Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân, học để làm gì chưa? Mỗi người trong chúng ta từ bé đều được cha mẹ đưa đến trường học, được người lớn dạy bảo phải đi học, phải thi tốt, đạt điểm cao, mai này trở thành người thành công trong xã hội. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta dần quen với việc đi học, coi đó là một sự hiển nhiên phải xảy ra trong cuộc đời. Ngay cả khi đi làm, hầu hết các doanh nghiệp đều tuyển dụng ứng viên có bằng cấp, từ bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hay cao hơn nữa là Bằng Đại học, Bằng Thạc sĩ, người người nhà nhà đua nhau học tập, kiếm được điểm số cao, bằng học vị cao, nhưng mấy ai hiểu thật sự lý do tại sao mình học?
1. Học là gì?
Trước hết chúng ta cần phải hiểu khái niệm việc “học”. Học, hay còn được gọi là học tập, là quá trình mà mỗi chúng ta tiếp thu kiến thức mới hoặc tiếp nhận kiến thức nâng cao từ nền tảng kiến thức cơ bản đã có.
Học giúp chúng ta nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết, các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Việc học và luyện tập thường xuyên giúp chúng ta trau dồi, hiểu sâu hơn và rộng hơn những lĩnh vực, vấn đề ta muốn tìm hiểu; làm tăng sự sáng tạo, kích thích não bộ hoạt động nhanh hơn, dễ dàng áp dụng vào đời sống, học tập cũng như công việc của chúng ta.
Xã hội phát triển không ngừng, nếu như không chăm chỉ học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức mỗi ngày, chúng ta sẽ bị thụt lùi và đi sau những người khác, đồng thời việc chậm trễ này cũng làm chúng ta không nắm bắt được nhiều cơ hội tốt trong tương lai, không đạt được những thành tích mình mình mong muốn.
2. Học cái gì?
Khi đã hiểu được khái niệm học là gì, chúng ta cần phải làm rõ câu hỏi tiếp theo: Học cái gì?
Cái này sẽ không ai chỉ bảo được cho bạn, mà bạn sẽ phải tự hỏi bản thân mình muốn học cái gì. Mục đích trường học cho chúng ta học nhiều môn, về xã hội, về khoa học, về nghệ thuật… để chúng ta hiểu rõ mình giỏi ở đâu, đồng thời cũng là một cách định hướng nghề nghiệp tương lai, khi bạn được học và được làm những điều mình thích, từ đó bạn sẽ gắn bó được với công việc lâu dài và truyền cảm hứng cho những người khác.
Có thể hiện nay, nhiều người đã quên mất điều này, hoặc họ không biết, nên hầu hết các bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình đạt thành tích tất cả các môn bằng nhiều cách, điều đó dẫn đến việc các bé sợ đi học, sợ tất cả các môn, không hiểu rõ bản thân mình muốn gì và không có định hướng trong tương lai, điều này thật sự rất nguy hiểm.
Vậy làm thế nào để xác định được bản thân mình muốn học cái gì? Các bạn hãy thử trả lời một số câu hỏi sau đây nhé:
– Mục đích học tập của bạn là gì? Đây là câu hỏi cơ bản và quan trọng nhất, vì nếu không có mục đích rõ ràng, bạn sẽ không hiểu rõ bạn muốn gì, cũng không xác định bạn làm như thế nào, và bạn sẽ làm mọi việc một cách vô ích, tốn kém thời gian.
– Tại sao bạn lại chọn mục đích học tập đó cho bản thân? Câu hỏi này giúp bạn xác định được độ khả thi và tính thực tế mục đích bạn đặt ra, nên tìm hiểu, phân tích rõ ràng mục đích của mình thay vì lãng phí thời gian vào những mục đích không thiết thực.
– Để đạt được mục đích đó, bạn cần học những cái gì? Việc này giúp bạn chọn lọc được những kiến thức bạn cần học để giúp bạn đạt được mục đích học tập của mình, bạn nên kham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm đi trước.
– Bạn nên học vào lúc nào? Học tập là việc bạn dành cả một đời để làm, nên chia từng giai đoạn để học, giai đoạn trước hỗ trợ cho giai đoạn sau, không nên tập trung học quá nhiều thứ vào cùng một thời điểm, như vậy càng khiến bạn bị áp lực và quá tải, dần dần mất cảm hứng học tập.
– Bạn nên học từ ai? Tùy vào mục đích bạn đặt ra mà bạn chọn lựa “người thầy” cho bản thân mình, có thể là nhiều người, có thể là một người, nhưng bạn nên phân biệt rõ những cái cần học và những cái nên tránh xa.
– Bạn nên học ở chỗ nào? Có thể là trường lớp, công ty, doanh nghiệp, hay đơn giản là gia đình bạn.
– Bạn nên học như thế nào? Đây là câu hỏi giúp bạn xác định phương pháp học của bản thân, cái nào hiểu quả với bạn, tùy mục đích mà ta có những phương pháp học khác nhau, học lý thuyết phải đi đôi với thực hành, vừa học vừa làm sẽ giúp bạn nhớ nhanh và lâu hơn.
Với việc trả lời những câu hỏi trên, bạn đã phần nào xác định được mình nên học cái gì, tuy nhiên những câu hỏi này chỉ có ích trong một giai đoạn cuộc sống của bạn, sau khi hoàn thành được mục đích đã đề ra, bạn nên trả lời lại những câu hỏi này để xác định mục đích tiếp theo bạn cần đạt nhé.
3. Học để làm gì?
Như các bạn cũng nhìn thấy rõ ràng, xã hội hiện nay sử dụng bằng cấp làm thước đo năng lực mỗi người, việc không đạt được bằng cấp hay một công việc tốt vô hình chung lại thành một sự xấu hổ, ngại ngùng của nhiều gia đình. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta đi học như một điều hiển nhiên, đạt được thành tích cao, bằng cấp giỏi là một lẽ bắt buộc. Nhưng đã có ai thực sự hiểu rõ chúng ta học để làm gì chưa? Đây thực sự là một câu hỏi khó, đối với cả các bé đang đi học, những anh chị đang đi làm, và cả với những bậc phụ huynh ngày đêm khuyến khích con mình học giỏi.
Bản thân các bậc phụ huynh cũng luôn tự nhủ với bản thân, con mình đi học thành đạt, về sau kiếm được công việc làm tốt, có địa vị trong xã hội, như thế là hạnh phúc. Một phần vì áp lực xã hội, một phần vì sự thay đổi chóng mặt của xã hội, con người cần phải học tập và cạnh tranh mỗi ngày mới có thể thích nghi. Vì bị cuốn vào vóng xoáy đó, họ quên mất một điều đơn giản, liệu đó có phải là điều con mình mong muốn, liệu đó có phải là mục đích của việc học?
Học là để làm người
Bản chất của con người được ghép bởi hai chữ: Con và Người. Phần “con” là những thứ bản năng nhất mà chúng ta không cần học cũng tự mình biết, đói thì ăn, khát thì uống, vui thì cười, buồn thì khóc, mệt thì ngủ… Nhưng chúng ta thành “người” là vì chúng ta học. Học bò, học đi, học nói, lớn hơn là học viết, học chữ, học tính toán, học đối nhân xử thế. Chúng ta học từ gia đình, từ trường lớp, từ những người xung quanh, từ xã hội để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn. Bằng cấp, chứng chỉ đơn giản chỉ là chứng minh chúng ta có hiểu biết về kiến thức, nhưng nếu như con người chỉ có kiến thức mà có thái độ cư xử không đúng mực vẫn chỉ là một “kẻ vô học” mà thôi. Tuy nhiên, khi chúng ta không có bằng cấp về kiến thức, có một công việc với địa vị thấp hơn, nhưng chúng ta có hành vi cư xử đúng mực, đối nhân xử thế tốt thì chúng ta vẫn nhận được sự kính trọng của mọi người xung quanh. Có thế thấy, học để làm người là mục đích cơ bản và cao cả nhất của việc học, để giúp cho mỗi cá nhân hoàn thiện hơn, phần “người’ sẽ cao hơn phần “con”.
Học là để mở mang, trau dồi và nâng cao kiến thức
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của mục đích này được, cũng như các bậc phụ huynh luôn muốn con mình có bằng cấp, địa vị xã hội là không sai trái. Nhưng liệu có thật sự đó là điều con họ muốn, là ngành nghề mà con họ thích, là công việc mà con họ đam mê? Xã hội phát triển càng nhanh, nhu cầu mở rộng ngành nghề càng nhiều, cơ hội phát triển của mỗi người cũng lớn theo, nhưng tâm lý các vị phụ huynh luôn muốn con mình có một công việc ổn định, an toàn hơn là theo đuổi mong ước thật sự của các con. Thêm vào đó, việc chú trọng học tập khiến các bé không được trau dồi các kĩ năng mềm, kĩ năng sống cần thiết, khiến các bé ở ngoài xã hội bị lạc lõng. Cũng như nhiều bạn sinh viên chú tập trung việc học tập, đạt được bằng cấp cao, nhưng khả năng thực hành hay kĩ năng mềm cơ bản là không có, dẫn đến việc loay hoay không tìm được công việc phù hợp.
Vì thế, hãy học những điều bản thân mình muốn, bản thân mình yêu thích, xác định sớm định hướng phát triển trong tương lai, kết hợp nâng cao kiến thức cùng trau dồi các kĩ năng mềm, như thế mới là mục đích đúng đắn của việc học tập.
Học là để phát triển, khẳng định và nâng tầm giá trị bản thân
Học là quá trình tiếp thu, trau dồi và nâng cao kiến thức, với mỗi cá nhân, tùy vào mục đích mà họ sẽ quyết định được phương pháp học của bản thân. Tuy nhiên, tất cả đều hướng về một mục đích chung nhất: Khẳng định giá trị bản thân. Là cách mà họ tiếp thu kiến thức đã học mỗi ngày rồi vận dụng vào cuộc sống, vào công việc để tạo ra lợi ích cho xã hội.
Học là để hòa đồng với thế giới, chia sẻ hạnh phúc với mọi người
Học không chỉ là trau dồi, nâng cao kiến thức, học còn giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách bản thân; học cách đối nhân xử thế giữa con người với con người; học cách cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh; học cách quý trọng những gì bản thân mình đang có; mang nhiều niềm vui và ý đến cuộc sống của mỗi cá nhân.
4. Tổng kết
Thực ra câu hỏi “học để làm gì?” là một câu hỏi không có câu trả lời cụ thể và chính xác, tùy cảm nhận mỗi người mà lại có câu trả lời riêng cho bản thân. Vậy bạn đã từng được hỏi “học để làm gì” chưa? Câu trả lời của bạn là gì?
>> Tìm hiểu thêm: