Khám phá Chichén Itzá – cái nôi khởi sinh văn minh của người Maya cổ đại

Văn hóa và con người Maya từ lâu đã thu hút sự tò mò của đa phần du khách trên thế giới bởi sự bí ẩn. Trước khi chỉ còn lại những chứng tích, văn minh Maya đã từng có một thời kỳ huy hoàng vào thời kỳ Tiền cổ điển và Cổ điển. Vào thế kỷ XVI, Đế quốc Tây Ban Nha tiến vào vùng Trung bộ Châu Mỹ, mở cuộc chiến xâm lược và phá hủy các tòa thành Maya. Noj Petén là đô thị Maya cuối cùng, sụp đổ vào năm 1697. Vào thời đại lúc bấy giờ, người Maya chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông Nam Mexico, toàn bộ vùng Guatemala, Belize, phía Tây Honduras và El Salvador. Thành phố Chichén Itzá ở Mexico từng được xem là trung tâm văn hóa của những bộ lạc người Maya. Trong bài viết này, mời bạn đọc hãy cùng WOWWEEKEND chiêm ngưỡng vẻ đẹp về sự độc đáo và bí ẩn của những tàn tích ở Chichén Itzá – nơi lưu dấu nền văn minh rực rỡ của nhân loại!

Tản mạn về Chichén Itzá

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người Itzá

Vào thời kỳ đỉnh cao, Chichén Itzá là nơi tập trung và sinh sống của hơn 35.000 người Maya. (Ảnh: Trekkmarket.com)

Chichén Itzá là thành phố nơi người Maya sinh sống từ khoảng năm 550 đến năm 1200 CN. Trong tiếng Maya, Chichén Itzá có nghĩa là “miệng giếng của người Itzá”. Theo vị trí địa lý, khu vực này nằm trong vùng khô hạn của Trung Mỹ, nguồn nước chủ yếu được lấy về từ các hang động trong núi đá nham thạch lân cận, đó là lý do người Maya lấy tên Chichén Itzá để đặt tên cho quần thể tòa thành này. Nghiên cứu về nền văn minh này, các nhà khảo cổ học đã đưa ra giả thiết về khu vực ”địa lý linh thiêng”, là lý do khiến người Maya xây dựng nên Chichén Itzá. 

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người Itzá

Ảnh: Shutterstock

Theo các nhà khảo cổ, giữa các cảnh quan bên dưới mặt đất và các công trình xây dựng của người Maya đều có một mối tương quan mật thiết. Do đó, các công trình của người Maya luôn được xây dựng gần hoặc ngay trên các hang động, đường hầm hoặc cenotes (hố sụt tự nhiên). Theo quan niệm của người Maya, các hang động là nơi bóng tối vĩnh cửu ngự trị, đồng thời cũng là nơi sinh sống của thần linh, cụ thể là Chaak – vị thần ban mưa. Nếu không duy trì được sự cân bằng giữa chúng, bất họa và tai ương có thể xảy đến với họ. Ngược lại, sự giàu có về đất đai, mùa màng và những cơn mưa sẽ được thần ban tặng cho người Maya nếu họ biết “phép tắc”. 

Những điều đặc biệt chỉ có ở Chichén Itzá

Kim tự tháp Kukulkan

Tại Chichén Itzá, kim tự tháp Kukulkan (El Castillo) được biết đến là nơi nổi tiếng và thiêng liêng nhất. Kukulkan không chỉ là ngôi đền thờ thần rắn linh thiêng mà còn là trung tâm đài thiên văn của người Maya cổ đại. Kim tự tháp có chiều cao 24 mét, trên đỉnh Kukulkan xây dựng một ngôi đền cao 6 mét với bốn mặt đối xứng, mỗi bên có 91 bậc thang, cộng với phần đàn tế ở đỉnh tháp là 365 bậc tượng trưng cho các ngày trong năm; 52 phiến đá làm nên kim tự tháp biểu hiện cho vòng luân chuyển 52 năm theo lịch Maya. Chính kích thước tuyệt đối này tạo nên sự khác biệt của kim tự tháp Kukulkan so với các địa điểm khảo cổ khác trong khu vực. Sau nhiều năm nghiên cứu và tìm tòi, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một miệng giếng tự nhiên nằm ở cầu thang chính phía Tây Bắc của đền, đồng thời phát hiện ra văn hóa đời sống tâm linh của người Maya cổ đại. 

Ngôi đền của các chiến binh

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người Itzá
Chichén Itzá là vùng đất kì lạ và nhiều bí ẩn, đồng thời là một trong những địa điểm còn sót lại tàn tích của người Maya cổ. (Ảnh: Amazon.com)

Ngôi đền của các chiến binh (Temple of the Warriors) nằm ở hai bên về phía Nam và phía Tây khu vực trung tâm. Cấu trúc đền gồm một kim tự tháp và một hàng cột lớn được chạm khắc tinh xảo biểu trưng cho hình ảnh của những chiến binh Maya.

Sân bóng

Theo quan niệm của người Maya cổ, những trận đấu bóng đá sẽ được diễn ra trong các sự kiện trọng đại, như lễ cầu mưa. Hai đội tham gia sẽ tượng trưng cho sự đối đầu của các vị thần trên trời và các vị thần dưới lòng đất, quả bóng được làm bằng cao su cứng và nặng khoảng 8lbs (4kg) là biểu tượng của mặt trời. Khi thi đấu, người chơi chỉ có thể chạm hông và đùi vào quả bóng. Ngoài ra, tích cũ còn kể lại rằng một trong hai đội sẽ hy sinh sau trận đấu – mặc dù vẫn chưa xác định được đó là đội thắng hay đội thua. 

El Caracol

Được gọi là “The Snail” do hình dạng xoắn ốc bên trong. Đây được xem là một đài quan sát thiên văn của tiền nhân Maya. Các lỗ hở trên tường và mái vòm của nó hướng về phía Sao Kim và thẳng hàng với các ngôi sao nhất định vào những ngày cụ thể là ngày Xuân phân và Thu phân. Đặc biệt tại đây, người Maya thực hiện các quan sát các hiện tượng thiên văn mà không cần bất kỳ loại thiết bị nào.

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người ItzáẢnh: Shutterstock

Sacred Cenote 

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người Itzá
”Giếng thần” bên dưới kim tự tháp – nơi diễn ra những nghi thức tàn ác nhất của người Maya cổ đại. (Ảnh: Pando Trip)

Sacred Cenote (giếng sâu tự nhiên) được cho là cánh cửa thông với thế giới thần linh của người Maya cổ. Đối với tiền nhân Maya, nước kết nối cuộc sống với thế giới tâm linh. Các miệng giếng cũng là nơi diễn ra nghi thức cúng tế thần linh. Theo các văn bản cổ đại của người Maya, tình trạng hạn hán là sự trách phạt của thủy thần. Để xua tan cơn thịnh nộ của thần, người Maya phải tìm một cô gái đồng trinh để tế thần. Người xưa quan niệm rằng, cô gái khi được vứt xuống giếng sẽ trở thành người hầu của thủy thần, được ăn ngon mặc đẹp và tận hưởng cuộc sống an nhàn. Do đó, nơi đây được xem là nghĩa trang dưới nước khi đã nhấn chìm biết bao sinh mệnh của các cô gái trẻ. 

Mối liên hệ của Chichén Itzá với tâm linh và thiên văn học

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người Itzá
Ngày nay, Chichén Itzá là một trong những địa điểm thu hút du lịch nổi tiếng nhất Mexico. (Ảnh: My Modern Met)

Đền Kukulkan mang tên vị thần chính của người Maya – thần rắn. Theo nhiều giai thoại cũ, thần rắn Kukulkan là một con rắn lông vũ ngự trị trong hang động trước khi nổi lên trong một trận động đất. Do đó, việc xây dựng đền thờ thần Kukulkan trên đỉnh tháp như một phần tín ngưỡng tôn giáo của người Maya. Ngôi đền được thiết kế đặc biệt, vào những ngày Xuân phân và Thu phân, ánh nắng của mặt trời lúc hoàng hôn khiến bóng của đền thờ đổ xuống kim tự tháp, tạo ra hình ảnh của một con rắn lớn đang trườn xuống. Đây có lẽ là điều bí ẩn và độc đáo nhất trong kiến trúc cũng như quan niệm của người Maya. 

Lập kế hoạch cho chuyến đi đến Chichén Itzá

Sau thông báo tạm đóng cửa do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 vào hồi đầu năm, khu di tích đã hoạt động trở lại vào tháng Chín vừa qua. Song, để đảm bảo sự an toàn về tình trạng sức khỏe của du khách, nhà chức trách Mexico đã đưa ra quyết định chỉ cho phép các khu vực di tích cổ được hoạt động với 30% công suất. Cùng đó, chỉ một lượng du khách nhất định được phép ghé thăm khu du lịch trong ngày. Tất cả du khách khi tham quan cần phải thực hiện các biện pháp an toàn như đo thân nhiệt trước khi vào khu vực tham quan, luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn và giữ khoảng cách tối thiểu 1,4 mét. 

Maya, Chichén Itzá, miệng giếng của người ItzáẢnh: Shutterstock

Nếu muốn ghé thăm vùng đất đầy sự bí ẩn và linh thiêng này vào năm 2021, bạn nên lên kế hoạch và thực hiện chuyến đi vào ngày 21/3 hoặc 22/9 trong năm. Đây là hai mốc thời gian hoàn hảo giúp bạn có thể tận mắt chiêm ngắm hình ảnh tuyệt vời của hiện tượng ”thần rắn đi xuống” theo lời thuật trên. Ngoài ra, đến Chichén Itzá vào khoảng từ tháng Mười một đến tháng Một, thời tiết sẽ đỡ khắc nghiệt hơn.

Chichén Itzá trở thành địa điểm du lịch từ hơn một thế kỷ tính đến thời điểm hiện tại kể từ khi tác giả người Mỹ John Lloyd Stephens phát hành cuốn sách mang tên “Incidents of Travel in Yucatan” vào năm 1843. Vào năm 1988, địa điểm này cũng được Unesco công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Vào tháng 7/2007, Chichén Itzá được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới càng thu hút sự quan tâm của du khách khắp nơi trên thế giới. Nếu có cơ hội, hãy dành một chuyến ghé thăm Chichén Itzá để khám phá vẻ đẹp cũng như văn hóa, kiến trúc của người Maya xưa nhé!

Lược dịch từ lonelyplanet.com

Rate this post

Viết một bình luận