14/12/2021 11:30
Trong số những ngành học về Sinh học và Công nghệ Sinh học thì Kỹ thuật Sinh học là một ngành còn khá mới, chưa đào tạo chuyên sâu. Nhiều người tò mò về Kỹ thuật sinh học và không biết học xong ra trường sẽ làm các công việc như thế nào.
Đã bao giờ bạn nghe mọi người nói về ngành Kỹ thuật Sinh học hoặc đọc thấy trong các tài liệu tuyển sinh, nhìn thấy trên trang web của các trường đại học nhưng không hình dung ra sẽ học gì, làm gì? Đây là một ngành thú vị, học được nhiều ứng dụng của Sinh học – một môn khoa học vào các lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu.
Cơ hội việc làm của ngành kỹ thuật sinh học sau khi tốt nghiệp
I. Tìm hiểu về ngành Kỹ thuật Sinh học
Kỹ thuật Sinh học là một chuyên ngành của Công nghệ Sinh học, được đầu tư nhiều hơn trong những năm gần đây và thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên. Chương trình học của ngành này cung cấp các kiến thức Sinh học và công nghệ, kỹ thuật để nghiên cứu, phân tích tác nhân sinh học tự nhiên hoặc tạo mới, từ đó ứng dụng vào chế biến sản phẩm. Kỹ thuật Sinh học giúp áp dụng các nghiên cứu mới nhất vào sản xuất sản phẩm trên quy mô công nghiệp.
Với nhiều người thì ngành Kỹ thuật Sinh học khá giống với ngành Công nghệ Sinh học, vậy tại sao phải phân tách ra? Trên thực tế, 2 ngành này có phần giống nhau vì cùng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, môi trường và y tế. Tuy nhiên, Kỹ thuật Sinh học thì chuyên sâu hơn vào các giải pháp kỹ thuật để thay đổi hệ thống, quy trình sản xuất các sản phẩm sinh học.
II. Học Kỹ thuật Sinh học ra trường làm gì?
Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Sinh học, bạn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình theo hướng thực hành hoặc nghiên cứu với những vai trò “mới nghe thôi đã thấy chuyên nghiệp”. Những cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Kỹ thuật Sinh học là:
- Kỹ sư: Chịu trách nhiệm điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các nhà máy sản xuất dược phẩm, chế biến thực phẩm.
- Chuyên gia sản phẩm ngành công nghệ sinh học: Làm việc trong các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản.
- Nghiên cứu viên: Ở các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học.
- Chuyên viên: Phân tích mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa.
- Giảng dạy: Học lấy bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ để làm giảng viên trong các trường đào tạo ngành Công nghệ Sinh học, Kỹ thuật Sinh học.
Nhìn chung, những vai trò mà cử nhân ngành Kỹ thuật Sinh học có thể đảm nhiệm rất đa dạng và có môi trường làm việc tốt, lương cao. Tuy nhiên, lưu ý là chuyên ngành này yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, bạn phải thực sự chăm chỉ và xuất sắc thì mới có thể thoải mái khi lựa chọn công việc.
Những công việc nào bạn có thể đảm nhận khi theo kỹ thuật sinh học?
III. Các trường đào tạo ngành Kỹ thuật Sinh học tốt nhất hiện nay
Những cơ sở đào tạo Công nghệ Sinh học thì nhiều vì ngành cũng đã trở nên khá phổ biến nhưng Kỹ thuật Sinh học thì còn khá mới nên có rất ít trường mở ngành này. Một số trường giảng dạy Kỹ thuật Sinh học tốt nhất hiện nay là:
- Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Đại học Công nghệ TP.HCM.
- Đại học Khoa học – Đại học Huế.
- Đại học Nguyễn Tất Thành.
Khi đứng trước những sự lựa chọn như nghề nghiệp tương lai, có thể bạn sẽ lo lắng rất nhiều nhưng nguyên tắc là hãy tìm hiểu, chọn ngành trước rồi chọn trường. Kỹ thuật Sinh học là một ngành khá mới nhưng nhiều tiềm năng và cơ hội việc làm. Tự tin lựa chọn, nỗ lực học tập phấn đấu cho mục tiêu trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực thú vị, cạnh tranh như Kỹ thuật Sinh học hoàn toàn có thể là một định hướng hoàn hảo.