iDesign | /viết một tay/ Street Art và những điều tích cực đem đến cộng đồng

Street Art (Nghệ thuật đường phố) từ khi hình thành luôn nhận phải nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mà phần đông trong số đó là những phản hồi tiêu cực. Liệu Street Art có thực sự tiêu cực như vậy?

Tìm hiểu một chút về Street Art, đây là bộ môn nghệ thuật mà trong đó người nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của mình ở trên đường phố, có thể là mảng tường trên tòa nhà, khu phố hay các tác phẩm được trưng bày ngay tại ngoài đường… và trong bài viết này nhân vật chính sẽ là những bức tranh tường đầy rực rỡ kia.

Nguồn gốc và những tranh cãi

Theo các tài liệu nghiên cứu, thì Street Art được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước tại các đường phố New York nơi sinh sống của những người da đen và latin, họ phát triển nền văn hóa đường phố, đưa nó thành biểu tượng để nói lên tiếng nói của những người bị coi thường trong xã hội (underdog) và sau này trở thành làn sóng trên toàn thế giới với tiêu biểu là văn hóa Hip-hop.

Tuy nhiên nghệ thuật đường phố đã len lỏi vào cuộc sống của con người từ rất lâu. Ở thế chiến thứ 2, các binh sĩ viết cụm từ “Kilroy was here !” (tạm dịch “Kilroy đã ở đây !” ) cùng với hình đầu người ló ra trên mỏm đá dọc khắp tuyến đường họ đi qua. Chỉ với một biểu tượng đơn giản ấy nó đã trở nên phổ biến như là cách những người lính kết nối với nhau trong thời kỳ khó khăn, xua tan cảm giác cô độc ở một đất nước xa lạ.

Một hình thức thể hiện rõ nhất mà chúng ta vẫn thường biết đến về nghệ thuật đường phố đó là Graffiti.

Vào những ngày đầu, những ‘tagger’ (người vẽ graffiti) là thành viên của các băng đảng đường phố, họ xem việc này là hành động đánh dấu lãnh thổ. Họ làm việc trong những nhóm gọi là ‘crews’, và gọi những gì mình đang làm là ‘writing’ (viết) – thuật ngữ ‘graffiti’ được sử dụng lần đầu bởi báo The New York Times và tiểu thuyết gia Norman Mailer. Các phòng triễn lãm New York bắt đầu mua graffiti vào đầu những năm 70. Cùng với lúc nó được xem là một loại hình nghệ thuật, thị trưởng New York – John Lindsay cũng có cuộc tuyên chiến đầu tiên với graffiti. Đến những năm 80, việc vẽ lên tàu điện mà không bị bắt trở nên khó khăn hơn, thay vào đó, rất nhiều nghệ sĩ graffiti bắt đầu sử dụng nóc của các tòa nhà và vải bạt để vẽ.

“Từ lâu chúng ta đã quen với việc hiểu lịch sử nghệ thuật là sự kế tục từ các thời kỳ… Nhưng luôn tồn tại một thứ gì đó nằm ngoài dòng chảy của lịch sử, một thứ nghệ thuật phóng túng, không đặt ở bảo tàng, nhà thờ, bộ sưu tập hay phòng trưng bày, mà chúng nằm ngoài đường phố.”

Johannes Stahl

Nhưng một số nhà nghiên cứu nghệ thuật lại cho rằng Street Art và Graffiti là hai loại hình tách biệt với nhau mặc dù chúng đều lấy văn hóa đường phố làm nguồn cảm hứng. Điều đầu tiên được chỉ ra đó là:

Công cụ

Với Graffiti, vật liệu duy nhất để hoàn thành một tác phẩm đó là bình sơn xịt, nhưng với Street Art người nghệ sĩ phải dùng nhiều dụng cụ hơn thế, bên cạnh những bình sơn xịt là màu vẽ, sơn nước, bút, cọ…

Nội dung và cách thể hiện

Các tác phẩm Street Art sau khi hoàn thành luôn mang đến một nội dung cụ thể dành cho người xem, đó là câu chuyện về cuộc sống hiện nay, những vấn đề xã hội hay một thông điệp tích cực… Còn Graffiti đôi khi chỉ là cảm xúc ngẫu hứng của tác giả và họ muốn thể hiện điều đó ngay tại thời điểm ấy và chúng thường là những hình chữ đặc trưng của văn hóa Hip-hop. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Graffiti không bao giờ lộ tên thật của mình trên các tác phẩm, thay vào đó là những nickname do mình nghĩ ra.

Đến nay, cuộc tranh luận về việc Graffiti là nghệ thuật hay hành động phá hoại các công trình văn hóa vẫn đang diễn ra. Mặc dù vậy với bản thân mình, Graffiti luôn là bộ phận không thể tách rời khỏi Nghệ thuật đường phố. Những nghệ sĩ đang viết thêm một phần lịch sử nghệ thuật của thời đại bây giờ, đó là tiếng nói – ngôn ngữ, quan điểm, và cũng là nơi để giãi bày, đưa lối thoát cho cảm xúc của con người. Còn với bạn, bạn nghĩ sao về sự phân biệt này, hãy để lại những suy nghĩ của mình ở phần comment nhé.

Street Art ở khắp nơi và tiếng nói của những cộng đồng yếm thế

Chủ đề liên quan:

  • Alexander Isakov: Tranh tường là kết nối giữa con người địa phương và nghệ thuật

Street Art trên thế giới

Nhưng với các vấn đề cấp thiết của xã hội, Street Art/Graffiti vẫn luôn là “cánh tay đắc lực” để gửi đi những thông điệp ý nghĩa. Sự kiện Black Lives Matter diễn ra hồi năm nay là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Lên án sự phân biệt chủng tộc, những hành động bất công của xã hội Mỹ với người da đen và ở đây Street Art là một công cụ vô cùng sắc bén giúp cho thông điệp ấy được truyền đi mạnh mẽ, lan tỏa khắp trên thế giới.

Banksy, người nghệ sĩ giấu mặt, đứng đằng sau hàng loạt các tác phẩm đường phố nổi tiếng, châm biếm những vấn đề nhức nhối đang diễn ra trong xã hội hiện tại, đưa cái nhìn thâm thúy đến mọi tầng lớp trong xã hội.


Chúng ta cùng dạo quanh một vòng khám phá xem, nhịp sống của Nghệ Thuật Đường Phố trên thế giới đã, đang diễn ra như thế nào, để cùng bóc tách xem Street Art đã mang đến những điều tích cực nào nhé!

Petite Chronique Sociale – RNST – Dijon, Pháp
Artez – Belgrade, Serbia
Adri Growing Up – David Esteban – Tây Ban Nha

Những bức tranh tường được thực hiện trong mùa dịch Covid-19
TELMO MIEL – Thụy Điển
Hồng Kông
Singapore

Vancouver Mural Festival 2020

Việt Nam và những tiếng vang của Street Art

Trở về Việt Nam, vẽ tường bắt đầu được biết đến từ đầu những năm 2000, khi văn hóa Hip-hop bắt đầu du nhập và gây được sự chú ý từ giới trẻ bấy giờ. Nhưng khi tách khỏi bối cảnh văn hóa gốc, môn nghệ thuật này phần nào cũng có những thay đổi, xa rời với ý nghĩa ban đầu được hình thành. Bối cảnh Việt Nam khiến các artist khó lòng vẽ lên tiếng nói cá nhân về các vấn đề chính trị, xã hội hơn. Đồng thời khi được giới trẻ tiếp nhận, nó chỉ còn là chiếc vỏ bọc mang danh ‘vẽ’ đối với người chơi và ‘vẽ bậy’ đối với người xem. ‘Thông điệp’ và ‘tiếng nói’ – vốn là những phần quan trọng nhất của một tác phẩm Street Art không còn được nhìn nhận đúng với giá trị của nó.

Phùng Hưng, Hà Nội

Tuy nhiên sau một thời gian dài du nhập và phát triển, vẫn có rất nhiều những dự án đang góp phần gây dựng nên những điều tốt đẹp và ý nghĩa. Cùng iDesign điểm qua một chút nhé!

Dự án Tô Đậm là nét vẽ đầy rực rỡ cho Street Art Việt Nam, với tinh thần mang tranh tường – tiếng nói được vẽ bởi các artist Việt Nam tới những nơi có số phận đặc biệt, đưa nghệ thuật len lỏi đến những vùng xa xôi.

Trải qua 5 mùa với nhiều kỷ niệm, Tô Đậm đã đem màu sắc tươi vui đến khắp các trường học, đưa lũ trẻ đến một không gian hoàn toàn mới lạ và đầy ước mộng, biến những mảng tường trắng đơn sơ, thô kệch trở thành thế giới của điều kỳ thú. Với Tô Đậm phần thưởng giá trị nhất mà họ nhận được là niềm vui của người dân tại mỗi nơi dự án này ghé thăm và ánh mắt sáng lên đầy hứng khởi của những đứa trẻ khi thấy ngôi trường của mình khoác lên bộ áo mới.

Một dự án cũng tạo nên tiếng vang lớn cho cộng đồng là Làng Bích Họa ở Tam Thanh, Quảng Nam. Dự án Làng Bích Họa bắt đầu thực hiện vào năm 2016, nằm trong dự án Mỹ Thuật Cộng Đồng của Hàn Quốc, và được vẽ nên bởi các họa sĩ, tình nguyện viên của cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc.

Điểm đặc biệt ở chỗ, các bức tranh tường ấy đều phác họa lại cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây và nhân vật chính trong bức họa là thành viên của ngôi nhà được vẽ. Không chỉ thay đổi quang cảnh nơi đây, biến ngôi làng trở nên sinh động, đầy màu sắc hơn mà những bức tranh tường còn đem đến nhiều điều ý nghĩa cho người dân.


Một cái tên nổi bật khi nhắc đến nghệ thuật đường phố Việt Nam mà hầu như ai cũng biết đó là Việt Max, đầu năm 2020 anh đã tạo nên một thông điệp Tết vô cùng ý nghĩa “Đừng viện cớ. Hãy có mặt”. Chia sẻ với Luxuo anh cho biết: “Tôi nhận ra nhiều người xung quanh mình, ngay cả bản thân tôi, ngày càng có tâm lý ‘ngại Tết’; ngại đi chúc Tết, ngại ăn cỗ, ngại gặp gỡ họ hàng, ngại những câu chuyện xã giao vô thưởng vô phạt… tất cả khiến việc sum họp ngày Tết mất đi ý nghĩa đẹp đẽ vốn có mà dần trở thành một thứ thủ tục, mọi người thường viện hết cớ này đến cớ nọ để né tránh.”. Anh muốn mọi người gạt bỏ đi những điều đó và tận hưởng đúng giá trị thuần túy của Tết đó là đoàn viên bên gia đình.

Vậy điều tích cực của Street Art là gì?

Đặt cho mình một tâm thế cởi mở, nhìn nhận ở một góc độ khách quan, chúng ta sẽ thấy, Street Art đã đem đến rất nhiều điều tích cực cho cộng đồng và xã hội hiện nay.

1. Đưa nghệ thuật tiếp cận đến nhiều người, nhiều tầng lớp khác nhau.

Không ngoa khi nói con người ảnh hưởng rất nhiều từ đường phố: tác phong, kỹ năng cho đến văn hóa, vì đây là môi trường chúng ta tiếp xúc hằng ngày, học hỏi mọi thứ một cách gián tiếp thông qua đôi mắt. Nhiều người cho rằng, việc đem nghệ thuật ra đường phố là giảm đi giá trị của nghệ thuật, mất đi vị thế của bộ môn này. Thành thực mà nói, chính nhờ những tác phẩm nghệ thuật đường phố, công chúng mới có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với nghệ thuật, từ đó hiểu thêm về nó và nghiên cứu sâu hơn.

2. Truyền tải thông điệp

Công cụ hữu hiệu để chúng ta truyền đi những suy nghĩ, ý tưởng, kêu gọi những điều tốt đẹp hay nói lên tiếng nói của bản thân về những vấn đề nổi cộm trong xã hội.

3. Tạo nên hiệu ứng thị giác bắt mắt

Sẽ là điểm nhấn có một không hai khi những bức tranh xuất hiện tại các mảng tường lớn trong thành phố. Với màu sắc rực rỡ, tươi sáng không chỉ tạo nên cảm giác thân thiện mà đem đến sự chú ý dành cho mọi người, đem đến bộ mặt mới cho khu đô thị và tòa nhà.

Berlin Mural Festival 2019

4. Lan tỏa văn hóa

Một cách dễ dàng để giới thiệu văn hóa, những giá trị bản sắc đến những người bạn hay vùng đất mới. Xuất phát điểm của Street Art ban đầu được người ta dùng để đánh dấu lãnh thổ, và trong thời đại tân tiến như hiện nay, không chỉ dừng lại ở mục đích đó, nó còn góp phần gìn giữ và phát triển những nét đẹp của truyền thống.

5. Sáng tạo – Tự do

Nghệ Thuật Đường Phố giúp bạn thể hiện cái tôi của mình, tiếng nói của bản thân tới cộng đồng. Không những vậy, nó cũng một cách để con người giải phóng đi những nguồn năng lượng tiêu cực mà mình nhận được trong cuộc sống hằng ngày.

6. Kết nối cộng đồng

Đến thời điểm hiện tại, Nghệ Thuật Đường Phố không còn là những nhóm nhỏ hoạt động tự phát nữa, các cộng đồng lớn nhỏ đã hình thành và đang phát triển. Chính đây cũng là một môi trường tích cực để mỗi người chia sẻ thế giới quan của riêng mình và học hỏi những điều mới mẻ từ những người xung quanh.

7. Thương hiệu toàn cầu

Văn hóa đường phố đang có sức hút mạnh mẽ đến những người trẻ, định hình nên phong cách và lối sống. Nắm bắt được điều này rất nhiều hãng thời trang, thiết kế,…. nổi tiếng trên thế giới hợp tác cùng các nghệ sĩ đường phố cho ra đời những sản phẩm có sức hút toàn cầu. Có thể kể đến như KAWS x Uniqlo, Keith Haring x Swatch, Cleon Peterson x HUF,…

Lời kết

Ranh giới Nghệ Thuật Đường Phố – Street Art được thừa nhận đôi khi rất mong manh và phần quan trọng nằm ở sự cho phép. Nếu không được cho phép thì nó sẽ bị coi là phá hoại. Vậy nên những người đang hoạt động nghệ thuật đường phố rất cần một sân chơi tốt để họ phát huy hết khả năng của mình và từ đó đem những điều ý nghĩa nhất tới cộng đồng.

Người viết: Hoàng
Ảnh: Internet

Rate this post

Viết một bình luận