frigate và Destroyer là khu trục hạm (Destroyer), dù cho những Destroyer của họ có thể có lượng giãn nước chỉ 3.000 – 4.000 tấn hay lên đến 10.000 tấn (các khu trục hạm lớp Atago). Kể cả tàu sân bay trực thẳng lớp Hyuga lượng giãn nước lên đến 18.000 tấn, họ vẫn chỉ gọi là khu trục hạm trực thăng (Helicopter Capable Destroyer).
Tóm lại, những cái tên hộ vệ hạm, khu trục hạm, tuần dương hạm đã có lịch sử lâu đời, thường được sử dụng theo thói quen, nhưng cũng rất tiện dụng vì thông qua tên gọi người ta có thể hình dung ra được vóc dáng to lớn của những con tàu đó đến đâu. Dù gọi là gì thì những con tàu đó ngày nay nhìn chung đều có tính đa năng, tàu càng lớn thì khả năng thực hiện nhiệm vụ càng cao. Nhưng càng to lớn thì càng tốn kém trong vận hành và duy trì. Vì vậy, hiện nay lớp tàu không lớn quá là hộ vệ (Frigate) có số lượng nhiều nhất trong hải quân các nước. Những con tàu hộ vệ này rất thích hợp với những nước nhỏ hoặc đang phát triển, trong đó có Việt Nam ta, xây dựng hải quân chỉ nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển và giữ gìn môi trường hoà bình để phát triển đất nước.
Minh Ngọc