Hứng thú – khái niệm Hứng thú trong Tâm lý học

* Một vài quan điểm khác về hứng thú:

– Trong cuốn tâm lý học cá nhân, A.G.Côvaliốp coi hứng thú là sự định hướng của cá nhân, vào một đối tượng nhất định, tác giả đã đưa ra một khái niệm được xem là khá hoàn chỉnh về hứng thú “Hứng thú là một thái độ đặc thù của cá nhân đối với đối tượng nào đó, do ý nghĩa của nó trong cuộc sống và sự hấp dẫn về mặt tình cảm của nó”.
– L.A.Gôđơn coi hứng thú là sự kết hợp độc đáo của các quá trình tình cảm, ý chí, trí tuệ, làm cho tính tích cực của hoạt động con người nói chung được nâng cao.
– Nhà tâm lý học người Đức A.Kossakowski coi hứng thú hướng tích cực tâm lý vào những đối tượng nhất định với mục đích nhận thức chúng tiếp thu những tri thức và nắm vững những hành động phù hợp. Hứng thú biểu hiện mối quan hệ tới tính lựa chọn đối với môi truờng và kích thích, con người quan tâm tới những đối tượng những tình huống hành động quan trọng có ý nghĩa đối với mình.
Tóm lại: Các nhà tâm lý học Macxit đã nghiên cứu hứng thú theo quan điểm duy vật biện chứng đã chỉ ra tính chất phức tạp của hứng thú, xem xét hứng thú trong mối tương quan với các thuộc tính khác của nhân cách (nhu cầu, xúc cảm, ý chí, trí tuệ …).

* Một số quan niệm về hứng thú của Việt Nam:

– Tiêu biểu là nhóm của tác giả: Phạm Minh Hạc – Lê Khanh – Trần Trọng Thủy cho rằng: Khi ta có hứng thú về một cái gì đó, thì cái đó bao giờ cũng được ta ý thức, ta hiểu ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của ta. Hơn nữa ở ta xuất hiện một tình cảm đặc biệt đối với nó, do đó hứng thú lôi cuốn hấp dẫn chúng ta về phía đối tượng của nó tạo ra tâm lý khát khao tiếp cận đi sâu vào nó.

– Nguyễn Quang Uẩn trong tâm lý học đại cương đã cho ra đời một khái niệm tương đối thống nhất: Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động. Khái niệm này vừa nêu được bản chất cửa hứng thú, vừa gắn hứng thú với hoạt động của cá nhân.
– Xét về mặt khái niệm: Hứng thú là một thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng, thể hiện ở sự chú ý tới đối tượng, khao khát đi sâu nhận thức đối tượng sự thích thú được thỏa mãn với đối tượng.
Một sự vật, hiện tượng nào đó chỉ có thể trở thành đối tượng của hứng thú khi chúng thoả mãn 2 điều kiện sau đây:

– Điều kiện I:

Có ý nghĩa với cuộc sống của cá nhân, điều kiện này quyết định nhận thức trong cấu trúc của hứng thú, đối tượng nào càng có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống của cá nhân thì càng dễ dàng tạo ra hứng thú. Muốn hình thành hứng thú, chủ thể phải nhận thức rõ ý nghĩa của đối tượng với cuộc sống của mình, nhận thức càng sâu sắc và đầy đủ càng đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của hứng thú.

Điều kiện II:

– Có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân. Trong quá trình hoạt động với đối tượng, hứng thú quan hệ mật thiết với với nhu cầu. Khoái cảm nảy sinh trong quá trình hoạt động với đối tượng, đồng thời chính khoái cảm có tác dụng thúc đẩy cá nhân tích cực hoạt động, điều đó chứng tỏ hứng thú chỉ có thể hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động của cá nhân. Biện pháp quan trọng nhất, chủ yếu nhất để gây ra hứng thú là tổ chức hoạt động, trong quá trình hoạt động và bằng hoạt động với đối tượng, mới có thể nâng cao được hứng thú của cá nhân.

– Cũng như những chức năng cấp cao khác, hứng thú được quy định bởi những điều kiện xã hội lịch sử. Hứng thú của cá nhân được hình thành trong hoạt động và sau khi đã được gình thành chính nó quay trở lại thúc đẩy cá nhân hoạt động. Vì lý do trên hứng thú tạo nên ở cá nhân khát vọng tiếp cận và đi sâu vào đối tượng gây ra nó, khát vọng này được biểu hiện ở chỗ cá nhân tập trung chú ý cao độ vào cái làm cho mình hứng thú, hướng dẫn và điều chỉnh các quá trình tâm lý theo một hướng xác định, do đó tích cực hóa hoạt động của con người theo hướng phù hợp với hứng thú của nó dù phải vượt qua muôn ngàn khó khăn người ta vẫn thấy thoải mái và thu được hiệu quả cao.

Hứng thú trong công việc hoàn toàn khác với làm việc tùy hứng, hứng thú trong công việc là một phẩm chất tố đẹp chủa nhân cách, còn làm việc tùy hứng là biểu hiện của tính tùy tiện của một tính cách không được giáo dục chu đáo.

• Trong đề tài nghiên cứu của tôi sử dụng khái niệm hứng thú của Trần Thị Minh Đức làm công cụ: Khái niệm được định nghĩa như sau:

“Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng đem lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động”.

1.2. Cấu trúc của hứng thú:

Tiến sĩ tâm lý học N.GMavôzôva: Ông đã dựa vào 3 biểu hiện để đưa ra quan niệm của mình về cấu trúc của hứng thú:

+ Cá nhân hiểu rõ được đối tượng đã gây ra hứng thú.
+ Có cảm xúc sâu sắc với đối tượng gây ra hứng thú.
+ Cá nhân tiến hành những hành động để vươn tới chiếm lĩnh đối tượng đó.

– Vậy theo ông thì: Hứng thú liên quan đến việc người đó có xúc cảm tình cảm thực sự với đối tượng mà mình muốn chiếm lĩnh, có niềm vui tìm hiểu và nhận thức đối tượng, có động cơ trực tiếp xuất phát từ bản thân hoạt động, tự nó lôi cuốn, kích thích hứng thú, những động cơ khác không trực tiếp xuất phát từ bản thân hoạt động chỉ có tác dụng hỗ trợ cho sự nảy sinh và duy trì hứng thú chứ không xác định bản chất hứng thú.

+ Vậy hứng thú là sự kết hợp giữa nhận thức – xúc cảm tích cực và hoạt động, nếu chỉ nói đến mặt nhận thức thì chỉ là sự hiểu biết của con người đối với đối tượng, nếu chỉ nói đến mặt hành vi là chỉ đề cập đến hình thứcbiểu hiện bên ngoài, không thấy được xúc cảm tình cảm của họ đối với đối tượng đó, có nghĩa là hiểu được nội dung tâm lý của hứng thú nó tiềm ẩn bên trong. Hứng thú phải là sự kết hợp giữa nhận thức và xúc cảm tích cực và hành động, nghĩa là có sự kết hợp giữa sự hiểu biết về đối tượng với sự thích thú với đối tượng và tính tích cực hoạt động với đối tượng.

Nhận thức – Xúc cảm tích cực – Hoạt động

– Bất kỳ những hứng thú nào cũng là thái độ cảm xúc tích cực của chủ thể với đối tượng. Nó là sự thích thú với bản thân đối tượng và với hoạt động với đối tượng. Nhận thức luôn là tiền đề là cơ sở cho việc hình thành thái độ.

– Cách phân tích hứng thú của Marôsôva được nhiều nhà tâm lý tán thành, điểm quan trọng nhất là tác giả đã gắn hứng thú với hoạt động. Tuy nhiên cách phân tích này quá chú trọng đến mặt xúc cảm của hứng thú nên đã xem nhẹ mặt nhận thức. Tác giả đã nhấn mạnh thái độ, xúc cảm của nhận thức mà chưa nói đến nội dung, đối tượng nhận thức trong hứng thú. Nếu chỉ nói đến mặt nhận thức, thì chỉ là sự biểu hiện của con người đối với đối tượng. Nếu chỉ nói đến mặt hành vi, là chỉ đề cập đến hình thái bên ngoài, mà chưa nói đến nội dung bên trong. Vậy hứng thú phải là sự kết hợp giữa

Nhận thức – Xúc cảm tích cực – Hành động.

Ba thành tố trên có quan hệ chặt chẽ với nhau trong hứng thú cá nhân. Để có hứng thú đối với đối tượng nào đó cần phải có các yếu tố trên, Nó có quan hệ mật thiết với nhau, tương tác lẫn nhau, trong cấu trúc hứng thú, sự tồn tại của từng mặt riêng lẻ không có ý nghĩa đối với hứng thú, không nói lên mức độ của hứng thú.

1.3.Các loại hứng thú:

– Căn cứ vào hiệu quả của hứng thú: Chia ra làm 2 loại:

+ Hứng thú thụ động:

Là loại hứng thú tĩnh quan dừng lại ở hứng thú ngắm nhìn, chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú, không thể hiện mặt tích cực để nhận thức sâu hơn đối tượng, làm chủ đối tượng và hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực mình hấp thụ.

+ Hứng thú tích cực:

Không chỉ chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú, mà lao vào hoạt động với mục đích chiếm lĩnh được đối tượng. Nó là một trong những nguồn kích thích sự phát triển nhân cách, hình thành kỹ năng kỹ xảo, nguồn gốc của sự sáng tạo.

– Căn cứ vào nội dung đối tượng, nội dung hoạt động: Chia ra làm 5 loại:

+ Hứng thú vật chất:

Là loại hứng thú biểu hiện thànhnguyện vọng như muốn có chỗ ở đầy đủ, tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp…

+ Hứng thú nhận thức:

Ta có thể hiểu hứng thú dưới hình thức học tập như: Hứng thú vật lý học, hứng thú triết học, hứng thú tâm lý học…

+ Hứng thú lao động nghề nghiệp:
Hứng thú một ngành nghề cụ thể: Hứng thú nghề sư phạm, nghề bác sĩ …

+ Hứng thú xã hội – chính trị:
Hứng thú một lĩnh vực hoạt động chính trị.

+ Hứng thú mĩ thuật:
Hứng thú về cái hay, cái đẹp… như văn học, phim ảnh, âm nhạc…

– Căn cứ vào khối lượng của hứng thú: Chia ra 2 loại:

+ Hứng thú rộng:
Bao quát nhiều lĩnh vực nhiều mặt thường không sâu.
+ Hứng thú hẹp:
Hứng thú với từng mặt, từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể… trong cuộc sống cá nhân đòi hỏi có hứng thú rộng – hẹp, vì chỉ có hứng thú hẹp mà không có hứng thú rộng thì nhân cách của họ sẽ không toàn diện, song chỉ có hứng thú rộng thì sự phát triển nhân cách cá nhân sẽ hời hợt thiếu sự sâu sắc.

– Căn cứ vào tính bền vững: Chia ra làm 2 loại:

+ Hứng thú bền vững:
Thường gắn liền với năng lực cao và sự nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và thiên hướng của mình.
+ Hứng thú không bền vững:
Hứng thú thường bắt nguồn từ nhận thức hời hợt đối tượng hứng thú,

– Căn cứ vào chiều sâu của hứng thú: Chia ra làm 2 loại:

+ Hứng thú sâu sắc:
Thường thể hiện thái độ thận trọng có trách nhiệm với hoạt động, công việc. Mong muốn đi sâu vào đối tượng nhận thức, đi sâu nắm vững đến mức hoàn hảo đối tượng của mình.
+ Hứng thú hời hợt bên ngoài:
Đây là những người qua loa đại khái trong quá trình nhận thức, trong thực tiễn họ là những người nhẹ dạ nông nổi.

– Căn cứ vào chiều hướng của hứng thú: Chia ra làm 2 loại:

+ Hứng thú trực tiếp:
Hứng thú đối với bản thân quá trình hoạt động, hứng thú với quá trình nhận thức, quá trình lao động, và hoạt động sáng tạo.

+ Hứng thú gián tiếp:
Loại hứng thú với kết quả hoạt động.

 

Rate this post

Viết một bình luận