Hôm nay ai cũng mệt rồi, nhưng hãy cứ “góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp”

Nhiều lúc tôi tò mò, không biết động lực nào để người ta có thể vui sống đến tận 80 năm vì mỗi ngày của tuổi 25 trôi qua cũng đã rất nặng nhọc rồi.

Cả ngày 8 tiếng ngồi văn phòng, tối tụ tập bạn bè, người yêu không có, chưa đến cuối tháng thì hết sạch tiền. Những áp lực từ gia đình bạn bè khiến tôi mất đi động lực để vui sống và dần quên mất mục tiêu của mình trong đời. Có những thời điểm, tôi cố động viên mình lê lết đi làm cho qua một ngày rồi một tuần, tháng rồi lại năm… mọi thứ cuốn đi và tôi cũng thả trôi mình trong dòng chảy của sự nhàm chán. Có một điều khác biệt giữa tôi và những người đã tìm thấy niềm vui sống tích cực đó là: Tôi không biết mình đang trôi đi đâu? Tiếp tục làm công việc này để được gì? Ngày mai có gì khác với ngày hôm qua?

1.

Tôi biết một thuật ngữ gọi là “996”, chỉ văn hóa làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày mỗi tuần. Dù gây tranh cãi do bóc lột sức lao động của nhân viên, khiến nhân viên làm quá giờ, nhưng văn hóa này vẫn được nhiều công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ tại Trung Quốc, vô cùng ưa chuộng.

Hôm nay ai cũng mệt rồi, nhưng hãy cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp - Ảnh 1.

“Làm việc quá giờ hiện tại là điều bình thường”, một blogger người Trung chia sẻ trên Weibo, nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc. “Điều còn đáng sợ hơn là mọi người đã quen với việc đó và không dám phản đối bởi họ biết rằng làm vậy cũng vô ích”.

Làn sóng phẫn nộ với văn hóa làm việc “996” bùng lên vào tháng 12/2019, khi một nhân viên 22 tuổi của công ty thương mại điện tử Pinduoduo ngất xỉu và tử vong trên phố ở thành phố Urumqi, Tân Cương sau khi rời công sở lúc 1h30 sáng. Chưa đầy hai tuần sau đó, một nhân viên khác của Pinduoduo tự tử do trầm cảm sau thời gian phải làm việc quá độ.

Thậm chí, một bạn trẻ tại Trung Quốc từng chia sẻ trạng thái kiệt quệ như vắt kiệt sức lực, mỗi ngày chỉ mải vùi đầu trong công việc, từ ngày này qua tháng khác, khiến cô cảm thấy trống rỗng và không có động lực sống.

“Mỗi ngày của tôi sẽ là 12 tiếng đi làm trên công ty, nhiều lúc tôi phải nhịn bữa trưa để họp với sếp cho xong việc, tôi cũng chẳng có thời gian mua sắm, đồ ăn cũng order bên ngoài, mỗi ngày đều trải qua như nhau khiến tâm trạng tôi trống rỗng, mong muốn biến mất khỏi thế giới này” – cô nói.

Không riêng gì giới trẻ Trung Quốc, các bạn trẻ người Việt cũng có nhiều suy tư tương tự. Hạnh (23 tuổi, TP.HCM, làm nhân viên văn phòng) cho biết cô đang làm công việc nhân viên tài chính cho một công ty lớn tại Quận 1, vì là mảng tài chính với lượng công việc lớn, hiếm khi cô có ngày nghỉ trọn vẹn. “Mình tăng ca thường xuyên, nếu mùa bận thì có khi làm việc đến 2,3 giờ sáng vẫn chưa rời công ty. Mình sống chỉ vỏn vẹn ăn, làm, ngủ cũng chỉ vài tiếng, ngay cả ngày nghỉ lễ và cuối tuần cũng chưa bao giờ trọn vẹn. Mình từng đi du lịch nhưng cũng không hề vui vì bị sếp dí suốt kì nghỉ lễ, mình chưa bao giờ biết đang sống vì gì, chỉ là lương cao nên mình không thể bỏ công việc hiện tại.” – Cô buồn bã tâm sự.

Hôm nay ai cũng mệt rồi, nhưng hãy cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp - Ảnh 2.

Giống như Hạnh, Khuyên (25 tuổi, hiện đang là freelancer) cũng bộc bạch: “Mình làm 3-4 jobs cùng một lúc, đôi lúc stress kinh khủng nhưng vẫn cố gắng gượng, để được cái gọi là “có công việc, có thu nhập”, nhưng mình cảm thấy thật vô bổ khi cứ cố gắng như thế này, cố để được “đẹp mặt” trước người khác, cố tỏ ra là mình ổn nhưng bên trong “thiu” tận trong ruột, nhưng mình không biết phải làm sao để thoát ra cả.”

Đó là thực tại, người trẻ đi làm, không hạnh phúc, cũng chẳng có mục đích sống, chỉ đi làm … vậy thôi.

2.

Một lá thư của một thiếu niên và cũng là thành viên của Hội đồng thanh niên quốc gia Kids Help Phone (NYC) từng kể rằng:

“Từ nhỏ tới lớn, cha mẹ luôn nói với tôi rằng con trai không được khóc. Thay vào đó, con trai nên cứng rắn, kiên cường và có thể tự mình giải quyết vấn đề của mình. Tôi không trách bố mẹ đã nuôi dạy tôi theo cách này. Họ chỉ đơn giản là dạy tôi những gì họ đã được dạy từ khi còn nhỏ. Do nhận thức về sự nam tính hóa trong nền văn hóa của mình, tôi cảm thấy như mình phải kìm nén cảm xúc của mình mỗi khi trải qua một giai đoạn khó khăn.

Tôi nhớ mình đã trải qua lần bị bắt nạt về tinh thần và thể chất tồi tệ nhất trong cuộc đời mình ở trường tiểu học. Những người bắt nạt tôi đã đẩy tôi vào tường trong khi họ thay phiên nhau đấm và đánh, gọi tôi bằng những cái tên hạ thấp. Tôi không thể kêu cứu hay chống trả. Tôi chỉ đơn giản là sẽ bị đổ lỗi cho việc thích gây sự chú ý. Tôi cảm thấy như giáo viên của mình phớt lờ những lời cầu cứu thầm lặng của mình. Tôi bắt đầu ghét trường học – nơi mà tôi luôn yêu quý. Đi học về, tôi sẽ phải luôn nghĩ ra những lý do, cái cớ cho mấy vết trầy hay bầm tím ở chân để nói với gia đình.

Hôm nay ai cũng mệt rồi, nhưng hãy cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp - Ảnh 3.

Tôi sẽ không bao giờ quên vô số đêm mà tôi không thể ngủ được. Nhìn chằm chằm lên trần nhà trong nhiều giờ, tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Tôi đã tin rằng tôi sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi sự bắt nạt. Cả giáo viên và “bạn bè” cũ của tôi đều không ủng hộ tôi. Tôi cũng không thể nói với cha mẹ mình, bởi vì tôi hoàn toàn xấu hổ. Xấu hổ vì tôi đã khóc trên giường một mình, xấu hổ vì tôi đã bị bắt nạt và xấu hổ vì tôi không phải là “người đàn ông” mà tôi nghĩ bố mẹ tôi muốn tôi trở thành. Tôi thực sự tin rằng tôi sẽ làm bố mẹ xấu hổ nếu tôi tìm đến sự giúp đỡ và sẽ bị coi như một kẻ thất bại. Tôi tiếp tục đau khổ trong im lặng. Nhiều tháng trôi qua, và tôi tiếp tục ngày càng lún sâu vào hố sâu tiêu cực này.”

Chính sự thờ ơ, áp lực phải theo một khuôn mẫu, hình mẫu lý tưởng mà xã hội đặt ra, khiến bản thân họ trở thành một tội đồ dù họ là nạn nhân. Chúng khiến họ lùi bước, không dám tiến lên để sống cho ra hồn, mà thay vào đó là cảm xúc sợ hãi, muốn chạy trốn, muốn biến mất khỏi thế gian.

3.

Có một câu chuyện nhỏ như thế này trên diễn đàn Quora. Một người dùng đã hỏi một câu hỏi như sau: “Tôi thực sự không hạnh phúc với cuộc sống của chính mình. Liệu cuộc đời này có đáng để sống không?” thì nhận được một câu trả lời dưới đây:

“Đây là một đoạn hội thoại giữa nhân vật “Tôi” và “Cuộc sống”

Tôi: Tôi không hài lòng với bạn.

Cuộc sống: Tại sao? Tôi đã làm gì khiến bạn phật lòng sao?

Tôi: Bạn không tuyệt vời, bạn không phải lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc.

Cuộc sống: Nhưng tôi không tạo ra bạn, mà chính bạn tạo ra tôi. Đó chính là vấn đề. Nếu bạn nghĩ cuộc sống của bạn thật tuyệt vời, thì tôi cũng sẽ thật tuyệt vời. Không phải là tôi không thú vị, mà chính bạn là người lựa chọn sự không vui. BẠN LÀ NGƯỜI TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỰ HẠNH PHÚC CỦA MÌNH. Tôi chỉ có thể đứng đây để cổ vũ và động viên bạn, tôi không thể là người tạo ra hạnh phúc khi chính bạn cũng không mưu cầu nó”.

Hôm nay ai cũng mệt rồi, nhưng hãy cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp - Ảnh 4.

Thực ra mà nói, không bao giờ có chuyện “cuộc sống thật tẻ nhạt”, chỉ có BẠN, tự biến mình nhàm chán và rồi khiến cuộc sống của bạn trở nên như vậy. Hãy hiểu điều này, bạn của tôi, và làm cho cuộc sống của bạn trở nên đáng sống. Chỉ bạn mới có thể quyết định điều gì là tốt cho chính mình.”

Chúng ta vẫn là một giống loài khó hiểu nhất trên đời, rõ ràng biết mình đang gặp vấn đề, nhưng cứ mãi loay hoay ở một chỗ, không biết nút thắt ở đâu và cách mở nút thắt như thế nào, trong khi chính mình lại là người tự tạo ra cái dây ràng, buộc chặt chính bản thân mình lại trong chính hoàn cảnh do mình tự đặt ra.

Dạo này trên mạng có một câu rất được lòng mọi người trích ra từ câu thoại của 1 nhân vật trong bộ phim Nhật Kí Tự Do Của Tôi, đại ý như thế này: “Cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp”.

Hoá ra niềm vui không sẵn có – để sống vui ai rồi cũng phải học cách tự tạo ra hoặc tự góp nhặt những mẩu niềm vui be bé rồi kết chúng lại thành một khối niềm vui lớn (hoặc chỉ 5 phút thôi) để thấy mình đang sống có ý nghĩa.

Hôm nay ai cũng mệt rồi, nhưng hãy cứ góp nhặt 5 phút vui vẻ mỗi ngày, để giữ cho bản thân mình sống tiếp - Ảnh 5.

Như Yeom Mi Jeong đã làm với cuộc đời của mình trong Nhật Kí Tự Do Của Tôi: “Năm phút mỗi ngày. Chỉ năm phút nhẹ lòng thôi cũng đáng sống rồi. Khi đến cửa hàng tiện lợi, tôi mở cửa giùm học sinh nọ rồi nghe câu cảm ơn nên phấn khích được bảy giây, sáng nay khi mở mắt, chợt nhận ra hôm nay là thứ bảy, tôi háo hức được mười giây. Cứ như vậy cho đủ 5 phút mỗi ngày. Đó là cách mà tôi giữ bản thân mình sống tiếp.”

Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, chính bản thân chúng ta cũng chẳng thể nào lường trước được những thử thách hay biến cố nào chúng ta sẽ phải đối mặt. Vì vậy, cách đơn giản nhất để giữ cho bản thân mình sống tiếp, sống một cuộc đời cho đáng sống, đó chính là góp nhặt những niềm vui nhỏ bé, giữ bản thân mình luôn phấn khích và háo hức với cuộc đời này, có như vậy chúng ta mới có động lực tiếp tục và chiến đấu.

https://kenh14.vn/hom-nay-ai-cung-met-roi-nhung-hay-cu-gop-nhat-5-phut-vui-ve-moi-ngay-de-giu-cho-ban-than-minh-song-tiep-20220606123644094.chn

Rate this post

Viết một bình luận