Kiên cường trong nghĩa tình quân dân
Trời Quảng Bình nắng như đổ lửa, từng cơn gió Lào thổi khô khốc cả vùng quê Tuyên Hóa. Ấy nhưng bước chân vào khuôn viên Khu di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, nắng như dịu hơn, gió ru nhẹ những tán cây xà cừ tỏa bóng giữa không gian trầm mặc và thiêng liêng.
Từ đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua xã Thanh Hóa, chúng tôi rẽ theo con đường bê-tông chừng 3km vào bản Hà để rồi từ đó đi một quãng nữa là đến chân Lèn Hà. Theo người dân địa phương, trong thời kỳ chiến tranh, khu vực này nằm sâu trong rừng Trường Sơn, hang Lèn Hà ở lưng chừng núi rộng khoảng 420m2, địa thế hiểm trở nên bộ đội Trường Sơn chọn làm nơi đặt Trạm thông tin. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu, ngày 7-1/1967, Trạm thông tin A69 được thành lập, thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134, nay là Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc.
Trạm gồm nhiều bộ phận như: Tải ba, tổng đài, đường dây, nguồn điện, hậu cần… làm nhiệm vụ trung gian chuyển tiếp trên trục thông tin quân sự bắc – nam và sang chiến trường các nước Đông Dương, nhằm bảo đảm thông tin liên lạc cho các cụm kho của Đoàn 559. Trạm Thông tin A69 còn là kho dự trữ chiến lược vật tư, trang bị kỹ thuật sẵn sàng thay thế cho tuyến đường trục bắc – nam.
Theo chỉ dẫn của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm gặp ông Cao Xuân Thung ở thôn 3 – Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, nguyên là Trung đội trưởng dân quân Thanh Lạng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ để hiểu hơn về những ngày tháng sống và chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69. Ông Thung bùi ngùi nhớ lại: “Thời điểm Trạm thông tin A69 đóng tại hang Lèn Hà, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, máy bay Mỹ ngày đêm ném bom xuống địa bàn xã. Tôi vừa làm Trung đội trưởng, dân quân vừa là Phó bí thư chi đoàn nên thường xuyên gặp gỡ các chiến sĩ của trạm. Cùng với nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ của Trạm thông tin A69 cùng với chúng tôi giúp người dân tăng gia sản xuất, đào hầm tránh bom đạn giặc Mỹ, nghĩa tình quân-dân rất gắn bó”.
Tư liệu lịch sử của Binh chủng Thông tin liên lạc ghi lại: Vượt lên tất cả những hiểm nguy, nhất là các trọng điểm địch đánh phá, như: Khe Nét, Thanh Lạng, Đò Vàng; những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần giữa núi rừng Trường Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 đã kiên cường bám dây, bám máy phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng thông tin các quân chủng, binh chủng, tạo nên một mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến, tiếp chuyển hàng triệu phiên liên lạc phục vụ cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên chiến trường. Trước mọi tình huống, bằng ý chí, nghị lực, cán bộ, chiến sĩ Trạm đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nên những chiến công, thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt”
Chiều 2/7/1972, máy bay Mỹ ném bom vào khu vực Trạm, 13 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 10 chiến sĩ nữ và 3 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh. Đó là các nữ chiến sĩ: Hoàng Thị Liên, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Luận, Chu Thị Mạnh, Lê Thị Châm quê Phú Thọ; Trần Thị Loan, Nguyễn Thị Thảo quê Ninh Bình; Vũ Thị Lan quê Thái Bình; Bùi Thị Lung quê Hòa Bình; Cao Thị Xuyến quê Thanh Hóa; Trạm trưởng Đàm Văn Trình quê Hưng Yên; Lương Văn Chấn quê Cao Bằng; Trần Văn Xây quê Phú Thọ.
Trong đó, có những hy sinh, mất mát hết sức cảm động. Đồng đội của các liệt sĩ kể lại rằng, chị Chu Thị Mạnh ở Phú Thọ nhập ngũ khi mới 15 tuổi, trong trận bom của kẻ thù dội xuống hang Lèn Hà trưa hè năm ấy, chị hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ trên vọng gác Trạm A69 khi vừa bước sang tuổi 16 trăng tròn. Còn chị Vũ Thị Lan ở Thái Bình đã ngã xuống ở Lèn Hà, khi chưa kịp khoác lên mình chiếc áo cô dâu ở tuổi 22. Trước đó, chị đã được đơn vị đồng ý cho về quê tổ chức đám cưới với một chiến sĩ tên Hưng cũng đang chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Cảm động hơn, ngày chiến sĩ Hưng nhận được tin người yêu hy sinh, anh cũng đã xung phong ở lại trạm thay chị Lan tiếp tục nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc.
Trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Trạm thông tin A69 chỉ duy nhất liệt sĩ Trần Văn Xây (sinh năm 1946, ở thị xã Phú Thọ) đã có gia đình. Trước ngày hy sinh, anh Xây vừa nhận được tin vợ ở quê nhà sinh được con trai. Ngày nhận được tin, anh vui đến nỗi hét vang núi rừng. Song, trận bom hủy diệt của kẻ thù đã khiến anh mãi mãi không gặp mặt được con.
“Quảng Bình ơi, ta đã về đây vui Tết/Tết năm nay, ôi cái Tết xa nhà/Tết năm nay sao lại nhớ quê ta/Khi Đảng gọi, đoàn ta đi chống Mỹ”. Đó là những câu thơ mà liệt sĩ Vũ Thị Lan để lại cho Lèn Hà trước khi các anh, các chị hóa thân vào lòng đất mẹ Quảng Bình anh hùng, để mạch máu thông tin chảy mãi không ngừng, góp phần cùng quân, dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam cho biết, để Khu di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà tiếp tục được củng cố, tu sửa ngày càng khang trang trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, huyện đã đầu tư mở rộng con đường từ đường Hồ Chí Minh vào hang Lèn Hà. Binh chủng Thông tin liên lạc phối hợp Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội tiến hành số hóa 3D các hạng mục trong khu di tích; thi công gắn bia đá, cắm mốc khuôn viên và làm đường nội bộ liên kết 11 hạng mục nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 nhằm đáp ứng nguyện vọng thăm viếng, tưởng niệm liệt sĩ của đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Nửa thế kỷ đã qua, giữa thâm u Trường Sơn vẫn sừng sừng một Trạm thông tin, dù chỉ là mô hình phục dựng, dựa lưng vào núi đá, sự hy sinh anh dũng của các anh, chị vẫn còn khắc ghi trong những tấm bia nồng hương khói. Đâu đó ở hang Lèn Hà như vẫn vang lên lời hiệu triệu của cán bộ, chiến sĩ thông tin A69: “Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt”. Giờ đây, Trạm cơ vụ A69 không chỉ là niềm tự hào của bộ đội thông tin, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mà còn là địa chỉ “đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ để khúc tráng ca Lèn Hà mãi ngân vang.
Đầu tháng 7 vừa qua, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phối hợp Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69 (2/7/1972 – 2/7/2022). Dự lễ tưởng niệm, có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tỉnh Quảng Bình và thân nhân các liệt sĩ cùng đông đảo nhân dân địa phương.