Nhiều vị trí việc làm khi ra trường
Tại buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho các học sinh quan tâm đến Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh do Cổng tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp của HOCMAI tổ chức miễn phí cho học sinh THPT, bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên năm 3 khoa Xã Hội học của trường cho biết, thời gian đầu, Huyền cũng như nhiều sinh viên mới thi vào trường đều băn khoăn vì chưa định hướng được việc học và tương lai. Chỉ vì ngành học này khối C và D nên các bạn và mọi người “chọn đại” để thi.
Rất nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn ngành học Khoa học xã hội liệu có dễ kiếm việc làm và lương cao không. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Tuy nhiên, sau khi học một thời gian tại khoa, có hướng dẫn thầy cô và anh chị đi trước nên Huyền và mọi người đã có các lựa chọn đúng đắn hơn. “Sau khi đã tìm hiểu về trường và các khối ngành, em đã chọn ngành Xã Hội học vì biết có nhiều cơ hội việc làm. Đây là ngành nghiên cứu về các vấn đề tác động xã hội như xã hội học gia đình, xã hội học môi trường… Tuy nhiên, em chọn làm công việc quản trị nhân sự”, Huyền chia sẻ.
Chia sẻ về mức lương có cao hay không sau khi học ngành khoa học xã hội, ThS. Nguyễn Thảo Chi, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, nhà tuyển dụng không xem ngành bạn học có “hot” hay không mà dựa vào năng lực, thái độ cầu thị, sự cống hiến khi bước vào công việc. Theo đó, chỉ có người “hot” chứ không có ngành “hot”.
“Để có một công việc như ý, các sinh viên phải phát hiện được bản thân có năng lực và lợi thế gì, phải tìm hiểu thật kỹ về các ngành mình muốn lựa chọn. Điều quan trọng nhất ở một thời đại đa phương tiện là người làm không nhất thiết chỉ biết làm đúng theo những gì đã học trong ngành. Trên cơ sở nhu cầu lao động, cơ hội rộng hơn sẽ đến với các khối ngành xã hội nhân văn. Bởi khi người học có nhiều kiến thức tổng hợp, có tư duy liên ngành, tính thích ứng linh hoạt cao, có kỹ năng xây dựng các mối quan hệ tốt thì cơ hội việc làm, sự nghiệp sẽ cao hơn”, ThS. Nguyễn Thảo Chi phân tích.
Lý giải kỹ hơn về việc cơ hội mở rộng và tư duy liên ngành, theo ThS. Nguyễn Thảo Chi, không có gì là trái ngành, khi những điều đã học có thể ứng dụng vào nhiều công việc. Ví dụ, học Báo chí truyền thông có thể làm việc ở nhiều vị trí khi người học đã được trải nghiệm qua truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng… Học một ngôn ngữ không nhất thiết đi dạy, có thể biên dịch, phiên dịch, du lịch, biên tập…
Với những ngôn ngữ ít phổ biến như Ý, Tây Ban Nha, Đức, Ả Rập, Indonesia… thì cơ hội việc làm càng cao. Bởi hầu hết các cơ quan lãnh sự, ngoại giao, các đối tác kinh tế bản địa, khi qua Việt Nam, đều cần có người thông hiểu ngôn ngữ và văn hóa nước họ. Từ ngách ấy, cơ hội của người học có nhiều hơn cả khi học các ngôn ngữ phổ biến.
Hiện nay, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn nhất cho các cơ quan ngoại giao tại TP Hồ Chí Minh. Các ngành ngôn ngữ mới đang ngày càng thu hút nhiều sinh viên hơn bởi sức hấp dẫn từ nền văn hóa, khối lượng đầu tư ngày càng lớn từ các quốc gia đó và các chương trình trao đổi, vốn được các cơ quan lãnh sự luôn ưu tiên cho sinh viên trường, không chỉ thu hút sinh viên mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn.
Đa dạng phương án tuyển sinh, có hỗ trợ học phí
Hiện nhiều trường có ngành xã hội đều có phương án tuyển sinh đa dạng và hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học.
Theo ThS. Nguyễn Thảo Chi, năm học 2022 – 2023, trường sẽ tuyển 3.599 chỉ tiêu cho 43 chương trình đào tạo. Trong đó, diện ưu tiên xét tuyển theo tài năng, thành tích đặc biệt sẽ có 1-5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển ưu tiên theo quy định của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ có 4-7% tổng chỉ tiêu, một số ít % dành cho các học sinh đã tốt nghiệp các chương trình phổ thông quốc tế được công nhận.