Không sử dụng “Ma túy đá” dù chỉ một lần .CÔNG AN TRA VINH

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Cao Thanh Dân, Trưởng khoa phòng chống HIV AIDS, Trung tâm chăm sóc bệnh tật tỉnh Trà Vinh cho biết, tác hại của ma túy đá là khôn lường, người sử dụng ma túy đá thời gian đầu sẽ cảm thấy tươi tỉnh, sản khoái, tràn đầy sinh lực, tăng khả năng giao tiếp, không cảm thấy mệt, không đói, tuy nhiên thường cảm thấy khô họng, bị đau họng, khó nuốt. Nếu sử dụng ma túy đá thường xuyên hoặc quá liều sẽ dẫn đến tình trạng bị loạn thần, gây ảo giác, hoang tưởng và nhiều tác hại khác đối với cơ thể người sử dụng. Loạn thần là tác hại nguy hiểm nhất, loạn thần có 2 dạng: ảo giác và hoang tưởng. Ảo giác gồm: ảo thanh, ảo thị, ảo khứu và rối loạn về cảm giác.“Hoang tưởng là trường hợp người sử dụng ma túy đá nghĩ và làm những việc hoàn toàn không có thật, ví dụ như tưởng mình là chim thì 2 tay bay như chim, hoặc tưởng là cá thì nằm dưới lộ bơi như cá, nguy hiểm nhất là người sử dụng ma túy đá nghĩ mọi người xung quanh ai cũng cầm hung khí đuổi đánh mình, nên người đó phản ứng rất dữ dội, họ có thể dùng hung khí tấn công mọi người xung quanh gây thương tích, thậm chí là thiệt hại đến tính mạng”, bác sỹ Dân nói.

Cũng theo bác sỹ Dân, ma túy đá là một trong những loại ma túy mạnh nhất, có tác dụng kích thích lên hệ thần kinh trung ương và cơ thể.Khi sử dụng liều cao hoặc sử dụng nhiều lần liên tục có thể nhiễm độc cấp, biểu hiện bằng tình trạng kích thích mạnh về tâm thần, gây ảo giác, hoang tưởng cấp, rối loạn cảm xúc và hành vi, người bệnh mất kiểm soát. Những biểu hiện này gọi là “ngáo đá”.“Biểu hiện của ngộ độc ma túy đá, hay còn gọi là “ngáo đá” là do nồng độ ma túy đá cao, nó tác động lên hệ thần kinh rất mạnh, từ đó xuất hiện nhanh và mức độ cao trường hợp ảo giác, hoang tưởng, xuất hiện một lượt,thì người sử dụng không tự chủ được bản thân, làm bất cứ việc gì cũng là vô thức”, bác sỹ Dân cho biết.

Khi đối tượng sử dụng ma túy bị “ngáo đá” thường có những hành động rất manh động, không chỉ có thể gây thiệt hại cho bản thân người bị “ngáo đá” mà còn có thểgây hại cho những người xung quanh, bởi khi bị “ngáo đá” đối tượng có thể dùng hung khí tấn công người khác gây thương tích, thậm chí là giết người một cách vô cớ. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Minh Trí, Phó đội trưởng đội Cảnh sát 113, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh cho biết: “Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát 113 đã giải quyết một số vụ việc liên quan đến ANTT, mà đặc biệt là liên quan đến đối tượng ngáo đá. Biểu hiện của đối tượng ngáo đá thường là la hét, hoảng loạn, đập phá đồ đạc, chửi bới, thậm chí đối tượng xông vào nhà người khác, hoặc trèo lên nóc nhà, cột điện, cây cao để cố thủ, hoặc đối tượng khi gặp những vật gì trước mặt mình như dao, búa thì đối tượng chém hoặc chống trả lại, không kể bất cứ ai trước mặt mình. Để xử lý vụ việc này thì lực lượng Cảnh sát 113 hết sức là thận trọng, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do đối tượng ngáo đá gây ra”.

Rạng sáng ngày 14/5/2018, người dân ở ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long phát hiện một thanh niên có biểu hiện “ngáo đá”, trên tay cầm một thanh sắt liên tục la hét, cho rằng có kẻ truy sát mình, sau đó trèo lên nóc nhà của một người dân cố thủ nên báo lực lượng Công an. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát 113 phối hợp với phòng Cảnh sát PCCC và CN-CH Công an tỉnh và chính quyền địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường, thuyết phục người thanh niên này nhưng không thành. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 6 giờ cùng ngày, lực lượng Công an mới áp sát, khống chế, tước hung khí và đưa đối tượng về trụ sở Công an làm việc. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai tên Lê Văn Luân (23 tuổi, ngụ ấp Tân Định, xã Đại Phúc, huyện Càng Long) và thừa nhận đã sử dụng ma túy đá trước đó.

Trao đổi với chúng tôi, Luân cho biết, cách đây hơn 6 năm, Luân lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê và bị bạn bè lôi kéo sử dụng ma túy đá, đêm 13, rạng sáng ngày 14/5/2018, sau khi nhậu say, Luân sử dụng ma túy đá một mình, sau đó xảy ra hiện tượng ảo giác, Luân thấy mình bị nhiều người đuổi đánh nên bỏ chạy và trèo lên nóc nhà một người dân ở ấp Giồng Chùa, xã Phương Thạnh cố thủ.

Đáng lưu ý là mặc dù Luân nghiện ma túy trong thời gian dài nhưng người thân trong gia đình không hề hay biết Luân nghiện ma túy, tiếp xúc với chúng tôi, ông Lê Văn Minh (cha của Luân) cho biết,gia đình nghèo nên ông phảiđi làm thuê, còn Luân cũng đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh nên việc quan tâm, chăm sóc đối với Luân cũng không được thường xuyên, bản thân ông và gia đình không hề hay biết việc Luân sử dụng ma túy đá, khi xảy ra sự việc Luân bị “ngáo đá” thì gia đình mới biết Luân nghiện ma túy.

Ông Trần Minh Quang, Trưởng phòng y tế và phục hồi sức khỏe, Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có phát đồ điều trị cụ thể đối với việc cai nghiện ma túy đá, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng các hậu quả do ma túy đá gây nên, như: điều trị bằng thuốc chống loạn thần, trầm cảm, lo âu, thuốc thải độc cho cơ thể…Việc cai nghiện chỉ thành công khi người nghiện có quyết tâm từ bỏ ma túy đá. Sau khi cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện ma túy đá rất dễ bị tái nghiện nếu không quyết tâm từ bỏ hoặc thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với người sử dụng ma túy đá khác, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, không có công ăn, việc làm ổn định.

Ma túy đá là một loại chất gây nghiện nguy hiểm, không chỉ gây tác hại nặng nề cho người sử dụng, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác cho gia đình và xã hội. Thử một lần có thể gây mất mạng ngay lập tức, hoặc để lại nhiều di chứng về tâm thần rất khó chữa. Thiết nghĩ, các gia đình cần có những biện pháp để quản lý con em mình về thời gian, tiền bạc, các mối quan hệ và đặc biệt là cần giáo dục giới trẻ những tác hại của ma túy nói chung và ma túy đá nói riêng, không dùng thử dù chỉ một lần.
 

Hồng Dương

 

Rate this post

Viết một bình luận