*Đây là bài viết được đăng trên bản tin PSE-N số 2
Bài gốc tiếng Anh bởi Nguyễn Phương Anh
By Nguyen Phuong Anh, see the English Version at SustainableVN
Người dịch: Trâm Nguyễn
Thiện nguyện có một lịch sử lâu đời trong truyền thống và văn hóa Việt Nam, đến nay vẫn đóng một phần trong cuộc sống của người Việt. Trong những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện, từ việc tình nguyện đến khởi xướng những dự án giải quyết các thách thức của cộng đồng. Dù lĩnh vực thiện nguyện chưa chuyên nghiệp, việc giáo dục cho giới trẻ về vấn đề này hứa hẹn nâng cao chất lượng trao tặng của người trẻ Việt và góp phần thúc đẩy những tác động tiềm năng và sự phát triển bền vững của các hoạt động thiện nguyện của họ.
Philanthropy, có nghĩa là tình yêu tha nhân, không phải là một thuật ngữ phổ biến. Ở bối cảnh Việt Nam, tinh thần cho đi và giúp đỡ người khác được thể hiện rõ nhất qua các giá trị tương thân tương ái gắn liền với văn hóa làng xã đã hình thành hàng thế kỷ. Từ lâu, giá trị này thường được thể hiện trong hình thức chia sẻ thực phẩm, quần áo, tiền bạc, các nhu yếu phẩm khác và chăm sóc trong những lúc cần, như thiên tai, hoặc khi ai đó lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần này đã trở thành một phần bản sắc của người Việt, có thể được tìm thấy trong nhiều tục ngữ ca dao. Nằm ở trung tâm của tính cộng đồng ở người Việt, tinh thần chia sẻ và hỗ trợ người khác đã giữ cho các cộng đồng vững mạnh, và giúp đất nước đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh, thảm họa, và thách thức với sự kiên cường và tinh thần đoàn kết.
Hoạt động thiện nguyện trong thanh niên
Thiện nguyện ở giới trẻ Việt Nam, trong bối cảnh của bài viết này, bao gồm nhiều hình thức như tình nguyện, quyên góp, học thông qua phục vụ cộng đồng và khởi sự các dự án cộng đồng. Một số nghiên cứu gần đây nhấn mạnh, xu hướng quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện gia tăng ở nhóm thanh niên chưa tham gia lực lượng lao động. Nhóm tuổi này rất nhiệt tình, sẵn sàng tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ngoài việc giúp đỡ người khác, việc tham gia vào hoạt động thiện nguyện còn giúp những bạn trẻ mở rộng các mối quan hệ xã hội, thu thập kinh nghiệm thực tế và cải thiện kỹ năng.
Mặc dù người Việt thường có khuynh hướng giúp những người kém may mắn, hầu hết những việc làm từ thiện này đáp ứng những nhu cầu tức thời hoặc những nỗ lực cứu trợ trực tiếp. Một nghiên cứu năm 2015 của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho thấy người Việt đóng góp nhiều nhất vào việc giúp đỡ người nghèo và cứu trợ thảm họa. Những đóng góp nhằm tạo ra các tác động lâu dài và bền vững, hoặc giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp như sức khỏe, môi trường, giáo dục và văn hóa, vẫn còn hạn chế. Các nguồn lực thiện nguyện chưa mang lại công bằng xã hội, hoặc những tác động phát triển lớn lao.
Vì sao giáo dục về thiện nguyện quan trọng?
Những nghiên cứu chỉ ra rằng các hành động thiện nguyện vừa là sự thúc đẩy của lòng vị tha vừa là hành vi học được (Falco et al., 1998; Schervish, 1997). Theo một nghiên cứu của Ottoni-Wilhelm et al. (2014), trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng cho đi và tham gia tình nguyện nhiều hơn nếu chúng được tiếp xúc với các cuộc trò chuyện về thiện nguyện và các hình mẫu về hành động từ thiện. Lý thuyết lẫn thực tiễn trong các xã hội phát triển cho thấy rằng hoạt động thiện nguyện ở trẻ em và thanh thiếu niên đã trở thành một khái niệm quan trọng theo nhiều cách khác nhau. Điều này không chỉ giúp ích các cộng đồng địa phương, mà còn tạo nên một thế hệ những công dân nhiệt thành, có trách nhiệm và biết quan tâm. Thanh niên phát triển lành mạnh hơn khi tham gia các sáng kiến thiện nguyện (Rosen và Sedonaen 2001). Trẻ em và thanh thiếu niên phụng sự cộng đồng của họ được củng cố khả năng kiểm soát và sự tự chắn chắn cần thiết để xây dựng ý thức về giá trị bản thân. Cũng cần nhớ rằng các tổ chức đang được hưởng lợi từ hoạt động thiện nguyện của người trẻ, từ đó sẽ sản sinh ra những nhà tài trợ tiềm năng trong tương lai (Allen 2002). Một khi trẻ em và thanh thiếu niên được giáo dục, hướng dẫn và hỗ trợ thích hợp từ gia đình và các tổ chức địa phương, chúng có khả năng biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
Lớp học Cho đi & Trưởng thành
‘Cho đi & Trưởng thành là một chương trình dạy về thiện nguyện nhằm truyền cảm hứng cho thanh niên Việt Nam trở thành những công dân biết quan tâm và trao tặng một cách bền vững và trách nhiệm. Được khởi xướng vào năm 2018 bởi CHUM, khoá học hướng đến những người trẻ từ 16 – 20 tuổi quan tâm đến việc mở rộng hiểu biết về thiện nguyện và nuôi dưỡng các giá trị trắc ẩn của bản thân. Người tham gia sẽ học cách nhận diện sự kết nối của bản thân với các vấn đề xã hội và môi trường xung quanh mình, học cách tiếp nhận những góc nhìn khác, sự đa dạng và công bằng xã hội, cách cho đi hiệu quả và kỹ năng xác định nhu cầu của người thụ hưởng, xây dựng lòng tin và xem xét tác động của việc thiện nguyện của mình. Người học sau đó sẽ tham gia vào các hoạt động học thông qua phục vụ cộng đồng trong 6 tháng, qua đó đào sâu hơn về các vấn đề xã hội mà các bạn quan tâm và áp dụng những gì đã học vào thực tiễn, đồng thời phát triển các kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo, quản lý dự án và tư duy phản biện, v.v.
Điểm khác biệt của Cho đi & Trưởng thành nằm ở sự kết hợp giữa trái tim và lý trí khi trao tặng. Một mặt, chương trình nuôi dưỡng các giá trị thiện nguyện ở người tham gia thông qua phương pháp giáo dục cảm xúc xã hội và tỉnh thức, nuôi dưỡng văn hóa trắc ẩn, đồng cảm, khoan dung, trách nhiệm và biết ơn trong lớp học nhằm củng cố những giá trị đó ở người học. Mặt khác, lớp học nhấn mạnh sự hiểu biết vấn đề xã hội và người thụ hưởng trước khi trao tặng để đảm bảo nhân phẩm và khai thác thế mạnh của những người cần giúp đỡ và giảm thiểu rủi ro gây ra những tổn hại do thiếu hiểu biết về nhu cầu và văn hóa của cộng đồng.
Trong hai khoá học vừa qua, các sáng kiến do học sinh của lớp học khởi xướng bao gồm làm bạn với người già tại viện dưỡng lão, thu gom rác thải điện tử, giải toả căng thẳng cho người trẻ thông qua các liệu pháp nghệ thuật, Cà phê Tử Tế khuyến khích các hành động tử tế giản đơn mỗi ngày, v.v. Bên cạnh đó, học viên cũng có thể lựa chọn tình nguyện cho 1 dự án/tổ chức hoặc đào sâu nghiên cứu về 1 vấn đề nào đó mình quan tâm. Một trong những sáng kiến năm nay, Hiểu – một dự án giáo dục đồng đẳng về tình nguyện có trách nhiệm – đã có cơ hội tham gia chương trình Công dân tích cực của Hội đồng Anh và chia sẻ với bạn bè quốc tế tại Luân Đôn vào tháng 1 vừa qua. Một số dự án vẫn tiếp tục hành trình trao tặng của mình sau khoá học, với sự hỗ trợ từ các mentors của CHUM, những người có chuyên môn trong lĩnh vực phi lợi nhuận.
Những dự án của các bạn trẻ từ Cho đi & Trưởng Thành có thể không mang lại những thay đổi lớn, nhưng tác động mà mô hình giáo dục thiện nguyện này hướng đến là sự trưởng thành của những người trẻ biết quan tâm đến những thách thức của cộng đồng địa phương và sẵn sàng đóng góp trong bất kỳ khả năng nào của họ, có thể là thời gian, kỹ năng hoặc tài chính. Và trên hết, họ phụng sự bằng sự hiểu biết được dẫn dắt bởi các giá trị và phẩm chất của bản thân – một trọng tâm của giáo dục thế kỷ 21 mà một đất nước đang phát triển với nhiều thách thức và tiềm năng như Việt Nam cần hơn bao giờ hết.
Người địa phương dẫn dắt sự phát triển địa phương
Một Việt Nam bền vững sẽ phụ thuộc vào việc người địa phương tự lèo lái và làm chủ sự phát triển của mình một cách bền vững và trách nhiệm ra sao. Bạn có tin rằng, nếu có nhiều hơn những người trẻ với lòng trắc ẩn và biết cho đi một cách có suy nghĩ thì viễn cảnh đó có trở thành hiện thực không?
VỀ TÁC GIẢ:
Nguyễn Phương Anh có 15 kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển tại Việt Nam và Đông Nam Á. Phương Anh sáng lập khoá học Cho đi & Trưởng thành & hiện là tư vấn trong lĩnh vực phi lợi nhuận.