“hoang mạc” là gì? Nghĩa của từ hoang mạc trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt

vùng đặc trưng có khí hậu rất khô với những loài thực vật chịu hạn cao hoặc thực vật ưa khô hạn mọc rải rác. HM có nhiệt độ cao suốt mùa hạ (HM ôn đới) hoặc quanh năm (HM nhiệt đới). Lượng mưa năm thường không quá 200 mm. Lượng bốc hơi rất lớn: 900 – 1.500 mm ở mặt nước thoáng. Lớp đất trồng rất mỏng, nhiều nơi chủ yếu là đất xám và nâu sáng, nhiều chất muối dễ tan. Tuỳ theo tính chất đất, có 4 kiểu HM: HM đất sét, HM cát, HM đất muối và HM đồi núi. Các dòng nước mặt chỉ có nước sau những trận mưa đột ngột và rất hiếm, nước đổ vào hồ hoặc ngấm hết dưới lớp cát. Tính ưa khô hạn cao là nét đặc thù của thực bì HM. Thực bì HM gồm những cây bụi thấp và cỏ, thích nghi theo ba hướng: cây hằng năm mọc nhanh, phát triển nhanh, ra hoa kết quả vào mùa mưa ngắn ngủi, hạt tồn tại trong mùa khô dài; cây lâu năm có bộ rễ ăn sâu, để hút nước dưới tầng đất sâu; cây mọng nước (vd. các loại xương rồng) có thể giữ nước trong mô, có lớp vỏ dày, có gai và các bộ phận khác bảo vệ. Động vật nghèo nàn, gồm những loài chịu được nóng, khát, thường sinh sống vào ban đêm, ban ngày trốn trong các hang hốc, một số ngủ qua mùa nóng. Ngoài ra, còn một kiểu HM đặc biệt: HM băng ở các miền cực.

Rate this post

Viết một bình luận