Tóm tắt câu hỏi: Khai sinh cho con khi mẹ mới 16 tuổi
Xin chào luật sư, tôi có câu hỏi mong luật sư giải đáp: Cháu gái tôi năm nay 16 tuổi (tên là Nguyễn Hồng A), thường xuyên bị bố dượng bạo lực gia đình. A muốn được chung sống hoặc kết hôn với bạn trai của mình để không phải sống trong gia đình với bố dượng nữa. Hiện tại A đang có thai được 04 tháng. Nếu sinh con thì A muốn hỏi về việc đăng ký khai sinh cho con? A có thể kết hôn với bạn trai không? Nếu không thì cần giải quyết như thế nào?
Mong sớm nhận được tư vấn của luật sư, tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu của mình đến công ty TNHH tư vấn PhamLaw, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Luật Hộ tịch 2014
Luật trẻ em năm 2016
2. Luật sư tư vấn
Theo như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, A năm nay 16 tuổi, do đó, nếu A chung sống với bạn trai thì sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của A.
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, cụ thể là Điều 8 Luật hôn nhân gia đình
2014 quy định về điều kiện kết hôn trong đó có quy định về độ tuổi được kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên (kể từ sinh nhật lần thứ 18), theo đó A 16 tuổi không đủ độ tuổi để kết hôn vì vậy A không thể kết hôn. Nếu cố tình tiến hành kết hôn trái pháp luật thì A có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP và Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Và ngoài ra nếu A chung sống với bạn trai thì sẽ không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng và rất nhiều quyền lợi của A không được đảm bảo.
Thứ hai, về việc A muốn rời xa gia đình sống chung với bạn trai bởi người cha dượng dùng bạo lực với A. Hướng giải pháp cho A không nên chung sống hoặc kết hôn trái pháp luật với bạn trai mà có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực của bố dượng cũng như bảo đảm sức khỏe, danh dự quyền lợi của A; hoặc A có thể lựa chọn biện pháp ở nhà người quen nếu có những điều kiện hợp lý,…
Thứ ba, về việc đăng kí giấy khai sinh cho con của A sinh ra:
Mặc dù A chưa đủ tuổi kết hôn nhưng con của A vẫn có quyền được đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em 2016 về quyền được khai sinh và có quốc tịch. Dựa theo Điều 16 Luật hộ tịch 2014, thủ tục đăng ký khai sinh cho con A được thực hiện như đăng ký khai sinh thông thường. Trường hợp A muốn ghi tên bố của đứa bé vào trong giấy khai sinh phải làm thủ tục nhận cha con tại cơ quan hộ tịch cấp xã.
Tuy nhiên, giữa A và bố đứa trẻ chưa tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 nên con của A sẽ là con ngoài giá thú. Vì vậy, nếu muốn ghi tên bố trong giấy khai sinh của cháu bé thì phải làm thủ tục nhận cha con tại cơ quan hộ tịch cấp xã, nếu thấy việc nhận con là đúng quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Về thủ tục đăng kí khai sinh cho cháu bé con A được thực hiện như việc đăng ký khai sinh thông thường được quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, cụ thể như sau:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2.Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh…”
Trên đây là câu trả lời của Phạm law đối với trường hợp của bạn, nếu còn những vướng mắc bạn vui lòng kết nối đến Phạm Law để được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.
Trân trọng./.
3.5