Hội chứng cô đơn giữa gia đình – một căn bệnh nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực tế lại có rất nhiều người đang mắc phải hiện nay. Những người mắc bệnh này có thể có một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng lại bị thiếu thốn về tình cảm và khao khát được yêu thương từ chính các thành viên trong gia đình. Dường như có một bức tường ngăn cách khiến họ không thực sự hiểu được thế nào mới đúng là hơi ấm gia đình.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình là gì?
Cô đơn không hẳn là trạng thái một mình mà thực tế nó là cảm giác dù ở một mình hay bên cạnh rất nhiều người nhưng lại không có ai để chia sẻ, không ai có thể thấu hiểu chính mình. Đó là một cảm giác rất lạ kỳ khiến chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi, tủi thân và cũng đầy thất vọng. Không ai muốn trở thành một người cô đơn mà đều do hoàn cảnh đưa đẩy khiến chúng ta phải như thế.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình có thể hiểu là tình trạng một người không thể chia sẻ, không thể nói chuyện với ai để giãi bày nỗi lòng trong chính căn nhà của mình. Với mỗi con người, gia đình thường là nơi ấm áp nhất, có cha mẹ, có anh chị – những người luôn sẵn sàng giang tay bảo vệ và lắng nghe họ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên ở những người mắc bệnh này họ thường cảm thấy như không tìm được mối liên kết nào với gia đình của mình.
Thực tế một vài thống kê cho thấy những người mắc bệnh này thường có gia đình khá giả, những người thân cũng hòa thuận, không bạo lực, không xích mích (hoặc cũng có thể có tranh cãi) và quan trọng nhất là họ thường không dành thời gian cho nhau. Người mắc bệnh có thể là người vợ, người chồng và đặc biệt là những đứa trẻ. Tỷ lệ trẻ bị hội chứng cô đơn giữa gia đình hiện nay đang là khá cao.
Một số triệu chứng của những người mắc căn bệnh này như
- Chán nản, mệt mỏi, uể oải, buồn phiền, u uất
- Có xu hướng tự trò chuyện một mình
- Thường lạm dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, Ipad nhiều quá mức
- Khó nói chuyện với những thành viên trong gia đình
- Giảm sự tập trung, sa sút trong học tập hay làm việc
- Tinh thần yếu ớt, thường xuyên bị stress căng thẳng
- Dễ cáu gắt, nóng nảy hoặc có xu hướng dễ kích động hơn bình thường
- Thường xuyên ra ngoài chơi với bạn bè và có thể coi trọng người ngoài hơn những người trong gia đình
- Luôn có cảm giác trong nhà thật lạnh lẽo, đáng sợ nên ít khi ở nhà
- Ngày càng thấy xa rời các thành viên trong gia đình
- Có xu hướng tìm đến các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá hay chất gây nghiện
Những người mắc căn bệnh này thường cũng dễ mắc các vấn đề tâm lý khác, chẳng hạn như trầm cảm. Do gia đình không quan tâm đến nên thường cũng phát hiện ra bệnh khá muộn.
Nguyên nhân mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình
Gia đình vốn dĩ là một nơi mà dù chúng ta là ai, chúng ta bao nhiêu tuổi, chúng ta có làm gì sai trái đi chăng nữa nhưng chỉ khi về nhà, về với mọi người trong gia đình thì chúng ta cũng cảm thấy nơi đây vô cùng bình yên. Thế nhưng có những người khi về nhà lại chỉ cảm thấy sự cô đơn trống trải, không có ai để nói chuyện, chia sẻ. Càng ở trong những ngôi nhà lớn thì sự cô đơn càng trở nên đáng sợ hơn khiến họ muốn chạy ra khỏi chính căn nhà của mình.
Thực tế thì căn bệnh ít xuất phát từ việc cha mẹ, vợ chồng thường xảy ra xung đột mà thường xuất hiện trong những ngôi nhà tưởng chừng rất yên bình, hạnh phúc. Những thành viên trong gia đình cũng không phải không yêu thương nhau mà chỉ do họ thể hiện tình cảm của mình sai cách, vô tâm khiến đối phương (chính những người bệnh) không cảm nhận được hơi ấm của gia đình.
Chúng ta thường cho rằng đã sống trong một gia đình thì chỉ cần nhìn thấy nhau là biết họ có ổn hay không, đôi khi quên mất rằng cũng phải chia sẻ với nhau. Sự bận rộn, hời hợt, vô tâm của những người trong gia đình chính là nguyên nhân gây hội chứng cô đơn giữa gia đình.
Một vài ví dụ cụ thể về các tình huống có thể gây bệnh như
- Cha mẹ thường quá bận rộn làm ăn, kiếm tiền nên không có thời gian chăm sóc con cái. Họ thường phó mặc con cái cho người giúp việc hay để con tự làm bạn với máy tính, điện thoại, TV và không có thời gian nói chuyện, chia sẻ cùng con hằng ngày. Ngay cả những dịp đặc biệt của con chẳng hạn như thi cử, sinh nhật, họp phụ huynh hay khi con được những giải thưởng thì bố mẹ cũng không có mặt bên cạnh hay chúc mừng. Người con có hoàn cảnh này có nguy cơ mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình rất cao.
- Việc phụ huynh quan tâm quá mức, can thiệp vào mọi vấn đề, tình huống trong cuộc sống, không quan tâm đến suy nghĩ hay cảm xúc của con, luôn áp đặt con quá mức khiến con cũng ngày càng cảm thấy ngột ngạt ngay trong chính căn nhà của mình. Con cho rằng cha mẹ không yêu thương mình, ngày càng xa cách với cha mẹ và không muốn trò chuyện với cha mẹ mà chỉ muốn ở trong phòng 1 mình
- Cha mẹ thường có xu hướng yêu quý, ưu tiên một trong hai anh em hơn thì người còn lại cũng có cảm giác cô đơn trong chính gia đình của mình
- Người vợ cũng có thể mắc căn bệnh này khi chồng quá vô tâm hời hợt, thiếu tinh tế mặc dù anh ta không phản bội nhưng lại thường ra ngoài rượu chè với bạn bè, đi ăn ngoài và quên mất các dịp đặc biệt của hai vợ chồng mặc dù người vợ đã dày công chuẩn bị trước đó. Căn bệnh này đặc biệt xảy ra ở những người phụ nữ mang thai và sinh nở hay những người chỉ ở nhà nội trợ mà không ra ngoài
- Người đàn ông, người chồng cũng hoàn toàn có thể mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình. Vốn dĩ người đàn ông thường rất áp lực bởi vấn đề kinh tế, luôn gánh trong mình trọng trách làm chủ, phải nuôi gia đình. Tuy nhiên việc vợ hay con không hiểu điều này, thường xuyên gây áp lực, cằn nhằn, than thở hay chê bai chồng kém cỏi cũng hoàn toàn có thể khiến anh ta cảm thấy hụt hẫng, lạc lõng trong ngôi nhà của mình.
Sự phát triển của xã hội và ma lực của thành tích, tiền bạc chính là nguyên nhân góp phần khiến người ta ngày càng ít quan tâm đến đời sống tinh thần. Tất nhiên việc có tiền cũng rất quan trọng nhưng chính gia đình hay những người thân mới là tài sản quan trọng nhất của mỗi chúng ta. Đời sống tinh thần cũng quan trọng không kém vật chất bởi thực tế, khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ thì dù cho là một bát cơm trắng cũng cảm thấy ngon miệng chẳng kém sơn hào hải vị.
Gia đình là một kho báu vô cùng quý giá nhưng chúng ta lại thường không biết cách trân trọng vì biết rằng nó sẽ luôn ở đó, cho dù chúng ta là gì, làm gì đi chăng nữa. Những con người phải sống trong nỗi cô đơn dù đang ở trong chính căn nhà của mình sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ và tất nhiên, chỉ có bản thân họ hiểu điều này mà thôi.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, Hội chứng cô đơn giữa gia đình chỉ cách trầm cảm hay các nhiễu loạn tâm lý chỉ một vài “bước chân”. Cảm giác cô đơn khiến bản thân họ cảm thấy vô cùng bức bối và bí bách, dần dần nó trở thành một tảng đá lớn đè nặng lấy tâm trí khiến bản thân họ càng cảm thấy nặng trĩu, suy nghĩ toàn những điều tiêu cực. Nếu vẫn không nhanh chóng nhận được sự quan tâm phù hợp của gia đình thì người bệnh rất khó thoát ra được những cảm xúc khó khăn này và phải tiến hành điều trị tâm lý để tránh các biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Gia đình là một nền tảng quan trọng để mỗi người trong gia đình có điều kiện phát triển tốt nhất, đặc biệt với trẻ nhỏ. Mất niềm tin vào gia đình cũng khiến họ dễ lạc lối, sa ngã, lầm lỡ. Chẳng hạn trẻ nhỏ khi không được cha mẹ quan tâm thường có xu hướng chơi với bạn bè xấu để nổi loạn, điều này khiến tâm trí chúng cảm thấy được lấp đầy, mặt khác đây cũng là cách chúng khiến bố mẹ chú ý và quan tâm tới mình hơn. Một số khác học hành, làm việc ngày càng sa sút, tinh thần trầm uất và chỉ trốn trong căn phòng của mình, không muốn ra ngoài giao tiếp với ai.
Như đã nói, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc căn bệnh này. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, trẻ thường có những suy nghĩ lệch lạc, chỉ biết quan tâm đến cảm xúc của bản thân, không có sự thấu hiểu. Một số trẻ bị cha mẹ áp đặt quá mức thường không biết cách đương đầu với khó khăn, trở nên phụ thuộc, dễ thất bại ở tương lai. Không ít người cũng đã tự tử vì nghĩ rằng không ai thực sự quan tâm và yêu thương mình.
Nói chung, hội chứng cô đơn giữa gia đình là căn bệnh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm mà không ai được chủ quan. Những người thiếu mất đi tình cảm gia đình rất dễ có những suy nghĩ lệch lạc, méo mó và dẫn đến các hệ lụy xấu khác mà không ai mong muốn.
Hướng điều trị hội chứng cô đơn giữa gia đình
Để điều trị hội chứng cô đơn giữa gia đình trước tiên rất cần các thành viên trong gia đình có thể ý thức được và thay đổi. Trị liệu tâm lý cũng là biện pháp phù hợp để cả bệnh nhân và những người trong gia đình có thể hiểu hơn về căn bệnh này, qua đó tìm các kết nối các thành viên lại với nhau. Thực hiện các hoạt động thư giãn, vui chơi cùng gia đình cũng là một trong những biện pháp củng cố lại niềm tin và tình cảm về gia đình cho người bệnh.
Chủ động chia sẻ cảm xúc vào gia đình
Như đã nói, bản chất của hội chứng cô đơn giữa gia đình thường có thể không liên quan đến các xung đột mà chỉ do những người trong gia đình thiếu sự quan tâm hoặc các thể hiện tình cảm sai cách. Vì thế người bệnh có thể mở lòng, chia sẻ với mọi người trước thay vì để bản thân cứ giữ mãi sự tiêu cực, bức bối. Sự bận rộn của cha mẹ, người chồng hay sự cằn nhằn quá mức của người vợ cũng thường nhằm mục đích mong muốn có cuộc sống tốt hơn, không có ý xấu nên đôi khi bản thân người bệnh cũng cần chủ động chia sẻ vấn đề của mình trước.
Chẳng hạn người con có thể trực tiếp nói mong muốn rằng muốn cha mẹ có thể ăn cùng con ăn cơm, cùng con đi chơi vì con cảm thấy rất cô đơn, mệt mỏi. Người chồng có thể dùng những buổi hẹn hò để hâm nóng tình cảm vợ chồng và nói rõ cho vợ hiểu tình cảm của bản thân. Người vợ có thể nấu những món ngon mà chồng thích để lôi kéo chồng về với bữa cơm gia đình ấm áp thay vì cứ mãi ăn uống ngoài cùng bạn bè.
Việc trò chuyện trực tiếp ít nhất có thể giúp đối phương có thể thấu hiểu phần nào những mong muốn, cảm xúc của bản thân. Từ đó cả hai bên có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp, biết cách cảm thông hay quan tâm nhau nhiều hơn.
Tuy nhiên thực tế không phải ai cũng có thể hiểu được điều này. Nhất là khi cảm xúc của những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình thường khá tiêu cực nên việc thể hiện hay chia sẻ cảm xúc cũng khá khó khăn. Một số người có thể cho rằng việc đối phương nói là vô lý bởi họ đang cố gắng làm cho cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn bằng cách kiếm nhiều tiền hơn. Điều này có thể làm cho tình trạng của người bệnh tồi tệ hơn.
Gặp gỡ chuyên gia tâm lý
Hội chứng cô đơn giữa gia đình chưa đến mức nguy cấp như trầm cảm nên có thể chưa phải dùng thuốc nhưng trị liệu tâm lý sẽ là một phương pháp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc cho bản thân người bệnh và cả những người trong gia đình. Các chuyên gia tâm lý sẽ đóng vai trò như một người bạn, người có thể lắng nghe và chia sẻ những cảm xúc tiêu cực mà người bệnh đang gặp phải, từ đó đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho từng người.
Bản thân người bệnh nên tham gia trị liệu cùng các thành viên trong gia đình để chính người thân cũng hiểu được những cảm xúc mà mình đang gặp phải. Chuyên gia tâm lý có thể nói chuyện riêng hoặc tổ chức các buổi trị liệu gia đình để các thành viên có thể hiểu và kết nối với nhau. Khi các thành viên đã hiểu nhau, biết rõ về tầm quan trọng của mối liên kết giữa cảm xúc của các thành viên trong gia đình sẽ có hướng giải quyết phù hợp hơn.
Nếu bản thân người bệnh không tự tin hoặc không biết cách chia sẻ trực tiếp về tình trạng của mình với cha mẹ, người thân thì trị liệu tâm lý luôn là giải pháp phù hợp nhất. Các chuyên gia tâm lý đồng thời cũng sẽ giúp người bệnh cách kiểm soát cảm xúc, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực đồng thời hướng đến những điều lạc quan, tích cực hơn để cải thiện bệnh hoàn toàn hiệu quả nhất.
Tham gia các hoạt động kết nối với gia đình
Thay vì cứ mãi ủ dột hay nghĩ về những điều tiêu cực, bạn có thể rủ rê gia đình cùng tham gia một chuyến du lịch hay các hoạt động giúp kết nối, tương tác giữa các thành viên như đi công viên giải trí, thám hiểm nhà ma hay chỉ đơn giản là cả nhà cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp. Thời gian hạnh phúc vui vẻ cùng những thành viên trong gia đình có thể chữa lành tất cả các vết thương tinh thần mà không cần dùng đến bất cứ liều thuốc nào.
Không chỉ gia đình mà chính người bệnh cũng nên là người chủ động rủ rê, lên kế hoạch cho các kế hoạch này. Các thành viên trong gia đình cần đảm bảo tuân thủ đúng những lời hứa về những cuộc hội họp, vui chơi cùng người bệnh vì nếu chỉ cần thất hứa một lần cũng có thể làm tình trạng người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực hiện các biện pháp thư giãn tinh thần
Sự dư dả thời gian đôi khi có thể làm cảm xúc cô đơn của bạn trở nên nghiêm trọng hơn nên hãy làm cho bản thân trở nên bận rộn. Tất nhiên không phải nhất thiết là tập trung kiếm tiền mà có thể nghiên cứu, tìm tòi, dành thời gian cho các sở thích của bản thân. Chẳng hạn học đan lát, leo núi, học một điều gì đó mà bản thân đã yêu thích từ lâu. Điều này vừa làm giảm cảm giác trống trải vừa đem đến sự hứng thú trong tinh thần để bạn vui vẻ hơn.
Song song đó cũng cần thực hiện các biện pháp giúp thư giãn tinh thần như tập yoga, tập thiền, xông hơi với tinh thần, tắm nước ấm, xem các bộ phim hài hước. Chia sẻ cảm xúc với những người thân thiết khác, chẳng hạn như bạn bè cũng phần nào giải tỏa được những điều tiêu cực đang tích tụ quá nhiều trong tâm trí của bạn. Đừng quên tránh xa việc tìm đến các chất kích thích vì nó chỉ làm cảm xúc của bạn thêm tồi tệ mà thôi.
Phòng tránh nguy cơ mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình
Thực tế để phòng tránh hội chứng cô đơn giữa gia đình không phải là điều khó khăn. Mỗi người chỉ cần thay đổi suy nghĩ về tầm quan trọng và cách thể hiện sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa tối đa nguy cơ bản thân hay những người còn lại mắc bệnh. Cụ thể
- Dành thời gian để quan tâm và nói chuyện với các thành viên trong nhà hằng ngày. Mọi người có thể đặt quy tắc mỗi ngày cần ăn cơm cùng nhau ít nhất một bữa ăn, có thể là bữa sáng hoặc bữa tối.
- Với những người đang học tập hay làm việc xa nhà hoàn toàn có thể dùng cách nhắn tin, gọi video đến các thành viên trong nhà hằng ngày
- Cha mẹ nên dành ít nhất 30p – 1 tiếng để nói chuyện với con hằng ngày. Hãy hỏi rằng con hôm nay thế nào, có chuyện gì vui hay buồn có thể chia sẻ với cha mẹ không. Chính cha mẹ cũng có thể chủ động mở lòng chia sẻ với con trước để con có thể thoải mái chia sẻ lại vấn đề của bản thân mình
- Cả nhà có thể dành thời gian bên nhau đi du lịch, cùng ăn uống hay đi chơi ở đâu đó để kết nối cảm xúc với nhau dễ dàng hơn
- Chủ động chia sẻ cảm xúc với nhau thay vì dấu diếm những điều tức giận hay khó chịu trong lòng. Càng để những điều tiêu cực tích tụ lâu thì càng dễ bùng nổ hơn
- Bao dung, thấu hiểu cho nhau, nghĩ cho nhau thay vì ích kỷ chỉ nghĩ về mình
- Dành thời gian để bản thân được thư giãn hằng ngày thông qua các biện pháp đơn giản như viết nhật ký, tắm nước ấm hay thực hành thiền
Hội chứng cô đơn giữa gia đình là một căn bệnh rất nhiều người đang gặp phải hiện nay kèm theo rất nhiều hệ lụy xấu nên cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Thay đổi suy nghĩ về tầm quan trọng của gia đình, biết cách quan tâm chăm sóc đến các thành viên sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh này.