Học kinh tế rồi làm gì?

Bước vào năm nhất đại học, ngành kinh tế được nhiều bạn lựa chọn. Nhưng chắc hẳn không phải ai cũng nắm rõ mình sẽ học cái gì? Rồi tốt nghiệp xong sẽ làm gì, và ở đâu?

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn trẻ có một hình dung rõ ràng hơn về ngành học kinh tế, từ đó có những lựa chọn, kế hoạch và hành động phù hợp.

Học kinh tế là học gì?

Kinh tế là ngành học rất rộng

Để dễ hình dung trong kinh tế có bao nhiêu lĩnh vực, ta có thể nhìn vào các khoa, hay viện đào tạo của các trường đại học lớn về chuyên ngành kinh tế.

Ở đó, ta thấy có những ngành chính như sau:

  • Kinh tế phát triển

  • Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm

  • Kế toán – Kiểm toán

  • Thương mại – Du lịch – Marketing

  • Quản trị kinh doanh

  • Toán thống kê

Với 2 giai đoạn học: Đại cương và chuyên ngành

Giai đoạn đại cương dạy nhiều môn mà các ngành cùng học. Cơ bản nhất của kinh tế học là môn kinh tế vi mô để hiểu quyết định của cá nhân/hộ gia đình hay doanh nghiệp, và Kinh tế vĩ mô để hiểu quyết định của các chính phủ dưới góc nhìn cả nền kinh tế như một tổng thể.

Trong khi đó, giai đoạn chuyên ngành dạy những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu của một ngành đào tạo cụ thể. Chương trình đào tạo của các trường đại học thường có mục tiêu chung là cung cấp một khung kiến thức rộng cho số đông người học. Chính vì vậy học chuyên ngành là cơ hội để bản thân mỗi người học có sự lựa chọn của riêng mình.

Nên chọn môn học như thế nào?

Kinh tế là một ngành khoa học xã hội, vốn nghiên cứu hành vi và quyết định của con người khi đưa ra các quyết định trong điều kiện nguồn lực bị giới hạn. Vì vậy, các môn học như tâm lý học, marketing hay xác suất thống kê là những môn cần phải có kiến thức nền tảng vững vàng.

Đến khi vào chuyên ngành, tùy vào việc lựa chọn theo đam mê hay nhu cầu của thị trường mà việc đầu tư cho các môn học cũng phải có thứ tự ưu tiên khác nhau. Ví dụ, nếu chọn học ngành tài chính, ta có thể ưu tiên hơn cho các môn tài chính doanh nghiệp, phân tích đầu tư, phân tích tài chính, nghiệp vụ ngân hàng, hay một môn bảo hiểm chuyên ngành nào đó.

Việc chọn môn có thể được cân nhắc giữa cái mình thích và cái thị trường cần. Tuy vậy, thông thường mình dễ nhận diện được thị trường đang cần gì hơn. Ta có thể nắm được những thông tin này từ các anh chị cựu sinh viên cùng ngành hiện đã đi làm, từ các mô tả công việc trong thông tin tuyển dụng, hay các nhóm trao đổi chuyên môn trên các mạng xã hội.

Kinh tế là một ngành khoa học xã hội, vốn nghiên cứu hành vi và quyết định của con người khi đưa ra các quyết định trong điều kiện nguồn lực bị giới hạn.

Một số đặc điểm khác của ngành kinh tế

Chỉ kiến thức từ các giáo trình thì không thể nào đủ cho các công việc hàng ngày. Vì thế, giáo trình học cần được bổ sung các công cụ để khiển khai một cách hiệu quả, và các nghiên cứu mới. 

Các công cụ đang được áp dụng

Hãy thử ví dụ về lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại trong tài chính. Ở đây, nếu tính toán thủ công qua bảng tính Excel thì rất mất thời gian, nhưng nếu thông qua một phần mềm hay một script đã được lập trình thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều.

Việc giải thích mối tương quan giữa các biến số kinh tế với nhau cũng cần các phần mềm thống kê hỗ trợ như SPSS, Eviews, Stata hay R. Còn nếu phân tích kinh doanh thì trên thị trường cũng có nhiều phần mềm chuyên dụng, như BI chẳng hạn.

Kinh tế cũng là lĩnh vực thu hút nhiều nhà nghiên cứu

Lĩnh vực này thu hút từ các nhà kinh tế lý thuyết xây dựng các mô hình, đến các nhà nghiên cứu thực nghiệm (empirical) và nghiên cứu thực chứng (experimental).

Do đó, ở một tầm cao nhất định, những người làm thực tế (trong ngành) rất quan tâm đến những kết quả nghiên cứu để xem xét khả năng ứng dụng vào thực tế.

Chính vì vậy mà các tổ chức kinh tế lớn đều có bộ phận nghiên cứu và phát triển của mình, đồng thời tích cực tham gia vào các hội thảo khoa học chuyên ngành.

Các tổ chức kinh tế lớn đều có bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Cơ hội nghề nghiệp của ngành kinh tế ra sao?

Thị trường lao động cho ngành kinh tế được chia thành 2 khu vực chính: khu vực công và khu vực tư.

Làm gì ở khu vực công?

Khu vực công chính là các cơ quan của chính phủ. Đây là nơi cần nhiều lao động có chuyên ngành kinh tế.

Chẳng hạn, một cơ quan hoạch định chính sách sẽ cần những người có chuyên môn về kinh tế phát triển, chính sách lao động, chính sách tiền tệ, hay chính sách tài khóa. Còn cơ quan quản lý sẽ cần những người có nghiệp vụ chuyên môn như thuế, hải quan, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư công.

Làm gì ở khu vực tư?

Nhu cầu lớn nhất trên thị trường lao động là ở khu vực tư. Đó là vì số lượng doanh nghiệp có rất nhiều. Ta có thể chia theo quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến lớn, từ doanh nghiệp trong nước đến doanh nghiệp nước ngoài.

Trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đều có các bộ phận cơ bản liên quan đến đào tạo của ngành kinh tế. Đó có thể là tài chính kế toán, nhân sự, marketing, hay logistics v.v..

Cơ hội nghề nghiệp ở khu vực tư còn có thể chia theo lĩnh vực. Lấy ví dụ về lĩnh vực tài chính, thì bên trong đó còn là quỹ đầu tư, ngân hàng, hay bảo hiểm. Mà chi tiết hơn thì trong quỹ đầu tư cũng có nhiều loại quỹ khác nhau, hay các công ty quản lý tài sản.

Chi tiết về ngân hàng thì cũng có rất nhiều loại. Đó là ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, hay ngân hàng chỉ dành riêng cho một nhóm khách hàng nhất định (private banking).

Hay về bảo hiểm thì cũng có hằng hà sa số. Nào là phi nhân thọ, nhân thọ, tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, hay các công ty cung cấp dịch vụ bổ trợ trong ngành bảo hiểm.

Nhu cầu lớn nhất trên thị trường lao động là ở khu vực tư.

Kết

Như vậy ta có thể thấy, đầu ra của lĩnh vực kinh tế là rất rộng, trong hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội. Để có một kế hoạch hành động tốt, ta cần tìm kiếm thông tin và có được tham vấn từ những người đi trước.

Ngoài ra, muốn phát triển trong nghề nghiệp, ta không chỉ cần kiến thức hay các kỹ năng cứng qua các ứng dụng hay công cụ. Các kỹ năng mềm như giao tiếp, thương lượng, hay cách làm việc hiệu quả với người khác cũng sẽ giúp đỡ rất nhiều.

Rate this post

Viết một bình luận