“khoan dung” là gì? Nghĩa của từ khoan dung trong tiếng Việt. Từ điển Việt-Việt

thái độ ứng xử rộng lượng, đầy lòng nhân ái của người trên đối với kẻ dưới quyền, của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Những từ sau đây có thể xem như gần đồng nghĩa với từ KD: khoan hoà, khoan nhân, khoan hồng, độ lượng. Ở phương Tây, từ KD ra đời vào thế kỉ 16 trong các cuộc đấu tranh tôn giáo giữa Thiên Chúa giáo với đạo Tin Lành. Tiếp sau đó được mở rộng ra đối với tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng (tất cả mọi người được biểu hiện một cách tự do tín ngưỡng của mình). Đến thế kỉ 19, sự KD được mở rộng cho cả lĩnh vực tư tưởng (tự do tư tưởng). Những người có tư tưởng tiến bộ nhất thời đó không thoả mãn với từ KD, vì cho rằng từ đó biểu đạt một sự khinh thị nhất định khi ta nói với một người nào đó rằng ta “khoan dung” đối với ý nghĩ, tư tưởng của người đó. Nên thay thế các từ đó bằng các từ: sự tôn trọng, sự thiện cảm, lòng yêu thích. Sự KD thực sự phải là việc bảo đảm cho mọi người được tự do bày tỏ ý nghĩ, chính kiến của mình, dẫu rằng ta không chung một niềm tin với họ. Một thái độ như vậy bắt nguồn từ lòng kính trọng đối với con người, từ sự thừa nhận tính tương đối hoặc cả sự thiếu sót trong quan điểm của chính mình. Quan điểm đó có thể được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú thêm bằng ý kiến, quan điểm của những người khác. KD không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ xác tín của mình, một sự dung hoà vô nguyên tắc, nhưng cần có một thái độ lắng nghe nhau một cách khách quan, vô tư, tôn trọng nhau, thuyết phục, bác bỏ nhau bằng luận cứ lí luận và thực tế vững chắc. Trong thời kì “chiến tranh lạnh”, cuộc đấu tranh ý thức hệ có lúc, có nơi đã bị đẩy đến chỗ cực đoan, mỗi bên đều xem xứ sở của đối phương là “Vương quốc của Cái xấu, Cái ác, Cái sai tuyệt đối”, cần được xoá bỏ, tiêu diệt bằng bạo lực, chiến tranh.

Ngày nay, nhân loại đã bước vào một thời kì lịch sử mới cả với cơ may và thách thức, hi vọng và lo âu xen kẽ nhau. Hoà bình và phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng hành tinh của chúng ta vẫn tiềm ẩn biết bao nguy cơ, trong đó có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, chủ nghĩa cường quyền bạo ngược, nạn khủng bố quốc tế, sự ngóc đầu trở lại của chủ nghĩa phát xít. Nguyên tắc mạnh được yếu thua, bao vây cấm vận, áp đặt các giá trị, lối sống của mình cho các dân tộc, quốc gia khác… vẫn diễn ra một cách phổ biến.

Khoá họp lần thứ 26 của UNESCO (1991) đã đề ra ý tưởng về “Năm quốc tế vì sự khoan dung”. Giáo dục “Văn hoá hoà bình, văn hoá khoan dung” bằng sự nỗ lực chung cuả cộng đồng quốc tế. “Khoan dung phải là tên gọi mới của hoà bình”. Năm quốc tế vì sự KD đã được Tổng thư kí Liên hợp quốc phát động ngày 21.1.1995. Dĩ nhiên sự KD không giải quyết được tất cả các vấn đề của thế giới ngày nay, nhưng nó có thể giúp chúng ta tìm cách ứng xử những vấn đề đó theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.

Tinh thần KD cũng là một giá trị quan trọng cuả văn hoá Việt Nam. Cuộc đấu tranh gian khổ để chinh phục thiên nhiên, tạo nên nền văn minh lúa nước sông Hồng đã thúc đẩy 15 bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt hợp nhất lại thành nước Văn Lang mà không trải qua những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn như nhiều nơi khác trên thế giới. Những cuộc khởi nghĩa giành độc lập, những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc diễn ra nhiều lần trong lịch sử trong thế “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn” cũng quy tụ, đoàn kết dân tộc ta thành một khối. Ở Việt Nam, không xảy ra chiến tranh tôn giáo, mà là “tam giáo đồng nguyên” (Nho, Phật, Lão). Ở các làng, xã, (nhất là vùng trung du và đồng bằng sông Hồng) có đền, đình, chùa, miếu, văn chỉ, văn miếu cùng tồn tại bên nhau, thể hiện một sự dung hợp trong đời sống tâm linh.

Tinh thần KD của cha ông ta đã được Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá – kế thừa, phát triển và vận dụng hết sức nhuần nhuyễn để phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Ở Hồ Chí Minh, KD và nhân ái quyện chặt vào nhau thể hiện niềm tin yêu, sự quý trọng đối với con người, ở sức mạnh cảm hoá của cái thiện, cái nhân nghĩa. “Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được vì độ lượng của nó rộng và sâu”. “Chỉ sợ lòng mình không rộng chứ không sợ người ta không theo mình” ; KD, nhân ái cuả Hồ Chí Minh đã thu phục lòng người để thực hiện thành công chính sách đoàn kết, đại đoàn kết.

Rate this post

Viết một bình luận