Hoa khế sân nhà | Văn hóa

Nắng tháng ba rải đều lên xóm nhỏ. Nắng chạy lon ton, nhảy nhót trên khắp các ngọn cây. Bao nhiêu kí ức về cây khế sau nhà chắp cánh vụt bay trở lại. Tháng ba- tháng của những con ong chăm chỉ đi lấy mật, tháng của mùi thơm lúa non, và tháng của những bông hoa khế tím biếc rụng sau thềm nhà…

Tháng ba khí trời dễ chịu. Cây khế sau vườn nhà với vòm lá xanh mướt, nhìn từ xa như một chiếc ô đầy hoa và lá, bao phủ trên thân cây xù xì khô khan. Từng chùm hoa li ti tím đỏ vẫn đang nở dịu dàng trong nắng, và những quả khế vàng lúc lỉu trên cành. Những quả khế mọng nước như chờ đợi bàn tay người hái.

Điều đặc biệt trong khu vườn sau nhà tôi, đó là màu đỏ tím của hoa khế. Màu tím ấy không hiểu sao nó ma mị và quyến rũ lòng người đến thế. Màu tím dắt díu ta về với những kỉ niệm cồn cào khó phai. Lấp kó trong vòm lá, từng trái khế xanh đến nao lòng nhú lên, rồi phô ra năm cạnh đều đặn. Cây khế sau nhà là xứ sở của muông chim và bướm. Tiếng chim ríu rít gọi nhau trong vòm lá rộn ràng cả những buổi trưa tháng ba.


Cây khế sân nhà (Ảnh: Huyền Phương)

Dưới gốc khế, vại nước cũ kĩ nằm lặng im qua bao ngày tháng. Mỗi khi nhắc đến quê nhà, có người nhớ về hàng tre, gốc lúa, cây ổi. Nhưng với tôi, cây khế sau nhà mang nhiều kỉ niệm nhất. Mỗi khi học bài, chúng tôi thường leo lên cây khế để ngồi vừa học vừa nhâm nhi vài quả khế chín. Và ngồi chờ đợi…con chim thần như trong câu chuyện cổ tích “Ăn khế trả vàng”.

Thỉnh thoảng, những chị gái trong làng sau khi cưới chồng, thường lân la đến cây khế sau vườn nhà tôi. Bởi các chị thèm chua lắm. Điều đó như một minh chứng cho những sinh linh bé nhỏ sắp chào đời. Bên gốc khế, những chị hàng xóm thỉnh thoảng ghé sang xin khế, rồi vui vẻ ngồi nói chuyện đồng áng, chuyện chồng con. Cây khế gần gũi, thân thương là vậy.

Những cơn mưa nhỏ lất phất lên từng chùm hoa khế dịu dàng, và những chiếc lá xanh biếc, non tơ đang chìa ra từ thân khế khô quắt queo. Hoa khế đẹp dịu dàng, giản dị như một cô gái tuổi mới lớn. Hình ảnh cây khế luôn đẹp trong kí ức tuổi thơ mỗi người. Nó đã gắn liền với biết bao câu câu chuyện cổ tích, với những khúc hát, khúc dân ca. Và nó đi vào thơ ca một cách lặng lẽ những rất ngọt ngào:

“Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày”

Tuổi thơ chúng tôi gắn liền với hình ảnh cây khế. Ăn khế, nhắc chúng tôi nhớ đến bài học về lòng tham của con người, trong câu chuyện cổ tích: “Ăn khế trả vàng”. Đó là  bài học từ thời tiểu học. Hay đó là những vần thơ buồn đau, khi người con gái chia tay mối tình đầu. Màu tím biếc của hoa khế, như tô thêm sự lãng mạn cho bức tranh nhuốm màu chia tay, nhuốm màu biệt ly ấy:

“Em phải về thôi xa anh thôi/ Xa hàng cây hẹn hò ta ngồi

Hoa khế rụng tím ngăn lối nhỏ/ Để lòng ta xao xuyến, bồi hồi”

Mẹ tôi thường nói đùa rằng, giá như tiền bạc trong nhà lúc nào cũng nhiều như lá khế rụng sau vườn thì hay biết mấy, để mẹ yên tâm nuôi mấy đứa con học đến cao học. Và tôi biết rằng, đó chỉ là lời nói đùa của mẹ mỗi khi mẹ quét gốc khế mà thôi. Bởi cuộc đời này, tiền bạc đâu phải là thứ quyết định mọi thứ.

Mẹ tôi thường hái khế chín sau vườn, để nấu canh chua cá nghạnh cho cả nhà thưởng thức. Và cứ mỗi khi chiều về, những lát khế được thái mỏng, nằm cạnh mấy con cá rô đồng nướng, bên ly rượu của cha. Khế có thể bóp chua hoặc chế biến thành nhiều món, nhưng có lẽ canh chua là món ăn mà chị em tôi vẫn thích nhất.

Không ngào ngạt hương thơm như hoa bưởi, hoa nhài. Hoa khế chỉ tỏa hương dịu dàng, khẽ khàng thoảng qua trong làn gió mát. Màu tím đỏ của hoa khế, đã dắt nẻo hồn tôi về với nhiều kỉ niệm. Và với tôi, cái màu đỏ tím ấy là màu đẹp nhất trong kỉ niệm tuổi thơ!

Rate this post

Viết một bình luận