Nhưng nhìn vào cách dạy và học môn văn, nhìn vào chương trình và sách giáo khoa văn học, nhìn vào cách ra đề và đánh giá kết quả môn văn hiện nay, khó ai có thể tin được rằng những mục tiêu đó đã được thực hiện đầy đủ.
Tôi có một người bạn là tiến sĩ ngữ văn, chẳng những thế thời phổ thông từng là học sinh đạt giải quốc gia môn văn, vậy mà nhìn vào đề thi và đáp án tuyển sinh đại học môn văn năm ngoái, người ấy phải nói rằng “mình mà đi thi thì thế nào cũng rớt”!!!
Đề thi như sau: Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa nhan đề bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên; Câu 2: Phân tích hình tượng ông lái đò ở tác phẩm Người lái đò Sông Đà để làm rõ nét đặc sắc trong cách miêu tả nhân vật của Nguyễn Tuân; Câu 3: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tràng giang của Huy Cận… Đáp án qui định điểm chi li cho từng ý phải nêu, mà không có điểm nào trong thang điểm dành cho năng lực diễn đạt và cho những ý kiến mới mẻ sáng tạo (Có thể tham khảo đáp án và thang điểm cụ thể trên trang www.tintucvietnam.com).
Đó không phải là một cách nói quá, vì cách ra đề và đáp án này phản ánh trung thành cách dạy và học môn văn hiện nay ở nhà trường phổ thông:
1/ Dạy văn là dạy kiến thức văn học chứ không phải bản thân văn học.
2/ Học văn là học những ý kiến của người khác về văn học, chứ không phải học cách cảm nhận và phát biểu ý kiến của chính mình.
Với cách dạy và học như vậy, muốn có điểm cao để thi đậu, câu trả lời đương nhiên là: học thuộc lòng! Bạn tôi rất có năng khiếu về văn, đã được học tập với những người thầy thật sự giỏi, không sao chấp nhận được cách học thuộc lòng và suy nghĩ theo lối mòn như vậy, sẽ không thể trả lời giống hệt như đáp án. Cứ theo thang điểm mà chấm, vị tiến sĩ này chắc chắn sẽ đạt điểm dưới trung bình!
Khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh cần phải thuộc tiểu sử một số tác giả văn học, thuộc lòng một số bài thơ, nhớ tên một vài nhân vật tiểu thuyết, các giai đoạn phát triển của lịch sử văn học? Liệu chỉ với những kiến thức đó người ta có thể hiểu rõ tâm tư cảm xúc của người khác, đánh giá đúng thực tiễn, cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống, hoàn thiện hơn về nhân cách, phong phú hơn về tâm hồn?
Nếu câu trả lời là có, thì không lý gì học sinh lại chán ghét học môn văn như hiện nay. Dạy và học văn học đáng lẽ phải là niềm vui lớn thì trong thực tế đang là khổ hình cho cả thầy lẫn trò. Trong nhiều nguyên nhân gây ra thảm trạng ấy, cách ra đề và đánh giá môn văn phải chịu một trách nhiệm trực tiếp. Với cách ra đề và chấm thi như trên, người học không có lựa chọn nào khác là học thuộc lòng. Học thuộc lòng về bản chất là đi ngược lại mục tiêu tốt đẹp của môn văn: rèn luyện kỹ năng diễn đạt tư tưởng, phát triển tâm hồn, hoàn thiện nhân cách.
Bao giờ việc học văn có thể giúp người ta…“đánh thức trong tôi tất cả các giác quanĐể thấy ngọn lá như chưa bao giờ được thấyĐể ngạc nhiên sao hôm nay trời xanh như chưa bao giờ được xanh” thì môn văn học mới có thể lấy lại được vị trí xứng đáng của nó trong nhà trường phổ thông.