Dĩ nhiên sự sống không im lặng, vì trong thẳm sâu một sự im lặng nào đó như một cái bàn, một cái ghế, một thanh sắt, một ngôi nhà, một ngọn núi… luôn là những vận động tế vi của cả trăm ngàn các nguyên tử, phân tử khác nhau. Chính những vận động nguyên tử ấy, chính những sự cựa quậy bé nhỏ nhưng hữu ích và kỳ diệu ấy đã làm nên bản chất của sự sống.
Con người chúng ta càng không im lặng, vì ngay cả khi trái tim con người ngừng đập dường như vẫn còn một vận – động – sống nào đó ở một cõi bờ nào đó mà hiện nay chúng ta vẫn chưa thể thấu hiểu rõ ràng. Xã hội chúng ta càng không im lặng, vì xã hội được tạo nên bởi những sợi dây vận động chằng chéo khác nhau của những con người, “thể loại” người khác nhau.
Mà xã hội hiện đại này – nơi mà tiếng gào thét chết chóc của những đoàn người nhập cư vào châu Âu vừa cứa lên trái tim chúng ta một nỗi đau khôn cùng, nơi mà tiếng không kích của nhiều thế lực, nhiều tập đoàn trên “bầu trời IS” khiến chúng ta thấy bối rối trong việc đi tìm bản chất thật của một cuộc chiến tranh… càng không thể nào im lặng.
Những gì xảy ra ngay quanh chúng ta thôi – ở một Hà Nội, một Sài Gòn… bé nhỏ nhưng đầy ắp bon chen: một tiếng động cơ xe, một tiếng cười cợt trên sân khấu, một tiếng khóc rên rỉ trong bệnh viện…, tất cả đều nhắc nhở chúng ta về một sự vận động tổng hợp làm nên sự sống. Sự vận động mà chúng ta hy vọng là tích cực, từ đó tạo ra một sự sống tích cực, để rồi nhiều lúc chính hy vọng đó, chính vận – động – hy – vọng đó lại dẫn chúng ta đến một hố sâu của sự tủi thân và lầm lạc.
Giữa một bản chất vận động mọi nơi, mọi chốn, mọi ngõ ngách và mọi chiều kích như thế, làm gì có chỗ cho sự tồn tại của im lặng. Thế thì cái title bài này – “Khi nào chúng ta im lặng?” phải chăng là vô lý?
Không, khái niệm im lặng ở đây nên hiểu một cách tương đối, khi chúng ta đặt một sự vật, hiện tượng bên cạnh những sự vật, hiện tượng khác xung quanh nó. Trên con đường tấp nập ngoài kia, trong sự đối chiếu với những dòng xe – những dòng người không ngừng chuyển động thì một hàng cây, một mặt hồ đang sở hữu sự im lặng tương đối ấy.
Ở giữa chốn quan trường phức tạp với đầy rẫy những khát vọng về quyền lực và chức tước, một ai đó vẫn giữ được sự điềm nhiên tĩnh tại về đầu óc thì người đó cũng đang sở hữu sự im lặng tương đối ấy. Hay đơn giản nhất, khi tất cả mọi người trong một phòng họp cùng nói, cùng gào thét, cùng tranh đoạt nhưng riêng bạn không nói, không tranh đoạt thì bạn cũng đang sở hữu một sự im lặng tương đối của riêng mình.
Vậy thì khi nào chúng ta im lặng?
Với câu hỏi này, không hiểu sao tôi nghĩ ngay đến cảnh một anh chàng to béo phốp pháp nào đó đang ngồi trước một mâm cơm toàn thịt là thịt. Anh cho miếng thịt đầu tiên vào miệng, nhưng miếng thịt quá nhỏ bé với cái miệng toang hoác – cái miệng vô đáy của anh. Thế là anh cho miếng thịt thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm…, đến mức cả mồm anh ngập ngụa, bầy nhầy thịt. Anh nhọc nhằn nhai cả một ổ thịt đầy ặc trong mồm.
Đúng lúc ấy cái tivi trước mặt chiếu một cảnh phim hài, khiến tất cả mọi người quanh anh đều cười sung sướng. Anh cũng muốn cười, nhưng cái mồm đầy thịt không cho anh cười. Thậm chí anh cố ú ớ, khục khặc cũng không được, vì nói như dân gian là “miếng thịt nó rịt cái miệng” mất rồi. Và như thế có rất nhiều sự im lặng không đến từ việc người ta quả nhiên muốn im lặng, mà đến từ việc những miếng thịt đã lấp mồm, lấp miệng đến mức người ta không thể phát ra âm thanh nữa.
Im lặng kiểu này đáng khinh, đáng giận, đáng ghét hay đáng thương? Tuỳ bạn, tôi tuyệt đối không dám định hướng, phán xét gì. Chỉ xin lưu ý, tình trạng thịt cá ở ta hiện giờ không đảm bảo. Ăn nhiều, ăn vô tội vạ vừa dễ bị bệnh gout, vừa dễ ung thư, chết bất đắc kỳ tử lúc nào không hay. Vậy nên nếu là người thích ăn thịt, và sẵn sàng im lặng khi được ai đó lấp thịt vào mồm thì xin bạn hãy kiểm tra chất lượng thịt thật kỹ và… ăn cho kỹ.
Bên cạnh kiểu im lặng vì… miếng thịt, nghĩa là một kiểu im lặng rất phàm tục còn có những kiểu im lặng rất bác học. Hãy tưởng tượng nhé: Arsistot bảo: “Mặt trời quay quanh trái đất”, và quan điểm của Aristot được giáo hội cổ đại tôn sùng. Nhưng một ngày kia Galile phát hiện ra: “Không phải! Trái đất quay quanh mặt trời và quay quanh chính nó”.
Galile biết rõ như thế, nhưng đồng thời cũng biết: Nếu mình nói ra, giáo hội sẽ xử tội, lại biết thêm rằng “một cánh én chẳng làm nổi mùa xuân” – câu nói phổ biến của người Việt Nam. Thế là Galile im lặng, chỉ giữ chân lý cho riêng mình. Giả dụ nếu lịch sử diễn ra theo cách này thì sẽ ra sao nhỉ? Thì chắc chắn thế giới đã không như ngày hôm nay, hoặc còn rất lâu nữa mới được như ngày hôm nay.
Vượt lên trên sự đe doạ bẩn thỉu của giáo hội, vượt lên trên sự chà đạp xấu xa của cường quyền, Galile không chịu im lặng, mà luôn luôn, một mực nói ra cái đúng. Hình ảnh Galile trước khi chết vẫn cố nói câu: “Dẫu sao trái đất vẫn quay quanh chính nó!” để lại cho hậu thế một bài học lớn về sự KHÔNG IM LẶNG của chân lý và của những người tạo ra chân lý.
Trong đời thường, chắc chắn bạn đã hoặc sẽ nhìn thấy những “hình bóng Galile” đâu đó quanh mình, nhưng khác với Galile, những “hình bóng” này vì một nỗi sợ trên dưới, xa xôi nào đó thường không nói ra điều mình nghĩ, mình tin mà lại chọn cách phản ứng duy nhất là im lặng. Im lặng kiểu này hẳn nhiên bác học hơn, sang trọng hơn, cao đạo hơn kiểu “im lặng miếng thịt” đã kể ở trên, nhưng nó có ích cho đời sống hay không thì ai cũng hiểu.
Liên quan đến sự im lặng cao đạo này có một câu chuyện mà tôi vô tình đọc được trên facebook của một người bạn, đại loại: Cùng đứng trước câu hỏi: “Bốn nhân bốn bằng mấy?”, người A trả lời là “16”, người B trả lời là “15”. Hai người cãi nhau ỏm tỏi không sao hạ hồi phân giải, nên quyết đem nhau ra toà. Cuối cùng quan toà quyết định bắt người A vào tù và thả người B ra về. Đến lúc cả công đường ngơ ngác không biết tại sao thì quan toà mới ôn tồn giải thích: dĩ nhiên ông A giỏi, ông B ngu. Nhưng ông A sai vì đã đi cãi lý với một thằng ngu, nên phải xử phạt cho tỉnh ngộ. Còn ông B ngu quá, hãy cứ thả ra đời, cho đời nó dạy, rồi sẽ sáng mắt ra.
Câu chuyện vui này ngầm mách bảo chúng ta một bài học: Trước một kẻ ngu nào đó, bất luận đang ngồi dưới chân hay đang ngự trên đầu mình, chúng ta nên tuyệt đối im lặng. Nhưng ngẫm ra im lặng theo kiểu “tự sướng” này có đẩy chúng ta vào chỗ cực đoan, cô độc thái quá – mầm mống làm nảy sinh những bệnh lý tinh thần hay không?
Chuyện kể rằng, trong cuộc đời mình, rất nhiều lần Đức Phật đã sử dụng hình thức thuyết pháp vô ngôn, chẳng hạn như ở núi Linh Sơn, khi người cầm một cành hoa sen, rồi lặng lẽ mỉm cười, khiến các đệ tử ngơ ngác không hiểu điều gì đang xảy ra. Duy chỉ có Ma Ha Ca Diếp bình tĩnh nhìn vào cành hoa rồi cũng mỉm cười trở lại. Lập tức Phật tuyên bố: “Ta có chánh pháp vô thượng trao cho Ma Ha Ca Diếp. Ca Diếp là chỗ dựa lớn nhất cho mọi người”.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta một điều: Ngôn ngữ nói riêng và hình thức nói chung bất lực trong việc mô tả bản chất của một sự vật, cho dù đó chỉ là một sự vật bé nhỏ khiêm nhường như một cành hoa. Ở đỉnh cao của nhận thức, ở đỉnh cao của sự đốn ngộ, con người không cần ngôn ngữ nói, mà chỉ cần một cái cười mỉm, một sự trực chỉ nhân tâm là có thể đối thoại với nhau và cảm thấu bản chất của một sự vật hiện tượng trong trời đất. Ở Việt Nam, vào thời nhà Lê, thiền sư Chân Nguyên đã làm một bài kệ tuyệt hay để nói về sự lặng lẽ vô ngôn, sự đối diện đàm tâm liên quan đến hội Linh Sơn nhà Phật:
Nhân duyên to lớn Phật ra đời,
Ca-diếp ấn truyền ngộ được thôi.
Cầm hoa cười mỉm còn nguyên đó,
Lá đẹp hương bay khắp đất trời
Những sự im lặng kiểu này hẳn nhiên đã đạt đến tầm im lặng triết học, đòi hỏi một khả năng tu luyện kiến thức và nhân tâm của cả trăm vạn cuộc đời được chất chứa, tinh lọc lại trong một cuộc đời. Và chúng ta, những kẻ trần phàm mắt thịt không dám mơ đến một sự im lặng triết học ấy. Nhưng chúng ta có thể đối diện với sự im lặng triết học ấy để nhắc nhở mình về một cách sống, cách nuôi dưỡng nguồn cội tâm hồn trong đời sống đầy biến động hôm nay.
Bạn đọc của tôi, xin bạn hãy nhìn thật sâu vào gương mặt Đức Phật trong mỗi ngôi chùa, chắc chắn sự im lặng hiền triết toát lên từ gương mặt ngài, từ ánh mắt ngài sẽ truyền cho bạn một nguồn năng lượng thẳm sâu. Và bạn sẽ ngộ ra rằng ở đời này có những sự im lặng tối cao mà không một trọng lực, một quyền lực, một thế lực nào có thể chạm vào, và làm sự im lặng ấy phải lung lay.