Ở giai đoạn 1 tháng tuổi, trẻ bắt đầu có những. Mỗi một cột mốc đều có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của trẻ, và có những phương thức tác động thêm giúp trẻ phát triển toàn diện.
Giúp trí não của trẻ phát triển 1 tháng tuổi
Treo đồ chơi trên nôi: Chọn loại có hình dáng vui mắt và màu sắc tương phản cao (chẳng hạn đen, trắng, đỏ) để trẻ tập nhìn.
Treo gương: Dùng loại gương không vỡ, an toàn cho trẻ nhỏ và treo ở hướng nhìn của trẻ, gần nôi hoặc bàn thay tã để trẻ có thể tập nhận biết mình qua gương.
Tương tác đúng thời điểm: Bạn cần chú ý trẻ thường thức dậy chơi vào lúc nào trong ngày. Đây là lúc trẻ tập trung quan sát mọi thứ xung quanh và chú ý đến giọng nói của mẹ. Sự tập trung của trẻ cũng tốt hơn khi trẻ không mệt hoặc đói. Tương tác với trẻ vào thời điểm này là tốt nhất.
Tiếp tục giao tiếp thường xuyên bằng ánh mắt: Ở giai đoạn này, trẻ vẫn chưa nhìn được xa, chỉ thấy rõ nhất trong khoảng cách 20 – 30cm, chính là khoảng cách khi bạn bế con trên tay.
Làm mặt hề: Thử dùng đủ loại biểu cảm cường điệu khi bạn nói chuyện với con. Chẳng hạn há to miệng, cười ngoác đến mang tai hoặc nhướn mày. Các hành động này sẽ thu hút sự chú ý của trẻ.
Giúp kỹ năng vận động của trẻ 1 tháng tuổi phát triển
Tập cho trẻ nằm sấp: Khi trẻ thức giấc, bạn hãy đặt trẻ nằm sấp trong vài phút. Nằm cạnh và trò chuyện với trẻ để trẻ ngẩng đầu về phía bạn. Hoạt động này giúp phát triển các cơ ở cổ. Những đứa trẻ thường xuyên luyện bài tập nằm sấp sẽ học cách điều khiển đầu nhanh hơn so với trẻ chỉ nằm ngửa.
Thu hút bằng đồ chơi: Cầm lục lạc hoặc một món đồ chơi và giơ lên phía trên đầu, vẫn trong hướng nhìn của trẻ, khi bé đang nằm ngửa. Sau đó khuyến khích con với lấy món đồ chơi ấy.
Giúp cảm xúc của trẻ 1 tháng tuổi phát triển
Đáp lại nụ cười của trẻ: Điều này không chỉ khích lệ trẻ cười vui mà còn dạy trẻ biết cách kết nối và trò chuyện.
Mút – một thói quen đáng ngạc nhiên giúp trẻ phát triển cảm xúc: Trẻ 1 tháng tuổi thường mê mút núm vú, ngón cái hay nắm tay. Liệu đây có phải là khởi đầu cho một thói quen khó bỏ mà bạn cần ngăn cản? Trái lại, mút là phản xạ tự nhiên có từ trong bụng mẹ. Thật ra, đây là điều bạn nên khuyến khích vì có lợi cho sự phát triển về mặt cảm xúc của trẻ.
Xoa bóp nhẹ nhàng: Dùng một ít dầu em bé để xoa bóp cho con và đảm bảo trẻ thấy ấm người. Cách này làm tăng sự gắn kết và trẻ càng có cảm giác an toàn.
Những cách gắn kết đơn giản: Hôn lên bụng trẻ trong lúc thay tã và thổi cho phát ra âm thanh cũng là một cách kết nối đấy!
Giúp trẻ 1 tháng tuổi phát triển kỹ năng giao tiếp
Làm “fan bự” của con: Thể hiện sự nhiệt tình và phấn khích khi trẻ ê a hay phát ra bất cứ âm thanh nào. Đáp lại trẻ bằng cách bắt chước theo âm thanh ấy hoặc nói chuyện với con. Như thế, bạn sẽ khích lệ trẻ nói chuyện với bạn nhiều hơn.
Thường xuyên chuyện trò với con: Thời gian phù hợp nhất là khi cho con bú. Hãy kể với bé về một ngày của bạn, sáng tác các câu chuyện hay hát một bản nhạc. Bạn nói điều gì không quan trọng, miễn là bạn trò chuyện bằng giọng nói yêu thương và tươi vui. Bạn cũng có thể dùng cách nói chuyện nhấn nhá (còn gọi là ngôn ngữ của trẻ). Trẻ đặc biệt phản ứng nhanh với kiểu nói nhấn mạnh ở từ đầu và lên giọng ở từ cuối trong câu hỏi (chẳng hạn: CHÀO con, BÉ ơi! CON chơi có VUI KHÔNG?). Trẻ sẽ phản ứng tích cực hơn với giọng nói của mẹ nhờ những đoạn cao giọng ấy.
Đọc mọi thứ cho con nghe: Ở giai đoạn này, thể loại sách đối với trẻ không quan trọng bằng việc nghe ngữ điệu của ngôn ngữ và giọng của mẹ.
Giải mã tiếng khóc: Chú ý phân biệt sự khác nhau giữa tiếng khóc lúc trẻ đói bụng và các kiểu khóc khác, chẳng hạn vì mệt hoặc bị “làm phiền” quá nhiều. Khóc là cách chủ yếu để trẻ trao đổi thông tin với bạn và càng lắng nghe, bạn càng biết cách đáp lại cho phù hợp.
Cho trẻ nghe các ngôn ngữ khác: Nếu bạn biết nói ngoại ngữ, hãy thoải mái dùng với con. Trẻ có một khả năng kỳ diệu là nắm bắt không chỉ một ngôn ngữ. Và trẻ được nghe song ngữ cũng sẽ bắt kịp các cột mốc về giao tiếp như trẻ khác, tại cùng thời điểm. Vì thế, bạn không cần lo lắng rằng mình sẽ làm con bị rối hoặc chậm nói.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ 2 tháng tuổi