“Tình yêu sét đánh” luôn là một thứ gì đó rất khó để chúng ta có thể giải thích một cách cho thật rõ ràng, trọn vẹn. Người cho rằng đó là khi con tim chiếm toàn quyền kiểm soát cơ thể, người giải thích đó là một loại “hóa chất” nào đó lý trí và não bộ tiết ra, người lại nghĩ rằng mình bị phim làm lãng mạn hóa. Vậy ta nên tin vào lời giải thích nào đây? Và nên “chọn con tim hay là nghe lí trí”?
Dựa theo kết quả của một dự án nghiên cứu có tên Neuroimaging of Love: fMRI Meta-Analysis Evidence Toward New Perspectives in Sexual Medicine (tạm dịch: Hình ảnh của não bộ khi yêu: Bằng chứng phân tích tổng hợp fMRI hướng tới những quan điểm mới trong y học giới tính), do nhóm các nhà khoa học do cô Stephanie Cacioppo dẫn dắt, người ta có một cách giải thích khoa học hơn cả về “Tình yêu sét đánh – Love at First Sight” là gì.
Trong nghiên cứu này, người ta quan sát 12 phần, đúng bạn đọc không nhầm đâu, 12 phần khác nhau của não bộ cơ đấy. Và họ nhận ra rằng não bộ luôn tổng hợp các hợp chất khác nhau để cơ thể hoạt động, và nó chỉ mất chưa đến 1/5 giây để tiết ra các hợp chất và hóc-môn tạo ra cảm giác làm cho ta cảm thấy như bồng bềnh bay lượn trên mây, cái cảm giác đó chính là thứ gọi là tình yêu! Cùng tìm hiểu sâu hơn về nghiên cứu này để trả lời câu hỏi: “chọn con tim hay là nghe lý trí” nhé!
Giải thích theo khoa học
Phim ảnh thường hay so sánh tình yêu như những cánh bướm, và nó “ngập” trong lòng ta cùng những suy nghĩ, những lo lắng bồi hồi. Điều này không sai, nhưng khoa học có thể giải thích những cánh bướm này một cách rõ ràng hơn: “tình yêu không chỉ là bản năng và cảm xúc thuần túy, nó còn là một trạng thái tâm lý phức tạp tạo nên bởi 4 thành tố: chemistry (chất hóa học), cognition (nhận thức), preference/ rewarding mechanism (cơ chế ưu tiên) và intention (định thức) của bạn thân.”
Giải thích rõ hơn, chất hóa học là sự tương hợp của tình cảm, nhận thức là cảm nhận với đối phương, cơ chế ưu tiên là cảm giác đặc biệt dành riêng cho ai đó và cuối cùng là định thức, là ý muốn của chính bạn muốn người kia trở thành một ai đó thật đặc biệt trong cuộc đời. Và tình yêu có hai giai đoạn lớn, trong đó giai đoạn đầu luôn luôn là sự hình thành các nhận thức, các ấn tượng của bạn về người đó. Trong khi giai đoạn hai yêu cầu bạn phải cảm nhận sự thay đổi của các ấn tượng đó theo thời gian.
Tình yêu kèm với Tình ái?
Hiểu sâu hơn một chút về nhận thức muốn “chọn con tim” của bạn thì… Cảm giác “muốn” một ai đó xuất hiện khi bạn liên tục nghĩ về người đó, có những ảo mộng và tưởng tượng tình ái nhất định về người đó. Tuy nhiên tình ái thì lại chỉ có 3 thành tố đó là chemistry (chất hóa học), cognition (nhận thức), preference/ rewarding mechanism (cơ chế ưu tiên) chứ không hề có intention, tức ý muốn trở thành người đặc biệt với nửa kia của mình.
“Bạn đã rơi vào lưới tình? Hay thực ra bạn chỉ muốn đi tìm cá cắn câu?”
Lý giải cho điều này, Cacioppo giải thích rằng thực ra tình ái, hay ham muốn yêu cầu chúng ta có một đối tượng cụ thể, cần một sự kích thích từ bên ngoài. Trong khi tình yêu phức tạp, linh hoạt hơn, ít phụ thuộc vào sự hiện diện của một người nào khác. Cụ thể hơn, tình ái chỉ là động lực để đi đến tình yêu.
Đó là não bộ, là lí trí. Vậy vai trò của con tim là gì?
Chúng ta thường nghe nhắc đến việc phải luôn phân tranh giữa chọn con tim và lý trí trong tình yêu. Vậy khoa học giải thích như thế nào về việc này?
“Vì tình yêu là một trạng thái tâm lý mạnh mẽ, đi kèm các biểu hiện sinh lý khác nhau như tim đập nhanh, hưng phấn, chán ăn, mất tự chủ và giảm nhu cầu ngủ nên cũng không có gì quá khó hiểu khi người ta gán nó với con tim, là bộ phận có nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới các vấn đề này. Nhưng tình yêu không chỉ là một triệu chứng thực thể biểu hiện ở các cơ quan như tim và não. Tình yêu đích thực cũng là thứ phát triển về mặt tinh thần và tâm hồn, và ngược lại với ham muốn, tình yêu lớn dần theo thời gian.
Chưa bao giờ cảm nhận tình yêu sét đánh?
Tình yêu, tình ái, tình cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, lỡ như bản thân mình sẽ không bao giờ có trải nghiệm đó thì sao? Và đây là câu trả lời.
“Miên man suy nghĩ liệu tình yêu sét đánh là có thật?”
“Có thể, nhưng không có tình cảm ngay cái nhìn đầu tiên không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có tình cảm ở những lần gặp sau. Và dù tình cảm bắt đầu ở lần gặp bao nhiêu đi nữa, nó vẫn luôn có thể tiếp tục phát triển và trở thành một mối quan hệ bên lâu trọn đời”
“Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy phần lớn các cuộc hôn nhân đi đến thất bại thường là vì vấn đề tài chính. Vậy nên tình yêu không chỉ là lãng mạn hay xúc cảm, nó bao hàm hơn như thế nhiều. Thậm chí có những cuộc hôn nhân sắp đặt sau này mới phát sinh thành tình yêu, và nó có thể lâu bền hơn cả những hôn nhân khác vì không có vấn đề về tài chính. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một phân tích, một phần nhỏ của bức tranh vì vẫn có những trường hợp ngoại lệ khác” Việc có “chọn con tim” hay không thật ra cũng chẳng chiếm 100% yếu tố thành công trong chuyện tình cảm của bạn.
Tình yêu và tình dược, đâu là “high” đích thực?
Như có nhắc đến ở đầu bài viết, tình yêu là sự kết hợp của các chất xúc tác. Và tình yêu có thể kích hoạt hoạt động trong các khu vực của não tương tự như thuốc gây hưng phấn. Tuy nhiên cái “high” trong tình yêu xuất phát từ những tầng cao cấp của não bộ, và nó phát sinh từ bên trong, có thể kéo dài. Còn dược chất là những tác động bên ngoài, và ảnh hưởng đến những bề mặt nổi của não bộ trong thời gian ngắn.
Điểm chung duy nhất tồn tại giữa “chọn con tim” và “nghe lý trí” có lẽ đó là chúng đều gây nghiện. “Khi bạn gặp một ai đó có vẻ ngoài cực thu hút, não sẽ tạo ra dopamine. Khi chất này tiết ra nhiều và đột ngột, cơ thể sẽ tiếp tục tạo ra các chất xúc tác đi kèm là adrenalin và cortisol, gây ra “hệ lụy” kèm theo như miệng bị khô, đổ mồ hôi, tim đập nhanh. Thậm chí tiết ra các thành tố tạo nên tình yêu như cơ chế ưu tiên và phần thưởng (preference and reward mechanism). Và quá trình này thì cực kì dễ gây nghiện.
Nguồn: Byrdie