Hung Vuong Dung Nuoc

NHỮNG
CON CHÁU VUA HÙNG TRÊN ĐẤT MÊ LINH

Vào đầu Công nguyên, hai thế
kỷ sau Thục An Dương, ở Mê Linh, thuộc vùng đất tổ Hùng
Vương có hai người con gái, hai Bà Trưng, đã lãnh đạo toàn
dân nước Âu Lạc cũ vùng dậy lật đổ nền đô hộ tàn
bạo của phong kiến phương Bắc, giành lại tự do độc lập
cho dân tộc, xây dựng một nhà nước do phụ nữ nắm chính
quyền và tiến hành một cuộc kháng chiến chống xâm lăng,
quyết liệt. Hai Bà Trưng là ngọn cờ
giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, những
nữ anh hùng dân tộc đầu tiên làm rạng rỡ giống nòi Rồng
Tiên.

Sự nghiệp của Hai Bà thật
lớn lao, chiến công của nhân dân Việt cổ thời Hai Bà thật
oanh liệt, những bài học Hai Bà để lại thật vô cùng quí
giá. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn và sự nghiệp
hai vị nữ anh hùng.

Trưng Trắc và Trưng Nhị là
hai chị em, con gái lạc tướng Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng
Vương. Quê hương của Hai Bà là trang Cổ Lai, nay là xã Mê
Linh, thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

Mẹ của Hai Bà là bà Man Thiện,
cháu bên ngoại Hùng Vương, goá chồng từ sớm, đảm đang
việc nuôi dạy hai con gái theo tinh thần yêu nước và thượng
võ. Bà Man Thiện đã giúp đỡ các con rất nhiều trong việc
tổ chức lực lượng khởi nghĩa chống ngoại xâm. Hiện nay
ở làng Nam Nguyễn, huyện Ba Vì thuộc vùng Sơn Tây cũ còn
ngôi mộ của bà Man Thiện, dân gian gọi là mả Dạ (Dạ
tiếng Việt cồ chỉ một bà già được kính trọng).

Theo truyền thuyết vùng Mê
Linh, hai Bà Trưng sinh vào năm 14 đầu Công nguyên, được cha
mẹ đặt tên cho là nàng Chắc,
nàng
Nhì,
theo tên gọi của hai lứa kén tằm,
kén chắc kén nhì,
vùng Mê Linh vốn là một vùng có truyền thống tằm tơ. Thời
đó nhà Hán đô hộ nước ta. Vua Hán cử Tô Định làm thái
thú quận Giao Chỉ là bộ phận trung tâm của nước Âu Lạc
cũ. Tô Định là một tên thái thú tham lam, tàn bạo nổi tiếng
đã gây nên bao căm thù uất hận trong lòng nhân dân ta. Vài
năm 31 đầu Công nguyên, lúc đó nàng Chắc và nàng Nhì mới
ở tuổi mười bảy mười tám ; một hôm hai chị em đang ôn
luyện võ nghệ chợt nghe tiếng la ó ngoài trang. Trưng Trắc
bảo em chạy ra xem có chuyện gì xảy ra. Nhân dân cho biết
Tô Định sai tên thuộc hạ Nguỵ Húc đến bắt dân cống
nạp ngà voi, sừng tê giác và lông chim trả, dân không có
nộp vì mất mùa, đói kém không đi săn được, hắn cho lính
đánh đập dã man nhiều người bị đòn đau đến chết ngất.
Trưng Nhị, lòng dạ đau xót như cào, về nói lại cho chị
biết. Trưng Trắc bảo em :

– Trong cảnh nước mất nhà
tan, giặc Hán đã và đang gieo rắc bao nỗi đau thương tang
tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất
bằng, diệt hết loài giặc Hán để cứu lấy muôn dân ra
khỏi cảnh lầm than chứ chị không thể ngồi yên chốn phòng
the được.

Nghe chị nói, Trưng Nhị cũng
bày tỏ ý chí của mình :

– Chị em ta cùng chung một giọt
máu mẹ cha, nhìn thấy non sông nghiêng ngả, giống nòi đang
phải chịu bao nỗi lầm than, lòng em cũng vô cùng căm giận,
chí em cũng muốn đập tan tành những nỗi bất công tàn ác,
đem vui sướng về với muôn dân.

Nói xong, hai chị em cùng đi
đến chỗ Nguỵ Húc và tận mắt trông thấy nó cho quân lính
đánh đập dân ta. Trưng Trắc liền chỉ thẳng vào mặt Nguỵ
Húc thét mắng. Hắn thấy hai người con gái đều nhan sắc
đẹp đẽ, bèn giở giọng giễu cợt. Trưng Nhị căm tức
rút những mũi tiêu đeo bên mình lao bay qua đầu hắn. Nguỵ
Húc mặt tái xanh van xin được tha tội. Trưng Trắc can em :
” Hãy tha tội chết cho nó vì nó chỉ là một tên tiểu tốt
vô danh. Cho nó về nói lại với Tô Định phải ngừng tay
gây tội ác, nếu tên thái thú ấy vẫn giữ lòng lang sói
thì tội chúng sẽ bị trừng trị cũng không muộn “. Nghe lời
can của chị, Trưng Nhị ngừng tay nhưng lòng căm giận vẫn
bừng lên nét mặt và khoé mắt. Nguỵ Húc thì cuối đầu
kéo quân chạy về Luy Lâu để tâu báo với Tô Định.

Định nổi giận quát mắng
Nguỵ Húc sai quân đem chéùm đầu Húc cho hả cơn thịnh nộ,
rồi sai Tích Lâm đem 300 quân đến vùng Phong Châu bắt dân
chúng phải nộp đủ lễ vật, nếu thiếu, Tích Lâm được
phép chém đầu. Nó cũng ra lệnh cho Lâm bắt hai người con
gái đất Mê Linh về thành Luy Lâu trừng trị.

Tích Lâm vâng lệnh đem quân
ra đi nhưng lòng rất e sợ bởi những lời kể lại của Nguỵ
Húc về hai người con gái vùng Phong Châu. Đến nơi Tích Lâm
giương oai bắt một số dân đến đánh đập hỏi việc cống
nạp lễ vật, nhân dân vẫn kêu khất xin nộp dần, hắn nổi
giận ra lệnh chém đầu một số người để thị uy. Dân
làng hoảng sợ, một số chạy thoát nơi nguy hiểm kia về
báo cho hai chị em Bà Trưng biết sự việc thảm khốc đang
xảy ra. Nghe xong, nét mặt hai chị em bừng bừng căm giận,
liền nai nịt gọn gàng cùng một đoàn tuỳ tùng gồm vài
trăm người khoẻ mạnh mang vũ khí đi thẳng đến chỗ tên
tướng giặc Tích Lâm đang gây tội ác. Tích Lâm nhìn thấy
hai chị em Bà Trưng xinh đẹp cho là phụ nữ yếu ớt không
làm gì nổi liền buông lời chọc ghẹo láo xược. Trưng Trắc
thét lớn vào mặt Tích Lâm : ” Quân khốn nạn ! Bay sẽ phải
đền tội trước nhân dân ta ! ” rồi đưa mắt ra hiệu cho
em và đoàn tuỳ tùng nhằm vào lũ quân của Tích Lâm mà đánh,
còn Tích Lâm thì trong nháy mắt đã bị Trưng Trắc chém chết.
Quân lính Hán sống sót cố tìm đường chạy thoát thân. Mọi
người kính chào, biết ơn và vui mừng vô hạn trước hành
động anh dũng của hai chị em Bà Trưng. Tiếng tăm hai chị
em bay xa đến huyện Chu Diên.

Thi Sách, con trai lạc tướng
Chu Diên (vùng Hà Tây ngày nay) cũng là một người yêu nước
và có ý chí quật cường. Thấy nhân dân sống trong cảnh
lầm than cơ cực, Thi Sách đi chu du khắp các vùng của đất
nước Âu Lạc cũ tìm bạn hào kiệt để mưu sự cứu nước.
Đến trang Cổ Lai thuộc huyện Mê Linh, được nghe kể về
sự tàn ác của Tô Định và tài ba cùng lòng dũng cảm của
hai người con gái của quan Lạc tướng Mê Linh, Thi Sách rất
khâm phục. Hai chị em Bà Trưng vốn đã biết ít nhiều về
Thi Sách đón tiếp chàng niềm nở long trọng và mời chàng
dự một cuộc đi săn để diệt trừ một con hổ dữ trong
rừng Thanh lâm đã từng bắt mất nhiều súc vật và ăn thịt
nhiều người trong vùng. Đến tận sào huyệt con thú dữ,
Thi Sách xông vào đánh nhau ác liệt với nó; lừa lúc hổ
mải vờn Thi Sách đang mệt lử, Trưng Trắc nhanh tay bắn một
mũi tên xuyên nát một bên mắt cọp. Chúa rừng vừa khựng
lại giữa đà nhảy dữ dội của nó thì Thi Sách bồi tiếp
luôn cho nó hai mũi lao hiểm. Nhưng Trưng Trắc chạy tới bên
thú dữ trước tiên và kín đáo nhổ biến ngay mũi tên lợi
hại của mình giữa lúc con vật khổng lồ còn đang vật vã
giãy giụa…Tin Thi Sách giết được con hổ dữ rừng Thanh
Lâm làm cho uy tín chàng thêm lừng lẫy.

Năm 39, Trưng Trắc và Thi Sách
kết nghĩa vợ chồng. Hôn lễ vẫn theo như lệ cũ của người
Việt : vợ chồng tuy đã thành thân, nhưng người nào vẫn
ở lại đất của người ấy. Nhưng cuộc hôn nhân giữa con
gái Lạc tướng Mê Linh và con trai Lạc tướng Chu Diên, mỗi
người làm chủ một phương, thì liên kết được thế lực
hai miền đất lớn của nguời Việt cổ và nhân lên gấp
bội sức mạnh chống ách đô hộ hà khắc của ngoại bang,
bão táp sẽ từ đây bùng ra (5).

Giữa lúc hai gia đình Lạc
tướng, với sự ủng hộ của nhân dân đang cùng nhau mưu
toan sự nghiệp lớn thìTô Định mời Thi Sách đến toà Thái
thú dự yến tiệc. Thiếu cảnh giác truớc âm mưu điệu hổ
ly sơn của kẻ thù, Thi Sách đã bị ám hại.

Hành vi bạo ngược hèn nhát
của Tô Định không làm Trưng Trắc sờn lòng, trái lại chí
căm thù của Bà càng bốc cao như lửa, và quyết tâm đền
nợ nước trả thù nhà của hai chị em Bà càng thêm sắt đá.

Rate this post

Viết một bình luận