Không khí ô nhiễm và sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến cho trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, gây ra các tình trạng sổ mũi, ngạt mũi, khó thở do có đờm,… Vì vậy, các phương pháp vệ sinh mũi như cách rửa mũi cho bé hay hút mũi cho bé luôn là vấn đề mà mẹ bỉm đặc biệt quan tâm. Hãy cùng Huggies tìm hiểu cách hút mũi cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn trong bài sau mẹ nhé!
Tham khảo: Cách trị sổ mũi cho bé sơ sinh
Khi nào thì cần hút mũi cho trẻ?
Trẻ nhỏ thường bị nhiễm lạnh, cảm cúm, làm xuất hiện các tình trạng ngạt mũi, sổ mũi khó thở do chất nhầy và đờm chứa đầy trong các khoang miệng, xoang mũi. Những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi lại không biết cách để khạc ra đờm. Vì vậy, hút mũi là phương pháp được ưu tiên lựa chọn để giúp các bé thông thoáng đường thở. Ở những trẻ lớn, khi trẻ có thể nhận biết được cách khạc đờm theo hướng dẫn của người lớn nên việc hút mũi chỉ áp dụng khi trẻ mắc các bệnh lý nặng như co giật, hôn mê,…
Gặp các trường hợp dưới đây, mẹ cần nên hút mũi cho trẻ:
-
Trẻ còn nhỏ tuổi, bị khò khè khó thở nhưng không có khả năng tự hỉ mũi, tự khạc nhổ đờm ra ngoài.
-
Trẻ nhỏ cần nhiều khí oxy hơn để đảm bảo sự thở.
-
Khi trẻ gặp các vấn đề về hô hấp gây khó khăn đồng thời về sự thở và ăn uống như: Ho có đờm xanh, đờm đặc khó lấy ra, cúm ngạt mũi, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm mũi dị ứng tăng tiết đờm…
-
Trẻ sốt cao, từng có biểu hiện hôn mê, co giật hay bị khó thở.
Tham khảo: Hướng dẫn hút mũi và rửa mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách
Tuy nhiên, các mẹ cũng nên lưu ý chỉ được hút mũi cho trẻ khi đã có chỉ định của bác sĩ.
Nếu dịch mũi không quá nhầy và đặc, thay vì hút mũi, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) áp dụng cách rửa mũi cho bé theo các bước như sau:
-
Đặt trẻ lên giường, kê đầu bằng khăn mỏng (không kê quá cao), đầu nghiêng sang 1 bên.
-
Lót khăn ở cổ trẻ để thấm hút nước muối sinh lý chảy ra ngoài trong lúc rửa mũi.
-
Nhỏ vào mũi trẻ từ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý và đợi vài phút để dịch mũi loãng ra. Dùng tăm bông để thấm hút dịch bên trong mũi của trẻ. Nhỏ và thấm hút tương tự với bên mũi còn lại.
-
Bước trên có thể cần lặp lại 2 – 4 lần vì dịch mũi còn ứ đọng bên trong. Mẹ cần cẩn thận để tránh làm xây xước niêm mạc mũi của trẻ dẫn đến chảy máu.
-
Dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng ngoài lỗ mũi và loại bỏ gỉ mũi cho bé
Tham khảo: Cách chữa sôi bụng ở trẻ sơ sinh
Cách hút mũi cho trẻ đúng chuẩn
Hút mũi cho trẻ không khó, chỉ cần mẹ tuân thủ theo 3 bước sau đây:
Bước 1: Làm ẩm mũi trẻ
Bước đầu tiên là mẹ đặt con nằm xuống và nghiêng đầu bé một chút, dùng nước muối sinh lý dành cho trẻ NaCl 0,9% nhỏ vào mũi trẻ. Sau đó, chờ khoảng 30 – 60s để làm ẩm và lỏng các chất nhầy trước khi hút ra. Không nên để quá lâu vì nếu chúng khô lại sẽ khiến cho việc hút ra khó khăn hơn và khiến bé bị đau.
Bước 2: Tiến hành hút mũi
Mẹ đặt bé nằm trên gối rồi dùng dụng cụ hút mũi cho bé, lưu ý dụng cụ này phải được tiệt trùng làm sạch trước khi dùng. Mẹ phải thực hiện thao tác này hết sức nhẹ nhàng vì mũi của bé rất dễ bị tổn thương bởi các tác động mạnh.
Sau khi đã hút xong một bên, mẹ cần loại bỏ hết chất nhầy trong ống trước. Bóp mạnh để đẩy hết dịch bẩn ra ngoài, sau đó dùng nước hoặc khăn giấy để vệ sinh phần đầu ống.
Một số bé lần đầu tiên được hút mũi sẽ có phản xạ nôn ói do nước muối, chất nhầy chảy xuống họng. Hiện tượng này sẽ hết khi bé đã quen dần nên mẹ không cần quá lo lắng.
Sau khoảng 5 -10 phút, nếu bé vẫn còn nghẹt mũi thì mẹ có thể thực hiện thêm lần nữa nhưng không nên thực hiện quá 4-5 lần/ngày. Vì lực hút sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi gây tổn thương, giảm khả năng cản trở bụi bẩn, thậm chí làm tình trạng nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
Bước 3: Vệ sinh dụng cụ hút
Khi đã hút mũi xong, các mẹ cần nhớ vệ sinh các dụng cụ bằng xà phòng, xả lại nhiều lần với nước ấm, cọ rửa để làm sạch, trụng nước sôi để diệt khuẩn, sau đó cất vào nơi cao ráo, sạch sẽ.
Tham khảo:
Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ trên mặt và khắp người
Một số lưu ý khi hút mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Nguyên tắc khi vệ sinh mũi cho trẻ mẹ chớ quên
Tham khảo ý kiến của bác sĩ
Không được tự ý hút mũi cho trẻ nếu như không tham khảo ý kiến hoặc không có chỉ định của bác sĩ.
Tuyệt đối không dùng miệng hút mũi cho bé
Nhiều mẹ lo rằng dụng cụ hút mũi có thể gây tổn thương cho bé nên trực tiếp dùng miệng để hút chất dịch ra ngoài. Tuy nhiên các bác sĩ lại cảnh báo rằng mẹ không nên áp dụng cách làm này để làm sạch mũi cho bé.
Những loại vi khuẩn có trong khoang miệng của mẹ có thể lây truyền trực tiếp sang cho bé. Cơ thể trẻ rất yếu ớt, các kháng thể tự nhiên của bé không đủ sức để chống chọi với các loại vi khuẩn này.
Không lạm dụng việc hút mũi
Theo các chuyên gia thì mẹ chỉ nên hút mũi cho trẻ từ 2 – 3 lần/ngày và không nên lạm dụng, nhất là nước rửa mũi, vì khi dùng quá thường xuyên có thể làm mỏng niêm mạc mũi sẽ ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác của bé.
Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh lưu ý rằng:
Mẹ chỉ sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ, tuyệt đối không dùng các loại thuốc nhỏ mũi khác để rửa mũi. Nước rửa mũi là nước muối sinh lý đã được tiệt khuẩn, nên dùng lọ nhỏ, tốt nhất sử dụng trong vòng 2 ngày sau khi mở nắp. Các lọ nước muối sinh lý để nhỏ mắt, mũi, tai phải là các lọ riêng, khác nhau, không được dùng chung mẹ nhé!
Không hút mũi cho trẻ vừa ăn no
Không hút mũi cho bé khi vừa ăn no xong vì dễ gây ói mửa. Thời gian hoàn hảo để hút mũi là sau khi ăn 30 phút hoặc lúc bé đang ngủ.
Nếu hút mũi cho bé trong 3 ngày nhưng không thấy đỡ thì mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa vì có thể trẻ bị các bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản…
Tham khảo: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ
Có nên thường xuyên hút mũi trẻ sơ sinh
Trong bệnh viện, các nhân viên y tế sẽ sử dụng máy hút để hút đờm trong các trường hợp bị viêm phổi hay viêm tiểu phế quản. Với áp lực ổn định của máy, lực hút mạnh hơn có thể gây nên tình trạng tổn thương xuất huyết niêm mạc, chảy máu sau và trong khi hút đờm. Do đó, việc này phải được thực hiện bởi những nhân viên y tế có chuyên môn.
Đối với các trẻ không nhập viện, được chăm sóc tại nhà, có thể được chỉ định hút mũi bằng các dụng cụ hỗ trợ như dụng cụ hình chữ V, hút mũi bằng ống bơm. Các thao tác này chỉ được phép thực hiện khi đã có hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng không nên lạm dụng việc hút mũi cho trẻ vì nó có thể gây tổn thương rất nhiều cho niêm mạc mũi họng của trẻ.
Thậm chí, vệ sinh mũi cho trẻ sai cách có thể dẫn đến việc trẻ bị viêm tai, ứ dịch nặng dẫn đến xoang hoặc thậm chí nguy hiểm hơn là bị điếc.
Tham khảo: Cách trị nghẹt mũi cho bé tại nhà không dùng thuốc
Một số dụng cụ hút mũi cho bé phổ biến
Dụng cụ hút mũi giúp việc hút mũi cho bé trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, hơn hết là đảm bảo vệ sinh cho bé. Để chọn được sản phẩm chất lượng, an toàn cho bé, bố mẹ có thể tham khảo một số tiêu chí sau đây:
Chọn loại có đầu hút bằng chất liệu mềm mại
Khoang mũi là nơi tập trung nhiều mạch máu và khoang mũi của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thì lại càng nhạy cảm hơn. Vậy nên để hạn chế tối đa tổn thương niêm mạc khoang mũi của bé, bố mẹ nên chọn dụng cụ có đầu hút làm bằng chất liệu mềm mại chẳng hạn như silicon. Ngoài ra, chất liệu của các bộ phận khác cũng làm bằng chất liệu nhựa cao cấp, không chứa BPA (một hợp chất hữu cơ tổng hợp để chế tạo đồ nhựa cứng) để đảm bảo an toàn cho bé cũng như người thực hiện.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý đến hình dạng của dụng cụ hút, tránh mua những sản phẩm có đầu ống hút vát nhọn, góc cạnh khi chưa quen sử dụng máy hút mũi cho trẻ.
Thiết kế đơn giản và dễ dàng vệ sinh
Việc đảm bảo vệ sinh trong quá trình dùng dụng cụ hút mũi là hết sức quan trọng. Vì thế, bố mẹ cũng cần chú ý đến việc liệu thiết bị hút mũi có dễ dàng tháo lắp để vệ sinh hay không.
Bên cạnh đó, phương pháp vệ sinh đối với sản phẩm cũng cần được quan tâm. Ví dụ như có những sản phẩm chỉ có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn và không thể dùng cách đun sôi hay bỏ vào lò vi sóng để diệt khuẩn.
Chọn dụng cụ hút mũi thủ công hay bằng điện
Hiện nay, dụng cụ hút mũi cho trẻ nhỏ thường được chia làm 2 loại chính gồm có dụng cụ hút mũi chạy điện và thủ công.
Dụng cụ hút mũi chạy điện: Sản phẩm máy hút mũi chạy bằng điện sẽ cho lực hút mạnh hơn giúp thao tác hút mũi nhanh chóng hiệu suất hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng máy chạy bằng điện thì có thể sẽ phát ra tiếng ồn, điều này có thể làm cho bé sợ. Vì thể loại máy này sẽ phù hợp hơn đối với các bé đã quen với việc được hút mũi.
Dụng cụ hút mũi thủ công: Loại sản phẩm này có cấu tạo khá đơn giản bao gồm 2 đầu: 1 đầu hút đặt vào mũi bé và đầu còn lại dùng miệng để hút. Ưu điểm của sản phẩm hút mũi bằng miệng chính là bố mẹ có thể vừa quan sát vừa điều chỉnh lực hút phù hợp với trẻ.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu kinh doanh dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh. Một số hãng máy hút mũi khá nổi tiếng như máy hút mũi Bebe Confort có xuất xứ từ Pháp, máy hút mũi Farlin, Kuku có xuất xứ từ Đài Loan, hay máy hút mũi Nuk, Chicco, Richell, Pigeon,…
Đây đều là các thương hiệu kinh doanh dụng cụ hút mũi cho trẻ nổi tiếng về chất lượng và sự an toàn. Bố mẹ có thể dựa vào nhu cầu, sở thích cá nhân và điều kiện kinh tế của gia đình mà lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ biết cách hút mũi cho bé sao cho đúng cách. Để tìm hiểu thêm các thông tin khác, mẹ có thể tham khảo tại chuyên mục Chăm sóc bé hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia.