Với những cô nàng yêu thích sự thay đổi, thời trang, đặc biệt là mái tóc thì cụm từ “tẩy tóc” không còn quá xa lạ. Thế nhưng, quá trình tẩy tóc sẽ khiến tóc bị hư tổn, chẻ ngọn, gãy rụng,…nếu không được nàng chăm sóc đúng cách. Vậy các nàng đã biết những tips hay giúp chăm sóc và phục hồi tóc hư tổn sau tẩy chưa? Cùng theo dõi bài viết để hiểu hơn nhé.
1. Tẩy tóc là gì?
Tẩy tóc là quá trình dùng hóa chất chuyên dụng để loại bỏ melanin có trong tóc, làm tóc mất đi màu sắc nguyên thủy của nó.
Melanin được nhiều người biết đến là hắc sắc tố tạo nên màu sắc cho tóc, da và mắt. Chất này có sẵn trong cơ thể, tóc sẽ chuyển từ màu đen sang màu trắng hoặc xám nếu melanin bị mất đi. Đây là tiền đề để các thợ làm tóc nhuộm lên một số gam màu như xám khói, bạch kim hay một số màu sắc đẹp khác.
Tóc càng tối màu đồng nghĩa với việc phải tẩy nhiều lần hơn, nồng độ chất tẩy đậm đặc hơn và thời gian hóa chất lưu lại trên tóc nhiều hơn để có thể mất màu hoàn toàn. Thông thường người Việt có mái tóc đen hoặc nâu sẽ phải tẩy 2 lần mới có thể nhuộm lên các gam màu sáng. Chính vì vậy, rủi ro trong quá trình tẩy tóc cũng sẽ nhiều hơn.
2. Tác hại của việc tẩy tóc
Thuốc tẩy có thể loại bỏ melanin vì trong đó chứa một lượng lớn hóa chất, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến da đầu và tóc của bạn. Sau khi tẩy tóc, rất nhiều người gặp tình trạng, rụng tóc, tóc khô xơ, chẻ ngọn,…Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn nhé.
2.1. Tẩy tóc khiến da đầu bị hư hại
Có lẽ trước khi tẩy tóc, bạn cũng đã tìm hiểu về tác hại của nó và biết được tẩy tóc có thể khiến da đầu bỏng rát, ngứa ngáy khó chịu. Tuy nhiên, với nhiều người tác hại này chưa phải là tất cả, quy trình này “tra tấn” mái tóc của bạn trong hàng giờ đồng hồ.
Do tác dụng của thuốc tẩy tóc, da đầu có cảm giác bỏng rát như khi bị đốt cháy. Đi kèm theo đó là một số triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt ngay sau khi làm. Tác hại này có thể là do tâm lý của bạn nhưng da đầu chính là nơi chịu ảnh hưởng lớn của nguyên nhân đó.
Trong một số trường hợp, da đầu cũng bị biến đổi màu do ảnh hưởng của thuốc tẩy. Hiện tượng này chỉ xảy ra ở một số người và chỉ xuất hiện trong một thời gian.
2.2. Tóc trở nên yếu hơn
Khi hóa chất tẩy tiếp xúc với tóc khiến tóc bị mất đi độ ẩm tự nhiên, tóc trở nên khô xơ. Tẩy tóc làm thay đổi cấu trúc khiến tóc dễ bị hư tổn hơn. Nếu thực hiện quy trình tẩy không đúng, bạn phải đối mặt với nguy cơ gãy rụng với số lượng lớn do lớp biểu bì tóc bị phá vỡ.
Như vậy, với những người tẩy tóc sẽ phải đối mặt với tình trạng tóc yếu, khô xơ, dễ gãy và nhạy cảm với môi trường bên ngoài, nhất là sự tấn công từ môi trường bên ngoài, ánh nắng và khói bụi,…
2.3. Có nguy cơ gặp phải những trường hợp xấu nhất
Tẩy tóc là quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm từ thợ làm tóc. Trước khi quyết định tẩy, người thợ cần phải xem xét kỹ tình trạng tóc của bạn và có quy trình nhuộm tóc an toàn. Phụ thuộc vào chất tóc mà quyết định pha thuốc nhuộm có tỷ lệ như thế nào, nồng độ ra sao, thời gian giữa hai lần tẩy là bao lâu,…như vậy sẽ tránh được những tác hại do quá trình tẩy gây ra.
Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi trường hợp thợ làm không chuyên, bạn có thể bị mất mảng tóc lớn sau khi tẩy, gãy rụng và dần mỏng đi thành từng mảng, da đầu bị lở loét do nhiễm trùng, nổi mụn và có thể lan sang cả vùng mặt.
Một số trường hợp là do da bị kích ứng hay thực hiện sai quy trình nhuộm tóc khiến da dầu có cảm giác bỏng rát, mẩn đỏ nổi lên kèm theo những cơn đau rát, ngứa ngáy.
Xem thêm: Bị ngứa da đầu sau khi nhuộm tóc do đâu? Phải làm gì?
3. Cách giúp phục hồi tóc tẩy hư tổn cực nhanh
Hiểu được những tác hại do tẩy tóc gây ra, bạn cần tuân thủ một chế độ chăm sóc và phục hồi tóc hư tổn đặc biệt và thực hiện chúng mỗi ngày để trả lại cho bạn mái tóc chắc khỏe và bồng bềnh như xưa
3.1. Chăm sóc tóc
Không gội đầu sau khi tẩy tóc trong 24 – 48 giờ đầu tiên
Tóc tẩy sẽ rất dễ bị khô, do vậy bạn không nên làm mất đi lớp dầu tự nhiên bằng việc gội đầu. Ngay khi mới tẩy, bạn không nên có bất kỳ một tác động nào vào tóc. Thế nhưng, nếu thấy bết dính quá bạn vẫn có thể dùng nước và dầu xả để dưỡng tóc.
Thay vì dùng dầu xả, bạn có thể dùng những sản phẩm dưỡng tóc chuyên sâu dành riêng cho tóc tẩy
Trước mỗi lần gội đầu, sử dụng một chút dầu dưỡng hay mặt nạ ủ tóc. Thời gian ủ tốt nhất là khoảng 3 – 5 phút, sau đó dùng nước để xả sạch và gội bằng dầu gội.
Một số dầu dưỡng tốt cho tóc tẩy như dầu dừa, dầu ô liu hay dầu quả bơ giúp cung cấp độ ẩm cần thiết thấm sâu vào tóc.
Dùng dầu xả khô hàng ngày để cung cấp độ ẩm cho tóc
Sử dụng dầu xả khô sau khi tắm sẽ làm tăng hiệu quả của dầu xả thông thường mà bạn thường sử dụng. Dầu xả có tác dụng giúp bạn dễ tạo kiểu và tóc đỡ rối xù.
Nếu bạn muốn giữ nếp trong thời tiết nóng hoặc lạnh, dầu xả là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn đó.
Sử dụng mặt nạ protein để chăm sóc tóc ngay tại nhà
Đây là một biện pháp cực kỳ hữu ích mà bạn có thể chăm sóc tóc ngay tại nhà mà không cần đến tiệm làm đầu. Các sản phẩm này hiện nay đã có sẵn trên thị trường rất nhiều, ở các hiệu thuốc hoặc salon chuyên nghiệp,…
- Tìm mua các sản phẩm có chứa keratin – một loại protein tốt cho tóc
- Nếu có thể, hãy làm một mặt nạ protein từ sữa chua và trứng. Tùy theo độ dài của tóc mà điều chỉnh 2 nguyên liệu cho phù hợp. Để mặt nạ trong khoảng 30 phút, tiếp đó xả sạch bằng nước lạnh để loại bỏ hết mùi tanh của trứng.
- Thực hiện mỗi ngày trong tuần đầu tiên sau khi tẩy nếu tóc quá khô.
Vuốt tóc nhẹ nhàng, nhất là khi tóc ướt
Khi ướt, tóc rất yếu và dễ gãy. Do vậy mà khi mới gội đầu xong, bạn không nên dùng lược chải ngay mà phải đợi tóc khô rồi mới chải tiếp. Sau khi gội đầu, dùng khăn bông mềm lau khô nhẹ nhàng. Tránh chà xát hay vắt tóc quá mạnh khiến nó bị tổn thương và gãy rụng.
Nếu không có khăn bông mềm, một chiếc áo thun cũ cũng là sự lựa chọn tốt cho bạn.
Tỉa bỏ những phần tóc hư tổn
Đây là việc làm cần thiết mà bạn cần làm mỗi tháng dù tẩy tóc hay không. Tỉa tóc không chỉ giúp loại bỏ phần tóc khô xơ, chẻ ngọn mà còn kích thích mọc tóc, ngăn ngừa việc tóc hư tổn sẽ lan theo chân tóc.
Sử dụng dưỡng ẩm cho tóc
Đây là cách giúp phục hồi tóc hư tổn sau khi tẩy tốt nhất. Có thể sử dụng những sản phẩm chuyên dùng cho tóc tẩy hoặc tinh dầu dưỡng tóc từ các nguyên liệu tự nhiên.
- Một số loại dầu dưỡng hay dùng như dầu argan, dầu ô liu,…có khả năng dưỡng ẩm, bảo vệ tóc khỏi những tác nhân tổn hại đến tóc. Trước khi sử dụng, hãy làm nóng tinh dầu để giúp thẩm thấu được tốt hơn, ủ trong khoảng 20 phút và gội sạch.
- Mặt nạ ủ tóc phổ biến từ trứng giúp bổ sung amino acid và protein, tóc chắc khỏe tận sâu bên trong.
- Acid acetic có trong giấm táo có khả năng loại bỏ dầu thừa, một số hóa chất có hại cho tóc. Hỗn hợp 1 cốc nước và 2 thìa giấm táo thoa đều lên mái tóc khoảng 5 phút sau khi gội đầu giúp chăm sóc tóc hiệu quả.
Nếu bạn chưa biết cách dùng dầu dưỡng tóc thế nào cho đúng, bài viết cách dùng dầu dưỡng tóc sẽ hướng dẫn chi tiết nhất cho bạn.
3.2. Bảo vệ tóc khỏi bị hư tổn thêm
Bảo vệ tóc khỏi các yếu tố từ môi trường bên ngoài: ánh nắng mặt trời, khói bụi,…
Tóc tẩy rất dễ bị hư tổn sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt nếu bạn không cẩn thận với thời tiết nắng nóng của mùa hè thì còn khiến da đầu có thể bị cháy nắng. Do vậy, mỗi khi ra ngoài, hãy đội thêm mũ và đem theo ô che nắng.
Tránh dùng các thiết bị tạo kiểu bằng nhiệt hoặc xử lý tóc
Hóa chất mà những thợ dùng sau mỗi lần tẩy sẽ khiến tóc mất đi lượng dưỡng chất, dầu tự nhiên, trở nên hư tổn và nhanh khô hơn. Do vậy, nếu sử dụng máy sấy hay những thiết bị tạo kiểu như máy uốn, dập, duỗi,…sẽ khiến mái tóc nhanh bị khô, xơ, chẻ ngọn và hư tổn. Tốt nhất sau khi tẩy, bạn nên tránh xa những thiết bị tạo kiểu này để tránh mái tóc bị hư tổn, mất thời gian và kinh phí khi đến tiệm.
Để những kiểu tóc đơn giản
Do tóc tẩy rất yếu và dễ bị hư tổn nên hạn chế tạo kiểu và tránh chải mạnh khiến tóc bị uốn, gãy. Tốt nhất là thả tóc tự nhiên. Tuy nhiên, do thời tiết quá nóng bức hay do tính chất công việc, bạn không thể thả tóc, hãy buộc bằng chiếc kẹp tăm và không nên buộc quá chặt.
Dùng dây buộc tóc nhẹ nhàng, tránh để lại các vết hằn trên tóc. Các dây chun buộc chặt sẽ khiến tóc nhanh bị gãy rụng.
Trên đây là những cách chăm sóc và phục hồi dành riêng cho tóc tẩy khá phổ biến và được áp dụng rất nhiều. Bạn có thể theo dõi Duongtoc.com để cập nhật những kiến thức thú vị về tóc bạn nhé.
Xem thêm: Điểm danh 5 loại dầu gội chứa hương nhu phổ biến nhất hiện nay