Còn một bên khác coi việc can thiệp vào vấn đề trang phục của sinh viên là “xâm phạm quyền tự do lựa chọn của cá nhân”. Giới chức đại học dường như thiên về một giải pháp trung hòa là trở lại chế độ đồng phục đối với sinh viên đại học.
Thời Saddam Hussein, Iraq có một chế độ quy định trang phục trong học sinh – sinh viên thật khác thường: học sinh phổ thông được tự do, còn sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề đều phải mặc đồng phục.
Quy định này dựa trên lý giải rằng đồng phục trong sinh viên sẽ xóa đi biểu hiện phân biệt giàu nghèo rõ rệt giữa các bạn đồng học; trong khi sinh viên là những người đã đủ nhận thức về chênh lệch giàu nghèo qua những biểu hiện cụ thể. Còn học sinh phổ thông được tùy thích sử dụng trang phục đến trường, vì lứa tuổi này được coi là vẫn vô tư, không bị mặc cảm tâm lý về sự phân biệt giàu nghèo. Đồng phục sinh viên thời ấy thống nhất trong toàn quốc Iraq là áo thuần màu trắng và quần (hoặc váy) màu xám nhạt (màu ghi).
Đến năm 1992, chế độ đồng phục trong sinh viên được bãi bỏ, do hậu quả của cấm vận kinh tế quốc tế áp đặt lên Iraq khi ấy, khiến người dân nước này nói chung rơi vào tình trạng không thể trang trải những nhu cầu thiết yếu của đời sống hằng ngày.
Cũng từ đó, hiện tượng thể hiện giàu nghèo có dịp tái hiện trong khuôn viên đại học. Một số ít sinh viên con nhà khá giả đến trường trong những bộ thời trang hàng hiệu sang trọng và đắt tiền. Có những sinh viên mặc bộ đồ Jeen tới 250.000 dina hoặc một áo khoác bằng da mua tới nửa triệu dina; trong khi một bộ đồng phục văn phòng loại thường chỉ 5.000 dina. Ngược lại, đại bộ phận bạn cùng học của họ đang phải chống chọi với mọi thiếu thốn, chỉ có vài bộ áo quần xuềnh xoàng để đến trường.
Bộ mặt nghèo khó của xã hội Iraq nói chung và trong khuôn viên đại học nói riêng hiện nay đã được cải thiện rõ rệt. Cùng với tình hình an ninh được vãn hồi về căn bản, nền kinh tế nước này cũng dần trở lại ổn định và bắt đầu khởi sắc. Đời sống của người dân khá lên trông thấy, nhất là ở các thành phố, thị xã. Lại xuất hiện nhiều sinh viên đến trường trong những bộ trang phục kiểu mới nhất của các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới nhưng với giá thấp hơn nhiều so với ở nước ngoài, bởi Iraq chưa áp dụng chế độ thuế. Những sinh viên con nhà giàu này có bộ dạng thật khác biệt với số đông bạn cùng học của họ.
Một giáo sư đại học cho rằng hiện tượng sinh viên đến trường như những người mẫu thời trang đang trở thành “một vấn đề”, làm phức tạp thêm môi trường đại học vốn đã chịu những nan giải khác như chính trị hóa và tranh giành giữa các phe phái, dòng tôn giáo.