‘Không nên cho trẻ học tiếng Anh trước 12 tuổi’

Trẻ quá nhỏ chỉ thuần túy là bắt chước, chưa nhận thức về ngôn ngữ mẹ đẻ theo các giao tiếp thông thường, nên khó tiếp nhận ngoại ngữ.

(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)

Cho con học tiếng Anh từ năm 2 tuổi là quá sớm. Lứa tuổi này, trẻ con chỉ đang bập bẹ tiếng mẹ đẻ, thuần túy là bắt chước, không hiểu ý nghĩa từ vựng. Ví dụ, mẹ nói với ba: “Anh ơi, lấy cho em cái chổi” thì bé cũng bắt chước theo nguyên văn – gọi ba bằng “anh” và tự xưng “em”. Hỏi con “chổi là cái gì?”, bé cũng không biết. Tiếng mẹ đẻ không thông, ngoại ngữ làm sao thạo?

Độ tuổi bắt đầu học ngoại ngữ tốt nhất vẫn là năm 12 tuổi, năm học lớp 6. Tuổi này, trẻ em đã có nhận thức về ngôn ngữ mẹ đẻ theo các giao tiếp thông thường – trừ thuật ngữ đòi hỏi phải có nhận thức và trình độ học vấn cao hơn. Như vậy, lớp 6 học tiếng Anh sơ cấp để giao tiếp thông thường; lớp 10 học tiếng Anh nâng cao với những kiến thức phổ thông, kiến thức xã hội ngày càng nhiều hơn – sử dụng nhiều thuật ngữ hơn; Đại học sử dụng tiếng Anh cao cấp với rất nhiều từ vựng là thuật ngữ chuyên ngành. Thuật ngữ nói chung đòi người ta phải tư duy sâu vào nội dung của câu nói (hay câu văn) bất kể là người nói, viết hay người nghe, đọc.

Không phải người nào học ngoại ngữ cũng đều giỏi như nhau. Người có thiên hướng xã hội (quản trị, chính trị, ngoại giao, luật, sư phạm, báo chí…) có thể thông thạo nhiều ngoại ngữ cùng một lúc là chuyện bình thường. Người có thiên hướng về khoa học tự nhiên lại học ngoại ngữ khá chật vật, nhiều lắm là giỏi hai ngôn ngữ. Nhưng thiên hướng bẩm sinh chưa phải là tất cả, khả năng học ngoại ngữ còn phải theo độ tuổi bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ ấy. 12 tuổi bắt đầu tiếp xúc thì mỗi ngày chỉ cần hai giờ trong môi trường tiếng Anh (không xen lẫn tiếng mẹ đẻ vào). 22 tuổi bắt đầu tiếp xúc thì cần thời gian gấp đôi. Ngoài 30 tuổi thì thời gian cũng gấp đôi so với độ tuổi 22. Ngoài 40 tuổi thì thôi, bạn phải ở trong một xã hội toàn người nói tiếng Anh 24/7 mới có thể học được… 

>> ‘Con tôi kém tiếng Việt vì học tiếng Anh từ sớm’

Tóm lại, học ngoại ngữ càng trễ càng khó học vì “bộ nhớ” của chúng ta đã bị lấp đầy bởi rất nhiều thông tin khác. Sử dụng ngôn ngữ nào nhiều – tư duy bằng ngôn ngữ ấy nhiều, thì ngôn ngữ ấy sẽ chiếm ưu thế. Bạn có thể nói năng lưu loát 5-6 ngoại ngữ, nhưng khả năng đọc, viết của bạn chỉ rơi vào ngôn ngữ nào mà bạn dùng nhiều nhất. Nghe, nói, đọc, viết thông thạo nhiều ngôn ngữ cùng một lúc là điều không thể. Tức là, bạn chỉ có thể thông thạo tiếng mẹ đẻ và một ngoại ngữ nào đó thôi, những ngoại ngữ khác chỉ ở tầm giao tiếp thông thường.

Đối với người châu Âu, hầu như ai tốt nghiệp phổ thông xong cũng có thể thông thạo tiếng mẹ đẻ và biết tiếng Anh. Bên ngoài khối EU, trừ những nước xem tiếng Anh là quốc ngữ ra thì ai cũng như người Việt, bởi không phải ai cũng cần phải học tiếng Anh. Tôi đi du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… những người biết tiếng Anh không nhiều với tuyệt đại đa số là người trẻ và ham học. Với số đông người Việt Nam, chúng ta chỉ cần học tiếng Anh đến tầm mức giao tiếp thông thường là đủ. Những người cần học nâng cao là những người có xu hướng đi du học hoặc làm việc ở nước ngoài.

Những nước mà tôi nói ở trên, tuy ít người biết tiếng Anh nhưng họ vẫn có những trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cho du học sinh (du học sinh chỉ học ngôn ngữ của họ, ở những ngành mà họ coi là đặc thù, chỉ nước họ mới có). Như vậy, để học sinh Việt giỏi tiếng Anh, bất kể có đi du học hay không, việc đầu tiên là chúng ta phải có trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Từ đó thúc đẩy việc cải cách chương trình học tiếng Anh ở trường phổ thông.

Ở đây, tôi chỉ phát biểu dựa trên số đông, không phải cho số ít người có điều kiện hoặc có năng khiếu bẩm sinh. Chỉ cần Việt Nam có những trường đại học như vậy, bằng đại học của ta được quốc tế công nhận là chuyện trong tầm tay. Khi ấy, học sinh Việt Nam sẽ chỉ còn đi du học ở những ngành nghề mà trình độ khoa học của ta chưa vươn tới được.

>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.

Lâm

Rate this post

Viết một bình luận