Học hành “sa sút” khi vào đại học.

Chào cháu!

 

Sau khi trải qua kì thi trung học phổ thông cam go, quyết liệt thì khi bước vào cánh cổng đại học, không ít các bạn tân sinh viên chưa thích nghi được với một môi trường mới và còn bỡ ngỡ trong việc xác định, tìm kiếm một số phương pháp học hiệu quả vì đại học là tự học, cách giảng dạy và phương pháp học khác hoàn toàn so với cấp học phổ thông.

 

Từ trước tới nay cháu đều không để phụ lòng mong đợi của mọi người trong gia đình nhưng con đường chúng ta đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Cũng có lúc đi vào đoạn đường khó đi và chẳng may vấp ngã, nếu chúng ta không dũng cảm tự mình đứng dậy thì chúng ta cũng không thể đi tiếp được đúng không cháu? Có thể vì cháu vẫn chưa thích nghi được và chưa tìm ra được cho mình phương pháp học tập hiệu quả khi học đại học nên kết quả thi cử không được như ý muốn. Thi cử là chuyện tất yếu trong mọi quá trình học tập tại trường lớp. Nếu sinh viên học đều và chăm chỉ, học tích cực và chủ động thì các kì thi không có gì phải lo lắng cả. Tuy nhiên, nếu chỉ vì kết quả học tập không như mong muốn mà cháu cảm thấy chán nản và muốn buông xuôi thì cháu sẽ không tránh khỏi việc cứ luẩn quẩn trong vòng quay chán nản – kết quả học tập sa sút – chán nản. Trong trường hợp có những kết quả không được như ý muốn thì đừng vội thất vọng mà có thể xem đó là điểm yếu của mình để chú tâm hơn.

 

Học tập là một con đường dài, và để đi trên con đường ấy an toàn thì cháu cần có những phương pháp học tập hiệu quả và đúng cách. Thời gian đầu khi mới bước vào đại học là khoảng thời gian quan trọng tạo đà cho những kì sau. Nếu sinh viên lơ là, chểnh mảng sẽ dễ dẫn đến sa sút trong học tập. Khi kết quả học tập không như ý muốn thì sẽ tạo ra tâm lý khó chịu, ức chế, thậm chí là hoang mang, lo lắng, chán nản. Trước mỗi học kì mới thì cháu cần lập một kế hoạch học tập cho cả kì. Tiếp đến là cháu cần có kế hoạch cụ thể cho từng ngày, từng tuần bằng việc lập thời gian biểu để phân bổ thời gian cho hợp lí và tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết. Bên cạnh đó, cháu cần vạch ra cho mình những mục tiêu để xác định cái đích, điểm đến trong mọi hành động. Vì mục tiêu chính là động lực thúc đẩy chúng ta hành động. Cháu có thể đặt cho mình từ mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn, sau khi hoàn thành mục tiêu nhỏ thì cháu có thể tự thưởng cho mình một cái gì nho nhỏ mà cháu thích. Điều này sẽ khuyến khích cháu học tập và đạt được các mục tiêu đề ra.

 

Để nâng cao chất lượng học tập phải có phương pháp trong tất cả các khâu, từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và chú tâm tự học. Cháu có thể tìm hiểu về sơ đồ tư duy để ghi chú, tóm tắt tất cả các nội dung quan trọng trong bài học để đến kì thi thì có thể ứng dụng cho việc ôn tập các kiến thức. Thêm vào đó, học đi đôi với hành, cháu có thể áp dụng thức đã học vào các tình huống thực tế. Cháu có thể tìm kiếm các câu hỏi và bài tập của các bài thi trong những năm trước để làm quen với dạng bài tập. Ngoài cách học thì không gian học tập cũng quan trọng. Cháu có thể chọn những nơi quen thuộc và cảm thấy thoải mái để ngồi học, chẳng hạn, cháu có thể học ở thư viện. Cháu cũng cần nhớ rằng thói quen lành mạnh hàng ngày cũng quan trọng đối với thành công trong học tập. Để chuẩn bị cho quá trình học tập với cường độ cao cháu cần có một chế độ ăn uống hợp lí. Không phải cứ học nhiều là sẽ có hiệu quả. Ngoài việc học thì cháu cũng cần cân đối và phân bổ thời gian cho việc ăn uống, luyện tập thể thao, tham gia các hoạt động trong trường, lớp để có sức khỏe và có thêm nhiều kĩ năng, các mối quan hệ để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và phát triển bản thân.

 

Một điều cần thiết nữa là khi bắt tay vào bất cứ một việc gì thì cháu cũng đừng nuông chiều bản thân và đừng để suy nghĩ sợ thất bại lấn át tâm trí. Việc hôm nay chớ để ngày mai, nếu khi chuẩn bị làm một việc gì đó mà cháu lại nghĩ là mình còn nhiều thời gian để làm việc đó thì cái tâm lý để ngày mai làm sẽ khiến cho cháu không làm nó trong ngày hôm nay. Nếu ngày hôm nay mình trì hoãn được thì ngày mai khả năng mình trì hoãn cũng rất cao. Khi bắt tay vào công việc gì đó thì cháu phải đặt cho mình thời hạn hoàn thành công việc, thời hạn đó sẽ là động lực.

 

Ngoài ra, cháu có thể động viên bản thân mình bằng việc treo những câu nói mang tính khích lệ, truyền cảm hứng để khi nào chúng ta cảm thấy nản lòng, hơi chần chừ, trì hoãn thì mình lại nhìn những câu nói đó để vượt qua cảm giác của bản thân. Cháu cũng có thể tự nói với chính mình một câu như hành động ngay lập tức, nó giúp cháu nhắc mình là không được chần chừ nữa, mình phải lao vào học tập. Dần dần nó sẽ thành một tói quen, phản xạ có điều kiện, cứ mỗi khi câu nói “hành động ngay lập tức” vang lên trong đầu thì nó tác động, nó điều khiển cơ thể của cháu và cháu phải lao vào công việc.

 

Chúc cháu sức khỏe và thành công trong cuộc sống!

Rate this post

Viết một bình luận